Tỉnh giấc phù du

Đăng lúc: Thứ tư - 30/01/2013 09:33
(VNTG) Chiều, chưa tới giờ chị đi thể dục thì trời đã mưa. Mưa kéo dài đến nửa đêm chưa dứt. Mưa đến thật nhanh, mới thấy mây đen xuất hiện bên kia vòm cầu thì những hạt nước đã rơi lộp bộp, lốp bốp trên mái nhà, cứ như có ai cầm từng nắm sỏi quăng mạnh xuống mái tôn vậy.
Minh họa: Lê Hồng Thái

Minh họa: Lê Hồng Thái

Rồi tức thì, tiếng ào ào, ràn rạt, rầm rập hung hãn, dữ dội như hàng trăm ngàn ngọn roi quất mạnh xuống mái tôn. Chưa bao giờ chị nghe tiếng mưa rào thét kinh khủng như vậy. Chị thấy con người thật nhỏ nhoi trước cơn thịnh nộ, giận dữ của trời đất. Không phải chỉ những ngày bão tố mới có những trận mưa như vậy, mà những ngày thường tiếng mưa cũng lấn át mọi âm thanh, cũng gào thét chói tai như vậy. Ngày đầu đến mướn ngôi nhà này chị đã mừng vì tuy nó nằm ngay dưới dạ cầu nhưng không nghe tiếng xe; xế chiều còn được hưởng bóng mát của nó. Khi trận mưa đầu tiên đến chị mới nếm trải thế nào là ở dưới gầm cầu. Chiều chiều đi bộ trên con đường đá đỏ dọc theo dạ cầu, chị thấy những chỗ trũng hình tròn nằm cách đều nhau. Nhìn lên cầu, chị lại thấy hàng ống tròn chạy dài theo lan can, cũng cách đều nhau như vậy. Chị không nghĩ gì cả, cho đến khi đám mưa Nam đầu tiên xuất hiện. Mưa, những cái ống đó đổ xuống những cột nước. Vô số cột nước ào ào tuôn xuống, rồi bị gió xé ra thành những cây roi quất mạnh xuống mái nhà. Nên tiếng mưa giống như có hàng trăm bàn tay đang nghiêng thùng đổ nước xuống vậy. Mà mưa ở đây cũng thật lạ, cứ vài phút lại gào thét, giãy nảy như đứa trẻ bị giật đồ chơi, rồi nín bặt. Vừa tạnh lại mưa. Tiếng mưa, tiếng gió hú, tiếng cành cây quất lên mái tôn như muốn lật tung ngôi nhà. Chị sợ hãi khi nghĩ đến cảnh một tấm tôn bị lật lên. Ai sẽ giúp chị đây? Từ ngoài đường cái chạy vào chỉ có cụm nhà này. Cụm nhà cách bờ sông chừng 100 mét. Chung vách với chị là gia đình anh chị Tám, nhưng họ đã đi đâu đó từ chiều hôm qua. Bên kia con hẻm là nhà anh hai Chí, phía trong một chút là gia đình chị Hữu chủ nhà. Mọi người đã tắt đèn từ lâu rồi. Đứa cháu trai sống với chị sau kỳ thi đã về quê xả hơi mấy ngày nay. Chị chìm trong cô đơn, trong sợ hãi. Chị muốn ngủ cũng không thể ngủ, đọc sách không được, xem tivi càng không được; tiếng mưa hung hãn thống trị tất cả. Chị nhìn ra cửa, nước lại tràn vào nhà. Những vệt nước màu vàng đục như con rắn bò chầm chậm trên nền xi măng trắng mốc. Chỉ mấy phút sau nước đã chiếm lĩnh toàn bộ khoảng trước của căn nhà. Chị lấy thau, lấy mo nhựa tát, vét không cho nước tràn vô phòng thằng cháu và chỗ chị ngủ. Càng tát nước lại càng nhiều hơn, thì ra miếng giẻ nhét cái lỗ thủng ở góc tường bị bung ra. Chị lấy búa, lấy cây đóng nêm chặt lại, rồi lại tát. Tiếng tát nước sành sạch, tiếng mo nhựa cà xuống nền xi măng ràn rạc lẫn trong tiếng mưa. Vừa tát cạn lại mưa, nước lại tạt vào cửa, chảy vào nhà. Chị mệt mỏi buông thau chậu, lấy những thứ phải tránh nước chất đầy lên bàn, rồi buông mùng, tắt đèn. Chị nằm đó chong mắt chờ cơn mưa tạnh.

Rồi chị thiếp đi lúc nào không biết. Giấc ngủ chập chờn mộng mị đưa chị về với cái thời huy hoàng và sau đó là đổ nát. Chị thấy lại những ngày gia đình chị sống trong ngôi biệt thự giữa trung tâm thành phố. Ngôi biệt thự rộng lớn có hoa kiểng, hòn non bộ và các pho tượng mỹ nữ ở phía trước; phía sau là khu vườn nhỏ có mái che bằng dây leo. Lối đi rải sỏi trắng, bốn mùa đều có hoa nở và đầy ắp tiếng chim. Những chiếc lồng chim to, đẹp, nhốt những chú chim cũng thật đẹp, thật kiêu sa, nhưng chỉ được nhảy nhót trong cái không gian chưa đầy 0,6 mét vuông. Chiều chiều chị hay một mình ra vườn, ngồi trên chiếc ghế xích đu ngắm những chú chim và thầm tội nghiệp chúng. Ở góc vườn còn có một cây đa rất lớn với những chú sóc xinh xắn, những chú khỉ siêng làm trò. Có thể nói, nhà chị không thiếu thứ gì, chỉ thiếu sự ấm áp. Chồng và hai con của chị, mỗi người có một vương quốc riêng trong ngôi nhà ấy. Đi làm về là họ vào phòng, đóng cửa lại, chị chỉ được gặp họ trong những bữa ăn. Nhưng những bữa ăn có đủ bốn người cũng thưa dần. Khi thì trực, khi tiếp khách, khi giao dịch với khách hàng… chồng và con gái, con trai chị thay nhau vắng mặt trong các bữa cơm gia đình. Chị làm bạn với cái tivi, với mấy con thú sau vườn và hai người giúp việc. Những điều chị muốn nói với anh phải cất trong lòng chờ cơ hội, chờ riết rồi không còn muốn nói nữa. Đi làm về, bước xuống xe là anh vào phòng đóng cửa lại; tắm trong đó, giải trí trong đó, làm việc trong đó, thậm chí có khi còn ăn trong đó. Căn phòng ngủ của hai vợ chồng bên đây, chỉ cách có một cánh cửa mà chị thấy ngày càng xa vời vợi. Chuyện của anh, chuyện nào cũng quan trọng, cũng có liên quan đến những ông to bà lớn; còn chuyện của chị chỉ là lễ nghĩa, giao tế với họ hàng, hiếu đạo với mẹ cha, lo lắng cho con cái… Chị rất lo, có phải vì được lớn lên trong đủ đầy vật chất mà tâm hồn hai con chị trở nên nghèo nàn? Chúng sống rất vô tâm, hầu như không có chuyện gì làm cho chúng xúc động. Mỗi khi xem các chương trình từ thiện, như “Chắp cánh ước mơ”, “Vượt qua hiểm nghèo”… thấy các mảnh đời rách nát, khốn cùng chị rơm rớm nước mắt, chúng lại cười cho là chị “cải lương”. Thấy bão lũ làm hàng ngàn người sống trong cảnh màn trời chiếu đất, đói ăn thiếu mặc, chị chắc lưỡi kêu trời, chúng nói chị lo chuyện bao đồng. Chúng bảo, nếu chị muốn thì gởi cho họ vài trăm ngàn là xong, việc gì phải buồn rầu như vậy? Tiền, cái gì chúng cũng chỉ dùng tiền để giải quyết. Ông bà ở dưới quê, ngày Tết, ngày giỗ không về, thì gởi biếu ít tiền là xong. Họ hàng bị bệnh, từ dưới quê lên tận đây nằm viện, chỉ có chị tới thăm; còn chồng và hai con chị thì nhờ “cái bao thư” thăm hỏi. Chị cũng biết, những người nghèo rất cần tiền, nhưng không phải là những đồng tiền bố thí, mà là những đồng tiền xuất phát từ tấm lòng chân thành, từ sự cảm thông, san sẻ. Mấy lần giỗ ông bà chúng viện cớ này cớ nọ không về, chị phải lựa lời nói khéo để họ hàng không trách. Làm sao đây? Có thứ thuốc nào trị được bệnh vô cảm của chồng, của con chị không? Chị có rất nhiều tiền, tiền của anh mang về nhiều gấp mấy lần cái chức giám đốc sở của anh; nhưng tiền không mua được sự chu đáo, tinh tế cho anh; không làm thay đổi được nếp sống, cách nghĩ ích kỷ của các con chị. Bạn bè ganh tị với chị, bảo chị là người phụ nữ đầy đủ nhất, hạnh phúc nhất; nhưng đâu có ai hiểu được chị thà sống đạm bạc mà vợ chồng có nhau, con cái cần sự chăm sóc, thương yêu của chị; còn hơn giàu sang mà lẻ loi như ốc đảo, như cái bóng trong gia đình. Bé Mai, đứa con gái ngày nào lon ton dưới chân chị trong các lớp dạy đêm bây giờ là giám đốc nhà hàng - khách sạn 4 sao, 5 sao gì đó. Còn thằng Tùng, đứa con trai èo uột, khó nuôi của chị, năm một tuổi nó bị một trận đau thập tử nhất sanh, chị phải nghỉ dạy để có thời gian chăm sóc nó; bây giờ là giám đốc một công ty xây dựng. Chỉ có chị, một cô giáo tiểu học bỏ nghề nên không tiến thêm được bước nào. Chị rớt lại phía sau của nền khoa học tiên tiến, của thời đại bùng nổ thông tin, nên thường đứng ngoài những cuộc bàn thảo của chồng con. Ban đầu, mỗi khi anh đem tiền về chị còn hỏi và được biết đó là tiền cổ tức, tiền lãi trong mua bán cổ phiếu, bất động sản … Về sau thấy anh tỏ vẻ không vui, nên chị lẳng lặng đem tiền cất vào tủ sắt, hoặc gởi ngân hàng. Thật sự thì chị cũng chỉ biết bập bõm những địa chỉ làm ăn của anh; vì đầu tư vào đâu, hùn hạp với ai, làm ngành nghề gì… anh chưa hề hỏi ý kiến chị. Chị là một người “mù kinh tế” như chồng và hai con chị thường nói; nhưng ngay cả kinh tế gia đình mà chị cũng mù thì thật buồn. Không hiểu sao lúc nào chị cũng thấy phập phồng lo sợ như đang đi trên băng.

Rồi cái gì đến cũng đã đến. Báo chí đưa tin Tập đoàn The Sun vỡ nợ, kéo theo hàng loạt công ty, xí nghiệp phá sản. Chị loáng thoáng nghe trong đó có tên vài công ty mà chồng chị đầu tư. Chị đứng ngồi không yên, mong anh về để hỏi cho rõ, nhưng đợi hết đêm mà không thấy anh về. Con Mai, thằng Tùng chỉ tạt về nhà lúc nghỉ trưa. Hai đứa nó vào phòng to nhỏ gì đó rồi đi ngay. Ngày sau thì công an tới, đọc lệnh xét nhà và niêm phong tài sản. Tai chị lùng bùng, chị không nghe rõ là họ nói gì, chỉ biết là chồng chị mắc nhiều tội lắm. Con trai chị cũng vướng vào. Hình như chồng chị lấy tiền công quỹ để đầu tư vào các công ty, nhập hàng nước ngoài; rồi hối lộ để thằng Tùng trúng thầu các công trình lớn…

Chị đứng như trời trồng. Có ai đó vỗ vỗ vào vai chị, bảo chị bình tĩnh. Chị đâu có khóc la gì đâu mà không bình tĩnh? Như chợt nhớ ra, chị đến bàn gọi điện thoại cho con trai, không liên lạc được. Chị gọi cho con gái, nó không bắt máy. Người ta cho chị lấy những đồ vật sinh hoạt cá nhân, nhưng chị không biết lấy cái gì. Chị thẫn thờ nhìn cậu lái xe và chị giúp việc đem quần áo, mùng mền và mấy thứ lặt vặt trong phòng ngủ, nhà bếp…bày ra hành lang. Rồi các cửa tủ, cửa phòng, cửa nhà… đều bị niêm phong.

Xong hết rồi, những người thi hành công vụ đi rồi con Mai mới về. Nó khóc! Lần đầu tiên chị thấy nó khóc nhiều như vậy. Nó nói thằng Tùng cũng bị tạm giam như cha nó. Nó đưa chị vào khách sạn, tối về đó ngủ với chị. Rồi tòa xử cha nó 6 năm tù; nhà cửa, tài sản đều bị tịch thu. Thằng Tùng được thả nhưng mất một nửa công ty và mất hết danh dự. Nó gom góp vốn liếng theo một người bạn lên Bình Dương lập nghiệp. Con Mai cũng xin chuyển ra Vũng Tàu, phụ trách một khách sạn ngoài đó. Chị không theo thằng Tùng, cũng không theo con Mai, chị ra ngoại ô tìm thuê ngôi nhà nhỏ này và sống bằng nghề may gia công để chờ chồng về. Đồng nghiệp cũ khuyên chị nên nhận một nhóm trẻ dạy kèm, nhưng chị rất ngại tiếp xúc với nhiều người. Chị sợ những nụ cười giả tạo và tiếng thì thầm sau lưng chị. Mấy anh em dưới quê kêu chị về dưới sống, nhưng chị còn mặt mũi nào mà về? Có lẽ thương chị sống cô quạnh, nên em gái chị gởi đứa con ở cùng.

Tiếng xe tải ầm ầm trước nhà làm chị tỉnh giấc. Trời sáng rồi, mưa chỉ còn lắc rắc. Chị rút miếng giẻ nhém cái lỗ ở góc tường cho nước chảy ra; rồi lại tát, vét, lau. Cuối cùng cái nền nhà cũng khô ráo. Bắc nồi cơm lên, chị ngồi vào bàn máy may, bắt đầu công việc của một ngày. Chị nhấn ngón chân cái, tiếng máy chạy rè rè; chị nhất nhẹ ngón chân, máy ngưng lại. Chị điều khiển tốc độ theo ý muốn, đường chỉ theo ý muốn; chị không còn phập phồng lo sợ như người đi trên băng nữa. Nhìn những bộ quần áo đẹp được làm ra từ đôi tay của mình, chị thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Những sản phẩm chị đem lại cho đời, những đồng tiền chị kiếm được bằng sức lao động của mình giúp chị khẳng định rằng mình vẫn tồn tại, tồn tại độc lập, chứ không phải chỉ là cái bóng của người khác.

Ngọc Thủy
(Theo VNTG số 56)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Ngọc Thủy

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 133
  • Khách viếng thăm: 128
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 19619
  • Tháng hiện tại: 226669
  • Tổng lượt truy cập: 67201160