Sau ngày tốt nghiệp, từ trường học bước ra trường đời, được thu nhận làm nghề phóng viên lưu động tìm hiểu cuộc sống nhân sinh, lại an bề gia thất rồi sinh con đầu lòng, cô út Quyên thỉnh thoảng lại se lòng nghĩ thương cho hai người chị luống tuổi vẫn vò võ ở vậy trông coi ngôi nhà tổ và mảnh vườn nhà. Có phải vì mẹ mất sớm, hai chị bồng ẵm nuôi mình lớn khôn mà hy sinh tuổi xuân của thì con gái. Mỗi lần về thăm chị, cô có cảm giác như về với mẹ để được yêu thương, chăm sóc.
Nay tuổi đời và nghề nghiệp lại khơi dậy trong cô sự tò mò muốn hiểu.
- Chị Hai ơi! Em hỏi thật nghe! Chẳng lẽ thời con gái, chị chưa để ý đến người con trai nào?
- Con quỷ nhỏ này! Nuôi cô lớn rồi, cô định lột mặt nạ của chị cô hử? Thôi được! Giấu bây làm gì, để chị kể cho em nghe, vui vẻ lâm ly còn hơn ca kịch sân khấu.
Ngày đó, không biết ma đưa lối quỷ dẫn đường hay sao ấy? Chỉ một tiếng mời gọi như thách đố chị lại hành động theo anh ta như một cái máy, nhấn ga lao xuồng đuổi theo.
Chị đi bán xoài ở chợ nổi, giao hàng xong, chị lái canô ra vàm sông Tiền. Từ phía sau một chiếc tắc ráng lướt theo, khi sắp vượt qua, anh ta nhảy sóng so kè gọi sang: "Dám đua không?".
Có kịp suy nghĩ gì đâu, chỉ cảm thấy hay hay vui theo gió lùa thôi. Chị không hay bàn tay mình tăng tốc. Mình ra xa ngoài kia đi, giao thông họ bắt phạt "cấm đua thuyền", ra ngoài kia trời nước bao la phóng mới đã. Hắn vượt lên trước nửa thân thuyền, không xa hơn và giữ mãi cự ly ấy để chủ động dẫn đường, buộc chị phải dắt theo. Sông cái rộng mênh mông, nước bắn lên trắng xóa, khi tránh đoàn tàu dòng ghe ngược hướng chị mới hay cuộc đua đã ra giữa sông, cách mỗi bên bờ cả cây số. Đến khi mặt sông chỉ có hai người, anh ấy chủ động cho chị vượt lên ít một đến khi so kè để cả hai cùng buông lái phá ra cười đồng lõa. Tốc độ giảm dần, hai thuyền cặp be nhau nụ cười trên môi vẫn chưa tắt.
Chốn dung thân cho tình yêu, không ở đâu xa mắt mọi người hơn giữa sông, giữa biển cho dù đang thanh thiên bạch nhật. Anh ta đặt tay lên bàn tay đang giữ be xuồng của chị, nói một lời hai ý: "Em đừng lo! Chỉ có hai đứa mình! Trên bờ có đặt ống nhòm nhìn ra cũng chẳng thấy gì!".
Như đang ở một phương trời khác, đầu óc con gái mười chín tuổi của chị lúc ấy trống không, lâng lâng khó tả lắm, trong lồng ngực trái tim như sóng gợn bên ngoài, không tự chủ được. Chị muốn nói một câu nhưng chẳng có lời, anh ấy nói nhiều lắm, nhưng đầu óc chị vừa bay bổng vừa đảo lộn như đang ở thế giới khác tai có nghe gì được đâu, anh ấy bước sang thuyền chị, đối diện tay trong tay chị không hề thấy lạ, cảm xúc trào dâng, còn bản năng đâu nữa để biết phản ứng. Anh ấy nhích dần đến sát người chị, kéo tay chị đặt ra sau lưng, ôm ghì lấy chị, chị cảm thấy toàn thân như mềm nhũn ra khi đôi môi anh áp lên cổ mình. Hai tay chị cũng ôm eo anh nên phải nghiêng đầu tránh đôi má. Thân thể anh ấy nóng ran lên, làm chị hồi hộp, cảm giác lúc ban đầu không như vậy nữa, chị bắt đầu la lên khi bàn tay xa lạ xâm nhập vào vùng đi cấy ngập nước, chị lập tức đẩy anh ấy ra. Chiếc xuồng sắp lật, anh ấy không chịu buông, hung hăng như con quỷ. Chị co chân đạp rất mạnh, anh ta lại áp đến. Chị đạp cả hai chân một lúc anh ta mất đà rơi xuống sông, chị lao đến chụp sợi dây giật máy co le lái xuồng phóng thẳng. Máy nó chạy, mình có chạy đâu, mà chị mệt thở như sắp đứt hơi, giá lúc ấy anh ta có kịp đuổi theo ngáng đường chị cũng đâm thẳng vào thuyền của hắn.
Đêm ấy, ba lại bắt được thằng ăn trộm, cũng chính là hắn. Em đã biết nhà mình có cái chòi ngoài hậu bối, đêm đến cử người ra ngoài ấy ngủ để giữ vườn sợ trái cây bị hái trộm. Khi thì ba, khi chị hoặc em Oanh ra đó canh. Đàn ông mê gái rồi, trèo tường khoét vách trổ nóc nhà họ cũng dám làm, không phải trộm của cải mà để mò vào giường con gái người ta. Hôm ấy hắn tưởng đâu chị ngủ ngoài ấy như thường lệ, đâu ngờ rằng ba thấy chị đi bán về còn phải hái xoài mai đi bán sớm, nên ba thay thế ra ngoài giữ vườn.
Anh ta không biết nên bọc hậu từ ngoài đồng mò vào. Tháng mùa khô lá xoài giòn lắm, nên bước khẽ đến mấy cũng lạo xạo. Hắn vào chòi phía trước, ba vòng ra phía sau chặn con đường lui, đèn năm pin ba rọi: "Ai đó!" - Ba thét lên. Thằng trộm băng vào vườn bỏ chạy vướng dây kẽm ngã sấp mặt, chưa kịp chồm lên, cây chĩa ba cán dài của ba đã xâm trên lưng đố dám cựa
Em đã biết, trên rễ các gốc xoài vườn nhà mình thỉnh thoảng có đóng cây đinh tấc, đầu đinh nhô lên một chút, đêm đến ba móc dây kẽm vào đó căng thẳng là là cao hơn mặt đất 10 phân. Đi lối chính thì không sao, băng vào vườn là té sấp mặt. Ba nói đó là kinh nghiệm thời trốn lính, căng dây như vậy, giặc có xông vào là vấp mình biết mà chạy. Bây giờ ba lấy kinh nghiệm để ngăn bắt trộm. Ngã đau thôi chứ không chết, chứ nóng của, giăng dây đến gây án mạng mang tội, nó chết mình đi tù.
Cán chĩa của ba lúc nào cũng có sẵn cuộn dây, ba ném cho hắn, bảo tự trói lấy chân mình, phải tuân lệnh thôi, ho hé là chĩa ba gí sau lưng ổng xắn là ngoẻo.
Chị với con Oanh nghe động chạy ra, thấy rõ mặt hắn, con Oanh nó la lên: "Chủ vườn xoài mà dám đi trộm xoài người ta, quân mạt hạng". Nhưng chị thì hiểu khác, hắn đi ăn trộm tình...
*
* *
Trước nhà, có hai cây xoài lão, trồng đất phù sa gốc hai tay ôm không giáp, cành dài ra giao nhau che mát mặt sân. Xoài có chùm treo cuống thòng xuống đu đưa theo gió trông như hoa làm cảnh.
Một người đàn ông có vẻ khách phương xa, áo ba túi màu trắng, quần bò, xỏ dép râu, đội nón rộng vành màu cỏ úa, lững thững bước vào sân, vừa đi vừa ngửa mặt lên ngắm quả. Hắn điềm nhiên ngồi xuống thềm gạch quay lưng vào, móc thuốc ra châm.
Cô Yến trong nhà bước ra hỏi: "Ai đó!".
- Quen mà cô Hai!
Hắn ngửa mặt lên, cô Yến hứ một tiếng.
- Anh biến đi đâu cả chục năm, lò dò về đây như ma hiện? Vào nhà uống nước ngại gì.
- Tôi ngồi đây cho mát. Cảnh cũ người xưa, đến thăm vậy thôi! Bác Bảy đâu vắng? Hai cháu này là con cô Oanh?
- Anh cũng biết à?
- Tôi ở thành phố, thỉnh thoảng có gặp bà con xã nhà lên bán xoài, có hỏi thăm.
- Sao bỗng dưng anh biệt tăm biệt tích gần mười năm nay vậy?
- Nhục! Cô nghĩ coi mặt mũi nào nhìn bà con khi mang tiếng là thằng kẻ cắp mạt hạng ăn trộm xoài, ở lại để mỗi khi vườn nhà ai mất trái cây đều nghi thủ phạm là mình.
- Nhưng anh dư biết là không phải vậy kia mà! Sao anh lại nhận với ba tôi là ăn trộm? - Cô ngoảnh mặt về phía sau để giấu nụ cười.
- Trộm nào cũng đáng xấu hổ, nhưng trộm tình vạ lây đến nhiều người. Cô biết mà, chú Bảy nghiêm khắc lắm! E để khổ cho cô!
Thời trẻ người non dạ, tôi là đứa háo thắng thích làm chuyện giật gân để hơn người. Cô đã biết hồi lớp 11 tôi học đâu có tệ, nhưng chỉ vì thua điểm xếp hạng dưới một bạn khác, tôi tự ái bỏ học luôn. Đến khi thấy cô xinh đẹp nhất làng, tôi nhất quyết phải chinh phục bằng được, lại hàm hồ muốn cho ván đã đóng thuyền để khỏi ai tranh giành, không ngờ bị cô cho lộn cổ xuống sông. Đã đâm lao, phải theo lao, tối đến tôi mò vào nhà chòi, những tưởng cô ngủ canh đêm ngoài ấy, nào ngờ bị ông già ốm yếu gí chĩa vào lưng, bắt buộc phải tự trói mình, may mà chú Bảy từ tâm, ổng lại thả cho đi... Tình tan vỡ, danh dự bị bôi đen, tôi về nhà lấy xe, nửa đêm phóng đi trên lộ 4 mỗi bộ quần áo dính vào thân. Lây lất bụi đời một thời gian, rồi bán xe để ăn, tuyệt đường hồi mả, lang thang...
- Vậy vợ con? Anh được mấy cháu rồi?
- Đường đời như sợi dây mà cô Hai! Vướng chân ở chỗ này, gỡ ra tháo chạy đến chỗ khác lại vướng, chạy mãi, vướng mãi cuối cùng sắc tán lực tận, gỡ hết nổi, chỉ tại mình ham chạy, chứ đừng có đổ thừa cho số phận.
Tôi lấy vợ vì hậu quả của cuộc tình bừa phứa... Đàn bà xấu xí đến mấy cũng là cái bẫy cho bọn đàn ông bạ đâu trút đó. Tôi làm phụ xế, tối ngủ bến coi xe, gọi tẩm quất giết thời gian, tưởng chuyện qua đường, đường ai nấy đi thôi. Không ngờ ít lâu sau, cô ta mang bụng đến bắt đền, mà mấy người anh cô ta là dân dao búa đứng bến, chạy làng sao được nên bây giờ 3 đứa nhóc rồi.
- Vậy anh trở về đây làm gì?
- Tôi muốn gặp chú Bảy thưa chuyện về vụ những người cò đất gạ mua đất vườn nhà tôi, ba tôi nhắn gọi tôi về...
Cô Yến đột nhiên nổi giận hứ lên một tiếng:
- Cò gì chúng nó! Chúng là bọn địa tặc.
- Cô nói gì, "địa tặc"?
- Phá rừng là lâm tặc, phá vườn là địa tặc - gọi bằng gì nữa? Anh đừng hỏi ba em, ông yếu tim đó, nhắc đến bọn địa tặc này, coi chừng xảy ra án mạng đó. Mấy thằng cò đến đây ông chửi sấp mặt đuổi đi rồi.
Hết chỗ mở rộng phố phường rồi sao? Bên kia lộ 4 đất phèn ven biển, đất mặn không mở, đất vườn phì nhiêu cây trái đem xi-măng đến đổ, cỏ hết mọc, giun không còn chỗ ngóc đầu lên thở. Lâm tặc phá rừng, rừng còn tái sinh, chứ bọn địa tặc này thối lương tâm còn hơn lâm tặc.
Ai thử đến đây, mạnh tâm xóa sổ địa danh nơi xuất xứ xoài Hòa Lộc, cũng như xóa sổ xuất xứ mận Hồng Đào, vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi, măng cụt Lái Thiêu, vải thiều Hải Dương,... coi chừng lịch sử sẽ phán xét họ.
- Anh về đi! Nói với người nhà đừng có bán đất vườn. Trên lãnh đạo tỉnh, không có người vô tâm mà để di tích lịch sử bị xóa đâu! Còn em nhắc lại! Ba em, ổng bị đau tim đó!
*
* *
Anh ta được cô Yến tiễn ra tận cổng, chiếc nón vẫn cầm tay chưa úp lên đầu. Anh ta ngước lên nhìn những quả xoài treo cuống đung đưa như những quả lắc thời gian.
- Thôi chuyện cũ cho qua nghe cô Yến. Còn cô sao không lập gia đình đi cho tôi an tâm, hay cô sợ người đẹp lấy chồng rồi sẽ mất giá.
- Tôi không nghĩ vậy đâu. Quen anh có một ngày mà hai lần anh mắc nạn nên tuổi của tôi là sát phu, đàn ông nào gặp tôi sẽ khổ, lấy chồng hại chết người ta e thất đức.
- Vậy sao? Thôi coi như hôm nay tôi chẳng có đến đây, về cô đừng có nói lại với chú Bảy, cứ để cho chú hiểu như trước là tôi ăn trộm xoài.
- Sao anh khờ vậy? Hồi đó bị bắt trói, anh không nghe ba tôi nói mãi một câu: "May cho tao quá!".
- Có! Có! Tôi vẫn nhớ.
- Đó không phải là may mắn không mất xoài. May của ba tôi nói là may mắn không gả con gái ổng cho anh.
II
Hai Phàn tỉnh rượu, lồm cồm ngồi dậy, mặt mũi thiu ngắt như đứa bé ngái ngủ, bị mẹ gọi dậy để đi nhà trẻ. Xương xẩu long ra từng đốt, đau nhừ như đã hết cốt.
- Trời ơi! Tôi đang ở đâu đây?
- Anh đi theo bờ ranh đến trại ong của tôi. Tôi đẩy thêm cho anh một ly quắc luôn, để anh khỏi nói nhảm, lấy độc trị độc.
- Ôi! Tôi có nói năng làm gì sai trái không? - Không đâu! Say vì yêu mà. Cũng nên say. Tôi có lỗi là làm cho anh quắc cần câu luôn, nên cô Yến chưa kịp nghe gì nhiều. Bây giờ làm ly nữa nghe.
- Thôi! Thôi! Anh cho tôi xin! Dĩ vãng sống dậy biết tỏ cùng ai, tôi trách mình nên tôi uống, không ngờ hết biết đường đi.
- Thì rượu nó dắt anh đi! Có sao đâu! Khăn đây! Nước đang dâng, anh xuống mương rửa mặt, lau khô, lên chải đầu cho đỡ bù xù, tở mở, sáng sủa. Tôi đi pha trà để anh uống cho ấm bụng, rồi anh em mình nói chuyện.
Cô Oanh, cô Quyên theo hai bé sinh đôi ra nhà của bố nuôi là bác Mẫn nuôi ong.
- Hai cô ơi! Hôm qua có nghe tôi nói không phải điều gì, cô nói với em Yến bỏ qua cho tôi! (Cái vết ong chích, lúc sau làm môi dưới của anh vều ra trông thiểu não lắm). Chẳng qua ở xa khuất mắt thì thôi, nay về đây, cảnh cũ, người xưa, ký ức như sống lại trừng phạt tôi, nên tôi mượn rượu giải sầu, hai cô nghĩ coi, tôi thì đã có con cái chẳng ra làm sao nhưng cũng là một gia đình, mười năm rồi, cô Yến vẫn ở vậy có phải là lỗi tại tôi gây ra không? Nghĩ như vậy nên lương tâm tôi cắn dứt, tôi mượn rượu vì can tràng biết tỏ cùng ai?
- Anh không hiểu chị em rồi. Chị em muốn làm thánh nữ đó! Anh còn nói vậy nữa chúng em phải phẹt anh một nghèn nem trem!
Cô Oanh nhại tiếng rất khéo nên mọi người đều vui. Trưa nào, bà bán tàu hũ cũng gánh gánh đến nhà, cháu bé nghe lạ tai nên nói theo đã làm cho cả nhà thích thú. Cô Oanh lặp lại câu ấy cốt để hòa đồng không hề ác ý.
Hai Mẫn nói:
- Thôi đi cha nội! Tình yêu đổ vỡ là tình yêu nhớ lâu nhất. Ông nói như vậy là ông không hiểu nổi chính ông, nên ông phủ lên cho mình một lớp sơn nhân đạo xót thương cho người khác, chứ thực ra ông còn tiếc của đời hùi hụi. Tôi tiếc ly rượu hạ gục ông hôm qua quá! Phải chi tôi cứ để cho ông nói nữa khi ông say ba ngù để cô Quyên lấy tài liệu viết văn. Rượu biến con người ta trở nên thật thà mà...
- Anh Phàn! Chòm xóm mà! Chuyện cũ bỏ qua đi! Đó là ý của cô Oanh. Tự nhiên với nhau tốt hơn. Vả lại hai bác ở bển cũng già rồi. Anh nên đưa chị ấy và các cháu về cho gia đình sum họp.
- Mặt mũi nào tôi dám đưa vợ tôi về đây. Xấu như ma, đi đứng lịch ịch, vóc dáng hình cái ve chai chỉ được nước mắn đẻ.
- Sao không nói bụng hình quả xoài dựng ngược, rồi "tắt đèn nhà lá như nhà ngói" phải không? Tôi là đàn ông tôi dư biết: trong tình yêu người đàn ông tìm đến với người đàn bà vì nhu cầu và sự ham thích, không hề có sự kính trọng. Nhưng nếu anh ta cảm thấy không được đàn bà kính trọng và ngưỡng mộ, anh ta sẽ vô cùng bất mãn. Trước kia anh bỏ làng ra đi vì hành vi của mình mà anh tự cảm thấy đã đánh mất sự kính trọng. Bây giờ vì ân tình với quê hương, bảo anh trở về, anh cũng không được kính trọng, chẳng lẽ anh ôm cái cục sĩ diện ấy đến suốt đời?
Ông Bảy từ trên nhà cầm quạt đi ra, nghe mọi người kể lại, ông già phán:
- Đàn ông mà người nào chẳng ích kỷ, họ cười người khác là họ cười mình mà thôi. Có anh nào chẳng đã một lần "chém chạy"?
Hai Phàn sửng sốt: "Vậy là bác đã biết, hôm đó cháu muốn mò vào giường cô Yến?".
- Sao lại không? Nếu cho là mày đi ăn trộm xoài, tao xỉa cho mày một mũi chĩa, chứ thả mày đi làm gì?
Thôi! Chuyện đã qua cho qua! Nhắc lại mần chi! Thằng đàn ông lúc nào dẹp được tính ích kỷ và bệnh sĩ, lúc đó mới có thể nói là hắn có ý chí! Mấy đứa con mày cũng cần biết tổ tông chứ! Năm gốc xoài là đủ nuôi một đứa bé ăn học. Anh chị Chín trăm tuổi già chỉ sợ vườn tược không ai trông coi, còn mày bám đất thành phố chạy ba gác, vợ mày đi giác hơi kiếm cơm, nhà cửa tạm bợ, biết đến bao giờ mới ngóc đầu lên được?
- Vậy bác biết hết sao bác Bảy?
- Ông già bà già mày kể lể hết. Cả làng biết sao tao lại không biết?
Cô Oanh nướng một chồng bánh tráng nước cốt dừa bê ra. Bánh tráng giòn rum, phết mứt xoài, nhai có lý hơn bất cứ loại bánh mứt nào.
Hai nhà liền ranh, cách nhau một con mương vườn, qua lại bằng một thân cây bắc ngang, từ nhiều đời đến nay vẫn thế. Không bao giờ có cảnh qua cầu rút ván, cầu mương, ván ở đâu để mà rút? Nên thấy mọi người đông đủ, thím Hai Mành, người ngày nào vợ chồng không cãi nhau ăn cơm không ngon, qua cầu đứng sau lưng, theo dõi cớ sự.
- Cho chị một miếng bánh tráng, để chị dạy thằng em này cho nó khôn ra! Về đi chú em! Bỏ cái đất xoài Hòa Lộc này đi rồi tiếc. Đường trần không mấy lúc đâu, già đến nơi rồi. Thôi tiếc làm chi cát bụi đô thành, lương cao lương thấp gì xét cho cùng cũng là mần mướn. Về đây cho cây trái nó nuôi để mình làm chủ lấy. Năm gốc xoài thôi đủ nuôi một đứa con, tha hồ mà đẻ! Bác Bảy nói phải đó!
Cô nhà báo tiếc rằng mình không kịp bấm máy ghi âm, nên vội sờ túi tìm cái nút bấm, rồi cô lật đật lấy bút ghi câu nói vừa nghe của thím Hai Mành:
- Còn mày sợ vợ mày xấu mã, về đây xóm làng cười cho ư? Thím đây không xấu sao, đánh nhau ỏm tỏi như cơm bữa, tao đố chú mày dám bỏ tao, bỏ tao rượu đâu ổng uống? Ai làm món nhấm khoái khẩu cho bằng thím mầy để ổng say sưa? Còn thím hả, dại gì thím mày bỏ ổng, xấu con tốt củ có chịu đấm ăn xôi mới ngon.
Thằng Trọng trẻ tuổi nhất trong các nhân viên nuôi ong chịu không xuể phải nhảy ngược ra trốn sau bức vách để ôm bụng cười. Sự thật nói cho tới chữ cứ như cù vào nách tâm hồn của người ta vậy.
Khó tính như ông Bảy cũng phải cười, ông bị cuốn vào không khí của cá tính có sao nói vậy của thím Hai.
- Con Hai nó nói đúng đó. Con người ai lạc bước xuống trần ai mà không mặc ba thứ y phục. Thứ nhất là đồng phục: đồng phục học sinh, đồng phục nhà binh, đồng phục nhà hàng và các thứ nhà nữa... Thứ hai đồng phục thường dân, gọi là thường phục, ai muốn mặc sao thì mặc thoải mái tự do ở nhà cũng như ra đường. Thứ ba là áo da từ lúc mới sinh ra và lúc bỏ dép bước lên giường với người khác phái nữa. Lý lẽ của cái mồm và cảm xúc của cái tâm tùy từng lúc mặc y phục gì mà gia giảm thôi cháu ạ! Vậy thì mầy hãy mặc thường phục đi mà bồng bế con, đưa vợ mầy về với tình làng nghĩa xóm.
Chàng lãng tử coi bộ chịu đòn, tội gì không trút hết bầu tâm sự:
- Bác biết vợ cháu nó xấu như ma mà tại sao cháu chẳng bỏ nó được không? Cái bà béo ấy tắt đèn thì tuyệt vời, cô ấy biết tẩm quất, biết mát và xa (mát xa), lúc nào tôi ngứa cô ấy còn biết rái tai nữa.
Ai cũng phải cười bò, cô nhà báo ré lên:
- Chết mất, phen này có lẽ em phải đi học tẩm quất, rái tai, để tránh được cái cảnh nhà trí thức nhất là nữ nhà báo nhà văn, ba mươi, ba lăm là đã rẽ phân, nhiều bà ở góa nuôi con.
III
Xe lôi chở năm người, mẹ bế em bé ngồi nhìn tới trước, cha với đứa bốn tuổi ngồi đối diện, còn em gái lớn chín tuổi ngồi trên mặt phẳng càng xe, ôm cổ cha, va-li khăn gói chất ở giữa. Lãng tử về làng, đi một về năm. Người quen trông thấy chặn xe lại, gọi nhau đến trầm trồ, các cháu bé đẹp như trẻ trên tivi. Ôi thích quá! Cho dì ẵm chút coi, ai cũng thích nắm tay chân bụ bẫm của các cháu cho mát.
Xe qua rồi, mọi người nhìn theo nói: Bà ấy xấu mà sinh con ra đứa nào cũng đẹp...
Nỗi buồn năm tháng của Phàn được an ủi: đời bất hạnh đến mấy cũng còn con cái để mà hơn.
Còn chị em ở quê lại nói: Lấy vợ, chọn chồng còn biết coi mặt, coi mày, coi vóc dáng, tiền bạc để mà lựa chọn. Còn cái bào thai trong bụng ai biết được để vẽ mặt vẽ mày cho nó theo ý mình, âm dương cho cái gì được con ấy, tốt xấu ráng mà nuôi. ý các cô muốn nói là tạo hóa cũng biết chơi khăm.
"Đánh kẻ chạy đi, ai đánh kẻ chạy lại". Mừng kẻ đồng hương lưu lạc trở về, cả xóm kéo đến hỏi thăm. Các cô gái xuống bếp phụ bà lão cắt cổ gà, các anh trẻ trai về xách rượu tới. Khi cỗ bàn bày lên, có lẽ lần đầu tiên Hai Phàn có lời nói phải:
- Đứa con không nên thân xin cha mẹ và bà con xóm giềng tha thứ. Chốn thị thành như cái ao trũng, nước tứ phương đổ dồn về chỗ trũng ấy, cuốn theo tốt có, xấu có, hiểu biết có, dốt nát có, khỏe mạnh có, siđa có, trộm cướp có, lưu manh có... chứa sao mà hết nổi? Có người khá lên, kẻ thân tàn ma dại, sống lay lắt qua ngày nhiều không đếm xuể, nhưng rồi cũng phải sinh con đẻ cái, chòi đạp mửa mật ra để mà nuôi, trước sau gì rồi cũng sẽ phải ói ra, trở về quê hương để mà sống.
Ý kiến bạn đọc