Nem chua ủ kín

Đăng lúc: Thứ ba - 02/02/2010 14:58
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Từ trước khi khoa học có môn hóa sinh, trước khi hóa học có bảng tuần hoàn Menđêlép, người Việt xưa đã có kỹ thuật lên men làm dưa bảo quản rau củ quả, lên men rượu và độc đáo có cách chế biến thực phẩm bằng cách ủ men kín không qua lửa để làm nem bằng thịt, đó là nghệ thuật làm nem chua.

Thế giới có làm xúc xích pa-tê, có giò chả giò lụa nhưng tất cả đều phải qua lửa, nướng luộc hấp để vô trùng mới ăn được. Đặc biệt chỉ có món nem chua của người Việt. Thịt heo còn sống, để vậy gói vào, sau ba ngày bóc ra ăn thành món khoái khẩu, đã được chuyển hóa có hương vị riêng, thịt sống đã thành thịt chín hoàn toàn vô trùng.

Nem chua là đặc sản Việt, là tài hoa khéo léo của người nội trợ Việt Nam. Tết đến, ngày giỗ chạp, cưới xin, nhà nhà làm nem. Nem chua luôn có mặt khắp các thị trường, biến nhãn hiệu hàng hóa thành địa danh: Nem Thủ Đức, nem Lai Vung…

Người ta quết thịt thật nhuyễn để tạo độ dai, thái chỉ bì lợn trộn đều vào để nhai sướng răng, rang thính gạo xay nhuyễn trộn vào theo tỷ lệ cần thiết đủ gây chua. Ai là người đầu tiên nghĩ ra cách sử dụng thính gạo là chất bột đường để lên men gây chua, tạo ra chất a-xít để làm chín thịt đồng thời tiệt trùng, quả là một thiên tài. Làm thì dễ, nhưng nghĩ ra để làm mới là khó, là sáng kiến để đời.

Thịt, bì, thính, rắc tí muối trộn đều xong, viên ra trong lòng tay, gói trước bằng một lá vông, ai bỏ lá này không ăn là thiếu tâm hồn ăn uống, vì chất diệp lục của lá tạo hương cho nem, lại được nem trao lại vị chua béo ngon như rau trộn. Sau đó bàn tay khéo cuộn một lớp lá chuối, bẻ mí hai đầu, lại xếp lá chuối cuộn ngang một vòng, lại cuốn thêm vòng nữa theo chiều dọc. Sau nữa lại cuốn lá rộng ghép mí hai đầu, buộc trái trả thật chặt bằng dây tre, chừa một đầu dây thật dài để xâu lại mười chiếc nem thành một chục. Cách gói cẩn thận này có ý bọc kín không cho không khí len vào tạo môi trường yếm khí để duy nhất một mình nem yếm khí hoạt động gây chua, loại trừ các loại men vi sinh hiếu khí có hại khác không hoạt động được phải đi chỗ khác chơi vì
thiếu oxy.

*

Xóm Cửu Nghĩa, có cô gái chê chồng, bế đưa con gái lên hai bỏ về nhà cha mẹ. Để độc lập kinh tế, cô làm nghề gói nem đem đi bỏ mối lấy tiền nuôi con và phụng dưỡng cha mẹ già.

“Gái một con trông mòn con mắt”! Tất nhiên đối tượng trông mòn ấy là ám chỉ giới mày râu, lại mượn câu ví xưa “Những người thắt đáy lưng ong, đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”. Lấy ngoại hình để mô tả đức tính này cũng là quan điểm thầy bói của giới mày râu khi ngợi ca sắc đẹp nữa rồi. Nhưng bọn choai choai trong làng lại cắc cớ hỏi nhau “Đã khéo chiều chồng” là khéo cái gì?

Anh Tư vườn ươm là người sản xuất cây giống bán cho người ta cải tạo vườn tạp. Nghề của anh là nghề đổi mới cho cây. Đổi mới không có nghĩa là bỏ truyền thống, là vẫn bảo tồn cái gốc đã ăn sâu bén rễ quen thổ nhưỡng, quen chịu nắng chịu mưa của cây chủ, chỉ ghép vào cho một mầm mới tạo nên cây mới từ cái gốc vững bền tạo ra hoa thơm quả ngọt mới, sản lượng cao hơn, ăn ngon hơn gấp bội.

Anh Tư lấy trải nghiệm đường đời qua chuyện ghép cây giống, giải thích cho lũ trẻ mới lớn:

- Bây nín đi! Để anh Tư nói cho mà nghe: Đã khéo chiều chồng không phải khéo cơm ngon canh ngọt đâu! Mà là khéo lúc lên giường, biết chưa?

Trong xã có anh Tư Bốn (Bốn có nghĩa sinh ra là đứa thứ tư, tiện thể lấy số thứ tự đặt tên luôn). Trưa nay Tư Bốn có tâm sự nên thả bộ theo xóm đi dọc bờ kênh. Tình yêu thầm kín của anh là tình yêu có kế hoạch sắp đặt trước. Từ câu hát ru là “Ầu ơ!... giả đò mua khế bán chanh…”, tại sao ta không giả đò đi mua nem để tiếp cận mục tiêu?

Chợt có tiếng gọi: “Ông phó công an, bữa nay rảnh sao? Đi đâu đó, vào uống nước nói chuyện chơi!”

Tư Bốn chép miệng than: “Ngẫm ra tôi với anh đồng cảnh tương lân, mỗi người một cảnh, anh trên băm rồi vẫn ở vậy trong vườn ươm, còn tôi rủi ro, vợ bỏ đi sớm một mình nuôi hai cái cối xay còn đi học. Hai đứa mình cùng cô đơn như nhau”.

- Mà này! Láng giềng nhà anh có người đẹp như thế, lửa gần rơm không trèm thì trụa, sao anh không châm?

- Rơm ướt châm làm sao cháy? Không giấu gì anh, với cô ấy tôi nhiễm tiếng sét đến hai lần. Lần trước sét nổ hồi còn học phổ thông, rồi cô ấy lên tỉnh học sau đó lấy chồng. Lần sau khi cô ấy ly dị bế con về quê, tiếng sét lại nổ lần nữa tràn trề hy vọng. Nhưng rồi lại xôi hỏng bỏng không vì sét nổ chỉ đơn cực một phía.

- Kế hoạch anh sắp đặt như thế nào mà phải chịu thua?

- Ông kỹ sư lúa giống về đây công tác, đã từng “bốn mắt nhìn nhau chẳng nói một câu” mà nên vợ nên chồng đến nay, góp ý với tôi là phải dùng chiêu thức “được lòng trẻ con là được lòng mẹ”. Tôi triển chiêu có sai bài bản đâu, cháu bé rất mến tôi, bây giờ vẫn thế, trốn sang đây chơi luôn. Cháu tên là Kim, xe chỉ luồn kim ấy.

Thấy chắc ăn rồi tôi mới hó hé, hôm trước cháu qua đây, mẹ thấy vắng đi tìm, đến nơi thấy tôi ngồi chỗ bậc thềm này, cắt mặt một quả xoài cát, dùng muỗng múc cho cháu ăn. Cô ấy nói “Sao con qua đây quấy bác Tư hoài vậy?”. Tôi thấy thời cơ đến bèn nói:

- Hôm qua cháu qua nhà qua, hôm nay cháu lại qua, nếu cháu nó thích qua nhà qua thì cô để cho cháu nó qua cho qua mừng. Hay là cô cũng đồng ý qua nhà qua nữa thì cô cứ tự nhiên qua…

Cô ấy cắt lời tôi ngay:

- Em biết anh muốn nói gì rồi! Xin anh đừng nói nữa dễ xa nhau lắm đó!

Vậy là tôi cụt hứng đành để cho cô ấy bế bé Kim về.

- Chưa chi anh bạn đã vội bi quan vậy. Cầu tình, cầu hôn mà! Phải mưa dầm thấm đất chứ.

Hôm sau bé lại sang chơi. Tôi lặn mò được con tôm càng, đưa cho bé xách râu con tôm đem về cho mẹ nướng. Rồi tôi bế cháu đem trả tận nhà: “Tôi đem trả cháu cho cô đó! Để cho khỏi nghĩ là tôi lấy lòng con để được lòng mẹ!”. Rồi quay lưng định hờn dỗi bỏ đi. Cô ấy bảo: “Anh Tư, anh ngồi đó nghe em nói!... Em bị một đời chồng rồi, em hiểu hồn cốt của đàn ông khi họ làm chủ nhân ông của gia đình lắm rồi. Em không ám chỉ ai, nhưng em ngán đến mức thành kiến phải làm vợ đàn ông lắm rồi!”.

- Đời có người vầy người khác chứ cô!

- Có đau khổ người phụ nữ mới sáng mắt ra! Đàn ông lúc chưa cưới họ khác, họ có thể quỳ mọp dâng trái tim lên để xin tý tình, nhưng khi họ chiếm hữu được thân xác phụ nữ rồi, họ trở mặt ngay mà chính họ cũng không tự biết. Láng giềng với nhau, em còn sống ở đây, em cũng sẽ chết dí ở đây, nếu em lấy chồng anh cứ gọi thẳng cái tên Kim Oanh ra mà chửi. Em đã thề quyết suốt đời ở vậy nuôi con! Láng giềng với nhau, anh muốn sang chơi với cháu thì tự nhiên qua! Nhưng chuyện ấy thì nơ pa (ne pas: có nghĩa là không).

Vậy là chấm hết một cái rụp rồi! Tôi ra về mà ghen tức với lũ chim dòng dọc lấy cỏ khô làm tổ trên ngọn cây si trước nhà. Chúng hú hí với nhau gì đó trong tổ ấm của chúng, rồi đuổi nhau ra cửa tổ mở hướng xuống dưới, tung cánh bay lên. Chíp chíp… hót lên sự thăng hoa của tình yêu như xỉa xói vào cảnh cô đơn của mình.

- Vậy là anh chịu rút lui không kèn không trống à?

- Chịu!

- Vậy nếu tôi mở cuộc thăm dò, sẽ không làm mất lòng anh bạn đó nghe!

Cạn chén trà, Tư Bốn đứng lên từ giã đi mua nem như kế hoạch đã định.

- Mẹ đâu cháu?

- Má ơi! Có khách!

- Có nem ngon cô để cho tôi một chục.

Nhận xâu nem, Tư tự xách đặt lên bàn, tự ý ngồi xuống:

- Cô Ba ơi! Mời cô ngồi xuống đây cho tôi giãi bày tâm nguyện ôm ấp bấy lâu. Cô về đây sống có dễ chịu không?

- Tất nhiên rồi, sau ly hôn là được tự do, không còn phụ thuộc. Lại có nghề gói nem nuôi con phụng dưỡng cha mẹ già chứ tự do mà không độc lập kinh tế thì tự do nỗi gì?

- Xét hoàn cảnh cô cũng như tôi, một bên thôi chồng, một kẻ mồ côi vợ, nhưng cô nhẹ gánh hơn tôi vì tôi bận túi bụi, không lo kinh tế nổi, vườn tược không ai trông coi.

- Anh làm việc gì mà bận?

- Làm cán bộ ở xã, phó công an, phụ cấp 50 ngàn một tháng nên phải xoay xở kiêm thêm hai nhiệm vụ làm ủy viên hội sinh đẻ có kế hoạch, lại thêm ủy viên khuyến nông để lĩnh thêm hai đầu phụ cấp nữa là tổng cộng một trăm năm mươi ngàn. Éo le như cô và tôi, một người gà trống nuôi con, một người con mọn. Giá hai cảnh ngộ được hòa đồng, bổ cứu cho nhau khỏi cảnh cô đơn như chim liền cánh, lá liền cành thì cảnh đời trọn vẹn, chung một mái nhà, vậy cô Ba thấy sao?

- Em cám ơn anh đã quan tâm, nhưng em đã tâm nguyện suốt đời ở vậy nuôi con đến già. Một lần lấy chồng đã hú vía rồi, gây thêm bi kịch nữa để làm gì?

- Sao vậy cô Ba? Trẻ chưa qua già chưa tới, tuổi xuân còn dài, sao lại phí hoài cho được. Tôi thấy cô vẫn còn yêu đời, vẫn phấn son ăn diện ngất trời mà!

- Càng đau khổ thì càng phải diện cho đẹp ngất trời chứ anh! Chẳng lẽ ly hôn rồi hủy bỏ dung nhan, cạo đầu đi tu? Phải diện cho đẹp, nhưng mà là diện cho cả bàn dân thiên hạ, cho đẹp phố phường chứ nhất định là không diện cho riêng ai. Như hoa hậu vậy, đã lấy chồng là xuống giá mất vương miện rồi. Thoát ra khỏi bi kịch rồi chẳng lẽ em lại khoác vào cổ một bi kịch khác, nghĩ đến chuyện lấy chồng lần nữa là em rùng mình.

- Kẻ vầy người khác cô à! Nghe ra cô có định kiến nặng nề quá với đàn ông chúng tôi…

- Xin lỗi em không ám chỉ cá nhân ai cả, nhưng đàn ông còn lâu họ mới hiểu được chính họ. Tình yêu đối với đàn ông là một cảm giác siêu ích kỷ. Họ tìm khoái lạc, giúp đỡ, an ủi để bù đắp những gì tự họ không thể có. Trong khi đó, chị em chúng tôi lại muốn quên cả thế giới vì duy nhất một người mà mình tưởng là người yêu. Em không dại một lần nữa đâu! Đàn ông có sức mạnh hơn phụ nữ, chị em trông cậy làm chỗ dựa được che chở bảo vệ, đâu ngờ ngược lại họ lấy sức mạnh ấy để nện mình. Những cái đấm, cái đá của kẻ vũ phu đau buốt tận trong tim em, hằn sâu trong ký ức không bao giờ quên. Đàn ông được khế bỏ chanh, tham bưởi bỏ bòng. Họ dễ thay lòng đổi dạ, lời thề hôn ước ít có giá trị. Tình yêu của họ chóng tàn, thấy sắc đẹp nào khác họ cũng sanh tâm muốn quơ vào tất cả. Họ yêu người phụ nữ họ chưa có hơn người đã có, yêu tình nhân hơn vợ. Người phụ nữ mà họ phải phiêu lưu mới có hơn người đã sở hữu trong tầm tay. Đau khổ cuộc đời đã dạy cho em hiểu đàn ông như vậy đó. Nên anh thông cảm cho! Cánh cửa tình yêu đã đóng chặt trong lòng em rồi. Xin anh miễn bàn đến chuyện rổ rá cạp lại giùm em. Thôi! Em còn nhiều nem phải gói lắm kẻo thịt nó ôi, em xin phép anh.

Tư Bốn uể oải ra về tấp vào nhà Tư vườn ươm lắc đầu:

- Thua rồi! Thua đứt đuôi con nòng nọc rồi. Có rượu hôn? Đem ra uống giải sầu, sẵn có nem đây.

- Tôi cai rồi!

- Nữa rồi! Heo chê cám sao cha nội?

- Thật đó! Từ hôm bị cô ấy nói “đàn ông các anh cần chất kích thích vì đàn ông khô khan tình cảm, mượn rượu mượn xì ke ma túy để đánh động tâm hồn. Tôi trút cả chai rượu rưới khắp mặt đất như người ta tưới rượu trước mồ mả để gọi hồn. Tôi cai luôn thật mà.

- Hừ! Cô ấy quá lắm! Làm nem chua mà cấm người ta nhậu rượu! Diện ngất trời mà cấm người ta tỏ tình, cô này cực đoan quá cỡ. Hôm nào tôi phải đến lần nữa để nói cho cô ấy bỏ cái tính nhìn đời tiêu cực.

- Thôi đi cha nội! Đau khổ một đời chồng chẳng ra gì làm cho cô ấy nhìn hồn cốt đàn ông rõ lắm. Cô ấy từng nói với tôi “Đàn ông nào ba hoa, luôn miệng dạy đời ngoài đường, về với gia đình thường là kẻ ích kỷ tàn bạo”. Không ăn thua đâu! Thôi hãy để lý lẽ ấy đem về thuyết giảng cho mình!

- Vậy nhà có bánh tráng nhúng nước không đem ra cuốn, tôi đi hái rau sống.

Gì thì gì! Đàn ông cô đơn làm nước mắm ớt nhất định là tuyệt khẩu. Nem chua xé ra, cuộn rau sống bánh tráng, chấm nước mắm chua ngọt cay hít hà, vừa nhai vừa tưởng đến bàn tay gói nem.

No bụng rồi, có gì bằng giãi bày tâm sự qua đôi câu vọng cổ xưa:

“- Thúy Liễu nàng ơi! Muôn năm vạn kiếp lỡ làng. Nàng làm tôi sủng ái vì dung nhan. Tôi cảm mến vì tài ba, tôi say sưa vì tánh nết. Ôi bao nhiêu nấc thang của địa vị cao quý đón ngăn, mạng căn khe khắt rồi mạch tương tư hờ hững chảy theo dòng nước vô tình…

“Để cho tôi ôm mối cảm hoài để cho ngày phân giải bạch minh cho người tôi mơ ước bấy lâu nay. Nhưng ác nghiệt thay cho tạo hóa lá lay! Khi tôi vừa dợm hở môi thì hoa kia một mực chối từ. Thì thôi kiếp sống của tôi vẫn chịu lạnh lùng hiu quạnh để cam đành sống sót những chuỗi ngày hiu quạnh lạnh lùng… ơ… ơ…………” (*)

Ca xong lại tự thán: “Xem ra đàn ông chúng mình còn phải cải tạo nhiều mới vừa bụng trong mắt chị em!”

- Ừ thì nằm xuống ngủ đi! Tôi mở quạt cho! Trùm kín đầu lại, tâm sự cũng cần ủ kín, nem nó mới chua.

-----------------------------
(*) Lời ca này ở trong dĩa hát hiệu Pathé có con chó ngồi nghe loa, nguyên văn chỗ này là “thì hoa kia đã có chủ rồi” nay cải sửa lại là “hoa kia đã hờ hững chối từ”

Trần Kim Trắc
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 397
  • Khách viếng thăm: 394
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 49217
  • Tháng hiện tại: 2213877
  • Tổng lượt truy cập: 46181110