Tượng đài ba chiến sỹ gang thép tại khu di tích chiến thắng Ấp Bắc
Trong tập thơ
“Tiếng lòng” của nhạc sĩ Nguyễn Nhuận, tôi thật bất ngờ khi gặp bài
“Ấp Bắc quê ta”. Bài thơ như lung linh, tỏa sáng và sống động trước mắt, bắt tôi phải dừng lại để “thấy” và “nghe”.
Từ bài thơ, tôi như thấy Nguyễn Nhuận cùng người bạn đời chung thủy của anh, sóng đôi nhau tản bộ trên đường về thăm địa danh Ấp Bắc trong một buổi thanh bình, vừa đi anh vừa thủ thỉ với chị:
Quên sao được nơi này em nhỉ?
Nơi có nhiều khúc nhạc, vần thơ.
Và lời thủ thỉ ấy, chợt như được thổi bùng lên cả bầu trời Ấp Bắc bởi các điệp từ “nơi”. Những điệp từ đầu này, đã làm cho từng câu thơ, trong khổ thơ mở đầu như có nhạc điệu trầm bổng vang xa.
Nơi vùi chiến thuật “Phượng Hoàng bay” Mỹ,
Nơi quê hương hùng vĩ phất cao cờ!
Nguyễn Nhuận đã khéo léo khắc sâu vào lòng người đọc một không gian thơ gồm hai hình ảnh đối lập:
Nơi vùi chiến thuật “Phượng Hoàng Bay” Mỹ / Nơi quê hương hùng vĩ phất cao cờ!
“Phượng Hoàng bay” là chiến thuật “trực thăng vận” tàn khốc mà giặc Mỹ đã thực hiện trên Ấp Bắc, nhưng đã bị “vùi” ngay trong lòng đất Ấp Bắc, để vùng đất thiêng liêng này mãi mãi “phất cao cờ” đỏ sao vàng. Mười lăm năm, sau ngày giải phóng, đến thăm Ấp Bắc, cảnh vật và con người ở đây vẫn còn làm cho Nguyễn Nhuận phải thốt lên:
Ơi! Đất thân thương đi vào lịch sử,
Trận thắng năm xưa - ngỡ mới hôm nào!
Đi vào khu di tích, nhìn thấy những vết tích của trận chiến khốc liệt mà giặc Mỹ đã để lại, trước hình tượng hào hùng của nhân dân và những chiến sĩ gang thép ở Ấp Bắc, đã khiến cho anh phải căm hờn thốt lên:
Nhận tận bùn đen mộng loài thú dữ,
Mảnh đất này “Lầu Năm Góc” còn đau!...
Lời khẳng định trên làm tôi nhớ ngay đến bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Lý Thường Kiệt khẳng định: Nước Nam thì của người Nam ở, trời định sẵn như vậy rồi, ai mà làm trái ý, đến chiếm đoạt thì sẽ bị đánh bại tại đây.
Nguyễn Nhuận khẳng định: “Ấp Bắc là quê hương của ta, nơi đây chỉ có cuộc sống thanh bình của nhân dân ta, ai mà nuôi mộng đem kế hoạch này, chiến thuật nọ đến đây gây chiến tranh thì sẽ bị nhân dân ta “vùi” chôn vào đất và “nhận” xuống bùn đen cho dù kẻ đó là “Lầu Năm Góc”!.
Nguyễn Nhuận còn rất “cao tay” ở cách dùng từ. Anh đặt động từ “vùi” và động từ “nhận” ở một vị trí thật đắc địa, làm cho lời thơ không những rất chân thật mà cả một đoạn thơ thêm mạnh mẽ, hào hùng và sảng khoái.
Quên sao được nơi này em nhỉ?
Nơi có nhiều khúc nhạc, vần thơ
Nơi vùi chiến thuật “Phượng Hoàng bay” Mỹ,
Nơi quê hương hùng vĩ phất cao cờ!...
…
Ơi! Đất thân thương đi vào lịch sử,
Trận thắng năm xưa - Ngỡ mới hôm nào!
Nhận tận bùn đen mộng loài thú dữ,
Mảnh đất này “Lầu Năm Góc” còn đau!...
Kết hợp với phương pháp nghệ thuật hô ứng độc đáo, Nguyễn Nhuận đã làm cho sự sảng khoái đang dâng trào trong lòng anh, lan vào lòng người đọc, đó chính là sự cộng hưởng, là sức mạnh của thơ. Sức mạnh ấy không đứng yên mà nó cuồn cuộn chảy theo sự thay đổi của lịch sử, của cảnh vật, của con người, do đó lời thơ cũng hô ứng với sự đổi thay này.
Về thăm Ấp Bắc thôn Tân Phú
Đường mới thênh thang lúa mượt mà.
……
Vẳng nhịp nhàng khua bên xóm nhỏ.
Hòa cùng muôn điệu hát vui say!
Nhưng đặc biệt, sự hô ứng của Nguyễn Nhuận trong bài thơ nầy là không trầm tư hướng nội, mà là thốt lên lời tâm tình chia sẻ với người đồng chí thủy chung, để cái riêng được hòa vào cái chung trọn vẹn.
Nếu ai hỏi nơi nào đẹp nhất,
Tình yêu nào hằng ấp ủ trong tim?
Niềm tự hào: - Quê ta Ấp Bắc.
Đẹp vô cùng đó phải không em?
Mở đầu bài thơ là lời thủ thỉ, kết hợp với việc sử dụng hô ngữ, thán ngữ... và cuối cùng là lời tâm tình chia sẻ. Ngữ điệu ấy đã làm cho bài thơ thoát hẳn lối thơ “điệu ngâm” cổ điển, hòa vào dòng thơ trữ tình chính trị điệu nói, hiện đại và độc đáo. Nhưng có một điều đáng tiếc không nên có trong bài thơ này chính là sự im lặng giữa những đoạn, những câu từ. Hãy để cho người đọc tự lắng nghe âm vang của thơ, không cần ta phải viết ra:
"Một chống mười, không lùi nửa bước
………
Sản xuất giữ làng, cả nước thi đua"
Và:
"Máy nổ giòn tan tăng thêm vụ
………
Dẫn nước về đồng tưới lúa khoai"
Nếu "giấu bớt" những đoạn thơ trên thì "Ấp Bắc quê ta" sẽ là một bài thơ hay của nhạc sĩ Nguyễn Nhuận.
Nguyễn Thị Phượng
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 25)
Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc