Con đường riêng của điện ảnh trẻ ở Việt Nam Bài 3: Xin chào đám đông!

Đăng lúc: Thứ ba - 25/12/2012 08:52
“Này, không sợ đám đông nữa hả?” Đó là câu thoại cuối cùng trong phim ngắn Trực nhật với Thư Kỳ của đạo diễn sinh năm 1990 Đỗ Quốc Trung. Câu thoại kết thúc cũng là lúc cả khán phòng rạp Kim Đồng, Hà Nội rộ lên những tràng pháo tay không ngớt dành cho đạo diễn và êkíp rất trẻ của anh với tác phẩm phim ngắn dài gần 20 phút. Bộ phim cũng vừa nhận giải thưởng Trái tim hồng (phim tranh giải hay nhất tại quốc tế và khu vực) tại liên hoan YxineFF.
Những nhà làm phim mới lộ diện
Bắt đầu từ những phim ngắn có chất lượng như Trực nhật với Thư Kỳ của Đỗ Quốc Trung, thế hệ đạo diễn trẻ 8X ở Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo nên những thành tích cho điện ảnh nước nhà trong tương lai gần.

Câu nói của cô nàng hot girl Thư với cậu bạn Phong “thầy tu” chỉ dừng ở một thông điệp về nỗi cô đơn của cả một thế hệ trẻ vốn chẳng còn mới lạ trong xã hội Việt Nam hôm nay. Nhưng vô tình nó gợi cho người viết sự liên tưởng về một thế hệ những người làm phim mới ở Việt Nam. Trong mấy năm qua, họ đang dần dần lộ diện trước “đám đông” là khán giả, giới phê bình điện ảnh và chính những người làm phim trong và ngoài nước. Họ xuất hiện qua những cuộc thi phim ngắn hay những sản phẩm điện ảnh có thể gọi là mini được chia sẻ trên YouTube.

Đỗ Quốc Trung vừa tốt nghiệp đại học Sân khấu điện ảnh. Trung chưa phải một đạo diễn có những sản phẩm phim truyện được chiếu rạp và được biết đến, nhưng anh là cái tên quen thuộc trong cộng đồng người làm phim trẻ và các liên hoan hoặc cuộc thi phim ngắn mấy năm qua. “Có lẽ không khí học và làm phim giờ đây cũng có những thay đổi hơn trước. Trước đây, sinh viên trường Sân khấu điện ảnh làm phim ngắn chỉ để trả bài cho giáo viên. Còn bây giờ, phim chúng tôi làm có thể đưa lên YouTube để mọi người xem và bình luận. Và có nhiều cơ hội để chúng tôi đưa phim đi thi hay chiếu cho mọi người. Điều đó kích thích niềm đam mê cũng như sự nâng cao tay nghề rất nhiều”, Trung chia sẻ. Phim mới nhất Trực nhật với Thư Kỳ của Trung tham dự cùng lúc hai sự kiện là LHP Ong vàng 2012 và Tiệc phim YxineFF. Không đặt nặng chuyện giải thưởng mặc dù phải bỏ toàn bộ tiền túi để làm phim, Trung coi việc làm ra những sản phẩm mới và đưa tới với người xem là điều quan trọng hơn cả.

Làm phim hay là có tất cả

Năm nay là lần thứ 4 LHP Ong vàng được trường đại học Sân khấu Điện ảnh tổ chức. Có 152 phim dự thi và 25 phim trong đó được chọn vào vòng chung kết. Theo nhà biên kịch Nguyễn Quỳnh Trang, thành viên ban tổ chức, LHP này được nâng cấp từ ý tưởng về “Những ngày phim sinh viên” của lò đào tạo điện ảnh lớn nhất Việt Nam. “Đưa sự kiện từ quy mô khép kín của sinh viên trong trường ra thành một hoạt động xã hội, phim các bạn được chiếu tại rạp và có khán giả khắp nơi tới xem. Tôi nghĩ rằng cách làm đó là sự khuyến khích rất hiệu quả những nhà làm phim trẻ tương lai”, biên kịch Quỳnh Trang nói.

Một giải thưởng khác cũng lặng lẽ vun đắp ước mơ điện ảnh của rất nhiều bạn trẻ ba năm qua là giải thưởng Búp sen vàng của dự án Chúng ta làm phim (We are filmmakers – WAFM) do trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh tổ chức. Đối tượng tham gia dự án WAFM rất nhiều người là các bạn trẻ đang theo học các ngành khác điện ảnh như báo chí, kinh tế, xã hội học… nhưng tới đây, họ sẽ được những người làm phim chuyên nghiệp như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đạo diễn Đỗ Hữu Phần, nhà biên kịch Bùi Kim Quy… đào tạo bài bản. Ba năm qua, giải thưởng Búp sen vàng luôn có được những chủ nhân xứng đáng như Nguyễn Trung Kiên, Phan Huyền My, Lê Hoàng, Bùi Thị Hà… Đang là sinh viên khoa Báo chí trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn nhưng năm 2011, Bùi Thị Hà đã dành hai giải Búp sen vàng cho tác phẩm Những đứa trẻ do mình tự làm biên kịch, đạo diễn kiêm biên tập. Hà chia sẻ: “Tôi đã từng nghĩ rằng làm phim là một điều gì đó rất cao siêu. Nhưng giờ đây tôi thấy điều đó chỉ còn đúng một nửa. Làm phim vẫn rất khó nhưng nó không hề xa vời”.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, người gắn bó với dự án WAFM từ những ngày đầu, cho biết sau mỗi mùa giải Búp sen vàng, tay nghề của các nhà làm phim trẻ lại có những bước trưởng thành rõ rệt. “Điều quan trọng nhất là chúng tôi giúp họ kể được câu chuyện họ muốn kể bằng điện ảnh. Họ chính là chất liệu cho điện ảnh của hôm nay. Không ai có thể kể về họ, về những người trẻ Việt Nam ngày nay chính xác và thú vị như chính họ”.

Năm ngoái, phim ngắn The safe của nhóm làm phim trẻ Lam Thiên đã giành giải nhất tại cuộc thi Làm phim 48 giờ. Khi đó, với tư cách là giám khảo cuộc thi tại Việt Nam, đạo diễn Phillip Noyce đã đánh giá cao tác phẩm này. Ông nhận xét: “Tôi bất ngờ và rất vui vì được thưởng thức một sản phẩm điện ảnh chuyên nghiệp như thế của các nhà làm phim trẻ Việt Nam. Bắt đầu bằng những phim ngắn rất cuốn hút và chắc chắn như thế này, chỉ trong thời gian ngắn họ sẽ đem tới cho chúng ta những tác phẩm điện ảnh có chất lượng”. The safe sau đó trở thành phim ngắn đầu tiên của Việt Nam tham dự LHP Filmapolooza tại Mỹ.

Bước ra với đám đông, không nhiều người trong số những người làm phim trẻ nghĩ rằng họ sẽ phải làm điều gì đó đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam. Họ làm phim trước hết bởi niềm đam mê của riêng mình. Nhưng chính cái tâm thế đó sẽ là nền móng chắc chắn nhất để họ bước đi trên con đường nghệ thuật của mình. Bởi những bộ phim hay sẽ chỉ ra đời khi người làm phim chỉ có một mục đích là làm ra phim hay.

 
Xuân Thi
(Theo SGTT)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 380
  • Khách viếng thăm: 377
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 51268
  • Tháng hiện tại: 1692681
  • Tổng lượt truy cập: 48066808