Sói được xem là hiện tượng của điện ảnh Hàn trong năm 2012 khi đạt cột mốc 6 triệu khán giả sau 26 ngày chiếu ở Hàn Quốc. Lý do nào đã khiến Sói vượt mặt về doanh thu, hơn cả “bom tấn” The Twilight Saga: Hừng đông phần 2 chiếu cùng thời điểm tại Hàn Quốc?
Ngoài tên tuổi của đạo diễn Jo Sung-hee (từng nổi lên với phim ngắn đầu tay Don’t step out of house và phim kinh dị End of animal được mời trình chiếu tại rất nhiều liên hoan phim danh giá, được bán cho Đức và Mỹ quyền dựng lại), tài diễn xuất xuất thần của “mỹ nam” Song Joong-ki và mỹ nữ Park Bo-young (từng đoạt rất nhiều giải thưởng điện ảnh lớn tại Hàn Quốc), Sói còn chinh phục khán giả bằng chính chất lượng với một câu chuyện chạm đến cảm xúc của người xem ở các độ tuổi khác nhau bởi nỗi hoài niệm quá khứ về một tình yêu mãnh liệt và sự cảm thông với một người xa lạ đang gặp khó khăn.
Hai diễn viên chính trong phim - Ảnh: MegaStar
|
Phim mở đầu bằng những hình ảnh nhẹ nhàng, thơ mộng của một cụ bà khi quay trở lại nơi thiếu thời. Đứng trước ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm đó, bà đã không thể quên được những tình cảm mãnh liệt, khó tin mà bà từng có với một “người sói” trước đó 47 năm. Khi đó, cô gái đơn độc Suni đã mở rộng trái tim mình, dạy cho cậu bé Chul-soo - một chàng người sói có thân nhiệt khác thường, có nhóm máu bí ẩn, không biết nói tiếng người, vốn bị giam cầm biệt lập, sống hoang dã như một con chó sói, cách chờ đợi kiên nhẫn đến giờ được ăn, cách mặc quần áo, cách nói năng, viết lách và cách cư xử của con người, để cậu có thể bớt đi bản năng dã thú, sống như một người bình thường. Cả hai đã đến với nhau bằng những tình cảm trong sáng của tuổi trẻ, bằng những quan tâm thường nhật chân thành, tinh khôi, dù họ ở hai thế giới quá khác xa nhau. Câu chuyện tình yêu giữa người và “người giống vật” có thể xa lạ với người xem, nhưng những gì đạo diễn chuyển tải quả thật quá nhiều ý nghĩa.
Buổi ra mắt phim tối 29.11, đơn vị phát hành MegaStar có phát một xấp khăn giấy cho mỗi khách mời vào rạp, như cách mà phim Áo lụa Hà Đông trước đây đã từng làm, và ít nhiều khán giả đã chảy nước mắt với ít nhất một đoạn ngắn ở phần gần kết phim với xử lý quá tinh tế ở từng tiểu tiết nhỏ của đạo diễn trong cảnh chia lìa đó. Khán giả tìm thấy được sự ấm áp của tình người, của ký ức, và được chiêm nghiệm nhiều hơn về cách “cho và nhận” trong đời sống này. Chạm được đến cảm xúc vậy cũng đáng xem rồi.
Ý kiến bạn đọc