Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh của chú Tiều mà cha tôi mướn về nhà để dạy nghề ấp hột vịt, khi ấy tôi vào khoảng bảy hay tám tuổi gì đó, hình như khoảng năm 1969-1970. Dáng ông dong dỏng cao, hơi gầy, nhưng đặc biệt là lưng ông cong vòng, mình trần trùi trụi, độc nhất chiếc quần đùi dài đến tận đầu gối (sau này tôi nghe mọi người gọi đó là quần Tiều). Điều đặc biệt làm tôi không có cảm tình là ông rất ở dơ và mình mẩy đầy ghẻ lát, nhưng ông rất hiền, ít nói và vui vẻ. Mặc dù lúc ấy tôi còn trẻ con nhưng nghe cha tôi nói chuyện với mọi người tôi cũng hiểu được là ông luôn giấu nghề. Mục đích của cha tôi là mướn ông về nhà là vừa làm vừa dạy nghề ấp hột vịt. Nhưng ông ta cứ viện cớ là làm mướn ăn công. Hễ cứ mỗi lần cha tôi lại gần để xem ông làm là cứ y như rằng ông luôn “giả nai” là đau lưng quá cần nghỉ mệt! Nhưng cuối cùng thì cha tôi cũng mày mò học lóm được mặc dù phải trả giá khá đắt cho mấy mẻ lò ấp bị hư hao.
Một góc chợ Gò Công xưa (Nguồn Internet)
Do công việc nên mỗi sáng hàng ngày cha tôi phải đạp xe ba bánh từ nhà xuống bến đò chợ Gò Công để đón mối hột vịt từ các vùng quê lân cận như xã Bình Xuân, Xã Lới, Cù Lao Tân Thới... Ngoài thời gian đi học, những ngày nghỉ hè, nghỉ lễ cha tôi thường chở tôi theo, nhưng lượt đi thì tôi có diễm phúc được ngồi chễm chệ trên xe ba bánh, còn lượt về thì phải ì ạch phụ cha để đẩy xe đầy ắp mấy cần xé hột vịt. Giờ nghĩ lại tôi còn phát ngán, nhưng giờ đây cha đã già yếu tôi thấy thời ấy mình cũng đã góp một phần nhỏ công sức để giúp cha mình. Nhưng thật ra cứ mỗi lần theo cha sáng sáng nào tôi cũng được trả công xứng đáng, khi thì cái bánh bao bốc khói, khi thì ổ bánh mì với dĩa xíu mại hay tô hủ tiếu sườn thịt bằm. Tôi vẫn còn nhớ chỗ tôi ngồi giữ xe ba bánh chờ cha tôi đếm hột vịt là trước nhà thương Ông Đăng (đối diện phòng Văn hóa thông tin - lúc đó là tỉnh Gò Công). Muốn ăn bánh bao thì lại gần đó có chú Tiều với chiếc xe đẩy, còn muốn ăn bánh mì xíu mại thì lại tiệm của chú Cưng cách đó khoảng hai trăm mét. Nhưng muốn ăn hủ tiếu thì phải đi bộ vòng qua ngã ba chợ để đến tiệm Quảng Lợi Hòa. Có lẽ ngày nay, những ai xa xứ đều không thể nào quên tiệm hủ tiếu này. Không biết cộng đồng người Hoa di cư tới lập nghiệp ở vùng đất xứ Gò từ lúc nào, nhưng theo tôi thì có lẽ từ rất lâu, từ trước lúc tôi chào đời. Khắp các khu phố chợ Gò Công lúc ấy đều tràn ngập người Hoa với các hàng quán, tiệm ăn, tiệm chạp phô, nhà thuốc như Phùng An Đường, Diên Thọ Đường, tiệm than Dì Hai Xín, tiệm hột vịt Hiệp Dũ, vựa ve chai Bảy Xô... Đặc biệt tôi không thể nào quên hình ảnh thân quen của ông thợ nhuộm dưới dốc cầu Long Chiến, lúc nào cũng lam lũ nhễ nhại mồ hôi bên chiếc lò và nồi thuốc nhuộm lúc nào cũng sôi ùng ục. Sau này học cấp ba tôi tình cờ học chung lớp với con gái của ông. Được biết vợ ông bị bệnh điên, một mình ông phải vất vả lo cả gia đình 6 miệng ăn. Một điều oái oăm là cạnh hàng nhuộm của ông là nhà của bà Xẫm bị câm, mấy đứa nhỏ đi ngang hay ghẹo chọc để nghe bà chửi chơi (thật ra bà bị câm và điếc đặc nên đâu có chửi được, chỉ la chí chóe với ánh mắt dữ tợn làm lũ nhỏ chạy xanh mặt).
Giờ đây phố chợ Gò Công đã thay da đổi thịt, đường sá thênh thang, nhà lầu mọc lên san sát, xóa dần những ngôi phố cổ của người Hoa thuở nào, nhưng ký ức về Gò Công một thời không thể nào phai nhạt trong tâm trí tôi. Những ông Tiều, bà Xẫm, chú Cưng có lẽ giờ không còn nữa nhưng hình ảnh thân thương, lam lũ với quang gánh ve chai lông vịt, gánh đậu phộng, tiệm chạp phô, hàng nhuộm quần áo, cái bánh bao, viên xíu mại...một thời khó nhọc vẫn còn đeo mãi bên tôi cho đến tận bây giờ.
Ý kiến bạn đọc