Địa danh Lộ Ma xưa và nay

Đăng lúc: Thứ năm - 21/05/2020 15:05
Địa danh dân gian như một nhân chứng thầm lặng về lịch sử tồn tại và phát triển của một vùng đất. Trải qua 340 năm hình thành, một số địa danh xưa và mới của Mỹ Tho cùng đồng hành theo sự phát triển của vùng đất này. Theo tiến trình lịch sử, nhiều tên gọi vẫn bền vững theo thời gian, nhưng cũng có những địa danh dần dần ít được nhắc đến rồi đi vào quên lãng, chẳng hạn như đường Lộ Ma.
Đô thị Mỹ Tho được hình thành từ rất sớm trên vùng đất Nam bộ. Từ năm 1623, một bộ phận người Việt từ miền Bắc và miền Trung vào lập nghiệp ở vùng tả ngạn sông Bảo Định. Đến năm 1679, những người này cùng với một nhóm người Minh Hương mới đến, được chúa Nguyễn cho định cư ở đây đã hình thành nên “Mỹ Tho đại phố” ở Làng Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa, khu phố này kéo dài đến cầu Vỹ, Gò Cát (xã Mỹ Phong hiện nay) là tiền thân của thành phố Mỹ Tho ngày nay. Sách Gia Định thành thông chí của tác giả Trịnh Hoài Đức cho biết, “chợ phố lớn Mỹ Tho, nhà ngói cột chạm, đình cao chùa rộng, ghe thuyền các ngả sông, biển đến đậu đông đúc, là một chốn đô hội, rất phồn hoa, huyên náo”.

Thiên nhiên ưu đãi, ruộng đồng phì nhiêu, cộng với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, kinh nghiệm lâu đời của cư dân lúa nước ở miền Bắc, miền Trung mang vào, lưu dân Việt đã sớm tạo nên một vùng môi sinh mới mẻ ở Mỹ Tho đại phố  nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Khi dân cư ngày càng đông đúc, năm Đinh Dậu (1777), chúa Nguyễn đã lập một đơn vị quản lý đặc biệt là đạo Trường Đồn tại giồng Kiến Định (thị trấn Tân Hiệp ngày nay). Sau đó, đạo Trường Đồn được nâng lên thành dinh Trường Đồn rồi đổi tên là dinh Trấn Định và dời lỵ sở về thôn Mỹ Chánh - Mỹ Tho đại phố, huyện Kiến Hòa vào năm Tân Sửu (1781).

Đường Lộ Ma xưa và đường Thái Sanh Hạnh nay

Năm 1792, chúa Nguyễn cho xây thành Mỹ Tho, còn gọi là thành Trấn Định. Trần Văn Học xây và vẽ họa đồ thành Mỹ Tho. Sách Đại Nam liệt truyện, phần chính biên chép: “Học dâng bản đồ (thành Mỹ Tho), cách thức, Học vẽ giỏi, phàm làm đồn lũy, đo đường sá, vẽ bản đồ, nêu dấu, đều do tay Học làm”. Thành này được thiết kế có tham khảo phong cách thành Vauban của nước Pháp. Được biết, Vauban là tên của kiến trúc sư người Pháp dưới thời Louis XIV với tên đầy đủ là Sébastien Le Prestre de Vauban (1633-1707). Thành Vauban là cả một hệ thống phức hợp các công trình kiến trúc liên quan mật thiết với nhau và mang tính phòng thủ toàn diện từ tường thành, pháo đài, đài giác bảo, pháo môn, tường bắn... cho đến hào thành và đường bao ngoài hào. Khi được tính toán kỹ về mặt sắp đặt và kích thước, khối công trình đồ sộ đó hoàn toàn có thể tạo ra những “đô thị bất khả xâm phạm”.

Tác giả Trịnh Hoài Đức mô tả thành Mỹ Tho trong Gia Định thành thông chí như sau: “Thành có dạng hình vuông, chu vi 998 tầm (khoảng 2.000 mét), có mở hai cửa ở phía tả và phía hữu, nơi cửa có xây cầu bắc qua hào, hào rộng 8 tầm (khoảng 16 mét), sâu 1 tầm (khoảng 2 mét), dưới cầu có cửa cống nhỏ để lưu thông với sông lớn (sông Tiền), ngoài hào có đắp lũy đất, có cạnh góc lồi ra lõm vào như hình hoa mai, chân lũy mặt tiền 30 tầm (khoảng 60 mét) thì đến sông lớn. Trong thành có những kho gạo, kho thuốc đạn, trại quân và súng lớn, tích trữ đầy đủ, nghiêm chỉnh”. Theo sử liệu, đường Lộ Ma (tức đường Thái Sanh Hạnh nay) là một trong 4 con đường của thành Mỹ Tho xưa. Cụ thể, thành Mỹ Tho xưa tọa lạc giữa các con đường Thái Sanh Hạnh (phía Đông), Nguyễn Huỳnh Đức (phía Tây), Đinh Bộ Lĩnh (phía Nam), Học Lạc (phía Bắc) của thành phố Mỹ Tho ngày nay.

Năm 1826, vua Minh Mạng cho dời lỵ sở về trấn Định Tường từ thôn Mỹ Chánh - Mỹ Tho đại phố, ở phía tả ngạn kênh Bảo Định sang hai thôn Điều Hòa và Bình Tạo của huyện Kiến Hưng, ở phía hữu ngạn kênh Bảo Định (nay thuộc các phường 1, 4 và 7 của thành phố Mỹ Tho). Thành Định Tường mới được xây dựng. Thành Định Tường cũ với đường sá, kho gạo, kho đạn, trại quân... bị bỏ hoang. Năm 1836, triều Nguyễn cho lập địa bạ, đo đạc khu thành Mỹ Tho được hơn 40 mẫu, đem rao bán nhưng không ai mua.  Thấy bãi đất trống tại khu thành Định Tưởng cũ hầu như không có giá trị, quan lại địa phương mới trưng dụng một phần làm pháp trường xử án tử tội nhân.

Tiến sĩ Huỳnh Quán Chi (Giảng viên khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tiền Giang) cho biết: “Nguyên thủy, Lộ Ma là một trong các con đường của Mỹ Tho xưa. Tại khu vực này, Nhà Nguyễn từng cho dựng một pháp trường hành quyết những người tử tội. Pháp trường này tồn tại đến đời Tự Đức. Bao nhiêu người đã bị hành quyết không rõ, nhưng người dân địa phương cho dựng tại chỗ này một ngôi miếu thờ cô hồn hay còn gọi là miếu Cây Gạo. Pháp trường, ngôi miếu cộng với sự hoang vắng trong khu vực nên người dân nơi đây gọi con đường này là đường Lộ Ma. Đến thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân trưng dụng một phần của đường Lộ Ma làm bãi rác. Hiện nay, đường Lộ Ma xưa đã trở thành đường Thái Sanh Hạnh rất khang trang (phường 9, thành phố Mỹ Tho) chạy ngang qua Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang, Trường Cao đẳng Tiền Giang và Công an Tiền Giang. Khu vực này giờ có nhiều cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đóng trên tuyến đường”.

Ngày 8/12/2006, Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang ra Nghị quyết số 116/2006/NQ-HĐND đổi tên tuyến đường Lộ Ma là Thái Sanh Hạnh. Năm 2009, Ủy ban nhân dân thành phố Mỹ Tho tiến hành nâng cấp 1,21 km đường Thái Sanh Hạnh (rộng 8m), kết cấu mặt đường là nhựa nguội, điểm đầu giáp với đường Trần Nguyên Hãn (phường 8) và điểm cuối giao với đường Đinh Bộ Lĩnh (phường 9). Được biết, đồng chí Thái Sanh Hạnh có bí danh là Trần Chí Nam. Ông sinh 1925 tại xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo và tham gia cách mạng từ 1945 tại địa bàn Mỹ Tho. Năm 1957, ông được Tỉnh ủy phân công là Bí thư thị xã Mỹ Tho lãnh đạo và chỉ đạo phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng và gây dựng cơ sở cách mạng. Năm 1958-1960, ông là Tỉnh ủy viên phụ trách thị xã Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo. Ông hi sinh vào ngày 20/9/1960 tại xã Tân Lý Đông (huyện Châu Thành). Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tên của ông được đặt cho trường Đảng và nhà máy in của tỉnh. Hiện nay, đồng chí được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trương Ngọc Tường (phường 1, thị xã Cai Lậy) cho rằng: “Địa danh là sản phẩm của sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Vùng đất Mỹ Tho đã trải qua hơn 3 thế kỷ hình thành và phát triển. Mỗi giai đoạn lịch sử, chính quyền địa phương đều đặt tên đường và phố để quản lý đô thị thuận lợi. Tuy nhiên, song song với tên của chính quyền đặt (ghi trên địa bạ, bản đồ hành chính) thì vẫn luôn có cái tên của dân gian đặt (truyền miệng), qua đó thể hiện cái nhìn dân dã của nhân dân về các giai đoạn lịch sử trên địa bàn mình sinh sống, chẳng hạn như đường Lộ Ma”.

 

* Được biết, Trần Văn Học chưa rõ năm sinh, người huyện Bình Dương, trấn Phiên An (nay thuộc quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh). Ông vừa là võ tướng của nhà Nguyễn; vừa là người có tài vẽ địa đồ, họa đồ kỹ thuật, được xem là người Việt đầu tiên vẽ bản đồ, thiết kế thành lũy theo phương pháp phương Tây.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang, Lịch sử kháng chiến quân dân Tiền Giang (1940-1975), NXB Quân đội nhân dân.

2. Địa chí Tiền Giang, Tập 1 và 2, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, Trung tâm Unesco Thông tin Tư liệu Lịch sử  Văn hóa Việt Nam, Hà Nội.

3. Trịnh Hoài Đức (Lý Việt Dũng dịch, 2006), Gia Định thành thông chí, NXB Tổng Hợp Đồng Nai, Đồng Nai.

ThS. Võ Văn Sơn
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 97)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 190
  • Khách viếng thăm: 188
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 12518
  • Tháng hiện tại: 2245068
  • Tổng lượt truy cập: 46212301