Nông dân xã Long Bình thu hoạch lúa. |
VẺ VANG TRẬN CHIẾN LONG THẠNH
Trong sự nghiệp cách mạng giai đoạn 1930 - 1975, Đảng bộ, quân và dân huyện Gò Công Tây đã anh dũng chiến đấu trước mọi thử thách, khi có thời cơ là bừng dậy quật khởi mãnh liệt, tiêu biểu là trận chiến Long Thạnh ngày 18-2-1947 âl.
Theo quyển “Lịch sử Đảng bộ xã Long Bình”, đêm mùng 8-3-1947, các cơ quan Tỉnh đội, Ty Công an, Mặt trận Việt Minh tổ chức di chuyển về căn cứ Vĩnh Hựu để tiện liên lạc với Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh. Cùng lúc đó, Chi đội 9 Cộng hòa vệ binh tỉnh và đơn vị Quốc vệ đội thuộc Ty Công an từ tỉnh Bến Tre chuyển về căn cứ Long Thạnh. Mật vụ do Chánh tổng Hòa Đồng Hạ cài cắm đã báo tin cho chỉ huy Pháp tỉnh Gò Công và chúng gấp rút lập kế hoạch, huy động lực lượng lớn hòng tiêu diệt gọn lực lượng ta.
Sáng sớm ngày 10-3-1947 (nhằm ngày 18-2 năm Đinh Hợi), quân Pháp huy động 1 tiểu đoàn lính Âu - Phi và tay sai với tổng quân số gần 500 tên, có xe cơ giới và pháo binh yểm trợ, từ nhiều hướng kéo về làng Long Thạnh với kế hoạch 3 gọng kìm, hy vọng sẽ tiêu diệt gọn lực lượng kháng chiến của ta. Bị tấn công bất ngờ, lực lượng và vũ khí trang bị không tương quan, bất lợi cho ta, nhưng dưới sự chỉ huy sắc sảo và bản lĩnh của các đồng chí Nguyễn Văn Sĩ, Đoàn Hồng Phước, Trần Chí Túc..., Chi đội 9 Cộng hòa vệ binh và Quốc vệ đội đã triển khai thế trận chống càn, chuyển từ thế bị động sang thế chủ động đánh địch. Cùng lúc đó, Chi bộ và Ủy ban Kháng chiến hành chính các làng Long Thạnh, Bình Luông Tây, Bình Luông Đông đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban Quân sự, Ban Công an tổ chức lực lượng tự vệ thường trực ra mặt trận phối hợp hiệp đồng tác chiến; Đoàn Thanh niên Cứu quốc các làng tổ chức đội vận tải, cứu thương tới mặt trận phục vụ chiến đấu... Trận đánh diễn ra giằng co, quyết liệt từ sáng sớm đến chiều tối ngày 10-3-1947, các má, các chị đã khéo lợi dụng địa hình, bất chấp hiểm nguy để tiếp tế cơm nước, động viên cán bộ, chiến sĩ đánh giặc. Lực lượng vũ trang của ta thuần thục địa hình, mưu trí, linh hoạt, chiến đấu dũng cảm, đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Gần tối, khi tinh thần binh sĩ địch bạc nhược, chỉ huy mặt trận đã ra lệnh cho bộ đội và tự vệ xung phong đánh giáp lá cà với địch.
Sở trường võ nghệ của bộ đội, tự vệ và vũ khí thô sơ tầm vông vạt nhọn, giáo, mác, bá nha (dao găm) của ta phát huy tác dụng. Tổng số địch bị tiêu diệt tại trận là hơn 100 tên, làm bị thương hơn 300 tên khác, trong đó có nhiều lính viễn chinh Âu - Phi. Ta thu được nhiều vũ khí, đạn dược của địch để trang bị cho Lực lượng vũ trang của ta. Đây là trận chiến đấu chống cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của địch đầu tiên trên địa bàn tỉnh Gò Công. Trận thắng này, quân và dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang, làm nức lòng quân và dân trong tỉnh. Chiến thắng Long Thạnh đã gây chấn động toàn bộ hệ thống chính quyền, quân đội thực dân Pháp đóng trên địa bàn tỉnh Gò Công; đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Lực lượng vũ trang cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, mở ra giai đoạn phát triển mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai ở tỉnh Gò Công.
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG
Ông Đặng Hoàng Thọ, Chủ tịch UBND xã Long Bình cho biết: “Phát huy tinh thần Chiến thắng Long Thạnh, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Long Bình cùng quân và dân trong xã đã nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Hằng năm, UBND xã đã chủ động triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết của Đảng ủy và các nghị quyết của HĐND xã, tạo sự chuyển biến tích cực, nhiều lĩnh vực tăng trưởng khá, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng..., đời sống của nhân dân ngày càng nâng lên rõ rệt”. Cụ thể, xã có hơn 80% đất làm nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, riêng vụ đông xuân 2015 - 2016 nước mặn đến sớm, xâm nhập sâu vào nội đồng, mực nước trong các kinh thấp phải tổ chức bơm chuyền, song do chủ động xây dựng phương án phòng, chống hạn mặn và sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên đã hạn chế nhiều thiệt hại cho nông dân, năng suất, sản lượng cây trồng đạt kế hoạch đề ra, với tổng sản lượng lương thực 25.600/17.500 tấn, tổng giá trị 178,81 tỷ đồng, đạt 146% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới mà nhiều tuyến đường giao thông nông thôn của xã được khoác lên mình “chiếc áo mới”. Cụ thể, trong năm 2016 xã đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công làm mới và sửa chữa các tuyến đường liên xã, liên ấp, hệ thống điện 3 pha Hòa Phú - Long Hải; làm mới cầu Kinh 14 và cầu Xóm Lá; nâng cấp đường huyện 16; vận động nhân dân xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp ở khu dân cư; nạo vét các tuyến kinh tiếp nước Long Hải, rạch Sáu Thoàn; làm cống xã Hòa Phú... để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, xã đã đạt 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hằng năm xã có 94% hộ đạt 3 tiêu chuẩn gia đình văn hóa; nâng chất các tiêu chí ấp văn hóa; đã xây dựng 3 “Tuyến đường văn hóa” và 1 “Cơ sở thờ tự văn hóa”…, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội trên địa bàn ổn định...
Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã ra sức thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Long Bình ngày càng giàu đẹp.
Ý kiến bạn đọc