Đạo diễn Văn Sinh, người xây nền móng cho phong trào văn nghệ Tiền Giang sau giải phóng

Đăng lúc: Thứ hai - 23/01/2017 10:57
Năm 1978, Tiền Giang mở lớp sáng tác Văn học Trẻ, đây là khóa bồi dưỡng sáng tác đầu tiên của tỉnh sau ngày giải phóng, nhằm phát hiện, đào tạo lực lượng viết trẻ cho địa phương. Lớp học được chia làm hai phần. Phần lý thuyết kéo dài ba tuần, các cây bút trẻ được nghe các nhà văn Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, các nhà thơ Chế Lan Viên, Bảo Định Giang, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền…, trao đổi những vấn đề về lý luận, kinh nghiệm sáng tác… Tiếp đến là thời gian đi thực tế sáng tác về vùng lũ lụt, vùng lúa năng suất cao, vùng tiềm năng kinh tế biển, để viết bài phục vụ nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.
Đạo diễn Văn Sinh (hàng trên cùng bên phải) và các văn nghệ sĩ Tiền Giang trong những ngày đầu thành lập Hội

Đạo diễn Văn Sinh (hàng trên cùng bên phải) và các văn nghệ sĩ Tiền Giang trong những ngày đầu thành lập Hội

Trước chuyến đi thực tế, người phụ trách lớp đến gặp gỡ, ân cần dặn dò chúng tôi: Các cháu sẽ đi về nông thôn, thâm nhập vào cuộc sống của bà con nông dân, tìm hiểu những khó khăn tâm tư, nguyện vọng của họ trong đời sống, trong  sản xuất. Mong là qua chuyến đi, các cháu sẽ có nhiều bài viết phong phú sinh động… Về sau chúng tôi được biết đó là đạo diễn Văn Sinh (sau này chúng tôi gọi một cách thân mật là chú Năm), Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ mới vừa thành lập.

Sau chuyến đi thực tế, mỗi học viên nộp phác thảo đề cương bài viết cho ban tổ chức trại. Soạn giả Văn Sinh là người trực tiếp theo dõi lớp học. Lần lượt từng bài viết của chúng tôi được ông đọc, góp ý, sửa chữa từng chi tiết bố cục, cách xây dựng nhân vật… Hội Văn nghệ cũ nằm ở số 12 Thủ Khoa Huân (giờ là bệnh viện Anh Đức) là địa chỉ thân thuộc, những người viết trẻ thường lui tới.

Tạp san Văn nghệ Xuân 1979 xuất bản như một thành công  của khóa học. Có đủ thể loại phóng sự, bút ký, ghi chép, truyện ngắn và cả trích đoạn tiểu thuyết của các cây bút trẻ. Lần đầu tiên, sau 30/4/1975, tờ báo văn nghệ địa phương được ra mắt bạn đọc, bề thế sinh động, hé mở tiềm năng về một đội ngũ kế thừa, bên cạnh những tác giả xuất hiện trong kháng chiến chống Mỹ ở Tiền Giang như: Lê Hà, Văn Sinh, Việt Ánh, Trần Bửu, Thái Phong…

Trong buổi gặp gỡ thân mật các cây bút trẻ ngày bế mạc trại và ra mắt tập san Văn Nghệ, đạo diễn Văn Sinh rất hồ hởi. Ông trò chuyện với từng người, hỏi han động viên và khích lệ các bạn trẻ sau khóa học vẫn tiếp tục công tác cho tập san Văn nghệ Tiền Giang sẽ ra đều đặn hai tháng một kỳ. 

Sau khóa học, tôi được rút về Hội Văn nghệ Tiền Giang, là cán bộ sáng tác của Tạp chí Văn nghệ. Lúc đó, Hội vừa mới thành lập, người điều hành trực tiếp là đạo diễn Văn Sinh. Có thể nói ông là người có nhiều công sức trong việc phát hiện lực lượng sáng tác trẻ ở Tiền Giang đầu thập niên 80. Trong vòng vài năm, Hội Văn nghệ từ chỗ chỉ có một ban lãnh đạo lâm thời (vì chưa tổ chức đại hội), vài nhân viên văn phòng, đã có đủ cán bộ cho  các ngành chủ lực: văn học, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật… Đạo diễn Văn Sinh rất quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ. Sau lớp sáng tác văn học, hàng loạt các khóa sáng tác âm nhạc, kịch bản sân khấu, hội họa… được tổ chức. Từ các lớp bồi dưỡng sáng tác này, một số các tác giả trẻ (từ ngành giáo dục, các cơ quan, trường đại học…), lọt vào “tầm ngắm” của đạo diễn Văn Sinh. Và ông đã lặn lội tìm đến các cơ quan trường học, trao đổi để rút họ về Hội Văn nghệ. Trong số những tác giả trẻ ngày ấy, nhiều người đã khẳng định uy tín, tên tuổi không chỉ ở địa phương, mà còn ở khu vực, được kết nạp vào các hội chuyên ngành trung ương, giữ những cương vị chủ chốt ở Hội sau này như: Soạn giả Huỳnh Anh (chủ tịch), nhà văn Thu Trang (phó chủ tịch, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ), nhạc sĩ Lê Ngân (phó chủ tịch), nhà điêu khắc Trần Văn Trầm (ủy viên BCH Hội)… Đặc biệt, đạo diễn Văn Sinh là người sáng lập và duy trì hoạt động tạp chí Văn nghệ Tiền Giang một thời gian dài. Từ xuất bản 3 tháng một số, tăng lên 2 tháng, rồi chuyển sang ra hàng tháng. Ngoài việc đăng tải, giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo văn nghệ còn phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị xã hội ở địa phương. Những năm đầu thập niên tám mươi, toàn tỉnh có phong trào vận động bà con nông dân vô hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, phong trào thu mua lương thực (vận động người dân đóng thuế, bán lúa dư cho nhà nước). Tỉnh tập hợp đoàn cán bộ thuộc các ban ngành đưa về hỗ trợ cán bộ cơ sở tuyên truyền vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào trên. Cán bộ sáng tác trẻ của Hội đều được đạo diễn Văn Sinh đưa đi thực tế dài ngày xuống cơ sở, cùng ăn cùng ở, cùng làm với bà con nông dân, trước mắt là viết bài cho các báo (Văn nghệ và Ấp Bắc), tuyên truyền, hưởng ứng phong trào chính trị xã hội ở địa phương, và cũng để thu thập vốn sống thực tế cho sáng tác lâu dài.

Báo Văn nghệ thời ấy bám sát những nhiệm vụ kinh tế xã hội trọng tâm ở địa phương, mang đầy hơi thở cuộc sống với những chủ đề nổi bật như; Số đặc biệt về thương binh liệt sĩ, về kinh tế biển, kinh tế vườn, về giao lương, về hợp tác xã…

Ngoài công tác quản lý, đạo diễn Văn Sinh còn đóng góp nhiều công sức cho hoạt động chuyên môn ở lãnh vực sân khấu. Từ thời trai trẻ đi bộ đội (năm 1946), ông đã sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ, từng sáng tác và dàn dựng nhiều tiết mục sân khấu cho đơn vị tham gia các phong trào văn nghệ. Sau năm 1954, tập kết ra Bắc, ông được đưa đi học lớp nghiệp vụ sân khấu do các chuyên gia Liên Xô giảng dạy. Sau lớp học, ông xuất ngũ, chuyển công tác về Nhà hát kịch Trung Ương (1958). Năm 1965, cùng một số văn nghệ sĩ miền Nam tập kết, ông vượt Trường Sơn về Nam, công tác ở tiểu ban Văn nghệ (Ban Tuyên huấn R). Thời  gian này, ông đã có mặt ở các đoàn văn công địa phương dựng nhiều vở kịch, tuồng cải lương, phục vụ chiến sĩ, bộ đội và nhân dân vùng giải phóng.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông về công tác ở Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh. Năm 1977, Đoàn Cải lương Tiền Giang mời ông về dàn dựng vở Lá cờ đầu (kịch bản: Nguyễn Thành Châu, diễn viên chính: Kim Lệ Thủy, Trương Hoàng Long) viết về quê hương Nam kỳ khởi nghĩa Long Hưng, nơi lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được kéo lên, mở  màn cho tiếng súng nổi dậy giành chính quyền nhũng năm bốn mươi. Vở diễn đạt huy chương vàng, tạo được tiếng vang, làm tiền đề cho việc đưa tuồng tích cách mạng đến với công chúng.

Ngoài công việc đạo diễn, ông còn sáng tác nhiều kịch bản, phục vụ nhiệm vụ chính trị xã hội của tỉnh như: Căn bệnh của ông giáo (Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh năm 1978), Trên cánh đồng lúa nổi (Đoàn Cải lương Tiền Giang 1 năm 1985), Trái tim hình ngôi sao (Đoàn Cải lương Tiền Giang 2 năm 1988)… Ông còn tham gia các đợt đi thực tế, viết nhiều kịch ngắn phóng sự, bút ký về đề tài nông nghiệp, nông dân nông thôn đăng trên tập san Văn nghệ Tiền Giang, báo Ấp Bắc…

Xuất thân từ binh nghiệp, đi bộ đội từ năm hai mươi tuổi, tập kết ra Bắc rồi xuất ngũ, đi học khóa đạo diễn, tu nghiệp ở Nga, hoạt động trong lãnh vực văn nghệ, nhưng ông vẫn giữ tác phong của một người lính. Nhanh nhẹn, dứt dạt, đâu ra đó. Đây là một lợi thế, nhưng cũng gây ít nhiều khó khăn trong công tác quản lý của ông, khiến ông không được lòng một số hội viên. Nhiều người cho rằng cách quản lý cứng nhắc của ông không phù hợp với văn nghệ sĩ.

Có thể nói đạo diễn Văn Sinh là mẫu cán bộ tiêu biểu cho một giai đoạn cách mạng. Là con trai  trưởng trong một gia đình trung nông ở xã Phú Mỹ (huyện Châu Thành), ông sớm giác ngộ cách mạng, đi theo kháng chiến. Mấy mươi năm trở về, ông từ chối mọi quyền thừa kế, sống thanh bạch trong gian nhà tập thể. Trong cuộc sống, ông luôn là tấm gương của sự liêm khiết, tiết kiệm. Đời sống thời tem phiếu khó khăn, ông chỉ đạo công đoàn Hội mở ki ốt bán sách báo lấy huê hồng, phụ cấp thêm đồng lương ít ỏi. Ông còn liên hệ với Xí nghiệp Dược để anh em nhân viên làm thêm ngày chủ nhật ở các phân xưởng đóng nút chai, dán nhãn thuốc... Ông luôn tâm niệm dù đói nghèo vẫn không được tơ hào một đồng của nhân dân. Mỗi dịp đi công tác xa, ông đều mang theo gạo, củi, thức ăn rồi ghé vào cơ quan nào đó, nấu nhờ bếp ăn tập thể. Ông nói: Mình có tiêu chuẩn lương hàng ngày, trong khi những người lao động phải làm việc vất vả mà không kiếm đủ miếng ăn.

Suốt đời theo cách mạng, theo đuổi sự nghiệp văn nghệ, đến hơi thở cuối cùng vẫn không ngừng sáng tác (ông mất năm 1995 do nhồi máu cơ tim khi hoàn chỉnh những trang viết cuối cùng cho kịch bản chuẩn bị tham dự hội thi sân khấu), đạo diễn Văn Sinh là mẫu cán bộ văn nghệ tiêu biểu của thời bao cấp. Ông là người xây dựng nền móng ban đầu, và để lại dấu ấn sâu đậm trong sự phát triển của Hội Văn nghệ cũng như phong trào văn học nghệ thuật ở Tiền Giang về sau.

Thu Trang
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 77)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 317
  • Khách viếng thăm: 311
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 37467
  • Tháng hiện tại: 428315
  • Tổng lượt truy cập: 60778453