Phía sau ánh đèn sân khấu

Đăng lúc: Thứ năm - 06/11/2008 11:38
Hàng ngày, từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 là khoảng thời gian để ca sĩ, diễn viên, nhạc công của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tập cơ bản. Từ 8 giờ 45 đến cuối buổi sáng, các thành viên của đoàn bắt đầu ôn tiết mục cũ, dựng tiết mục mới… Từ 14 giờ đến cuối buổi chiều, họ tiếp tục luyện tập các tiết mục mới. Kết thúc một ngày tập luyện, trên gương mặt mỗi ca sĩ, diễn viên hiện rõ nét uể oải, mệt mỏi.
Thông thường, vào mùa mưa, các thành viên của đoàn tập trung luyện tập, dàn dựng các tiết mục mới. Đến mùa nắng, đoàn bắt đầu đi diễn phục vụ khắp các địa bàn trong tỉnh, chủ yếu là các xã vùng sâu, vùng xa. Nghệ sĩ ưu tú Chí Thiện, Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật tổng hợp cho biết, theo quy định, mỗi ca sĩ, diễn viên, nhạc công phải phục vụ từ 90 đến 100 suất mỗi năm. Từ đầu năm đến nay, đoàn đã thực hiện được khoảng 50 suất diễn. Năm nào có nhiều sự kiện, lễ hội thì suất diễn của đoàn sẽ tăng nhiều hơn so với quy định.

Để có những tiết mục biểu diễn trên sân khấu trong 5, 10 phút, ca sĩ, diễn viên phải luyện tập cả tuần, đôi khi vài ba tháng. Thế nhưng có những tiết mục, chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, hoành tráng để tham gia các hội thi, hội diễn cấp khu vực và toàn quốc thì chỉ được diễn một vài lần, rất lãng phí. Các chương trình nghệ thuật này không thể diễn để phục vụ nhân dân trong tỉnh vì không có sân khấu phù hợp. Trong khi đó, có lãnh đạo địa phương sau khi xem các chương trình nghệ thuật của Tiền Giang tham gia hội thi, hội diễn, họ đã mời diễn viên, ca sĩ về diễn phục vụ cho nhân dân xem.

Hát, múa, đàn… là một nghề đặc thù, đòi hỏi phải hội tụ nhiều yếu tố như thanh, sắc, năng khiếu… Nghề ca sĩ, diễn viên cũng phải chấp nhận quy luật đào thải khắc nghiệt. Tuổi thanh xuân đã qua là khó có ca sĩ, diễn viên nào có thể trụ lại được dưới ánh đèn sân khấu. Muốn thực hiện những động tác múa đẹp, xướng âm đúng trường độ, âm vực của những nốt nhạc khó… đòi hỏi ca sĩ, diễn viên không ngừng luyện tập. Một động tác múa đòi hỏi kỹ thuật cao thì phải tập từ năm này sang năm khác là chuyện bình thường. Thế nhưng thù lao cho mỗi đêm diễn của ca sĩ, diễn viên, nhạc công loại A chỉ được 50 ngàn đồng, loại B: 40 ngàn đồng và loại C: 20 ngàn đồng. Những đêm diễn về khuya, nếu ăn tô hủ tiếu để tái tạo sức lao động thì khoản tiền thù lao ít ỏi ấy chẳng còn được bao nhiêu. Trong cơn bão giá hiện nay, cuộc sống của ca sĩ, diễn viên lại càng phải "thắt lưng buộc bụng" thì mới đủ chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Chị Trần Thị Kim Hạnh (diễn viên múa) tâm tư: "Tiền lương cùng các khoản trợ cấp thanh sắc, thù lao cũng không thể giúp cho ca sĩ, diễn viên có cuộc sống ổn định bằng chính sức lao động của mình". Chính vì vậy, một số ca sĩ, diễn viên phải "chạy show", nhận dàn dựng múa, chương trình văn nghệ… cho các đơn vị, địa phương để cải thiện cuộc sống.

Có được ngôi nhà để "an cư lạc nghiệp" là điều mong ước của tất cả ca sĩ, diễn viên. Nhạc công Đắc Tâm, Lương Quốc Vũ, nghệ sĩ sân khấu Điền Trung, Kiều Quốc Tâm… đã gắn bó với đoàn trên dưới 20 năm mà vẫn chưa thể tạo dựng được căn nhà. Diễn viên múa Công Danh vào nghề năm 1981, còn vợ anh vào đoàn năm 1985 (hiện nay đã chuyển công tác). 27 năm gắn bó với ánh đèn sân khấu, nhưng Công Danh vẫn còn phải ở trong khu tập thể của đoàn. Anh Danh tính: Tiền cho con gái (đang học lớp 7) học tập mỗi tháng mất hơn 1 triệu đồng, tiền ăn sáng, tiền chợ hàng ngày cho cả 3 người, tiền đám tiệc… thì đã hết vèo lương của 2 vợ chồng. Chính vì vậy, vợ chồng anh đã dành dụm mua được khoảnh đất hơn 8 năm nay, nhưng khoản tiền để xây dựng nhà thì vẫn còn là bài toán chưa có đáp án.

Nghệ sĩ ưu tú Chí Thiện bức xúc: "Quy định mức bồi dưỡng diễn viên của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã ban hành từ năm 2006 nên không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Để khuyến khích ca sĩ, diễn viên không ngừng sáng tạo, gắn bó với nghề thì Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần phải điều chỉnh mức bồi dưỡng cho ca sĩ, diễn viên phù hợp với tình hình mới". Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chia sẻ: "Để giúp cho ca sĩ, diễn viên sống được với nghề của mình, lãnh đạo ngành đã có chủ trương xã hội hóa các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Hiện nay, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang tiến hành vận động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để nâng cao chất lượng biểu diễn và đời sống cho anh em của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp".

Dù cuộc sống của ca sĩ, diễn viên còn nhiều khó khăn nhưng chẳng ai muốn bỏ nghề và bỏ đoàn. Nghệ sĩ Nhơn Hậu cho biết: Sau khi đoạt huy chương bạc Liên hoan sân khấu khu vực ĐBSCL và huy chương vàng giải Trần Hữu Trang, Nhơn Hậu được nhiều nơi mời về công tác. Nhơn Hậu thừa biết ra đi sẽ giúp cho mình có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển sự nghiệp và có thu nhập cao. Nhưng Nhơn Hậu đã quyết định ở lại, vì dù cuộc sống của anh em trong đoàn còn khó khăn nhưng luôn đối xử với nhau như anh em một nhà. Đó chính là chất keo kết dính, khiến Nhơn Hậu không thể nào bỏ đoàn ra đi được. Còn diễn viên Công Danh thì cảm thấy nhớ sân khấu, nhớ khán giả trong những đêm không diễn. Chính vì vậy, dù có những lúc khó khăn, Công Danh phải đi sửa xe đạp để cải thiện cuộc sống, nhưng anh vẫn không thể bỏ sân khấu được.

Khi đứng dưới ánh đèn sân khấu, ca sĩ, diễn viên luôn nở nụ cười rạng rỡ, nhưng khi ánh đèn màu phụt tắt, họ trở về với cuộc sống đời thường thì vẫn còn nhiều nỗi niềm…
T. Tấn
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 29)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 404
  • Khách viếng thăm: 402
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 43757
  • Tháng hiện tại: 1792657
  • Tổng lượt truy cập: 48166784