Minh họa: Duy Hải
Sập tối hôm qua chú Miên còn chèo ghe sân sẩn, vậy mà sáng nay chú than mệt không dậy nổi. Thằng Lụm tưởng chú nóng lạnh, nhức đầu sơ sơ như những lần trước.
- Con lên bờ mua thuốc cho ba nghen! Ba nghe trong mình đau làm sao?
Chú Miên nói tỉnh bơ:
- Chắc ba chết quá Lụm ơi!
Thằng Lụm dở nắp khạp vừa hốt mấy nắm gạo bỏ vào nồi để nấu cháo cho chú Miên, vừa nói:
- Chết gì mà chết, ba nói bậy không hà!
Miệng nói vậy nhưng trong lòng thằng Lụm chênh vênh. Thỉnh thoảng chú Miên cũng bệnh nhưng có khi nào nói vậy đâu. Cho nên thằng Lụm nghe sóng mũi cay xè như ăn ớt. Nó quăng nồi gạo xuống sạp ghe, chạy vào khoang chỗ chú Miên nằm, tốc mền ra rồi sờ tay lên trán, lên ngực chú Miên. Nó quệt mũi:
- Chết sao được mà chết, ba làm như con người ta chết dễ ợt như con gà, con vịt vậy! Ba nói bậy như vậy không nên đâu à!
Chú Miên trở mình nằm nghiêng, day mặt vào vách ghe, giấu mấy giọt nước mắt đang chực trào ra. Từ ngày có thằng Lụm, chú Miên đâm ra sợ chết. Không phải chú tham sống, mà sợ bỏ thằng Lụm trơ trọi một mình, biết nương tựa vào ai. Chú sống đùm bọc thằng Lụm, chết cũng nghĩ về thằng Lụm. Bởi vậy chú Miên mới ứa nước mắt, chao chát trong lòng.
Lần chú Miên khóc gần nhất cách đây đã hơn mười hai năm. Lần đó thằng Lụm bệnh sốt xuất huyết, tưởng đâu nó bỏ chú đi trước rồi. Năm ấy nó mới bốn tuổi. Trạm y tế xã chuyển thằng Lụm lên bệnh viện huyện, rồi chuyển lên tỉnh. Chú Miên lo lắng hỏi về bệnh tình của thằng Lụm, bác sĩ lắc đầu: “Rất nguy kịch, không thể nói trước được!”. Chú Miên khóc nấc lên, chân tay xơ rơ như muốn rụng xuống đất. Nếu thằng Lụm có bề nào chắc chú chết theo nó chứ sống sao nổi. Phải chi chở nó đi bệnh viện sớm thì đâu ra nông nỗi này. Mấy lần trước nó nóng sốt, chú chèo ghe đến quầy thuốc tây mua vài lần cho nó uống là hạ, đâu ngờ lần này… Chú cũng không biết bệnh sốt xuất huyết là gì. Suốt ngày chú chỉ biết chèo ghe, cào lưới, con nước nào cá nhiều, lo ngày mai hổng biết có kiếm đủ tiền mua gạo, sữa cho thằng Lụm không…
Chú van vái trời phật thương cha con chú thì phù hộ cho thằng Lụm sống. Được vậy có mất đi mười năm, hai mươi năm tuổi thọ hay có chết liền bây giờ chú cũng vui lòng! Cuộc đời chú Miên như dề lục bình, nước lớn trôi lên, nước ròng trôi xuống mang theo chùm bông tím mênh mang. Cuộc đời thằng Lụm như bèo giạt giữa dòng. Chú đến trước thì đi trước. Thằng Lụm đến sau, nó phải sống! Chú có muốn khóc đâu mà con mắt cay xè, nước mắt ứa ra lem nhem hoài. Mấy người đi nuôi con trong bệnh viện thấy vậy an ủi và hỏi mẹ thằng bé đâu, sao chú đi có một mình? Cổ chú ứ nghẹn, không nói được tiếng nào. Từ ngày có thằng Lụm, chú không ưa ai hỏi như vậy. Vết thương khó lành, nên chú băng bó lại kỹ lắm. Thằng Lụm tủi buồn, chú vui sao nổi. Hồi thằng Lụm còn ẵm nách, có lần lên chợ bán cá, một chị đến mua hỏi mẹ thằng bé đâu mà để chú đi bán? Chú Miên bực dọc: “Mua hổng mua thì thôi, hỏi mần chi!”.
Khi nghe bác sĩ nói thằng Lụm đã qua cơn nguy kịch, chú Miên chạy ù ra tiệm hớt tóc cạo đầu trọc lóc. Thằng Lụm thấy cái đầu chú láng bóng, nó đớt đát:
- Ủa, tóc ba đâu hết trơn rồi?
Chú Miên cười ứa nước mắt:
- Ba cạo hết tóc thì con sẽ mau hết bịnh!
Thằng Lụm hỏi sao ngộ vậy ba, chú Miên nói chừng nào con lớn, có con thì hiểu liền chớ gì! Khi xuất viện về, chú cõng thằng Lụm đi bộ từ bệnh viện ra bến xe, hai tay nó cứ vuốt ve cái đầu trọc của chú, thỏ thẻ:
- Mai mốt ba bịnh con cũng cạo đầu cho ba mau hết nghen!
Từ bệnh viện ra bến xe tròm trèm ba cây số, nhưng chú Miên thấy đôi chân mình nhẹ hẫng, nắng nở bừng lấp lánh.
Lần chú Miên khóc trước cách đây gần ba mươi năm. Đó là ngày chú không thể nào quên trong cuộc đời. Khuya hôm đó, chú Miên tranh thủ lên chợ bán mớ cá vừa mới cào được hồi chiều tối hôm trước, để về đi cào cho kịp con nước sáng. Thằng tài công của chiếc tàu buôn ngủ gục, đâm sầm vào chiếc ghe của chú. Cú va chạm đã nhấn chìm chiếc ghe, mang theo người phụ nữ và đứa con trai chưa đầy tháng tuổi. Chiếc tàu buôn gây tai nạn xong bỏ chạy, để lại nỗi đau như muốn vón chú Miên lại thành cục. Mà chú đã đông lại thật, như con cá bỏ trong ngăn đá tủ lạnh, cứng đơ, bợt bạt. Chú Miên không nói được và nấc cũng không rướm ra nổi giọt nước mắt nào! Chú nhảy ùm xuống sông, quơ tay đấm thùm thụp xuống mặt nước, vẫy vùng như con cá mắc câu. Con cá bất lực, nổi lên trôi lều bều trên mặt nước. Chú Miên thả lỏng cơ thể. Chú muốn mình trôi mãi, trôi mãi cho đến khi nào gặp được vợ con thì thôi. Chú không biết mình đã trôi bao xa, đến khi nghe cảm giác nhẹ hẫng như muốn bay lên khỏi mặt nước, chú nghĩ mình sắp được sum họp với vợ con rồi. Tỉnh dậy chú Miên thấy mình đang nằm trong bệnh viện.
Chú Miên mượn rượu để tìm quên. Sáng uống, trưa uống, chiều uống, khuya thức giấc cũng uống. Uống để hơi nóng của men rượu thiêu đốt những hình ảnh yêu thương. Nhưng nhìn vào đâu chú cũng thấy vợ và con, nghe cả tiếng hát ru tỉ tê, tiếng khóc le te của trẻ thơ văng vẳng trong lòng. Có đêm đang ngủ, chú Miên lồm cồm ngồi dậy vì thấy con đang choài đạp ngằn ngặt khóc đòi bú. Hai tay chú quờ quạng tìm kiếm. Nhưng chỉ có màn đêm đặc sệt, bầy đom đóm lập lòe trên tán bần và tiếng nước vỗ vào mạn ghe lách tách. Những giấc mơ như vậy chỉ làm chú Miên thêm vật vã. Vì sau những khoảnh khắc gia đình sum họp đầm ấm trong giấc mơ, tỉnh dậy là chú uống rượu. Uống đến ngoi ngớp, hai mi mắt díp lại không còn biết gì nữa mới thôi.
Hết ngày này đến ngày khác trôi qua. Rồi đến năm trôi qua… Mỗi lần uống lượng rượu phải tăng lên chú mới ngủ được. Mà có quên được đâu, tỉnh dậy lại nhớ, cho nên chú Miên mới xao xác. Chú nghĩ đời mình coi như hết, có cái xác, còn bên trong trống rỗng, như túi gạo trút ngược chỉ còn cái giỏ lép xẹp.
Nhưng đời đâu bạt bẽo đến nỗi phải chối bỏ cuộc sống.
Hôm đó trời tờ mờ sáng. Chú Miên đã thức nhưng chưa tỉnh hẳn. Chú nghe có tiếng gì như tiếng mèo kêu phát ra từ bãi cỏ trên bờ kinh. Lắng tai nghe kỹ thì không phải, tiếng khóc của đứa trẻ! Chú bật ngồi dậy chống ghe vào bờ. Chú Miên vừa hốt thằng bé lên, nó nín khóc. Dường như nó đã đợi chú Miên đến ẵm rất lâu rồi, chú không đến nên nó khóc tê tái, hụt hơi tím lịm cả người. Chú Miên áp sát thằng bé vào ngực để truyền hơi ấm cho nó. Chú nghe có luồng sinh khí trào lên, nở rộ khắp cơ thể. Cảm xúc này đã một lần đến khi đứa con trai của chú mới sinh (hồi con chú bị tai nạn chết cũng bằng thằng bé này). Chú Miên đặt tên cho nó là Lụm, thằng Lụm (đúng ra là Lượm). Từ ngày có thằng Lụm, chiếc ghe xôn xao, lúc nào cũng rộn rã tiếng cười, tiếng bi bô gọi ba, ba… Những âm thanh nồng nàn ấy đã lôi cuốn chú Miên trở lại với cuộc đời. Chú không cần mượn rượu để ngủ nữa.
Thằng Lụm biết phận mình nên lừng lửng lớn như cây tràm trên vùng đất phèn Đồng Tháp Mười. Đói bụng chú Miên pha cho nó bình sữa, uống xong nó lăn lóc chơi, chán rồi ngủ. Thấy thằng Lụm bụ bẫm, dễ nuôi nên nhiều người đánh tiếng muốn được nuôi nó. Vợ chồng anh Bảy Sang ở Cây Quao không có con, ngày nào cũng ngồi ngoài cầu bến, đón chú Miên cào lưới ngang hỏi mua cá để có cớ nựng thằng Lụm. Sau mấy lần nói bóng gió, thấy chú Miên làm thinh, chị Bảy ngã giá:
- Chú để thằng Lụm cho con nuôi, con gởi chú năm chỉ vàng!
Gần năm mươi tuổi đầu mà chú Miên chưa sắm nổi một chỉ vàng, huống hồ chi năm chỉ. Số tiền đó chú Miên có thể mua được miếng đất để an cư lạc nghiệp, thôi rày đây mai đó trên sông nước. Nhưng chú Miên cười khẩy:
- Thằng Lụm vô giá!
Từ bữa đó, chú Miên bỏ con kinh Ông Địa, không quay trở lại Cây Quao nữa. Hồi thằng Lụm bệnh sốt xuất huyết, xuất viện về chú Miên không ngủ được. Chú nghĩ thằng Lụm ở với chú không có tương lai. Lần này nó may mắn qua khỏi, nhưng biết đâu… Tiền dành dụm lo thuốc men cho nó hết sạch rồi, mai mốt rủi nó có đau ốm gì nữa không biết tiền đâu chạy. Rồi chuyện học hành của nó nữa, cuộc sống của chú nay đây mai đó làm sao thằng Lụm học. Thức trắng mấy đêm, đốt gần hết hai bánh thuốc rê, chú Miên quyết định quay lại kinh Ông Địa. Để thằng Lụm có tương lai, chứ một đồng chú cũng không lấy. Bao nhiêu tiền cũng không đủ tình thương của chú dành cho thằng Lụm!
Vừa đến Cây Quao, hồn vía chú Miên đâu mất tiêu. Nghe thằng Lụm kêu chiếc ghe sắp lủi vào đám ô rô, chú mới tỉnh lại. Chú Miên không cần vàng, không còn thằng Lụm, chú có nhiều tiền để làm gì? Vàng đâu biết đả đớt, đâu biết cười, đâu biết san sẻ yêu thương mà ham! Không có thằng Lụm, cuộc đời chú coi như chấm hết. Sống mà không có trách nhiệm với ai, cuộc đời đâu còn ý nghĩa gì!
Cây cầu bến xi măng trước nhà anh Bảy Sang mỗi lúc một gần trong tầm mắt. Cặp mũi ghe vào cây cầu bến ấy, cuộc đời thằng Lụm sẽ khác. Và cuộc đời chú Miên cũng sẽ khác. Khi không thằng Lụm nói:
- Tới cây cầu bến xi măng ba đừng ghé lại nghen, cái bà mập ở đó ngắt rất đau, con sợ lắm!
Bụng chú Miên tròng trành như nước trong thau bị ai lắc mạnh. Chỉ cần dừng mấy nhịp chèo sẽ thay đổi số phận hai cuộc đời. Nhưng câu nói của thằng Lụm làm chú Miên miết tay chèo, cho mau qua khúc sông có cây cầu bến xi măng vươn dài ra bờ kinh. Từ hôm đó chú Miên cứ lượng sượng trong lòng, không biết hôm ấy quyết định như vậy là đúng hay sai? Hồi năm ngoái chú Miên kể cho thằng Lụm nghe rồi hỏi:
- Mầy hối hận không Lụm?
Thằng Lụm khoặm mặt, buồn thiu:
- Bộ ba tưởng con ham giàu lắm hả?! Tại hồi đó hổng biết, chứ biết ba đem con đi cho là con nhảy xuống kinh chết liền!
Chỉ trong buổi sáng chú Miên đi, nhanh như cái chớp mắt. Chú Miên chỉ kịp nắm tay thằng Lụm dặn:
- Con quấn chiếu rồi đem ba đi thiêu, rải tro xuống sông. Con phải lên bờ sống, bám víu chiếc ghe rồi cuộc đời cũng như ba thôi!
Thằng Lụm chở chú Miên về kinh Cá Chốt. Đây là lần đầu nó cãi lời chú. Thằng Lụm chở chú về đây, vì có lần nó hỏi chú Miên:
- Ba lụm con ở đâu ba?
- Kinh Cá Chốt.
- Khúc nào ba?
- Chỗ bãi cỏ.
- Bãi cỏ nào?
- Dưới chân cầu Cây Sộp.
- Lúc đó con làm sao?
- Mầy lạnh cóng, tím ngắt, sương xuống ướt loi ngoi như mèo con mắc mưa, kiến lửa bu cắn đỏ mình. Tao ngồi gỡ từng con kiến…
Thằng Lụm đòi chú Miên phải chở nó về kinh Cá Chốt để chỉ cho nó thấy chỗ ngày xưa chú lượm nó. Hôm quay lại kinh Cá Chốt, lúc chèo ghe ngang cầu Cây Sộp, chú Miên chỉ:
- Ba lụm mầy chỗ bãi cỏ này nè!
Thằng Lụm đòi ghé lại để nó nhìn cho kỹ. Lên bờ, thằng Lụm ngồi thụp xuống khoảnh cỏ chỗ nó nằm ngày xưa, tay nâng niu, vuốt ve từng ngọn cỏ. Đôi mắt nó mênh mông và thẳm sâu, những mảng màu tối và sáng đan quyện trong đáy mắt. Nó nói với chú Miên:
- Vậy là ba sinh con ở bãi cỏ, dưới chân cầu Cây Sộp này hén ba!
Thằng Lụm để chú Miên nằm ở nghĩa địa bên kia cầu Cây Sộp. Hồi đó chú Miên cố gắng làm để mua miếng đất đưa vợ con lên bờ, chưa thực hiện được thì vợ con đã bỏ chú đi. Lần này chú lại bỏ thằng Lụm mà đi, chưa kịp thực hiện tâm niệm đưa nó lên bờ, kiếm cái nghề cho nó học để sau này đỡ tấm thân. Hôm qua khiến gì chú hỏi thằng Lụm:
- Ba không lo được cho mầy tới nơi tới chốn, buồn hôn Lụm?
- Nuôi con cực khổ, ba buồn hôn?
Thằng Lụm không nói thẳng nhưng chú Miên đã hiểu cái bụng của nó, nên trong lòng chú lâng lâng như vừa mới uống ly rượu nếp. Vì vậy chú thấy cuộc đời mình có ý nghĩa, nên hôm nay chú đi rất nhẹ nhàng, như làn khói mỏng tan quyện trong gió chiều.
Thằng Lụm thắp nhang lên mộ chú Miên, khấn:
- Ba ơi, ba nằm đây để làm nguồn cội cho con có nơi tìm về nghen ba! Rồi mai mốt con cũng sẽ làm cha như ba, con sẽ dẫn con của con về thắp nhang mộ ba và nói với chúng: Đây là quê nội của các con, ông nội sinh ba ở kinh Cá Chốt này!
Thằng Lụm chưa biết đi đâu, nhưng nơi này sẽ là cội nguồn để nó trở về. Nó chặt dây neo để dòng nước cuốn chiếc ghe trôi đi. Ráng chiều trút ụp xuống. Con kinh Cá Chốt tím ngắt, như nghẹn lại.
Nguyễn Trọng Tấn
Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc