Chuyện về dân tự nguyện làm và "tự ý" khánh thành con đường

Đăng lúc: Thứ sáu - 05/07/2013 08:53
Sáng Chủ nhật rồi, tình cờ trên đường gặp ông Phan Văn Quận - Bí thư Đảng ủy xã Long Bình (Gò Công Tây). Ngày nghỉ mà Bí thư không nỡ từ chối lời mời của gia đình anh Đào Minh Hải ở ấp Thới Hòa “tự ý” đứng ra tổ chức tiệc “khánh thành sớm” con đường liên xóm mang tên Thống Nhất vừa cơ bản hoàn thành. Ông Bí thư xã bảo: “Nay Chủ nhật có nhiều việc nhà phải làm, nhưng không thể không đi vì…”. Tôi “xin” theo Bí thư xã để được “mục sở thị”.
Đường Thống Nhất vừa cơ bản hoàn thành. Ảnh: Lê Minh Hoàng

Đường Thống Nhất vừa cơ bản hoàn thành. Ảnh: Lê Minh Hoàng

Thống Nhất là tên một trong những con đường liên xóm của ấp Thới Hòa (Long Bình, Gò Công Tây), nối từ đường huyện 16A đến ranh ấp, giáp xã Long Vĩnh theo hướng đông - tây với tổng chiều dài 1.100 mét. Trước đây nó chỉ là một bờ bao bằng đất có tác dụng ngăn nước là chủ yếu.

Cái tên Thống Nhất nghe rất chữ nghĩa nhưng lại có một nguồn gốc rất đời thường xuất phát từ một lý do rất có ý nghĩa: Lâu lắm rồi, xóm dân cư này hầu hết còn là ruộng trũng, nhà cửa thưa thớt, đi lại khó khăn. Để chống nước ngập do triều cường, các chủ ruộng ở đây đã họp bàn và…“thống nhất” đắp con đường đất “lưỡng dụng” vừa phục vụ thủy lợi vừa đi lại cho thuận tiện. Tất cả đều bằng công sức, đất đai của người dân. Sau khi con đường hoàn thành, mọi người mặc nhiên gọi con đường này là đường Thống Nhất.

Ông Phan Văn Quận (trái) và ông Đào Minh Hải chủ tiệc (phải) đứng sau bàn tiệc cùng bà con nhân dân chung vui hoàn thành sớm đường Thống Nhất.
Ông Phan Văn Quận (trái) và ông Đào Minh Hải chủ tiệc (phải) đứng sau bàn tiệc cùng bà con nhân dân chung vui hoàn thành sớm đường Thống Nhất.

Sau này, khi dân cư phát triển, đời sống kinh tế tốt hơn, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa nhiều thì những người dân có nhà, có ruộng ở đây lại “thống nhất” với nhau mở rộng mặt đường trên nguyên tắc tự nguyện, đường đi qua đất ai thì chủ đất đó chịu trách nhiệm đào đắp. Đến trước thời điểm năm 2010, con đường này vẫn là đường đất có bề mặt bình quân chỉ 1m, ngoằn ngoèo, nhiều đoạn bị sạt lở… Nhân dân ở đây rất muốn làm một con đường “cho ra con đường”, nhưng rõ ràng đây là “chuyện lớn”, không sao tự lực được, rất cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đến khi tiến hành xây dựng Ấp văn hóa Thới Hòa, vấn đề mở rộng và “cứng hóa” đường Thống Nhất được chính nhân dân tự nguyện nâng cấp. Thấy lòng dân đã rất hợp với ý Đảng, lãnh đạo xã, mà cụ thể là ông Bí thư xã Tư Quận đã quyết định lập dự án nâng cấp mở rộng đường Thống Nhất theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Qua vận động, có 100% hộ dân có con đường đi qua tự nguyện hiến trên 8.000 m2 đất ruộng, đất vườn, đốn cây trồng… để làm con đường mới. Đường Thống Nhất hiện tại có chiều dài 1.100 m, rộng 8 m, mặt trải đá 0x4 rộng 5m thẳng tắp với tổng giá trị gần 1 tỷ đồng (chưa kể giá trị 8000 m2 đất do nhân dân tự nguyện đóng góp), do Công ty TNHH Minh Thái (Gò Công Tây) ứng vốn thi công từ tháng 4-2013, nay đã cơ bản hoàn thành.

Tại bữa tiệc mừng khá tươm tất, chủ nhà cũng là chủ bữa tiệc là anh Đào Minh Hải, một trung niên là nông dân kiêm thợ xây dựng dân dụng phấn khởi nói: “Làm được con đường, em vui quá! Từ nay hết lầy lội lại thuận tiện đi lại. Thực hiện lời hứa, sẵn “cây nhà lá vườn”, của đáng là bao, mời bà con vui chung, “khánh thành sớm” con đường mới vậy mà!”.

Người già tham dự bữa tiệc là ông Phan Văn Ai tức Mười Ai (người ngồi giữa ông Bí thư xã và chủ nhà) đã trên 90 tuổi, thân mật nói với bí thư xã trước khi nhắp một chút ly rượu mừng: “Thiệt vui hết sức, tui tưởng tới chết vẫn phải đi trên con đường lầy lội. Tui với bà con ở đây cũng cám ơn thằng Tư mầy, nhờ có Tư mầy “quyết liệt” mà sớm có con đường này!”.

“Sự kiện” dân “tự ý” mở tiệc “khánh thành sớm” một con đường công cộng vừa được hoàn thành ở ấp Thới Hòa, xã Long Bình không phải là một cái gì lớn lao, nhưng bản thân sự việc lại hết sức có ý nghĩa về sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất ý chí của nhân dân; về hiệu quả thiết thực của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình “Xây dựng nông thôn mới” cũng như phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn; đồng thời còn minh chứng cho một điều rằng: Ở đâu ý Đảng hợp với lòng dân thì ở đó có thể huy động được mọi nguồn lực trong dân để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Lê Minh Hoàng
(Theo Báo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 209
  • Khách viếng thăm: 207
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 37282
  • Tháng hiện tại: 2482172
  • Tổng lượt truy cập: 48856299