Ông Nguyễn Văn Lộc: Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Đăng lúc: Thứ hai - 24/06/2013 10:45
Ông Nguyễn Văn Lộc (sinh năm 1940, thương binh 2/4, hội viên cựu chiến binh xã Tân Bình, huyện Cai Lậy) là một trong những điển hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Từ nhiều năm nay, ông còn được biết đến với tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng sẻ chia với những hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật và sống nghĩa tình với đồng đội.
Ông Nguyễn Văn Lộc: Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Ông Nguyễn Văn Lộc: Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Gầy dựng cơ nghiệp từ gian khó

Ông Nguyễn Văn Lộc tham gia lực lượng du kích xã Tân Bình năm 1960, sau đó ông thoát ly và hoạt động cách mạng ở chiến trường miền Đông Nam bộ.

Bị giặc bắt, tù đày ở nhà tù Phú Quốc, trải qua những ngày tháng gông xiềng, tra tấn nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết. Năm 1973, khi Hiệp định Paris ký kết, ông được trả tự do và sát cánh cùng đồng đội chiến đấu đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất.

Ngày ông về quê, sau những năm chiến tranh loạn lạc khiến gia đình chẳng còn tài sản gì đáng giá. Những năm chồng tham gia kháng chiến, không thể sống trong sự kềm kẹp của địch, vợ ông phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn, bồng bế các con về nương nhờ hai bên nội, ngoại.

Trở về cuộc sống đời thường với vai trò trụ cột gia đình, gánh nặng kinh tế là trở ngại đầu tiên ông phải vượt qua. Vừa tham gia công tác tại UBND xã Tân Bình, ông vừa lo sinh kế. Được một người bạn cho mượn vốn, ông nuôi vịt chạy đồng để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên và lúa rơi vãi sau thu hoạch. Được vài năm, ông chuyển sang xới đất thuê. Dù vất vả mưu sinh nhưng không đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Năm 1992, ông nghỉ hưu và bắt tay vào làm kinh tế.

Khởi đầu cơ nghiệp ở tuổi ngoài 50, không còn sự năng động của tuổi trẻ nhưng “vốn quý” mà ông có được là ý chí của một người lính đã được trui rèn qua thử thách và những trải nghiệm cuộc sống. Lúc này, xã Tân Bình chỉ có một nhà máy xay xát lúa gạo, không đáp ứng được nhu cầu của nông dân trong vùng. Nhận thấy tiềm năng của loại hình kinh doanh này ở một huyện trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa, ông bàn với gia đình mở cơ sở xay xát lúa gạo.

Không đủ vốn để đầu tư nên khi nghe chủ một nhà máy xay xát ở huyện Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) muốn sang toàn bộ máy móc, thiết bị, ông gom hết vốn liếng mua lại. Nhạy bén trong kinh doanh và giữ chữ tín trong hoạt động, cơ sở xay xát ban đầu quy mô nhỏ hẹp với vài thành viên trong gia đình ngày càng ăn nên làm ra và mở rộng. Hiện nay, DNTN Tân Long do ông và các con gầy dựng đã có 6 nhà máy xay xát lúa gạo quy mô lớn ở địa bàn ấp 2 và ấp 3 (xã Tân Bình), giải quyết việc làm cho 300 lao động tại chỗ.

Ông Lộc chia sẻ, ở từng thời điểm khác nhau, người lính Cụ Hồ có cách thể hiện tình yêu nước khác nhau. Trong chiến tranh là vững vàng tay súng trên trận tuyến trước kẻ thù và trong thời bình là “khó khăn nào cũng vượt qua” để thi đua lao động sản xuất. Quá trình chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “cần, kiệm” và xem đó là bài học lớn để giáo dục con cháu.

Ông bộc bạch: “Cần cù để tạo nên của cải và tiết kiệm để làm giàu. Tôi luôn dạy các con vươn lên bằng sức lao động và tiết kiệm thời gian, tiền bạc để tích lũy, không xa xỉ, hoang phí, phô trương hình thức. Tích lũy để chủ động trong mọi tình huống, chăm lo tốt cuộc sống gia đình nhưng bên cạnh đó cũng đóng góp cho xã hội”.

Một tấm lòng nhân hậu

Kinh tế gia đình ổn định, các con đã trưởng thành và có cơ ngơi riêng, ở tuổi ngoài bảy mươi, ông Nguyễn Văn Lộc dành thời gian cho hoạt động xã hội. Chiếc Cub 50 cũ kỹ đã trở thành người bạn đồng hành cùng ông trên hành trình đầy ý nghĩa đến với những cảnh đời bất hạnh. Là thương binh 2/4, đi lại khó khăn nhưng nghe kể bất cứ hoàn cảnh nào, ông đều không ngại đường sá xa xôi đến tận nơi tìm hiểu và giúp đỡ.

Hai nhiệm kỳ là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Bình, ông đã tiếp sức ước mơ đến trường cho hàng trăm học sinh vượt khó học giỏi. Trung bình mỗi năm gia đình ông hỗ trợ 500  phần quà cho hộ nghèo ở huyện Cai Lậy. Đặc biệt, thành công trong cuộc sống, ông dành tình cảm và sự quan tâm đối với đồng đội còn khó khăn. Ông chia sẻ, trở về sau cuộc chiến tranh khốc liệt càng thấy trân trọng giá trị của cuộc sống độc lập, tự do hôm nay.

Những hoạt động nghĩa tình mà ông đang thực hiện như một sự tri ân với biết bao đồng đội đã ra đi mãi mãi không về. Nghe tin đồng đội cũ mắc bệnh hiểm nghèo, ông đến nhà thăm hỏi và hỗ trợ chi phí chữa bệnh. Biết nhiều gia đình chính sách còn sống trong những mái nhà tạm bợ, ông hỗ trợ xây nhà tình nghĩa. Ông còn trích tiền trợ cấp thương binh hỗ trợ hàng quí cho 15 nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2012, ông Nguyễn Văn Lộc là điển hình của huyện Cai Lậy tham dự “Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc“ tại Đà Nẵng. Vượt qua khó khăn trong cuộc sống đời thường bằng nghị lực của người lính, sống nhân ái, nghĩa tình, thành quả một đời mà ông Nguyễn Văn Lộc gầy dựng còn có thêm một tài sản vô hình khác: Đó là sự tín nhiệm, tin yêu của bạn bè, đồng đội và người dân địa phương.

Trường Giang
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 262
  • Khách viếng thăm: 257
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 32379
  • Tháng hiện tại: 2197039
  • Tổng lượt truy cập: 46164272