Linh hồn Tố Lan

Đăng lúc: Thứ tư - 07/12/2016 13:56
Ba tôi là một nhạc công đờn tài tử. Ông chơi được nhiều loại đờn nhưng sở trường là đờn cò và đờn kìm. Ở căn giữa, nơi thờ phụng trong nhà, ngoài bàn thờ Tổ nghiệp, ba tôi còn bố trí bên cạnh một bàn thờ nhỏ, đốt nhang vào mỗi tối. Có lần tôi hỏi về bàn thờ này, ông đáp:
- Đây là bàn thờ sư tổ của ba, người đã dạy cho nội con đờn kìm và nội con đã truyền lại cho ba đó!
- Người đó là ai vậy ba?
Minh hoạ: Thanh Tiên

Minh hoạ: Thanh Tiên

Ba tôi hớp một ngụm trà, vẻ trầm ngâm hoài niệm một thời xa xưa, cái thời mà sau này tôi tìm hiểu mới biết đã hơn một trăm năm:

- Ngày ấy, có một sĩ phu thi đổ tiến sĩ làm quan ngoài Huế tên là Phan Hiển Đạo, học được rất nhiều loại đờn của nền Nhã nhạc cung đình. Sau đó, đức ông trở về quê hương, làm giáo thọ huyện Kiến Hưng, sinh sống ở Vĩnh Kim và truyền nghề đờn trong vùng. Môn sinh của đức ông họ Phan đều trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng thời bấy giờ và tiếp tục truyền nghề lại cho con cháu nhiều đời sau. Có thể kể vài dòng họ đã lĩnh hội được ngón đờn của đức ông, như ông Lê Văn Huệ (Hai Huệ) và 2 người con gái là Lê Thị Điều (Ba Điều) và Lê Thị Thoàng (Năm Thoàng); dòng họ Nguyễn Tri (họ bên ngoại của giáo sư Trần Văn Khê) có ông Nguyễn Tri Túc và 2 người con là Nguyễn Tri Lạc và Nguyễn Tri Khương; dòng họ Trần (họ bên nội của giáo sư Trần Văn Khê) có các ông Trần Quang Thọ, Trần Quang Diệm, cô Ba Trần Ngọc Diện, ông Trần Văn Chiều (Bảy Triều - Thân sinh giáo sư Trần Văn Khê) và các ông Nguyễn Văn Lạc (Học Lạc), Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) v.v… Tất cả đều là những nhạc sĩ tài hoa làm rạng rỡ đất Mỹ Tho mình, con biết không?

Tôi chỉ chiếc bàn thờ nhỏ, hỏi tiếp:

- Con muốn biết rõ hơn về chiếc bàn thờ nầy?

- Đây là bàn thờ đức ông nhạc sĩ Trần Văn Chiều, còn gọi là Bảy Triều, người đã trực tiếp truyền nghề lại cho nội con để sau này đến đời ba vẫn mang sâu nặng ngón đờn ấy…

Ba tôi ngưng kể, kính cẩn thắp mấy nén nhang cắm lên bàn thờ Tổ và bàn thờ đức ông họ Trần. Thì ra, ngón đờn kìm đã giúp cho nội tôi, rồi ba tôi vang danh khắp lục tỉnh Nam kỳ đã xuất phát từ ngón tay tài hoa của người nhạc sĩ tiền bối này.

Có lần tôi hỏi: "Ba ơi! Con muốn biết thêm về cây đờn kìm?". Ba tôi đáp: "Đó là một nhạc cụ mà ngoài Bắc gọi là nguyệt cầm, trong Nam gọi là đờn kìm. Nó còn mang các tên rất văn hoa là Vọng Nguyệt Cầm hay Quân Tử Cầm. Vọng Nguyệt Cầm vì ngày xưa những bậc trưởng giả thích ngồi trên lầu cao bên bờ sông, vừa gảy đờn kìm vừa thưởng trăng, thiết nghĩ chẳng có thú vui nào tao nhã hơn; còn Quân Tử Cầm vì trong một dàn đờn tài tử, cây đờn kìm nắm song loan để giữ nhịp. Vì thế người nắm đờn kìm phải có căn bản nhịp nhàng để chỉ huy dàn nhạc như một vị tướng soái ra trận, không nhân nhượng, không thiên vị, các nhạc cụ khác như cò, tranh, bầu… cứ theo đờn kìm mà đi, vì thế gọi là Quân Tử Cầm".

Đờn kìm có thể diễn đạt tất cả mọi sắc thái tình cảm một cách sâu sắc  qua những âm thanh mà nó phát ra. Khi vui tươi, trong sáng, lúc u uất, trầm buồn, khi đỉnh đạt, lúc khoan thai. Cây đờn kìm luôn đứng đầu nhóm, giữ vai trò lĩnh xướng. Trong dàn đờn tài tử, thiếu cây đờn gì thì có thể châm chước nhưng không thể thiếu cây đờn kìm. Đây là một loại đờn có nhiều cách lên dây và có nhiều tên gọi qua từng loại dây như dây Hò nhất, Hò nhì, Hò ba, Hò tư, Hò năm, Nhị ngũ, Quả phụ, Sa Giang… Mỗi loại dây có cái hay riêng. Nhưng cho đến khi dây Tố Lan ra đời, cây đờn kìm đã chiếm ngôi vị độc tôn trong việc làm mê đắm lòng người…

- Dây Tố Lan? Ôi, cái tên đẹp quá!

Ba tôi nói tiếp như để tìm ở tôi một sự đồng cảm trong niềm đam mê của ông:

- Đây là loại dây dùng để đờn các bài hơi oán. Kể từ khi dây Tố Lan ra đời, hầu hết những người đờn kìm khi đờn bài oán đầu dùng dây nầy. Dây Tố Lan đã nâng giá trị các bài oán lên cao nếu nhạc sĩ nắm được âm điệu mà tính chất bài bản đòi  hỏi. Điệu oán u buồn, sâu lắng cùng dây Tố Lan đã chuyển tải tình cảm của người miền Nam chịu thương, chịu khó trong quá trình khẩn hoang lập ấp mở mang bờ cõi, chất chứa nhiều nỗi cay đắng mà những bậc thầy đã thể hiện qua dây này. Hiện nay, ít nhạc sĩ sử dụng đờn kìm thể hiện bản oán bằng dây Hò tư như xưa mà chỉ dùng dây Tố Lan, ngoại trừ khi đệm cho sân khấu cải lương. Vì âm sắc của dây Tố Lan hòa quyện cao độ với tính chất oán, tạo ra sắc thái đặc thù của điệu thức này và dễ xoáy sâu vào tình cảm người nghe.

Thấy tôi ngơ ngẩn như chưa hiểu hết những điều vừa nghe, ba tôi vói tay lên vách lấy cây đờn kìm:

- Ba lý luận dong dài quá làm con khó hiểu phải không? Vậy thì con hãy nghe ba đờn một bài oán bằng dây Tố Lan để trả lời câu hỏi của con vì sao ba mê cây đờn kìm!

Ba tôi so dây và bắt đầu khảy đờn. Bài Tứ Đại Oán tôi nghe rất nhiều người độc tấu đờn kìm bằng dây Hò tư vốn đã buồn, giờ chuyển sang dây Tố Lan nỗi buồn càng nhân lên gấp bội. Chữ ngân xao xuyến, chữ nhấn nhói đau. Từ ngón tay ba tôi, cây đờn kìm không phải bật lên những âm thanh hò, xự, xang, xê, cống… mà là toát lên biết bao nỗi đau đời sầu tình mà kiếp người phải gánh chịu. Từng âm tiết cứ len lỏi vào nơi sâu kín nhất của tâm hồn, nơi mà người đời không thể vói tới để chia sẻ cùng mình, chỉ có tiếng đờn kìm tri kỷ tri âm. Tiếng đờn đi đến đâu, nỗi đau của ba tôi dần hiện rõ trên nét mặt phong trần, trên vầng trán nhăn nheo bởi bao dâu biển cuộc đời. Tôi đã kịp nhìn thấy những giọt nước mắt của ông và cũng nghe đôi mắt mình cay xé. Tố Lan! Chỉ một dây đờn mà kỳ diệu đến thế hay sao?

Hết bài Tứ Đại Oán lớp Thủ, ba tôi ngước ánh mắt đỏ hoe lên nhìn tôi:

- Con có biết ai là tác giả của dây Tố Lan của cây đờn kìm không?

- Xin ba cho con biết tên người nhạc sĩ tài hoa ấy?

- Đó là nhạc sư Trần Văn Chiều!

Thì ra người nhạc sĩ mà ba tôi tôn thờ bấy lâu nơi bàn thờ kia chính là người sáng tác ra dây đờn kìm Tố Lan, dây đờn từng làm rung động biết bao con tim, từng làm rướm máu biết bao tâm hồn dành trọn cuộc đời cho nghiệp cầm ca. Nhưng tại sao lại là dây Tố Lan mà không là một tên khác? Tôi đem điều này hỏi ba. Ánh mắt ông thoáng buồn, giọng trầm hẳn xuống:

- Có lẽ những tác phẩm để đời thường ra đời trong niềm đau tột cùng của người nghệ sĩ. Chính trong nỗi đau mất vợ vì người bạn đời không thể có con của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã bật lên thành tuyệt tác Dạ Cổ Hoài Lang, tiền thân của bài vọng cổ. Và cũng chính nỗi đau tột cùng trong tâm hồn Bảy Triều trong đêm hôm ấy đã toát lên dây Tố Lan của cây đờn kìm. Phải chăng những cung đờn thấm sâu vào lòng luôn luôn hòa máu và nước mắt của những người nhạc sĩ. Ba sẽ kể cho con nghe một chuyện tình thật lãng mạn nhưng cũng đầy đau thương. Chuyện của nàng Tố Lan!

Tôi lẩm bẩm:

- Tố Lan… Nhưng Tố Lan là ai, thưa ba?

Ba tôi chậm rãi kể:

- Tố Lan là tên của một nữ sinh trường Áo Tím, tiền thân của trường nữ Gia Long trước 1975. Nàng biết đờn tranh và ca khá hay. Qua những cuộc đờn ca tài tử, Bảy Triều và

Tố Lan phải lòng nhau. Nàng cảm ngón đờn chàng, chàng say giọng ca nàng. Thế là họ yêu nhau. Có những sớm những chiều hò hẹn, họ ngồi bên nhau mơ ước chuyện tương lai. Rồi những đêm thâu chàng ôm đờn khảy cho nàng ca, tiếng đờn lời ca cứ hòa quyện, quấn quýt lấy nhau qua khúc Văn Thiên Tường, Phụng Hoàng Lai Nghi, Giang Nam Cửu Khúc, như tình yêu lứa đôi họ dành trọn cho nhau. Bảy Triều hứa sẽ về thưa với mẹ cha tính chuyện trầu cau và rước nàng về Vĩnh Kim để trọn đời được xe tơ kết tóc bên nhau. Nhưng duyên âm nhạc không xe trọn nợ ái tình, bất ngờ Tố Lan lâm bạo bệnh qua đời. Nghe tin sét đánh, Bảy Triều vội vã lên Sài Gòn, ôm lấy linh cữu người tình khóc than như mưa gió. Trước khi đưa nàng đến nơi yên nghỉ cuối cùng, Bảy Triều xin phép gia đình ôm đờn kìm đến trước linh cữu tặng người tri âm tri kỷ khúc Phụng Cầu Hoàng. Nhưng oan nghiệt thay, phụng và hoàng dẫu yêu nhau thế mấy cũng không thể cùng kề vai sát cánh chung một đường bay.

    Mấy hôm sau tang lễ, Bảy Triều trở về Vĩnh Kim, thờ thẫn như kẻ mất hồn. Đêm, ông ôm đờn ra bờ sông ngồi một mình, vắng tiếng ca của người yêu, những âm thanh chừng như bơ vơ, lạc lỏng. Chợt nhớ chuyện xưa Bá Nha Tử Kỳ, Bảy Triều cất tiếng ca hòa theo bài Tứ Đại Oán dây Hò tư như gởi gắm tình tri âm tri kỷ với người yêu:

Thu, trung thu nay đã đến ngày

Sắm sanh lễ vật sẵn sàng

Tạ thánh hoàng cho mình

                               hồi hương

Buồm thuyền vừa trương chợt nhớ

                                          đến hẹn kỳ

Thuyền đến nơi đờn Bá Nha

                        lên dây luống đợi

Chờ bạn Tử Kỳ tri âm hỡi có hay?!”

Vì phải thức suốt lễ tang mệt mỏi, tâm thần lại đau khổ bất an nên ca tới đây,  Bảy Triều gục xuống cần đờn thiếp đi. Chợt ông trông thấy bóng của một người con gái mặc áo dài tím chập chờn bên kia sông. “Tố Lan! Đúng rồi! Tố Lan đây mà! Hãy đến bên qua đi!”. Cô gái đưa tay ngoắc nhẹ. Bảy Triều định phóng xuống sông lội qua nhưng vì thấy nước dòng sông chảy xiết quá nên hơi ngần ngại. Bất ngờ cô gái đã bước xuống sông, lướt nhẹ như bay trên dòng nước. Khi gần đến bờ sông bên nầy, cô gái dang rộng vòng tay như muốn đón người yêu vào lòng cho thỏa niềm thương nhớ. Bảy Triều cũng chờm tới định nắm tay nàng. Nhưng ông càng tới thì nàng càng lùi xa, hai người không thể đụng vào nhau được. Ông thét gọi tên nàng “Tố Lan!”. Vừa lúc ấy, Bảy Triều giựt mình thức giấc, chờm người ra mé sông, mất thăng bằng, vội níu lấy nhánh bần đang gie trước mặt. Cây đờn kìm vuột khỏi tay rơi xuống đất. Chốc sau, ông định thần lại nhìn quanh không thấy bóng người, chỉ có rặng dừa nước lắt lay bên kia sông…

Bảy Triều ôm đờn lên ca tiếp nhưng vì bị rơi xuống đất lúc nãy nên dây “tồn” đã bị tuột. Quá đau khổ vì thương nhớ người yêu, Bảy Triều không nhớ đến việc phải so dây trở lại, cứ ôm đờn vào lòng dò chủ âm “Liu” để tìm thang âm đờn tiếp. Chẳng ngờ khảy dây một cung “liu” của bật nhất song thanh với dây “tồn” tụt xuống cung “hò” tạo ra những âm thanh thâm trầm não nuột nghe ai oán xé lòng người. Bảy Triều cứ sử dụng dây ấy mà đờn, sáng tác lời ca hết bài Tứ Đại Oán Bá Nha - Tử Kỳ. Kể từ đó, ông đã luyện thật nhuần nhuyễn dây đờn “ngẫu nhiên” trên, càng đờn càng thấm thía lòng người. Nhiều lúc Bảy Triều tự hỏi “Phải chăng linh hồn của Tố Lan đã nhập vào cây đờn để giúp ông sáng tạo ra một dây đờn độc đáo?!”

Và người đời sau đã đặt tên cho dây đờn kìm ấy là “Dây Tố Lan”.

Huỳnh Anh
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 75)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 163
  • Khách viếng thăm: 162
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 25662
  • Tháng hiện tại: 2258212
  • Tổng lượt truy cập: 46225445