Về mảng sân khấu chuyên nghiệp, tuy chỉ có trong tay một tổ cải lương chưa được mười người nằm chung trong Đoàn Nghệ thuật tổng hợp, nhưng đạo diễn Tấn Lộc, trưởng đoàn kiêm đạo diễn và anh em cũng đã được Tổ nghiệp “độ mạng” ăn nên làm ra không thua kém các đoàn cải lương chuyên nghiệp tỉnh bạn. Sự kiện nổi bật trong nhiệm kỳ là đoàn đã đạt Huy chương Bạc trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 với vở cải lương “Cờ nghĩa giồng Sơn Quy” (tác giả Huỳnh Anh, đạo diễn Tấn Lộc). Các diễn viên tham gia vở như Đào Vũ Thanh, Nhơn Hậu đạt Huy chương Vàng, Hoài Vương, Thanh Tâm đạt Huy chương Bạc. Vở diễn còn đạt giải 2 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, được mời biểu diễn nhiều suất ở miền Bắc trong đại lễ Ngàn năn Thăng Long và được các đài Tiền Giang, CVTV, SCTV mời thu hình. Các nghệ sĩ sân khấu của đoàn, cũng là hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang như Nhơn Hậu, Kiều Quốc Tâm, Cảnh Trung, Hoàng Đức… đã được mời biểu diễn các tụ điểm sân khấu hoặc thu hình ca cổ, cải lương cho rất nhiều đài ở thành phố Hồ Chí Minh và khắp khu vực ĐBSCL.
Bên cạnh mảng chuyên nghiệp, đờn ca tài tử vẫn là một thế mạnh của Chi hội Sân khấu. Câu lạc bộ Tài tử - Cải lương của Hội đã thành lập 14 năm qua, nay vẫn hoạt động liên tục không mệt mỏi. Trên 200 chương trình biểu diễn, thu thanh, thu hình trong 5 năm qua là một đóng góp đáng ghi nhận của các tài tử của Chi hội Sân khấu. Các tài tử đờn Đức Huệ, Thanh Nhàn, Hồng Tươi, Mạnh Cường, các tài tử ca Nguyệt Châu, Khánh Ngọc, Kim Loan, Tấn Hưng, Trọng Nhân, Minh Thiết, Minh Tuấn… đã đạt nhiều giải cao trong các cuộc liên hoan Đờn ca tài tử, văn nghệ quần chúng cấp tỉnh và khu vực. Từ năm 2009, CLB Tài tử - Cải lương được tạm thời sử dụng rạp hát Tiền Giang làm nơi sinh hoạt và biểu diễn. Đây là rạp hát có một lịch sử in đậm dấu ấn trên quê hương Tiền Giang. Rạp được thầy Năm Tú, một mạnh thường quân xây dựng và vào đêm 15 tháng 3 năm 1918 đã biểu diễn vở “Kim Vân Kiều” của soạn giả Trương Duy Toản khai trương. Đó cũng là đêm diễn đầu tiên của nghệ thuật cải lương. Từ khi được về biểu diễn tại rạp thầy Năm Tú, CLB Tài tử - Cải lương của Chi hội Sân khấu như được tiếp thêm lửa truyền thống, đờn ca càng say sưa hơn và thu hút nhiều ban Tài tử tỉnh bạn như Bến Tre, Bình Dương… đến giao lưu. Soạn giả Huỳnh Anh tâm sự: “Mỗi lần tổ chức biểu diễn tại rạp hát thầy Năm Tú, tôi thường nói với anh em rằng chúng ta có bổn phận phải ráng đóng góp một phần công sức, dù nhỏ bé, vào cái sự nghiệp sân khấu đồ sộ của cha ông để lại”. Âu đó cũng là nỗi niềm chung của anh em theo nghiệp tằm tơ trong chi hội.
Nói về hoạt động đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ của chi hội, đạo diễn Cẩm Thanh sôi nổi: “Nhiệm kỳ qua, chi hội đã tổ chức được 2 trại kịch bản, 2 lớp sáng tác và dàn dựng kịch ngắn cho cơ sở. Ngoài ra, chúng tôi còn kết hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch mở 1 lớp sáng tác kịch ngắn - chập cải lương, 1 lớp sáng tác lời mới cho bài vọng cổ và bài bàn tài tử, 2 lớp nhạc lễ, 2 lớp đờn ca tài tử và 01 cuộc hội thảo chuyên đề “Đờn ca tài tử phục vụ du lịch”. Chi hội còn giúp cho hội viên Thanh Trúc dàn dựng kịch bản“Cánh diều gió” làm bài tốt nghiệp đại học được đánh giá cao.
Khối sáng tác trong chi hội năm nay cũng được mùa nào kém khối biểu diễn. Trong 5 năm qua, hằng trăm tác phẩm ca cổ, kịch ngắn, chập cải lương của hội viên Chi hội Sân khấu Tiền Giang đã được các đài trong và ngoài tỉnh sử dụng. Tham gia các cuộc thi sáng tác sân khấu, các tác giả Thế Châu, Thanh Hải, Ngọc Lệ, Lệ Quyên, Ngọc Sánh, Liên Phương… của Tiền Giang đã “ẵm” rất nhiều giải. Riêng 3 năm liên tục hưởng ứng cuộc thi sáng tác đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các tác giả sân khấu đã đóng góp gần 100 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm chất lượng cao, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng.
Nhìn về tương lai, chi hội ao ước sao khâu quảng bá tác phẩm được rộng rãi hơn. Những người làm sân khấu gặp nhau lại chép miệng nhắc mãi điệp khúc “Phải chi tỉnh Tiền Giang mình có được một đoàn cải lương chuyên nghiệp… Phải chi…”. Đạo diễn Cẩm Thanh vốn không thích than thở, phát biểu trong đại hội chi hội Sân khấu, giọng cương quyết: “Không thể chần chờ nữa, nhiệm kỳ tới Chi hội phải có sân khấu nhỏ để công bố tác phẩm của anh em, cả kịch nói lẫn cải lương…”.
Năm 2011, Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tỉnh Tiền Giang đã được thành lập, gồm 18 hội viên.
Nhìn lại chặng đường 5 năm, Chi hội Sân khấu Tiền Giang hoạt động trong hoàn cảnh nhiều khó khăn cũng như khó khăn chung của sân khấu cả nước. Nhưng với lòng yêu nghề và quyết tâm theo nghiệp Tổ, chi hội đã cố gắng vươn lên để đèn màu vẫn sáng và tiếng đờn, lời ca vẫn tiếp tục vang lên, vang lên mãi trên vùng đất sông Tiền.
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc