Họ là những người dân nghèo khố rách áo ôm ở miền Trung, không chịu nổi sự áp bức bóc lột của bọn quan lại, chúa đất nên xuống ghe đi vào phương Nam tìm đất sống. Nơi đó, họ nghe nói đất đai mênh mông bạt ngàn đang chờ đợi bàn tay mọi người đến khai phá. Qua mấy đợt các Chúa cho phép dân nghèo khai phá, tuy vùng đất mới vẫn còn hoang hóa, rừng rậm, cọp beo, cá sấu hoành hành khắp nơi, muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh nhưng cũng đã có nhiều nơi mầm xanh của những giống cây ăn quả được gieo trồng, những trái chín đã xuất hiện đây đó lắt lay theo gió, tỏa ngát hương thơm…
Giống như tâm trạng của hầu hết mọi người trong đoàn, trong lòng Tư Lai tràn đầy niềm hy vọng, từ chuyến đi nầy, cuộc sống của họ sẽ khấm khá hơn, thoát cái cảnh trâu cày ngựa cỡi, bụng trống lưng còng…
Tư Lai nói như ra lệnh:
- Trời xấu lắm, chắc chắn đêm nay sẽ còn vài cơn bão nữa. Ghe của chúng ta chiếc nào cũng khẳm. Bà con quăng tất cả những vật dụng không cần thiết xuống biển. Chỉ giữ lại chăn màn, quần áo, cuốc xẻng, nồi niêu và thức ăn, nước uống thôi.
Theo lệnh của Tư Lai, từ những chiếc ghe bầu, vật dụng đủ loại như chum, hũ, chõng tre, rương gỗ… được ném xuống biển, trôi lềnh bềnh… Những người trên ghe quay nhìn những vật dụng thân yêu ấy như nuối tiếc trước khi trương buồm. Bỗng Tư Lai giật nảy người, miệng lắp bắp:
- Cái gì? Hình như là cây đờn kìm của tôi…
Vợ Tư Lai đáp nhanh:
- Phải! Tôi mới ném nó xuống biển đó!
- Trời ơi, bà giết tôi rồi!
Tư Lai chỉ kịp nói mấy tiếng rồi nhảy ùm xuống biển mặc cho gió lạnh như cắt da thịt. Một vài thanh niên vội vã nhảy theo vì sợ Tư Lai không đủ sức vật lộn với sóng biển.
Rồi họ cũng vớt được cây đờn kìm lên ghe. Nhìn cây đờn thân yêu ướt sũng nước, mắt Tư Lai đỏ hoe. Ông lấy một manh vải cũ lau thùng đờn, rồi đến từng phím đờn cho thật khô.
Vợ Tư Lai chợt nhớ lại hôm soạn đồ đạc xuống ghe chuẩn bị vào Nam, ngoài những vật dụng cần thiết cho cuộc sống hằng ngày và dụng cụ để khai phá đất hoang, Tư Lai nhắc vợ nhiều lần phải mang theo cây đờn kìm. Những người bạn cùng thọ giáo chung một thầy đờn, cùng hòa đờn với ông những lúc thả thuyền trên sông Hương cũng vậy. Họ đã xuôi vào Nam trong những chuyến trước, kẻ mang theo đờn kìm, người mang theo đờn tranh, đờn cò, đờn tỳ bà… Có người mang cả sanh tiền, song loan… Họ nâng niu những nhạc cụ ấy như báu vật. Nhưng để làm gì, thật lòng vợ Tư Lai vẫn không thấu hiểu nổi. Cái đói, cái rét, cái hiểm nguy của vùng đất mới đang chực chờ trước mặt mà chồng bà và những tay đờn khác còn nghĩ đến chuyện chơi nhạc được sao?
Vợ Tư Lai thở dài nhìn vào ghe nơi chồng bà đang nằm yên, chẳng biết ngủ hay thức, hay tay ôm chặt cây đờn kìm như một báu vật…
Tiếng đờn kìm
Đoàn ghe dừng lại một bờ biển hoang vu. Họ đã xuôi biển khơi không biết đã bao lâu, chỉ nhớ là mặt trời mọc rồi lại lặn hàng trăm lần. Trước mặt họ là một dãy rừng cây chạy dài ngút mắt không một bóng nhà, không một bóng người. Chỉ có tiếng chim kêu, vượn hú và tiếng gió đưa cây xào xạc.
Tư Lai ra lệnh đoàn người nhảy xuống bãi lầy đẩy ghe bầu vào bờ. Nghe tiếng động, các loài chim tung cánh bay tán loạn, cất tiếng kêu vang náo loạn cả một vùng. Chúng hoảng loạn vì hình như chưa ai đặt chân đến đây bao giờ.
Tư Lai chỉ rừng cây phía trước, nói:
- Dừng lại ở đây thôi!
Theo hướng chỉ tay của Tư Lai, mọi người ngước nhìn. Chỉ toàn là bụi rậm của rừng thấp bên cửa của một con sông lớn. Đến một khoảng đất cao dưới bóng mát um tùm của một gốc cổ thụ, Tư Lai bảo tất cả dừng lại bày cơm khô ăn trưa. Trên đầu họ là các loại dây leo như bòng bong, dây mây, cóc kèn… đan nhau chằng chịt ngước nhìn không thấy bầu trời…
Ăn xong, đàn bà và trẻ con được ngã lưng trên mặt đất nghỉ trưa. Riêng Tư Lai cùng một số trai tráng đi thám thính chung quanh. Họ phải cầm theo dao, phảng… đi tới đâu phá lùm bụi tới đó. Vào nửa đường dọc theo một con rạch nhỏ, họ trông thấy một cánh đồng hoang đầy đưng lác không một bóng cây. Xa hơn nữa, ngút tầm mắt, chỉ thấy toàn màu xanh của các loại cỏ hoang. Hàng chục con trâu rừng tụ tập từng bầy. Rồi đến những khúc đường dốc đầy tre xanh chạy dài ngút mắt…
Tư Lai nhìn mọi người bằng ánh mắt rực sáng:
- Chúng ta đã có đất sống rồi!
Từ hôm đó họ dừng lại, mỗi ngày phá rừng hoang gieo hạt. Họ chia ra mỗi gia đình khai thác một vùng rộng lớn. Đàn ông phá rừng, đàn bà gieo những hạt giống mang theo từ miền Trung. Chỗ đất thấp thì gieo lúa, chỗ cao thì gieo bắp và các loại hoa màu khác như các loại đậu, dưa, cà… Trong lúc người lớn phá đất hoang gieo hạt thì trẻ con đi bắt cá, bắn chim, đào chuột, bẫy sóc… Nghe tiếng động, thú dữ lánh xa, nhờ thế mọi người được an toàn…
Buổi tối, Tư Lai bảo mọi người gom củi đốt rồi cả đoàn kéo tới ngồi quanh lửa hồng. Ánh lửa bập bùng soi sáng cả một vùng đất hoang sơ vừa được bàn tay họ khai phá. Ánh lửa xua đàn muỗi vo ve bên tai dần bay xa. Ánh lửa mang lại hơi ấm cho những người lưu dân xa xứ.
Tư Lai bảo vợ mang ra cây đờn kìm. Trong bóng đêm nhập nhoạng, giữa cái mông quạnh của rừng rậm hoang vu, tiếng đờn kìm của Tư Lai nhỏ từng giọt vào lòng người nghe. Khúc Nam Ai chất chứa nỗi sầu đời của miền đất thần kinh, khúc Nam Bình trầm lắng tình người miền sông Hương, núi Ngự. Tất cả theo ngón tay tài hoa của Tư Lai bật lên những âm thanh kỳ diệu đưa mọi người trở về quê nhà yêu dấu, nơi chôn nhau cắt rốn đầy kỷ niệm thuở ấu thời mà giờ đây vì kế sinh nhai họ phải trôi dạt tha phương, chôn kín trong lòng nỗi sầu xa xứ.
Trong số lưu dân nghe đờn đêm nay, rất nhiều người đã bật khóc. Vợ Tư Lai cũng kéo vạt áo lau nước mắt. Bà chợt hiểu tất cả! Bà hiểu vì sao chồng mình yêu quý cây đờn kìm như người bạn tình tri kỷ tri âm. Bà hiểu vì sao tiếng đờn của ông đêm nay nghe thấm thía hơn bao giờ. Và bà bỗng thấy quý trọng những cây đờn kìm, đờn tranh, đờn cò…mà chồng mình cùng anh em bè bạn đã mang từ đất thần kinh vào tận phương Nam. Họ đã mang theo cả hồn quê trên bước đường
phiêu bạt…
Câu hò, điệu lý phương Nam
Hôm qua, Tư Lai đi lấy mật ong chẳng may bị té bong gân nên hôm nay không đi rừng được. Buổi trưa, ông ngả lưng vào thân cây cổ thụ trước căn chòi lá dựng tạm bợ bên bờ sông thiu thiu ngủ. Giấc mơ đã đưa ông về miền cố thổ dấu yêu, nơi có dòng sông Hương nước trôi êm ả còn tỏa ngát hương hoa rừng cỏ dại mang theo từ dãy Trường Sơn; nơi có những thành quách, lăng tẩm, lầu xá cổ kính luôn trầm mặc hoài niệm về quá khứ; nơi có chùa Thiên Mụ với tiếng chuông buồn vang vọng bao đời từ những ngày chúa Nguyễn Hoàng khởi nghiệp vào Nam mở đất khai hoang. Dù kỷ niệm nơi đó với Tư Lai chỉ là một chuỗi ngày xót xa, đói khổ nhưng phải xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn làm sao khỏi xót dạ đau lòng. Nỗi niềm ấy đeo đẳng vào tận phương Nam, dội vào tâm khảm, cắt xén giấc ngủ của ông nát vụn từng đêm. Biết bao giờ Tư Lai mới trở lại quê xưa, ngày ấy còn xa, xa lắm…Những lúc ấy, ông thường ôm cây đờn kìm vào lòng nắn nót khúc Lưu Thủy Hành Vân cho vơi đi phần nào nỗi nhớ…
Bất chợt, bên tai Tư Lai văng vẳng những âm thanh ngọt ngào, mềm mại như gần như xa theo làn gió chướng ngoài sông cái trôi vào. Ông nhỏm người dậy lắng tai nghe ngóng. Những âm thanh phát ra từ cây sáo trúc, trên chiếc xuồng con câu cá trên sông. Rồi giọng hát của một người phụ nữ mặc áo vải nâu ngồi sau lái cất lên lảnh lót:
- Hó…oa…ơ…ờ..hò… Dây cóc kèn, dây ráng dại, dây bòng bong ơ òa… Dây kia leo lên leo xuống, bò tới bò lui… Dây quấn chặt như ta với mình quấn chặt ơ hò… cùng nhau… hè…
Những âm thanh mềm mại của tiếng hò hòa vào tiếng sáo bổng trầm tha thướt như một dải lụa cứ len lén đi vào lòng người. Giọng đàn ông hò đáp lại, giọng ấm áp đến xao lòng:
- Nầy ho hó ơ mình ôi! Ta vìa phá đất chai tay, trồng cây hái trái hó ho ơ… dưng cho mình… dưng mình cho mình vui là vui… ho hó… ơ…
Những chuỗi âm thanh vừa lạ vừa quen, rất xa mà lại rất gần. Nó được kết tinh từ năm chữ đờn hò, xự, xang, xê, cống từng bật lên từ ngón đờn kìm của Tư Lai. Chiếc ghe vừa cất lên tiếng sáo trúc đang theo con nước dần trôi xa. Bất giác, Tư Lai bật người lên, chạy bộ theo, bắt tay lên miệng làm loa gọi lớn:
- Bớ người anh em! Tấp ghe vào bờ cho tôi hỏi thăm một chút!
Chiếc xuồng câu chậm lại rồi tấp vào một đám rang dại sum sê. Người đàn ông thổi sáo lúc nãy hỏi:
- Ông muốn hỏi gì?
- Tôi muốn biết về cây sáo và những điệu hát xa lạ ấy!
Người đàn ông đưa cao cây sáo trúc ngang mặt một cách kính cẩn, đáp:
- Ông cha chúng tôi sống trên mảnh đất nầy nhiều đời nay. Ngoài việc gieo lúa, trồng cây cho no bụng, họ còn chế ra nhiều vật dụng có thể phát ra những âm thanh ngọt ngào, những âm thanh có thể làm cho người ta sống hoặc chết, khóc hoặc cười… Hay lắm! Hay lắm!
Người đàn ông đắc chí ngửa cổ cười ha hả rồi đưa cây sáo trúc lên môi, nhắm nghiền mắt thổi nhẹ cho những âm thanh bật ra…
- Có nhiều người biết chơi thứ nầy không?
- Ôi, nhiều… nhiều lắm! Họ chơi còn giỏi hơn tôi!
Tư Lai hỏi tiếp:
- Còn những điệu ca?
Người đàn bà mỉm cười:
- Đó là những điệu hát do ông bà chúng tôi truyền lại… Những điệu hát mặn mòi như giọt mồ hôi nhỏ xuống đất cho cây xanh trái ngọt, những điệu hát xua tan cọp beo, muỗi mòng, đỉa vắt… những điệu hát cầu trời đất ban phước lành cho ai cũng có gạo thóc, cá tôm no bụng, những điệu hát đưa tình cho con trai con gái vìa bên nhau, sanh con đẻ cái vui cửa vui nhà…
- Chỉ có mấy điệu lúc nãy thôi à? Tư Lai hỏi.
Người đàn ông xua tay đáp nhanh:
- Ôi, nhiều… nhiều lắm! Nhiều như cây mắm, cây đước vậy! Thôi, tôi đi! Hẹn gặp lại người anh em dịp khác nghe!
Người đàn ông chống ghe dạt ra sông. Tư Lai vội vã:
- Người anh em cho tôi biết quý danh và chỗ ở được không?
- Được chớ! Tôi tên là Hai Bền, vợ tôi là Năm Rẫy. Nhà tôi cách đây độ một buổi chèo đôinước xuôi!
- Còn tôi là Tư Lai, từ ngoài miền Trung vô đây lập nghiệp!
- Tui khoái người anh em rồi đó, hẹn gặp lại nghe!
Như sợ trễ con nước, Hai Bền hối hả bơi đi. Tư Lai lặng người nhìn theo, miệng lẩm bẩm:
- Những nhạc cụ… Những câu hò điệu lý đậm chất ngũ cung… Thì ra, bên cạnh dòng nhạc cung đình mình mang từ miền Trung vào, trên vùng đất mới nầy đã có một dòng nhạc dân gian đậm chất phù sa sông nước xuất hiện từ bao đời!
Cung đờn đất mới
Nghe tiếng Tư Lai đờn rất giỏi, những tay đờn trong vùng lần mò tìm đến ngày càng đông. Có người gốc miền Trung vào Nam lập nghiệp, có người sinh ra và lớn lên ở vùng đất mới nầy. Tất cả cùng giống nhau một điểm là mang kiếp con tằm, dù cuộc sống có vất vả gian nan đến đâu cũng phải trả nợ dâu. Đặc biệt, giới đờn ca rất cần tri âm tri kỷ nên một khi đã chung niềm đam mê thì cách xa năm sông bảy suối cũng tìm nhau cho bằng được. Vì thế, căn nhà của Tư Lai dần dần trở thành điểm đến của giới mộ điệu đờn ca.
Trong số những người thường xuyên vác đờn đến chơi với Tư Lai có Sáu Bách, người gốc Bình Định. Sáu Bách cùng gia đình rời quê hương vào khẩn hoang phương Nam. Nghe tiếng Tư Lai cũng là bực kỳ tài nghề đờn nên Sáu Bách quyết tầm sư học đạo. Chẳng ngờ hai ông bạn miền Trung gặp nhau trên đất mới rất ý hợp tâm đầu, vài ngày không gặp nhau là thấy nhớ, nhớ người nhớ cả tiếng đờn.
Một bữa nọ, Sáu Bách đến thăm Tư Lai, có mang cây đờn cò và dắt theo đứa cháu gái tên Bé Lan. Tư Lai cũng gọi thằng Út Tấn, con trai của ông, cùng ra bờ sông đờn ca chơi. Sau khi hai ông bạn già hòa tấu mấy lớp Bình Bán, Tư Lai trao cây đờn kìm bảo Sáu Bách đờn cho Bé Lan ca. Lúc đầu, cô bé e thẹn lắc đầu nguầy nguậy không chịu ca nhưng khi Sáu Bách rao đờn, từng âm thanh sầu não bật lên, như một sức mạnh vô hình thôi thúc, Bé Lan cất giọng lảnh lót ca một lớp Tứ Đại Oán:
"Từng đêm…
Chiêm bao mơ về nơi chôn nhau
cắt rốn xa vời!
Lệ lòng sầu vương
Dòng nước sông Hương soi
núi Ngự
Giờ đây ngồi bên sông
Lòng vương vấn bao kỷ niệm
Thôi thôi cách xa rồi ngàn dặm
quan san
Nước cuốn mây trôi chở ngàn
nỗi nhớ
Ôi miền cố thổ ghi đậm
trong tim..."
Lời bài ca đã buồn, giọng Bé Lan càng sầu não, nghe xé cả ruột gan. Khi câu ca cuối chấm dứt, bờ sông bỗng im lặng như tờ. Không ai khóc thành tiếng nhưng nỗi đau âm ỉ trong lòng như bật ra, phơi bày thật rõ, không thể che giấu. Cặp mắt của Tư Lai và Sáu Bách đỏ hoe. Mặc dù sinh sau đẻ muộn, không thấm thía nỗi nhớ cố hương như cha, nhưng Út Tấn cũng cúi mặt thở dài, đồng cảm theo nội dung bài ca và chất giọng ai oán của Bé Lan.
Chốc sau, Tư Lai nói:
- Chẳng giấu gì chú Sáu nó, tôi cũng có dạy cho thằng Út Tấn một số bản đờn, chủ yếu là các bài Tổ. Để cháu nó đờn vài lớp Lưu Thủy cho chú Sáu nó nghe nha!
Không đợi cha phải nhắc lại, Út Tấn ôm đờn gảy liền. Điệu Lưu Thủy tuy là một bài hơi Bắc nhưng giai điệu rất mượt mà, êm ả như nước chảy mây trôi. Tiếng đờn của Út Tấn khi réo rắt vút cao, khi êm đềm trầm lắng. Những âm thanh từ ngón tay anh bỗng vẽ lên một bức tranh sơn thủy với cảnh thiên nhiên phong hoa tuyết nguyệt thật tuyệt vời. Có thể vì lòng say mê nghệ thuật dâng trào mãnh liệt, có thể vì phong cảnh bờ sông quá đẹp, có thể vì Út Tấn bắt gặp ánh mắt Út Lan cứ len lén nhìn anh nên ngón đờn anh hôm nay hoa mỹ đến bất ngờ. Tư Lai và Sáu Bách tròn mắt ngạc nhiên nhìn nhau. Bài Lưu Thủy của Út Tấn vừa đờn không còn là Lưu Thủy của nhã nhạc xứ Huế nữa. Nó đã biến thể nhiều, thanh thoát hơn, tuyệt vời hơn, mới lạ hơn nhưng vẫn giữ nguyên căn cội của bài bản gốc. Dứt bản đờn, Sáu Bách ôm chặt Út Tấn vào lòng, vỗ vỗ lên mái tóc đỏ hoe vì nắng gió của người thanh niên trẻ, nói:
- Tuyệt, tuyệt lắm! Bài Lưu Thủy của con thật lạ, thật hay!
Tư Lai hỏi:
- Ai dạy cho con đờn bài Lưu Thủy như vậy?
Út Tấn đáp:
- Thưa cha, không ai dạy con bài nầy ngoài cha! Nhưng con thường ôm đờn đi chơi, có lúc nhìn cảnh dòng sông mênh mông dài ngút mắt, có khi nhìn cánh đồng cò bay thẳng cánh tới chân trời, con thấy lòng mình phơi phới, trải rộng theo cảnh sắc thiên nhiên rồi cảm hứng đờn như vậy!
- Vậy thì…
Tư Lai ngồi trầm ngâm một lúc bỗng đánh mạnh tay vào đùi Sáu Bách, nói thật lớn vẻ đắc chí:
- Tôi hiểu rồi chú Sáu nó ơi! Lưu Thủy đã biến thành Lưu Thủy Trường rồi! Nhạc cung đình theo tụi mình vào đây, trước cảnh trời cao đất rộng, đồng lớn sông dài, các bài bản ấy đã được biến tấu theo tâm hồn phóng khoáng của người phương Nam… Không phải chỉ riêng bài Lưu Thủy mà nhiều bài khác rồi cũng sẽ thay đổi như thế…
Sáu Bách tiếp lời:
- Đó là một sự sáng tạo độc đáo để làm nên cái riêng biệt, cái đặc sắc của nhạc phương Nam tụi mình đó anh Tư ơi!
Đêm tri âm
Ngày tháng trôi qua, chẳng biết bao lần mặt trời lên khỏi ngọn tre bên vàm sông cái đằng đông rồi khuất dần sau rặng bần phía tây sau khi buông những tia sáng yếu ớt cuối cùng gọi đàn sếu đầu đỏ bay về sau một ngày đi kiếm ăn ở một nơi xa lắc nào đó. Vùng đất hoang mà đoàn người di dân do Tư Lai dẫn đầu bây giờ đã nẩy mầm xanh ấm áp cho cuộc sống. Và khi những khoảnh ruộng đẩy lùi cỏ dại, đưng lác để thay vào những bông lúa nước chín vàng, khi những khu vườn oằn sai trái chín soi bóng bên sông thay cho những lùm ô rô, cóc kèn thì tiếng đờn, câu ca bắt đầu vang lên khắp đầu trên xóm dưới. Những cuộc đờn ca được tổ chức ngày càng nhiều hơn.
Căn chòi xiêu vẹo tạm bợ của Tư Lai ngày nào bây giờ được cất lại tươm tất hơn. Mái lá dừa nước, cột tràm, phên tre, nền đất đắp cao cho khỏi ngập. Trước nhà, Tư Lai đắp một khoảng sân phẳng phiu, tỏa bóng râm mát rượi. Nơi đây thường diễn ra những cuộc đờn ca thâu đêm suốt sáng.
Hôm nay, Tư Lai nói với vợ có mời anh em trong giới đờn ca trong vùng đến chơi cho thỏa tình tri kỷ một bữa. Từ xế chiều, vợ Tư Lai rủ một số đàn bà trong xóm tới nhà phụ làm cá lóc, lươn, rùa, rắn...
Út Tấn được giao nhiệm vụ ra ngoài bờ sông, canh ghe thương hồ đi ngang, mua rượu đổ đầy khạp. Cuộc họp mặt đêm nay tuy có tốn kém chút ít nhưng mọi người trong gia đình đều vui vẻ, nhất là vợ Tư Lai, vì bà rất mê nghe đờn ca. Không phải đến bây giờ, khi đã ăn nên làm ra, mà ngay từ lúc mới về khẩn hoang còn trăm ngàn khó khăn, bà vẫn ủng hộ chồng tổ chức những buổi hòa ca như thế nầy.
Nấu nướng xong thì mặt trời cũng sắp khuất sau rặng bần bên kia sông. Vợ Tư Lai trải đệm trên sân, dọn thức ăn ra sẵn. Tư Lai nổi lửa đốt đống củi chất giữa sân. Củi khô nổ lách tách như chào đón khách…
Mọi người lần lượt kéo đến, có người lội bộ, có người bơi xuồng. Năm sáu người bạn đờn lớn tuổi từ miền Trung vào như Tư Lai, trên mười thanh niên nam nữ mới được học đờn ca, có cả Hai Bền, Năm Rẫy và một số người bạn mới mà tổ tiên của họ sinh sống trên đất nầy đã mấy đời.
Đặc biệt trong số khách tới là một ông lão cao tuổi, mặc áo dài the, đầu đội khăn đóng, vẻ nghiêm nghị.
Buổi đờn ca diễn ra trong không khí nghiêm túc nhưng không kém phần vui vẻ, thân tình. Từng người đều được mời độc tấu với nhạc cụ và bài bản mà mình yêu thích. Nào đờn kìm, đờn cò, đờn gáo, đờn tranh, đờn tỳ bà, đờn độc huyền, sáo trúc…
Các bậc cao và trung niên thì chơi các bài bản gốc lâu đời, thanh niên thì chơi theo căn cội đã được người lớn truyền dạy nhưng có biến tấu rất lạ tai và trẻ trung. Đặc biệt vợ chồng Hai Bền - Năm Rẫy và các bạn của họ thì chơi những khúc dân ca, hò, lý ra đời từ lâu trên đất mới. Một số giọng ca được mời đến cất giọng ca lúc vui thánh thót, khi buồn sâu lắng, trầm bổng, hòa quyện nhịp nhàng theo tiếng đờn và nhịp song loan, càng nghe càng đắm hồn trong bầu không khí nghệ thuật đơn sơ mà vô cùng độc đáo!
Gió từ sông cái thổi vào ào ào buốt lạnh. Tư Lai tuyên bố tạm dừng cuộc chơi để mời mọi người nhấm nháp vài ly rượu cho ấm lòng.
Sáu Bách đứng lên giới thiệu:
- Tôi xin giới thiệu đây là bác Tám, người cao tuổi nhất đêm nay và cũng là người khách đặc biệt của chúng ta! Bác là người miệt giồng, ra Huế học, thi đỗ tiến sĩ và từng làm quan cho triều đình nhiều năm!
Tiếng vỗ tay vang lên đón chào ông Tám. Ông đứng lên chấp hai tay chào mọi người, giọng chậm rãi:
- Cám ơn lời giới thiệu của chú Sáu nó! Tôi có thi đỗ tiến sĩ và làm quan triều đình Huế thật. Nhưng nay tôi đã trở về quê nhà vui cảnh điền viên rồi. Sở dĩ tôi có mặt đêm nay là vì một lý do khác! Trước đây tôi là quan nhạc nên nghiên cứu âm nhạc cung đình rất nhiều. Ngón đờn tôi cũng khá, được đức Vua khen ngợi và ban thưởng nhiều lần. Nay về đây, được biết bà con nhiều người muốn học đờn, học ca nhưng không ai truyền nghề. Tôi muốn đem chút tài mọn của mình trao lại cho một số môn sinh trước khi theo ông theo bà. Chẳng hay các vị nghĩ thế nào?!
Tiếng vỗ tay vang lên trong đêm. Tư Lai nói:
- Thưa bác Tám, chúng tôi, những người yêu đờn ca, chung ước nguyện tạo lập một dòng nhạc trên đất mới phương Nam nhưng sức mọn tài hèn không thực hiện được. Nay có bác về đây đỡ đầu thì thật vô cùng may mắn, xin muôn vàn cảm tạ!
Bác Tám xua tay, môi nở nụ cười thật hiền lành, nhơn hậu:
- Các vị đừng quá khiêm tốn như thế! Cuộc đờn ca từ nãy giờ cho thấy rõ tiềm năng âm nhạc của đất nầy. Chúng ta sẽ xây dựng một dòng nhạc có sự phối hợp hài hòa giữa nhã nhạc cung đình và âm nhạc dân gian có sẵn nơi đây. Chắc chắn trong tương lai chúng ta sẽ có một nền âm nhạc riêng biệt thật độc đáo! Tôi sẽ tiếp sức với các vị!
Tiếng vỗ tay lại vang lên. Tư Lai bưng ly rượu và mọi người đứng lên làm lễ bái sư một cách đơn sơ mà vô cùng cảm động. Rồi họ cùng ôm đờn lên hòa tấu bài Ngũ Đối Hạ bằng tấm lòng trang trọng hướng về Tổ nghiệp…
Trong ánh lửa bập bùng, nhìn những ánh mắt say sưa trong tiếng đờn, hai giọt nước mắt của vị nhạc quan già bỗng lăn dài…
Ông lẩm bẩm:
- Rồi đây, tiếng đờn lời ca kia sẽ lan rộng khắp phương Nam và bay cao, bay xa mãi…
Ý kiến bạn đọc