Tản cư

Đăng lúc: Thứ ba - 02/10/2012 10:28
VNTG- Hồi nhỏ, tôi sống với ông bà ngoại. Ông ngoại tôi ở làng Phú An trong một gia đình nghèo đông con. Khi cưới bà tôi, ông làm lụng, dành dụm mấy năm trời, xin ông bà cố cho ra riêng. Miếng vườn ông tậu nằm ở cuối con rạch ông Trung.
Khi tôi lên sáu, biết yêu mến con rạch nước trong veo trước nhà, hàng cau thẳng tắp đầu ngõ, thì giặc tràn vào làng. Chúng đóng một cái bót to cộ ở đầu chợ rồi ra lệnh ai ở đâu yên đấy. Tôi nghe ông ngoại bảo bọn lính muốn biến làng tôi thành vùng bình định và lấy dân làm “chỗ dựa” để “bên kia” không dám đánh vào. Ông tôi và bà con trong xóm bí mật bàn kế hoạch tản cư. Đêm ấy, tôi đang ngủ ngon lành thì bị đánh thức.
- Dậy, dậy mau!
Tôi mở mắt thấy trời tối thui, ngạc nhiên vô cùng.
- Dậy, ăn cơm rồi theo ông Tám tản cư qua Ngũ Hiệp, sáng mai ông ngoại ra đón.
Vừa nói bà ngoại vừa mặc áo lạnh cho tôi, tôi thắc mắc:
- Bà có đi với con không?
- Không, bà ở lại đi xuồng chở đồ đạc với mấy dì và ông.
Tôi lắc đầu.
- Con đi xuồng với bà à.
Bà ngoại giải thích.
- Đi xuồng phải lẻn qua bót nguy hiểm lắm. Con theo ông Tám đi tắt đường đồng qua Ngũ Hiệp tiện lợi hơn.
Bà động viên thêm:
- Có tụi con Bé Sáu, Bé Bảy cùng đi nữa. Lẹ lên con.
Bà ngoại bới cho tôi chén cơm nếp nấu lá dứa thơm phức. Thứ cơm nếp trộn dừa ăn với tép rang mặn mọi khi tôi rất thích nhưng hôm ấy ăn chẳng thấy ngon chút nào. Đang bệu bạo nhai thì có tiếng chân đi sau hè. Bà ngoại choàng khăn quanh cổ tôi và nhét vào tay tôi bọc cơm nếp nóng hổi.
- Dọc đường có đói bụng thì ăn.
Bà ngoại dẫn tôi ra sau hè. Có nhiều bóng đen đứng sau hàng rào. Bà nói với cái bóng đen to nhất.
- Gởi anh Tám con nhỏ. Nhờ anh trông nom dùm.
- Dạ, được mà chị.
Tiếng đáp lại là của ông Tám Nhi, người ở cạnh nhà tôi.
- Đi vô đây, “Tiết” Mai.

 
Một bàn tay chìa ra, nắm lấy tay tôi. Tôi nhận ra Bé Sáu qua cái cách nó đọc chệch tên tôi như vậy. Bé Sáu là đứa bạn vẫn cùng tôi tắm sông, chơi chòi. Nó nắm bàn tay tôi như ngầm động viên nhưng tôi mải ngoái lại “nhìn” bà ngoại. Trời tối đen nhưng tôi biết bà ngoại vẫn còn đứng đấy dưới gốc cây gòn. Tôi có cảm giác như mãi mãi tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại bà, không bao giờ được trở lại ngôi nhà thân yêu.
Tôi còn đang bần thần thì nghe tiếng ông Tám ra lệnh:
- Đứa sau nắm áo đứa trước đi thành hàng một, thằng Năm đi sau chót. Không được nói chuyện, cười giỡn. Đứa nào ồn ào, lính phát hiện bắt nhốt ráo.
Chúng tôi bắt đầu đi. Người đi sau nương người trước lần theo con đường ướt đẫm sương. Đôi dép của tôi vướng cỏ ướt nhớp nháp. Tôi lò dò từng bước chậm chạp. Đằng trước Bé Sáu kéo, đàng sau, thằng Năm ra sức đẩy. Bé Sáu kéo nhè nhẹ chứ thằng Năm cứ ra sức đẩy tới, làm tôi suýt té. Tôi kêu lên. Ông Tám tằng hắng:
- Có chuyện gì vậy?
Thằng Năm mét:
- Con Mai đi chậm rì à. Nó mang dép.
Ông Tám la:
- Trời ơi! Chạy giặc mà còn mang dép. Quăng mẹ nó đi.
Thằng Năm bảo tôi:
- Ba tao biểu mày quăng dép kìa. Lẹ lên.
Tôi gỡ đôi dép nhưng không quăng mà lận trong lưng quần. Đôi dép nhựa này dì Nhạn mua cho tôi hôm tết. Nó màu tím, có gắn con bươm bướm bạc rất đẹp. Bỏ dép thì đi nhanh nhưng cỏ lác đâm vô chân, đau muốn chết.
Sau khi đã định thần, tôi tò mò muốn biết xem cùng đi chung với mình ngoài anh em Bé Sáu, Bé Bảy còn ai quen nữa không. Tôi dướn người qua vai Bé Sáu cố “nhìn” đứa đi trước, đứa đi trước nữa. Bỗng, tôi trợt chân, mất đà, ngã dúi vào người Bé Sáu. Bất ngờ, không gượng được, nó cũng ngã theo, đè lên đứa đi đàng trước. Đứa này hầu như chất lên đứa kia, những tiếng kêu “ái”, “úi” vang lên. Ông Tám quát nhỏ:
- Tụi bây làm cái gì vậy?
Tiếng Bé Sáu:
-  Con trợt chân té đè lên con Chút, con Chút đè lên con Nụ, con Nụ đè lên con Thơm.Ông Tám bép vào mông Bé Sáu một cái khá đau.
- Đi đứng không cẩn thận.
Thằng Năm cãi:
- Không phải con Bé Sáu té.
Bé Sáu nạt anh nó:
- Con trai gì nhiều chuyện.
- Tụi bây còn cãi lộn nữa hả. Tao vả tét miệng hết bây giờ - Ông Tám rầy.
Chúng tôi lục đục đứng dậy, lục đục lên đường. Tôi nghe ê ẩm hai đầu gối nhưng lại thấy yên ổn trong lòng. Việc Bé Sáu đứng ra nhận tội thay tôi… làm tôi vừa cảm động vừa thấy… an tâm. Ít ra trên bước đường gian nan chạy giặc, tôi không đơn độc mà còn có người bạn thân ở cạnh luôn chở che, giúp đỡ. Tôi siết tay Bé Sáu ngầm cảm ơn. Nó đáp lại bằng cách nắm tay tôi thật chặt. Đi độ hơn cây số, ông Tám ra lệnh:
- Bây giờ tất cả chuẩn bị lội tắt đồng. Xắn quần lên.Cả bọn răm rắp làm theo. Bùn đen thui cộng với rơm rạ mục thúi ình kêu lên ục ục mỗi khi chúng tôi thọc chân xuống. Đã vậy gặp chỗ trâu đạp, lún tới đầu gối, mỗi lần rút chân lên thật khó khăn. Tôi lê từng bước ngả nghiêng như người say rượu. Lắm khi mất thăng bằng, nếu không có Bé Sáu và thằng Năm đỡ kịp chắc tôi đã ngã lăn xuống bùn. Cũng may, giang đồng không rộng lắm, rồi cũng qua đoạn đường khổ ải. Khi ngồi nghỉ chân trên bờ đất, tôi mới phát hiện đôi dép giắt lưng đã rơi mất lúc nào. Thật tội nghiệp đôi dép của tôi, giờ đây nó đã nằm đâu đó dưới đồng lầy.
Thấy tôi loay hoay, Bé Sáu kề tai, hỏi:
- Bộ Mai bị đau hở?
Tôi mếu:
- Mất đôi dép rồi.
Bé Sáu định an ủi tôi nhưng thằng Năm đã thúc vào lưng.
- Chuẩn bị đi, kìa.
Lại đi, lần này vào những con đường cành nhánh um tùm, va đập vào cả mặt. Đâu đó, tiếng gà eo óc gáy rồi bỗng dưng một loạt súng rộ lên. Chúng tôi chưa kịp hoàn hồn thì những tràng súng khác liên tiếp nổ, y như pháo rộ đêm giao thừa. Theo phản xạ, cả đám lập tức chúi vào nhau, đứa này bíu lấy đứa kia. Ông Tám bảo:
- Súng bộ đội đánh bót Phú An.
Tôi lo không biết ông bà ngoại, mấy cậu, dì có tản cư kịp không. Muốn hỏi ông Tám nhưng sợ bị rầy, bụng cứ anh ách. Súng vẫn nổ dai dẳng. Chốc sau, có tiếng moọc-chê thụt ầm ầm. Lũ chúng tôi run rẩy ngồi chụm vào nhau. Ngơi tiếng súng, ông Tám lại bảo đi. Lần này, lội qua bưng nước mênh mông. Bọn tôi hụt hửi bước, có chỗ nước lên tới bụng, phải bườn đi. Gói xôi tôi bỏ túi, nong nước, nở thè lè nên phải bỏ đi. Đang lội, tôi nghe nhồn nhột dưới mắt cá chân rồi cảm giác ran rát cứ bám lấy tôi mãi. Lúc lên gò, tay tôi sờ chân, bỗng đụng vật gì mềm mềm. Tôi lạnh toát người, run giọng bảo Bé Sáu:
- Có con gì dưới chân em.
Bé Sáu lần tay sờ rồi kêu lên:
- Úi, con đỉa.
Tôi hét lên, ôm Bé Sáu cứng ngắt, hai chân giãy đành đạch. Ông Tám nạt:
- Cái gì nữa vậy?
- Đỉa đeo con Mai
Thằng Năm xán tới:
- Đâu? Đâu?Tôi vừa khóc thút thít vừa đưa cái chân run bần bật.
Bé Sáu chỉ:
- Dưới mắt cá kìa, anh Năm.
Thằng Năm giữ chặt cổ chân tôi rồi nắm con đỉa đã hút no máu, rứt mạnh ra. Rứt tới rứt lui một hồi, con đỉa mới bật khỏi chân tôi. Quăng con đỉa nghe một cái bạch xuống đất, thằng Năm bảo tôi, lúc đó vẫn còn mếu máo:
- Xong rồi, nín đi.
Mấy đứa nhỏ xúm lại, le lưỡi:
- Sao hổng giết nó, anh Năm?
-  Giống đó dai nhách. Chặt khúc, băm dằm nhuyễn như cháo, nó vẫn sống.Bọn nhỏ hít hà. Ông Tám ra lệnh cho cả bọn cột túm ống quần lại để đỉa có đeo thì không chui vào trong được.
Tôi nghe, càng thêm hãi hùng. Nhìn xuống đồng mênh mông trong ánh hừng đông, nghĩ đến bầy đỉa đang bơi lội, chỉ chờ bọn tôi bước xuống là sáp đến đeo dính, tôi rụng rời cả chân tay. Thấy tôi vẫn ngồi ì ra đấy, ông Tám nổi giận.
- Sao còn ngồi đó hở?
Tôi mếu:
- Cháu sợ đỉa lắm.
- Đỉa đâu mà sợ. Bộ chỗ nào cũng có nó hết sao. Thôi đứng dậy đi, nào.
Tôi vẫn không nhúc nhích, thằng Năm dọa:
- Mày không đi là bị bỏ lại một mình đó.
Tôi bật khóc thút thít. Bé Sáu dỗ:
- Mai. Đi đi. Đỉa không đeo nữa đâu.Bỗng nó nhìn xuống chân tôi, kêu lên.
- Chân con Mai chảy máu kìa.
Quả nhiên, ở mắt cá tôi, nơi con đỉa đeo ban nãy máu rỉ ra đỏ lòm. Bé Sáu ngồi thụp xuống, rờ rẫm, chùi máu cho tôi. Ông Tám cõng Bé Chín đã lội xuống ruộng, ngoái lại:
- Thôi mầy cõng nó đi Năm.
Thằng Năm dậm chân. Ông Tám quạu:
- Lẹ lên. Máy bay tới bắn chết mẹ bây giờ.
Thằng Năm cằn nhằn cử nhử một hồi rồi mới giơ lưng, bảo tôi:
- Leo lên, bà nội.
Tôi vòng tay ôm cổ nó. Nó la:
- Ôm cứng ngắt làm sao tao thở.
Thằng Năm hụt hửi cõng tôi, lội đồng. Dù hơn tôi hai, ba tuổi nhưng nhỏ con lại ốm nhom ốm nhách mà phải gánh trên lưng một gánh nặng xấp xỉ, nó vừa đi vừa thở. Trời lạnh, mà mồ hôi nó ướt cả lưng áo. Mấy lần xụp chân, suýt té, nó tức tối, lầm bầm kêu tên ông ngoại tôi ra chửi.
- Đ.M thằng cha Tư Tí, bắt tao cõng cháu.
Tôi không thèm chấp thằng Năm. Được ngồi trên lưng nó tránh mấy con đỉa, tôi yên tâm vô cùng.
*
Hừng sáng, ông Tám dẫn cả bọn vào một ngôi nhà cặp mé sông, nơi có những rặng bần um tùm. Một bà già, đầu chít khăn mỏ quạ, chạy ra đón, lăng xăng hỏi han. Bọn tôi được dẫn ra sau lu nước rửa ráy và thay quần áo khô. Khi trở vào, trên chiếc đệm trải giữa nhà đã được bê ra một nồi cơm lớn, khói nghi ngút. Thức ăn là một gói mắm sặc, bọc trong lá sen. Dù đang đói cồn cào nhưng ngửi mùi mắm sống, tôi lại nghe nôn nao. Anh em thằng Năm và mấy đứa khác xúm lại, bới cơm, gắp mắm ăn ngon lành. Thấy tôi còn đứng xớ rớ, bà chủ nhà hỏi:
- Con nhỏ nào vậy, anh Tám.
- À, cháu ngoại anh Tư. Ủa, sao không ráp lại ăn cơm, Mai?
Bé Sáu đáp thay tôi:
- Con Mai nó… hổng biết ăn mắm.
-  Ái, chà chà… - Ông Tám nhăn mặt rồi day qua bà chủ nhà – Ban nãy thằng Năm phải cõng nó đó.Bà chủ nhà ngó tôi lom lom.
Tôi mắc cỡ lẻn ra sau hè. Ngồi nhìn ra vàm sông mênh mông, sóng tung bọt trắng xóa, tôi nôn nao nhớ nhà, nhớ bà ngoại. Sao mãi tới giờ mà ông ngoại vẫn chưa tới đón tôi. Hay mọi người đã quên, bỏ mặc tôi ở nơi chốn xa lạ này? Lo sợ, tủi thân, nước mắt tôi lại ứa ra.
Có tiếng bước chân lại gần. Bé Sáu bưng một tô cơm đầy có tán đường vàng rượm bên trên.
- Ăn đi, Mai. Cô Chín mới kêu anh Năm qua tiệm mua đó.
Tiếng thằng Năm:
- Ăn đi, không đói bụng chết.
Tôi cảm động bưng tô cơm rồi lại bỏ xuống:
- Sao tới giờ không thấy ông ngoại qua đón em?
Thằng Năm thông báo:
- Tao thấy ông Tư ở ngoài tiệm, đương ngồi nói chuyện với mây ông già.
Tôi mừng rỡ lau nước mắt. Trong khi tôi ăn cơm, thằng Năm và Bé Sáu cứ cà rà bên. Tụi nó ngó bộ bịn rịn khi thấy tôi sắp sửa… ra đi. Bé Sáu hỏi:
- Mai theo ông ngoại đi đâu vậy?
- Về nhà bà cố em ở thị trấn Cái Bè.
- Rồi chừng nào Mai dìa Phú An?
Tôi bắt chước người lớn:
- Chừng nào yên giặc.
Bé Sáu thở dài:
- Hổng biết chừng nào mới yên giặc nữa.
Thằng Năm ra vẻ thông thạo:
- Chắc hổng bao lâu đâu.
Theo như lời thằng Năm, tụi nó sẽ ở nhà cô Chín chừng nào yên hẳn mới trở về làng. Như vậy chẳng biết bao giờ chúng tôi mới gặp lại. Lát sau, khi tôi chào mọi người để theo ông ngoại về, thằng Năm bỗng ghé tai tôi.
- Ra sau tao nói cái này.
Tôi theo ra hè, nó lí nhí:
-  Hồi hôm tao nóng có… chửi ông ngoại mày. Mày đừng giận, đừng có mét, tao bị đòn nghe.
Thằng Năm cúi gầm mặt trông tội nghiệp. Tôi bèn hứa. Hai đứa ngoéo tay.
Chiếc xuồng đưa tôi vượt cù lao về phố chợ đã ra giữa dòng, thằng Năm và Bé Sáu vẫn đứng mãi bên rặng bần ngóng theo. Tôi cũng ngoái đầu nhìn lại, cho đến khi bóng hai người bạn trẻ mờ dần rồi khuất hẳn sau lớp bọt sóng tung trắng xóa.
*
 
Từ buổi chia tay ấy, đăng đẳng mười năm sau chúng tôi mới có dịp gặp lại. Sau 30 tháng 4, tôi theo gia đình ngoại trở về làng. Giờ đây tôi đã 16 tuổi và trở thành đứa con gái hoàn toàn của phố chợ. Vậy mà khi cùng ông ngoại lần theo ngõ nhỏ sang thăm nhà bạn cũ, những kỷ niệm ấu thơ bỗng sống dậy nguyên vẹn trong lòng tôi: Tưởng như mới hôm qua hôm kia tôi hãy còn là con bé lên năm lên sáu ngày ngày leo cầu khỉ qua nhà Bé Sáu chơi chòi. Vẫn như xưa, nhịp cầu tre gập ghềnh với chiếc tay vịn lên nước bóng loáng, lối đi, hai hàng bông bụt nhoài người hứng nắng, cây trắc nâu rủ bóng bên thềm…
Đón ông cháu tôi, ông Tám giờ râu tóc đã bạc trắng. Ông vồn vã:
- Anh Tư đưa chị với mấy cháu về luôn hả?
- Hơn mười năm nay tôi chỉ mong có ngày này.
Xóm giềng gặp lại, mừng mừng tủi tủi. Ông Tám chỉ tôi:
- Cháu này là đứa nào?
- Con Mai cháu ngoại tôi. Hồi trước chạy giặc tôi gởi anh đó.
Ông Tám à một tiếng, gật gù rồi thông báo.
- Con Bé Sáu có chồng về bên Hiệp Đức. Nó vừa sanh đứa thứ hai, đem con nhỏ đầu lòng qua gởi bên tui.
Tôi thoáng thấy đôi mắt đen láy sau vách tre. Bên bình trà nóng, hai ông già ôn lại huyện cũ. Một người đàn ông mặc bộ đồ bà ba đen, quần xăn tới gối, vác cuốc đi vào sân. Ông Tám bảo:
- Thằng Năm tui.
Ông gọi:
- Năm à, bác Tư về nè con.
Tôi tròn mắt nhìn “thằng Năm” ngày xưa đã trở thành một anh chàng vạm vỡ ra vẻ rất lam lũ đồng ruộng. Anh ta nhìn tôi, vẻ ngờ ngợ. Ông Tám cười:
- Không nhớ hả. Con Mai. Hồi trước chạy giặc bây cõng nó đó.
Hai đứa bối rối, nhìn nhau. Mọi người nhắc lại chuyện cũ, cười rộ. Năm gọi hai đứa bé, một trai một gái đang chơi ngoài sân vào.
- Con trai của tui, ba tuổi. Còn con nhỏ này là con của Bé Sáu. Hai đứa thưa cô đi.
Cả hai vòng tay dạ. Tôi nhìn bé trai, như một phiên bản của Năm hồi nhỏ. Cũng cái dáng loắt choắt, hai chân trần mốc cời và tấm lưng dang nắng đen đủi. Còn bé gái bụ bẫm, có lúm đồng tiền xinh xinh giống y Bé Sáu ngày nào.
Tôi xoa đầu bé trai, đưa tay nựng cằm bé gái.
- Bé tên gì vậy?
Con bé nhanh nhảu:
- Dạ, Mai. “Tiết” Mai.
Nó ngước nhìn tôi ra vẻ hãnh diện lắm vì cái tên đẹp đẽ của mình.
Tôi ngạc nhiên quay sang Năm. “Hắn” chắp tay sau đít nhìn tôi cười. Nụ cười bạn bè, vô cùng thân ái.
 
Thu Trang
(Theo Tập truyện ngắn Quê Ngoại)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Quê ngoại, Thu Trang

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 273
  • Khách viếng thăm: 267
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 15361
  • Tháng hiện tại: 889488
  • Tổng lượt truy cập: 65827840