Xóm cũ

Đăng lúc: Thứ ba - 13/11/2012 08:59
Một

Đây là lần đầu tiên tôi đến An Giang.
Xe chạy vun vút. Thế mà nhìn hai bên đường tôi cứ tưởng mình đang ở một nơi quen thuộc. Cũng những cánh đồng khô vàng cháy. Cũng những xóm nhà ẩn hiện sau bờ tre gai dày bịt. Tôi mơ hồ là mình đang về quê cũ tuy xe đang nhằm hướng ngược lại.
Quê tôi là tỉnh Trà Vinh. Nó với An Giang quả thật là "nơi đầu sông nơi cuối sông" nếu chỉ giới hạn trong vòng nước Việt Nam mình. Cụm lục bình đang lừ đừ xuôi dòng kia, năm mười hôm nữa biết đâu lại chẳng tấp vào một xóm nhỏ thuộc huyện Tiểu Cần. Đứa trẻ vớt nó lên cho heo ăn không chừng lại là họ hàng gì đó của tôi!
Tôi xa quê lâu rồi! Vợ chồng bận bịu công tác, con cái còn đi học, nên tôi không mấy khi nghĩ đến về thăm xóm cũ. Rồi túi tiền của mình lúc nào cũng nhẹ tênh! Chớ mình lúc nào lại chẳng nhớ, nỗi nhớ da diết, dai dẳng, về nơi chôn nhau cắt rún của mình, nhớ từ gốc tre còi đến cái mương cạn nằm ven lộ.
Qua khỏi thị xã Long Xuyên một chút thì đường bị nghẽn. Có chiếc xe hàng lật giữa lộ. Nông nỗi này phải có xe cẩu mới xong thôi! Trời nóng đến khiếp. Chúng tôi rời xe, tìm được một bóng cây. Có hai ông lớn tuổi đứng đấy nhìn chiếc xe lật mà bàn bạc sôi nổi. Cậu đồng hành trẻ tuổi của tôi hỏi nhỏ:
- Đồng bào ta ở đây nói chuyện sao khó nghe quá, chú nhỉ?
Tôi kể đại ý những lời hai người nói. Xe đang ngon trớn bỗng cầu trước gãy, xe chúi mũi xuống đường rồi lật ngang. May là xe không, nhẹ, nhưng tài xế cũng bị thương.
- Chú nghe được thật là tài. Cháu thì thấy lạ tai quá!
- Cậu lạ tai là đúng. Hai ông này, một là người Hoa, một là người Khơ me. Tiếng Việt của họ nghe lơ lớ. Tôi nghe được vì ở quê tôi, cũng như ở đây, người các dân tộc sống lẫn lộn, học chung trường chung lớp nữa, nên tôi đã quen rồi.
Một chiếc xe cẩu quân đội tình cờ đến. Đường nhanh chóng được khai thông. Từ đấy đến Châu Đốc, tôi ngửa người ra nhắm mắt chẳng nói năng gì nữa. Ai nấy đều tưởng ông già đã mỏi mệt. Kỳ thật tôi vẫn tỉnh. Tôi chỉ để tâm hồn phiêu diêu về quá khứ, về xóm cũ ngày xưa. Sao nó giống ở đây lạ lùng, từ cảnh vật đến con người!

Hai

Bây giờ nó là một phường hẳn hoi của thị xã. Ngày tôi còn bé đấy chỉ là một ấp ngoại vi không điện không nước máy. Nó có cái tên Việt Nam cực đẹp: ấp Thanh Lệ, và cái tên Khơ me ngồ ngộ: Sốc Năng Rai.
Mà hễ gọi là sốc thì người Khơ me phải chiếm đa số. Có gần một chục gia đình người Hoa, toàn dân buôn bán. Người Việt Nam cao lắm là ba mươi hộ, là thợ thuyền hoặc công chức. Mấy trăm nhà còn rặc lại là người Khơ me, hầu hết là bần cố nông.
Tôi ở gần giữa xóm. Bên phải nhà tôi là nhà thằng Chảy, bên trái là nhà thằng Keo. Ba đứa cùng trạc tuổi, lại học cùng lớp. Cho nên làm gì mà chẳng khắng khít với nhau. Ngày ngày đến trường, hai lần đi, hai lần về, làm gì cũng chờ nhau, phải đủ bộ "tam sên" mới thích. Lỡ một thằng bệnh, nghỉ học, hai đứa kia cũng biếng nói biếng cười ngay.
Chúng tôi lúc nào cũng tìm cách đỡ đần nhau.



Tôi là thằng học giỏi nhất. Tất nhiên, vì tôi là người Việt, học trường Việt mà. Thằng Keo thì bị thầy khẻ tay lu bù, nó cứ đọc nhẩm là "con cá" rồi viết là "con cà". Thằng Chảy còn quái dị hơn. Nó ngồi gảy bàn toán nhanh như chớp, thế mà làm toán trên giấy thì hay trật thảm thương. Cho nên chúng nó mới tôn tôi làm sư phụ. Kể ra, giúp cho bọn này khỏi bị đòn, khỏi lưu ban quả là một kỳ công đáng cho tôi hãnh diện.
Còn thứ năm, chủ nhật muốn xem phim, xem đá bóng, muốn ăn kem thì phải nhờ túi tiền của thằng Chảy. Nhà nó có xe đò, tuy "xập lết" nhưng cũng kiếm được ối tiền. Rồi má nó lại bán chạp phô. Lão Chảy ta chỉ cần một phút vắng người, kéo hộc tiền cái rột, chộp một đồng bạc là đủ bao cả bọn phủ phê một tuần. Bao là bao thứ khác hơn bánh kẹo ấy. Thứ đó tụi này không thèm. Thấy mặt chúng tôi là má hoặc chị nó lật đật mở thùng bốc cho hàng nắm, ăn mãi đã ứ họng rồi.
Thằng Keo thì có ích trong việc khác. Nhát đòn, song cái miệng nó chửi lộn thì "bá phát". Đứa nào lỡ động đến bộ ba này thì liệu mà về mua hàng hương ra mộ ông bà mình tạ tội cho sớm. Thằng Keo nó chửi thì tiên tổ hai ba mươi đời nhà nào dưới âm ti cũng phải nhúch nhích đều trân. Nó lại có cái ná thun đẹp tuyệt và rất ư chính xác. Nó giương ná thì đứng cách hai mươi thước cũng chắc chắn sưng giò. Cuối cùng ai cũng nghi nó có bùa Cà tha, chuộc từ núi Tà Lơn về. Nó mà thư cho một con voi trong bụng thì làm sao sống!
Những ngày nghỉ thì ngoài giờ cơm, chúng tôi ở miết bên nhà thằng Keo. Cha nó, cậu Danh làm phu quét lộ, mợ Danh thì bán gạo, bán cám ngoài chợ. Hai ông bà sáng đi đến xế mới về. Đến nhà đó thì tha hồ tự tung tự tác. Sướng lắm. Sướng hơn ở nhà tôi hoặc ở nhà thằng Chảy.
Kể ra gia đình thằng Chảy cũng rất quý chúng tôi, nhưng bên ấy đông người, mà người Hoa thì nói lớn tiếng, chúng tôi học hành gì nổi. Còn nhà tôi thì hai đứa kia nó ngán quá, vì ba tôi là thầy giáo. Học trò thuở đó sợ thầy giáo còn hơn sợ cọp dù thầy đó không dạy mình, dù thầy đó là cha mình đi nữa cũng vẫn sợ cóng giò.
Ở bên nhà thằng Keo, trước tiên là chúng tôi học bài, học ra rả. Để cho các bậc cha mẹ nghe mà an tâm chứ. Rồi khi bài đã thuộc, và xem chừng ai nấy hết theo dõi thì bày trò chơi. Lúc đầu là những trò trẻ con, bắn đạn, thảy đáo lỗ, mổ đáo tường. Rồi lớn thêm một chút là bắt đầu phá làng phá xóm.

Ba

Lần đó thằng Chảy rủ:
- Hầy! Đi bắn chim về nấu cháo ăn chơi.
Thằng Keo hưởng ứng:
- Dớ! Tao vừa vò xong một trăm đạn đây. Tụi mình ra rừng đi.
Rừng của bọn tôi thực ra chỉ là một khu đất cát độ năm hécta. Ông hương quản Sum, chủ đất phú mặc cho mọi loại cây mọc ở đấy. Ai muốn sửa vách, cất nhà thì cứ đến ngã giá rồi tự đốn tre gỗ về xài. Nó cũng là nguồn cung cấp chất đốt cho các gia đình nghèo, ai muốn mót củi quét lá thì cứ tự tiện.
Bộ ba chúng tôi lập căn cứ trong rừng, một cái chòi ẩn trong lùm rậm nhất. Thằng Chảy mà có thó của nhà được chai bia hay điếu thuốc thơm thì chúng tôi rúc vào đó mà hưởng thụ. Mình chỉ tập làm người lớn chứ có là người lớn thật đâu. Lỡ ai thấy là ăn đòn chết chớ bộ!
Thằng Keo hôm ấy mắc cái chứng gì mà bắn đâu hụt đó. Chúng tôi giật ná của nó song làm ăn chẳng khá gì hơn. Chỉ được mỗi con chim sẻ non không đủ một đứa bỏ vào miệng. Chợt thằng Keo thấy có con gà mái đang cắm cúi bươi bươi mổ mổ.
- Dớ, bắn con gà này đi.
Tôi phản đối quyết liệt:
- Ê, bắn gà là tù đấy nhá!
Nếu con gà mà ở chỗ khác chắc tôi cũng chịu cho nó bắn thôi. Nhưng đây là nhà sau tôi mà. Con gà tôi nhìn thấy quen, chắc là gà nhà tôi rồi. Ai ngờ thằng quỷ Chảy lại đôn đốc:
- Hầy, gà này là gà rừng chắc. Bắn đi để nó bay mất uổng!
- Ê, coi chừng gà của tao.
- Dớ, bắn là bắn! Gà tao, tao cũng bắn.
Chưa nói xong câu nó đã bắn. Chúng nó nhặt con gà còn nóng hổi, cắt đường về chòi. Tôi phải đi theo, thịt gà mà không ăn cũng uổng. Thề có đất trời, tôi nhai thịt gà hôm ấy chẳng ngọt ngon gì ráo, nó dai nhách, nó xam xảm. Tôi biết mà. Chiều nay má sẽ kiểm lại đàn gà. Thấy mất thì theo thói quen bà sẽ ra sân sau mà chửi mắng ầm lên. Quân trôi sông lạc chợ nào mà ăn con gà ấy sẽ mọc lông trên sống mũi, sẽ ói từng bãi phân gà. Lỡ lời nguyền ấy mà ứng là chết tôi.
Nhưng tối rồi mà sao má chẳng nói gì cả. Tôi ngạc nhiên quá. Tôi giả vờ ra nhà sau gọi chó gọi mèo, rồi lén xem chuồng gà. Có điều tôi có biết nhà được mấy con gà đâu mà rõ đủ thiếu. Tôi phải nói dối:
- Má à! Hồi chiều con thấy ngoài rừng có con gì giống như chồn. Coi chừng mất gà.
- Con đóng cửa sau lại. Hồi chiều má đếm thấy đủ mà!
Suýt nữa tôi đã nhảy cỡn lên. Vậy là chúng tôi đã ăn gà của ai đó. Tức quá, lúc nãy tôi đã để thằng Keo xơi tuốt cả mề lẫn gan còn thằng Chảy thì giật mất cáo phao câu và buồng trứng. Ai mà dè được.
Tang tảng sáng hôm sau, tôi chạy sang thằng Chảy báo tin mừng đó. Rồi cả hai kéo lại nhà thằng Keo. Nó đang ngồi đánh răng. Trong nhà cậu và mợ Danh đang quát tháo ỏm tỏi bằng tiếng Khơ-me. Tôi gọi nó:
- Ê Keo, con gà…
Nó ném cái gáo nước vào lu và chạy ù ra cổng:
- Dớ, nhỏ nhỏ vậy chớ. Ba tao nghe thì chết. Con gà đó của tao.

Bốn

Lần sau thì chính thằng Keo đề xuất:
- Dớ, không ăn gà nữa! Kiếm trái cây ăn sướng hơn.
Chảy và tôi nhìn nhau. Nhà đứa nào cũng có mỗi cái nền, cái sân trước rồi ao nước phía sau. Thật ra nhà thằng Chảy cũng có cây ổi, nhưng trái già trái non gì bọn này đã lặt sạch sẽ. Thế thì kiếm trái cây nào?
- Dớ, ra rừng đi tao nói. Tao có cách mà!
Thì ra bên kia rừng có con rạch nhỏ. Chúng tôi bỏ quần áo theo kế hoạch của thằng Keo, và giả vờ ra rạch tắm. Rồi lội ngược lên độ ba trăm mét là đến vườn cây trái của ông Ba Tâm.
- Dớ! Con Lan nó khoe là mãng cầu xiêm nhà nó đang chín rộ.
Con nhỏ này học sau chúng tôi một lớp. Nó hay khoe của lắm. Ăn của nó vài trái cũng được, cho nó hết làm phách. Nhưng lúc sắp leo lên vườn tôi đâm ra ngần ngại. Nhà này ai cũng biết mặt lũ quỷ chúng tôi. Họ mà mét với cha mẹ là bầm lưng nát đít cả đám.
Thằng Chảy suy nghĩ một chút rồi móc cục bùn lớn bệt lên đầu. Xong nó xoa khắp mặt mũi:
- Hầy! Nhìn ra không?
Thật là một sáng kiến thần sầu. Chúng tôi hì hục làm theo. Rồi nhìn nhau kinh ngạc. Ghê gớm nhất là thằng Keo. Nhìn nó, biết đấy là nó, tôi vẫn rởn óc. Nó đội một cái mũ bùn to như quả dừa, trên đó mọc nguyên một bụi cỏ bồng chầu, nó còn cắm thêm hai nhánh trâm bầu nhỏ. Nó giống con quỷ vừa đội mồ lên.
Chúng tôi đi lom khom. Mắt bị nước bùn, lem nhem, thấy không rõ phía trước. Đến một gốc mãng cầu, chưa nhìn ra trái sống trái chín, bỗng chúng tôi nghe có ai rên. Trời ơi! Thì ra con Lan!
Không biết nó ra vườn làm gì? Chúng tôi thấy nó tái xanh, ôm ngực, từ từ sụm xuống rồi ngã ngang không cục cựa. Chúng tôi hết hồn, chạy nhào xuống rạch, vừa cố gắng rửa sạch mình mẩy đầu cổ, vừa xuôi nước thả trôi về.
Chúng tôi về đến nhà cậu Danh thì đầu xóm người ta nổi mỏ nổi trống. Đàn ông trai tráng cầm dao vác gậy chạy rần rật. Các bà má thì gào gọi con khản cả cổ. Té ra có quỷ vương xuất hiện cùng cả đàn âm binh. Chúng đã ăn sạch cả nhà ông Ba Tâm, luôn cả gà vịt chó mèo.
Lát sau chúng tôi nghe lại thì chẳng có ai bị ăn thịt, nhưng quỷ thì có hiện hình thật, nhiều vô số, mặt xanh nanh bạc, mỏ đỏ, sừng đen. Con Lan bị hớp hồn, hai ba thầy pháp đến phù chú mà vẫn không trị nổi quỷ. Con nhỏ bây giờ nói xàm, nói bậy chốc chốc lại lên cơn co giật.
Trời chưa tối, nhà nhà đã lo đóng cửa. Chúng tôi bị cấm không cho ra ngoài. Mà có cho đi nữa, cũng chẳng đứa nào dám đi. Nghe họ tả hình dạng lũ quỷ chúng tôi cũng phát sợ luôn, đến đỗi chẳng dám chong đèn ngồi học một mình.
Cả tuần sau, xóm ấp mới bớt xôn xao. Con Lan đã đi học lại. Tội nghiệp, nó xanh lướt, mắt lúc nào cũng nhìn quanh, láo liêng. Chúng tôi tụ tập đi quanh cho nó đỡ sợ. Thằng Chảy khều tôi, mắt nó ươn ướt:
- Hầy! Thấy thương chưa?
Tám năm sau chúng nó lấy nhau, và dọn ra ở chợ. Không biết tình yêu của hai đứa có bắt đầu từ câu nói của thằng Chảy không?

Năm

Hơn mười lăm năm qua thật là nhanh!
Thằng Chảy trở thành ông chủ, có xe đò, xe hàng, giàu có lớn. Thằng Keo đi lính hai năm, bị thương, được giải ngũ. Nó về đạp xe lôi, vợ nó bán bún nước lèo, kể ra cũng đủ nhai đủ nhậu. Tôi thì dạy trung học ở Sài Gòn. Cả ba đều đã trưởng thành chững chạc, đường hoàng, có vai có vế.
Chỉ những khi ba đứa gặp nhau, chúng tôi mới trở lại là trẻ con như ngày xưa. Ê, ê! Hầy hầy! Dớ dớ! Trái cóc, trái ổi, cái bánh bao chia nhau đột nhiên hấp dẫn cực kỳ. Đứa nào cũng như trẻ lại mươi, mười lăm năm. Mày mày, tao tao, và chửi thề vung vít. Nhưng có ai lạ xen vào thì bỗng như trong phim thần thoại, chúng tôi vụt biến thành một bộ ba đứng đắn, những người chủ gia đình khả kính ngay. Mà quên, chủ gia đình là hai thằng kia chứ tôi vẫn độc thân.
Năm 1961, tôi âm thầm về thị xã. Tổ chức của tôi bể và bể nặng. Chưa đến tôi, nhưng tôi biết là sẽ đến tôi nên phải tránh trước. Có điều là tôi đánh giá không đúng năng lực của công an Nha Tổng. Một buổi sáng, họ phối hợp với công an tỉnh, bất thần bao nhà tôi. Đáng tiếc cho họ, là chỉ vớ được hai ông anh rể, để rồi phải xin lỗi, vì họ là công chức cả.
Chị tôi báo tin dữ, tôi đang ngồi ở quán cà phê. Cách hay nhất là lủi vào cửa sau thằng Chảy. Nó đang ăn sáng, thấy tôi hớt hải vào, liền kéo tôi lên lầu. Tôi chẳng cần giấu giếm. Nó chẳng liên hệ gì với chính quyền. Rồi tình bạn lâu nay là một đảm bảo. Nghe hết mọi việc nó nhăn mặt.
- Mày không ở đây được đâu, hầy! Chúng nó sẽ mò ra.
- Nhưng tao làm sao đi khỏi thị xã này?
- Xe đò của tao thì không được. Giờ này tụi nó sẽ xét rất gắt ở trạm Ba Se. Mà xe đò thì nhiều người, có đứa biết mày. Còn xe hàng thì rủi quá. Hai chiếc xe của tao đều đang chờ lên gạo tại Bình Phú!
Tôi ngao ngán. Trạm Ba Se tôi biết. Nó ở cách thị xã bốn ki-lô-mét. Đến đó hành khách già trẻ bé lớn, cả phụ xế đều phải xuống đi bộ. Từng người đến trạm trình giấy, cảnh sát nhận diện kỹ càng. Tôi khó mà qua nổi.
Còn Bình Phú thì cách Ba Se mười ki-lô-mét nữa, cũng chẳng làm sao bay lên đó được. Chuyện đời nó thế. Có những cái bình thường, mình tưởng cứ với tay ra là nắm được. Thế mà lúc cần, nối một nghìn cánh tay vào vẫn thấy nó ở ngoài tầm.
Thằng Chảy bỗng đập tay lên bàn:
- Hầy! Phải gọi thằng Keo đến bàn mới được.
Nó sai đứa con gái ra bến xe lôi mời chú Keo. Nhớ bảo chú đừng uống nhiều rượu, ba có công việc gấp cần nhờ chú.
Sai con xong, Chảy quay sang tôi phàn nàn.
- Thằng quỷ Keo lúc này hư lắm, hầy! Sáng dậy, phải làm một ly, mới lên yên nổi. Chạy một hai cuốc là làm thêm ly nữa. Nó làm như xe ô tô chạy phải đổ xăng đổ nhớt vậy!
Tôi cười:
- Bây giờ gọi nó vào, cũng phải chuẩn bị cái gì cho nó chớ?
- Hầy! Có hai cái hột vịt muối này, nó uống tới khuya chưa hết. Thằng quỷ nó cần rượu chứ đâu cần mồi!
Quả nhiên, khi Keo đến nó ực một hơi hai ly rồi mới hỏi:
- Dớ, có gì đó bây?
Thằng Chảy nháy tôi rồi đáp.
- Có đứa muốn hại thằng Văn!
Keo nhảy dựng:
- Dớ! Thằng nào? Thằng chó nào? Tao "cáp" nó liền! Nói mau đi Văn! "Cáp" của nó nghĩa là chặt hay chém gì dó. Tôi đang lo mà cũng bật cười:
- Ờ, thằng Ngô Đình Diệm đó! Nó cho công an kiếm bắt tao.
Thằng Keo xuôi xị:
- Dớ! Chết cha chưa!
Nó thì vậy đó. Có một ly vào thì ông Trời cũng không sợ. Nó chỉ ngán cảnh sát thôi.
- Dớ, mày trốn đi.
- Thì trốn chớ sao. Nhưng làm sao qua khỏi trạm Ba Se. Rồi xe hàng thằng Chảy nằm mãi trên Bình Phú.
Ai ngờ nghe thế, Keo lại mừng rỡ.
- Dớ, dễ ợt. Tao sẽ chở mày. Tao qua trạm như chơi. Thằng Keo này cũng giỏi lắm chớ bộ.
Tôi cười ngất, nhưng tôi cười vì mừng. Tôi còn lòng dạ nào mà cười nhạo. Nó huênh hoang mấy cũng không sao. Miễn là tôi thoát cũi sổ lồng được phen này!

Sáu

Chuông nhà thờ vừa đổ là thàng Keo đến đập cửa. Nó ném cho tôi bộ quần áo vải đen cũ và cái nón lá rách tơi tả.
- Mặc quần áo, đội nón vào. Dớ, may mà da mày đen. Mày trắng như thằng phì lủ Chảy thì có mà chết.
Tôi ra xe. Nó bỏ cái cuốc cùn ở đây làm gì vậy?
Nhưng tôi không buồn hỏi. Tôi đang hồi hộp. Thằng Keo cun cút đạp. Đã đến ấp Mã Tiền, phía bên kia thị xã. Rồi nhà cửa thưa, thưa dần. Chúng tôi đi ngang sân bay. Trên đường nhiều người quang gánh lũ lượt đi ngược xuống. Đa số là người Khơ me ở Ba Se. Trạm kiểm soát chắc gần lắm rồi. Không hiểu thằng Keo làm sao qua lọt đây?
Bỗng Keo ngừng xe lại. Nó lấy trong giỏ cái gáo dừa có xỏ dây kẽm làm quai. Tôi thấy trong gáo dừa chứa một ít nước, mươi con đuôn đất, vài con dế cơm đã vặt cánh và ngắt bỏ bụng.
- Mày trùm khăn lên đầu, rồi đội nón nữa, mới giống người Khơ me. Vác cuốc và xách cái gáo này đi vào đám dầu kia. Ai hỏi thì nói đi kiếm mồi nhậu. Đi luồn trong đám dầu nhưng đừng ra xa đường quá.
Thằng quỷ không chịu giặt khăn, hôi bỏ mẹ. Nó chỉ về phía trước.
- Qua cua này, chừng hai trăm mét là tới trạm, tao qua xe không. Mày đi trong ấy chừng bảy trăm mét thì nhìn ra sẽ thấy xe tao đậu chờ. Mà nhớ đừng lên xe ngay, tao sẽ xuống rước.
Thế mà mọi chuyện lại diễn ra êm thấm. Thằng vậy mà tính toán quá hay. Tôi nhìn thấy xe đồng thời cũng nghe nó gọi. Nó đã vào sẵn chờ tôi, và chìa cho chai nước.
- Rửa tay, rửa mặt, rồi thay quần áo. Mang kính đen vào. Mau đi, dớ!
Tôi lên lộ, nhìn phía sau chẳng thấy trạm. Té ra con đường, đoạn này, quanh co như rắn lượn. Keo nó đã tận dụng địa hình ấy. Nó giương mũi xe lên. bây giờ nắng đã khá rồi, che nắng cho khách là chuyện bình thường thôi.
Chạy mới vài trăm mét, nó ngừng xe, hỏi một chị đang ôm đứa con:
- Dớ, chị đi đâu?
- Bình Phú.
Nó quay lại tôi, cung kính.
- Thưa ông chủ, ông cho chị này đi nhờ với. Tội nghiệp cháu nhỏ, dớ!
Tôi hiểu ý nó và gật đầu. Xe bây giờ có vẻ như chở đôi vợ chồng có con mọn thì ai chú ý làm chi. Chỉ tội thằng Keo. Những mười cây số đường chứ ít ỏi gì! Tóc nó, mặt nó, áo nó ướt đẫm khi đến chợ Bình Phú.
Xe lôi vừa ngừng đã nghe tiếng thằng Chảy:
- Hầy! Keo à! Nhậu mày.
Nó ngồi trong quán, trước dĩa thịt quay. Nó gọi thêm ba dĩa cơm sườn nướng thơm phúc và chai rượu hổ cốt.
- Hầy! Phải lo xăng nhớt cho thằng Keo nó đạp về.
Nó rủ rỉ giải thích. Tôi đi, nó không yên tâm nên ra xe đò nhà lên đây. Nó sẽ đưa tôi đi cho chắc ăn.
- Không có tao, tài xế không dám chi tiền đường nhiều. Lỡ bị làm khó dễ thì kẹt mày đó, hầy!
Tôi quay sang cám ơn thằng Keo. Nó trợn mắt:
- Dớ mẹ! Cám ơn con khỉ khô! Mình là anh em mà!
Đến Trung Lương, tôi quyết định xuống. Mỹ Tho là địa bàn hoạt động cũ của tôi, thuở còn là học sinh, bạn bè ở đây nhiều, tôi có khả năng xoay xở. Thằng Chảy đưa tôi đến tận xe lam. Nó nhét vào tay tôi một xấp tiền:
- Hầy! Cầm để phòng thân.
Mười nghìn đồng! Vàng lúc ấy mới sáu nghìn một lạng! Tôi muốn trả lại. Nó hất tay tôi ra:
- Tao giận bây giờ, hầy! Mình là anh em mà!

Bảy

Tôi đi thẳng một lèo. Đến năm 1978 ba thằng mới gặp lại. Thằng Chảy bây giờ sa sút rồi. Xe đò, xe hàng không còn là của nó. Thằng Keo thì lại khá lên, có xe lôi gắn máy, có ruộng. Nó mang đến một rổ, mắm thái, rau sống, thịt phay rồi bún nước lèo. Chúng tôi nhậu mút mùa, chửi thề búa xua. Chảy vỗ bụng:
- Lâu quá mới chửi thề được một bữa đã miệng! Hầy!
- Ê, sao kỳ vậy?
- Thì phải đủ ba đứa, chửi nghe mới vui chớ! Hầy!
Năm 1989, tôi về lần nữa. Chuyện đời lại đảo ngược thằng Chảy có lại mọi thứ, xe hàng, xe khách, tiệm buôn. Thằng Keo thì yếu rồi, mắt mờ, tay run. Nó nhậu quá trời mà! Chảy sai con chở chú Keo lại, rồi đãi đằng tới tấp, vịt quay, gà hấp, gan heo, đuôi bò…
Tôi đã xoàng xoàng, và có đôi lời cảm khái. Tôi buồn cho cái đời công chức thanh bạch quá. Mình cứ ăn của anh em mãi, chẳng đãi lại ai được một lần. Hai thằng kia nổi giận. Thằng Chảy "tỉu nà ma" một hơi. Thằng Keo mắng tôi là "à chcút" (*).
- Mày ngu lắm dớ! Tụi mình là anh em mà!
                                                        
 

* à chcút: thằng khùng
Luương Hiệu Vui
(Theo Tập truyện ngắn Xóm Cũ)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 451
  • Khách viếng thăm: 445
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 68911
  • Tháng hiện tại: 1934690
  • Tổng lượt truy cập: 48308817