Rời xa cõi mơ hồ

Đăng lúc: Thứ sáu - 21/09/2012 16:38
VNTH- Đã có một ngày nào đó, không rõ - cô bé có hai bím tóc buộc nơ xanh sà vào lòng cha, nũng nịu:
- Ba ơi, hôm nay cô kể cho lớp con nghe chuyện cổ tích về chiếc chìa khóa thần kỳ.
- Chắc là chuyện này hay lắm, hả Bé?
- Dạ, hay, hay lắm, ba! Trong chuyện có cô gái khổ ơi là khổ, buồn ơi là buồn. Vậy mà cô còn bị thử thách hoài. Mãi tới khi vị thần bản mệnh trao cho chiếc chìa khóa hạnh phúc, thì cô mới thấy vui.
Cha của Bé nâng niu chòm tóc mịn của con, hỏi:
- Rồi từ đó trở đi cuộc đời cô gái ấy ra sao?
Cha của Bé thường đặt những câu hỏi như thế để buộc Bé phải suy nghĩ, phải nói thêm, trong khi câu chuyện chỉ đến đó thì hết. Khi mà Bé và các bạn của mình đều bằng lòng với sự kết thúc đó. Vì với sự hiền hậu và dũng cảm của mình cô gái đã được tặng thưởng. Điều đó cũng giống như việc Bé học chăm, thì đến hết năm trường sẽ thưởng cho quà.
Vả chăng, lúc nghe cô kể chuyện, đầu óc và tâm trí Bé chỉ hình dung mỗi cô gái với chiếc thuyền bé nhỏ mong manh bơi giữa mặt hồ đang cơn sóng gió. Mây đen kịt, thỉnh thoảng để lộ ra một mảnh trăng lu. Vành trăng như muốn an ủi cô gái, nhưng thần đêm tối kêu thần sấm sét gầm thét để dọa cô. Những tia chớp chạy ngoằn ngoèo như sẵn sàng rạch nát chiếc thuyền và nhận chìm cô xuống biển khơi. Còn những lượn sóng hung ác thì dập gãy mái chèo. Trước những đợt tấn công dữ dội ấy, cô vẫn nhẫn nại chèo chiếc thuyền chòng chành bằng nửa mái dầm còn lại. Dù gì thì cô cũng phải tới bờ. Thần bản mệnh đang chờ cô ở đó. Trên tay Ngài cầm chiếc chìa khóa linh thiêng. Chiếc chìa khóa ấy chỉ trao cho một con người dũng cảm. Nó sẽ chữa lành mọi thương tật, và mang hạnh phúc đến cho cô gái.
Sau những giây phút vật nài với rủi ro và hiểm họa, cô gái ấy gần như quỵ xỉu ở bờ vì kiệt sức. Thần bản mệnh xuất hiện, đến nâng cô bằng cánh tay hồi phục của Ngài. Còn cánh tay kia thì Ngài áp lên trán cô chiếc chìa khóa vàng óng ánh.
Những tia sáng diệu kỳ dường như cũng phát ra trong lớp học vào lúc đó, bao trùm lên khuôn mặt cô giáo của Bé, trông cô rạng rỡ biết bao nhiêu.
Tự dưng lúc ấy Bé thấy cô của mình sao giống hệt người con gái trong cổ tích. Và Bé nói với cha:
- Cô giáo con hiền lành như cô gái trong cổ tích đó ba. Con mong cô cũng được thưởng chiếc chìa khóa mầu nhiệm, rồi con sẽ mượn cô xem.
Cha của Bé cười:
- Bé đừng có mà lảng chuyện. Bé còn chưa trả lời câu hỏi của ba nghe!
Bé lúc lắc đôi bím tóc con con, nhìn cha với vẻ láu lỉnh:
- Để rồi con sẽ hỏi cô. Chỉ có cô mới biết cô gái đó sống ra sao chứ?
Nói xong em tụt xuống khỏi gối cha, và nhảy nhót chạy ra ngoài.
***
Người vợ nằm gối đầu trên ngực của chồng, nói bằng một giọng không vui:
- Anh sao cứ chiều chuộng con Bé, đi làm về mệt thì cứ nghỉ ngơi, chứ hơi đâu nghe chuyện tầm phào.
- Kệ, em ạ, chỉ lắng nghe con nói một chút mà có mệt mỏi gì. Tính trẻ con chúng như vậy đó, chuyện gì ở trường, ở lớp đều muốn kể cho cha mẹ nghe cùng.
- Con bé nhà mình chưa bao giờ kể chuyện gì với em hết.
- Do em có chịu nghe con kể chi đâu?
- Xì, chuyện của con nít nghe mà phát ngấy lên. Em cứ tự hỏi sao mà anh chịu khó nghe đến vậy?
- …
- Em nghi lắm! Coi bộ anh thích nghe con Bé nhắc về cô giáo nó lắm nghe!
Người chồng khẽ trở mình. Nằm mãi một tư thế làm anh thấy mỏi lưng.
- Sao, em nói đúng không anh? Nè, nè… đừng có lạng quạng à!
Những cái véo của chị làm anh đau điếng. Anh giữ bàn tay có những ngón bôi sơn bạc của vợ lại, và nói bằng một giọng nặng nhọc:
- Tính em lúc nào cũng thế, bao giờ cũng sẵn sàng nghĩ những điều không tốt cho anh. Việc lắng nghe con cái tâm sự là chuyện xấu xa sao?
Anh ngưng lại một lúc rồi tiếp:
- Vợ chồng sống với nhau cả chục năm nay. Tánh anh như thế nào em không hiểu sao mà còn nghi ngờ nầy nọ.
Người vợ chợt quay sang ôm chặt lấy chồng. Áp mặt mình vào mặt anh. Hơi thở và mùi người của chị quen thuộc quá đỗi. Anh còn quen với tất cả tính khí vô lý và thất thường của chị nữa. Nhưng dù sao chị vẫn biết làm nguội cơn bực tức của anh.
Chỉ lát sau, cái con người thỏa mãn và hay vằng vặc ấy mỉm cười:
- Nói gì thì nói, tôi không thể tin nổi mấy ông đâu, thường đàn ông thì cứ nói một đàng mà làm một nẻo không hà!
- …
- Anh có nhớ dạo mới chuyển ngành không? Nghe đâu có cô học trò chết lên chết xuống mà!
Có tiếng con thạch sùng tắc lưỡi ở trần nhà. Theo tương truyền có một người đàn ông bị hóa thân thành vậy, bởi vì tiếc khôn nguôi tiền kiếp của mình, nên lúc nào cũng rền rỉ thở than. Người vợ cũng không tha.
- Em muốn anh luôn dè chừng những mối tình nông nỗi đó. Biết đâu bây giờ ở công ty của anh, cũng đang có một cô nào đang thương vụng thương thầm? Hồi xưa thì anh cứng rắn gạt những mối tình vơ vẩn đó đi; nhưng biết đâu bây giờ anh thấy tiếc? Em nói rồi đó nhé - anh mà không chung thủy thì… sẽ… biết… tay… e… m!!!
***
 
Khi đến nhận nhiệm sở ở một vùng ven thành phố, người thầy giáo trẻ mang theo giấy quyết định và một chiếc khẩu cầm. Đêm văn nghệ phục vụ cho buổi cắm trại trước toàn trường, anh, nghiêng nghiêng mái đầu đẹp chúm môi lướt trên chiếc ac-mô-ni-ca, từ đó, bỗng nổi lên khúc nhạc du dương.
Nhưng đâu chỉ vì anh đẹp, vì anh thổi khẩu cầm giỏi mà cô nữ sinh mười tám tuổi ấy buồn. Cô buồn vì khoảng cách từ bàn học của cô lên tới bục giảng của thầy là một khoảng cách nghìn trùng. Cô gái ấy có tấm nhan sắc vừa phải, không biết tô vẽ và chưng dọn, giống hệt một loài hoa đồng nội hiền hòa.
Với bản tính vô tâm lúc đầu anh không nhận ra mùi hương của loài hoa trái mùa ấy. Nhưng khi cảm nhận ra thì anh thấy phật lòng. Người thầy giáo trẻ rất sợ tai tiếng. Tai tiếng có thể dợm dậy qua đôi mắt từ dưới lớp luôn luôn hướng về phía anh (vâng, lúc nào cô gái ấy cũng đưa cái nhìn mơ mộng hướng theo anh).
Dù vậy, nhưng mỗi lúc chạm mặt anh là cô vội cúi xuống, cụp mắt và khuôn mặt đỏ bừng.
Anh không chịu nổi sự lãng mạn của những cô gái vừa mới lớn, tự nhủ, mình phải tỏ ra nghiêm khắc hơn với những con tim bồng bột, dậy thì, phải nghiêm khắc với những nụ cười e ấp, những dáng đi cuống quít, cũng như những tư thế vụng về…
Và, thế rồi, anh cưới vợ. Vợ anh là cô hàng xóm xinh đẹp làm trong cửa hiệu uốn tóc lớn ở gần nhà.
Và thế rồi, anh vẫn còn trở lại trường dạy một thời gian nữa.
Trong những giờ lên lớp của anh vẫn còn đôi mắt của cô con gái dõi nhìn. Nhưng sao có một cái gì không tả được trong đôi mắt đó khi chạm phải cái nhìn của chính anh. Điều đó làm cho anh ái ngại vừa lo sợ bâng quơ. Tuy nhiên anh không hiểu mình lo sợ điều gì?
Mãi đến mười năm sau, trong một lần gặp gỡ tình cờ với cô học trò ngày trước, thì anh mới hiểu ra. Cuộc gặp gỡ chiều hôm ấy thực ra đâu phải là cuộc gặp gỡ lần đầu sau nhiều năm xa cách, kể từ khi anh rời khỏi ngôi trường cũ. Cả năm nay, họ vẫn gặp nhau luôn đấy chứ: Gặp nhau ở cổng trường khi anh đến đón con hay ở cửa lớp học khi anh vào xin phép cho cháu nghỉ… Ở những nơi đó - anh là một phụ huynh, còn cô gái mười tám tuổi khi xưa là cô giáo của con anh. Hai cuộc đời của hai con người cơ hồ không từng có sự liên quan từ dĩ vãng. Vả chăng, anh vẫn mong và tin cô gái ấy đã quên đi mối tình ngờ nghệch thuở học trò.
Riêng lần gặp nầy thì ở khung cảnh chỉ có hai người. Cô giá ngồi nép ở một bên chiếc ghế đá dưới giàn thiên lý phía hiên nhà và đang đọc sách, bởi vậy cô đã không thấy anh dừng xe, đẩy cổng vào. Người chủ nhà là chị bạn làm chung công ty sách với anh, hôm ấy, anh đến gặp chị ta để nhờ giải quyết một hai việc rất cần, nhưng gặp lúc chị ta đi vắng. Cô gái cũng quen biết chị ấy và cũng tình cờ đến tìm chị trong buổi chiều…
Gặp nhau, cả hai cùng lúng túng. Anh lịch sự hỏi thăm vài câu và vội vã cáo từ, nhưng vừa ra đến ngõ, thì cơn mưa của tháng bảy ập tới giữ chân. Những giọt mưa bị gió xiên khoai dồn cả hai người từ mái che vào sát tận chân tường.
Cái cô gái vào năm mười tám tuổi đã yêu, cho đến nay cô vẫn còn ôm ấp mối tình vô vọng và duy nhất của mình. Hôm đó, cô lại nhìn anh bằng cái nhìn của mười năm về trước. Lòng người đàn ông lại trào lên nỗi lo sợ từ dĩ vãng. Những nỗi lo sợ không phải chỉ mơ hồ, mà đã trở nên vô chừng cụ thể: anh sợ rằng anh sẽ yêu cô!!!
Chiếc chìa khóa lần đầu tiên xoay qua xoay lại trong ổ, cứ rít lên như tỏ ý chẳng bằng lòng. Người phụ nữ nhìn thấy lòng bàn tay của anh ướt đẫm mồ hôi. Đó là do căn bệnh phong thấp. Anh nói thế khi đặt chiếc chìa khóa lên mặt bàn phủ đầy bụi. Chị mở chiếc túi xách lấy cho anh chiếc khăn tay. Anh đón lấy, đặt lên miệng và nhìn chị. Người phụ nữ đỏ bừng mặt nhưng chị không tránh lại cái nhìn của anh nữa. Hồi còn là cô gái mười tám tuổi, bao lần chị đã khao khát cái nhìn nầy. Họ đứng nhìn nhau không biết đến bao lâu. Mãi đến khi anh hắng giọng rồi chầm chậm đến bên chị. Chị co rúm người lại cho tới lúc anh chạm khẽ vào người. Họ bỗng như hai kẻ khát trên sa mạc, mà người này lại chính là nước mát là sự sống của người kia. Nên họ mê mải bám chặt vào nhau như bám chặt lấy sự sống bám chặt lấy không rời… Những ngón tay cơ hồ như rễ cây khát khao được ngập sâu vào với đất. Nhưng bỗng dưng chị lặng lẽ duỗi ra. Chị phải giữ gìn từng vuông nhỏ, vuông nhỏ trên da thịt của người đàn ông. Dẫu sao chị cũng không có quyền trang trải món nợ tình dằng dặc suốt bao năm.
Người đàn ông hiểu những đều chị nghĩ, anh ngậm ngùi vùi mặt vào mái tóc dài rối tung của chị, thở dài. Anh có lỗi với chị biết bao vì anh mà cả một thời thanh xuân và mối tình thơ mộng đắm say của chị trôi qua trong vô vọng. Để bây giờ cả hai phải rủ nhau lẫn tránh loài người đi tìm một nơi chốn riêng biệt để hiện diện và tồn tại. Nơi ấy sao cho họ không phải gặp những gương mặt quen biết, những ánh mắt thăm dò… nơi ấy chỉ nên có hai người, chỉ có họ với nhau thôi, như người đàn ông và người đàn bà sau cùng trên trái đất. Và… anh đã tìm ra cái căn phòng áp mái nầy. Nó giống như tổ chim câu, đính bên hông của một tòa nhà ở ngoại vi thành phố. Không hiểu lúc mới xây cất, người ta định sử dụng nó làm gì nữa, nhưng về sau, lại biến thành chỗ trọ. Người ở trọ lên xuống bằng một cái thang riêng ở phía ngoài. Lâu năm, cái thang đã bị vỡ và hỏng nhiều chỗ. Còn căn phòng thì hai cánh cửa sổ đã bay mất, chỉ còn trơ lại cái khung. Đã lâu, người ta thôi đến xin ở trọ. Người chủ định phá bỏ căn phòng rộng bốn mét vuông ấy đi, nhưng nán chờ đến khi tu sửa ngôi nhà lớn lại. Vì thế, khi có người đến xem mà lại ưng chỗ trọ ấy, hẳn là họ rất ngạc nhiên? Khi trao anh chiếc chìa khóa, người chủ nhà đề nghị sẽ lắp mảnh ván vô cái ô cửa trống hộ cho. Nhưng anh đã từ chối, vì họ muốn được nhìn ra thấy bầu trời lồng lộng, những đám mây đính thành những chùm như bông gòn trôi lang thang.
Nhưng cả hai người đều không để ý rằng, mỗi ngày nắng đều vào ngập cả căn phòng, còn mùa mưa, thì nước cũng theo chỗ ấy tuôn vào xối xả. Cái thế giới riêng của họ càng thu hẹp trước sự khuấy đảo của thiên nhiên và định kiến của loài người. Loài người sẽ lên án chiếc chìa khóa này, căn phòng nầy và mối tình nầy của họ. Vì vậy vào những lúc tìm nhau, chị cũng như anh cứ ở trong tâm trạng bị săn lùng. Họ sợ tiếng bước chân của chính mình, sợ cái cầu thang tổ chỗ, rong rêu, sợ tiếng con vạc sành kêu trong lùm cây trước cửa rào. Thế nên, lần nào anh cũng tỏ ra gấp rút đi nhanh ra đến đường được mới thở phào. Và lúc đó, anh mới trở lại là anh, là cái con người ung dung thường lệ. Vẫn còn ở anh cái phong cách nghiêm trang của một người thầy vừa mới rời bục giảng về nhà. Cứ như thế anh chạy xe chầm chậm và nhìn thẳng ra phía trước. Riêng người phụ nữ thì đi ở sau anh. Chị cũng cơ hồ không hề quen biết người đàn ông vừa mới đây đã cùng với chị trở nên vô cùng thân thuộc.
Anh đang dừng xe lại để trò chuyện với một người quen tình cờ gặp bên đường. Chị nhìn thẳng về phía trước và lặng lẽ vượt qua. Trên đường phố đông đúc buổi chiều, họ trở thành hai kẻ lạ nhau.
Cứ thế, hai người đã lập xong mối giao ước âm thầm, cay đắng ấy. Mối giao ước vẫn thực hiện vào một ngày trong tuần hay đôi ba ngày trong tháng. Khi giao ước được thi hành thì hai thân thể đã vội vã phân chia. Một nửa vội vã quay về với thân thể khác. Còn một nửa thì lủi thủi trở về cùng với niềm đau trong ngực và với chiếc chìa khóa trong túi xách. Đêm đêm chị vẫn sờ tay vào cái vật thể lành lạnh ấy để nhớ về căn phòng như vọng gác của chim câu, rồi mơ màng theo niềm hạnh phúc bị giam cầm.
***
 
Liệu rằng cô gái trong cổ tích có thôi chịu nỗi bất hạnh khi giữ trong tay chiếc chìa khóa thần kỳ?
Bé chịu, không hiểu được. Tuy nhiên, Bé tin là với báu vật linh thiêng đó, cô gái cầu xin gì cũng được thôi. Nhưng sao, gần đây cô giáo của Bé dường như chẳng được vui. Mặc dù cô vẫn cười với Bé và các bạn. Mặc dù cô vẫn ân cần và niềm nở luôn luôn. Nhưng có lần vào giờ chơi Bé chạy vào lớp đã thấy cô ngồi thờ thẫn áp tay vào má, mắt cô nhìn vào chỗ đâu đâu.
Đã mấy tháng nay Bé chưa trả lời câu hỏi của ba em, là do Bé không có dịp nào để hỏi cô cả. Nếu như trước, hễ giờ chơi là cô dõi theo xem các bạn làm gì. Cô nhìn bạn nầy nhảy dây. Cô xem bạn khác bắn bi. Cô nhắc các bạn trai đừng chạy nhảy nhiều. Cô bảo bạn Hà giờ chơi thì ra sân cho thoáng và vận động chân tay… Rất ít khi cô về phòng giáo viên để trò chuyện cùng các cô giáo khác. Dường như cô thích trò chuyện với các em hơn.
Thường thì các bạn gái cứ hay quấn theo cô. Bạn này nói chuyện này, bạn kia kể chuyện khác. Cô lắng nghe câu chuyện của từng bạn rồi hỏi xem bé Tuyết bớt ho chưa? Bạn Lan đừng đi chơi mà nên ở nhà trông em phụ với mẹ!...
Dường như bạn nào ở nhà làm sao cô cũng đều biết hết. Nhưng không phải vì cô có "viên ngọc nghe" đâu, mà là do cô vẫn hỏi han những bạn ở gần nhà bạn có lỗi ấy, hoặc là do mẹ cha của bạn ấy mách cho. Bạn bị cô vạch ngay "cái tẩy" ở nhà sợ cô ơi là sợ. Lập tức về bạn ấy tập bỏ ngay vì sợ cô lại nghe rồi cô sẽ hết thương mình.
Bé cũng như các bạn: Bé rất sợ cô lại nghe rồi cô sẽ hết thương mình… Bởi vì, cách đây có mấy hôm Bé đã tỏ ra hỗn hào với mẹ. Bữa đó Bé đi học về lúc mẹ và ba Bé cãi nhau. Mẹ vừa thấy mặt Bé mắng nhiếc đủ điều. Thường thì khi Bé đưa mắt sang cầu cứu với ba, ba sẽ bênh vực Bé ngay. Nhưng lần nầy ba chỉ nín thinh Bé ức ba và giận mẹ, rồi thì Bé nói hỗn gì đó. Mẹ làm ầm ĩ lên đòi đánh Bé. Còn ba thì đập vỡ cái ly. Có nhiều người chạy xô đến cửa, một số vào can, còn số khác thì nhìn. Cảnh lộn xộn ở nhà Bé mấy lúc gần đây cứ diễn ra hoài. Dường như mẹ muốn ba phải như thế nào ấy, còn ba thì không chịu vậy nên cứ xảy ra những chuyện cãi vã. Ba mẹ đâu biết tình trạng căng thẳng của gia đình đã lây lan luôn cả Bé. Vào lớp, Bé bỗng hay cãi nhau với bạn nầy, ngắt véo bạn kia.
Có lẽ cô đã nghe bạn nào mách lại, nên đến giờ chơi cô đưa mắt tìm kiếm Bé. Bé sợ phải đối diện với cô nên chạy lủi ra sân. Ra đến sân Bé loanh quanh tìm góc khuất để ngồi. Rồi Bé vớ lấy cành cây cụt bị vất ở gần đây, vẽ nguệch ngoạc lên đất. Bé cảm thấy buồn bã quá chừng. Mấy ngày nay trong tiết ra chơi cô thôi ngồi lặng lẽ một mình. Cô đã trở lại giữa Bé và các bạn. Thay vì lúc này Bé đang ở cạnh cô, nghe các bạn kể chuyện này nọ để cười hùn. Vậy mà vì mặc cảm Bé đã bỏ đi. Với các bạn vây quanh, cô sẽ không nhận ra sự vắng mặt của Bé đâu. Khi nghĩ đến đó, Bé tủi thân muốn khóc.
- Bé này, … giọng cô chợt cất lên ở sát bên làm cho Bé giật mình - sao Bé lại ra đây?
Cô bước lại rồi khẽ cầm tay Bé. Mặt của Bé đờ ra vì sửng sốt rồi lệ dâng lên ngập mắt. Ôi đôi mắt của Bé sao giống hệt mắt một người làm cô giáo thoáng giật mình.
- Bé ạ, đừng khóc, xấu lắm em - giọng của cô bé bùi ngùi, nào, Bé vào lớp với cô đi.
Rồi cô dẫn Bé đi, Bé sụt sịt khóc. Vừa khóc em vừa kể những điều đã xảy ra trong mấy ngày liền. Kể bằng tiếng được tiếng không. Cô lặng lẽ nghe Bé nói hết. Nào là chuyện bất hòa của cha mẹ. Nào là việc Bé đánh bạn khi bạn lỡ vây mực trúng áo mình Bé còn nói về những mảnh ly bị vỡ nữa. Rồi như những câu chuyện trẻ con thường không đầu không đuôi Bé bỗng nhắc câu hỏi của ba về chiếc chìa khóa thần kỳ, và ví cô là người con gái hiền lành trong cổ tích. Sau cùng Bé ngước nhìn cô với vẻ tin cậy:
- Có phải chiếc chìa khóa thần mang niềm vui tới cho cô gái ấy, không cô?
Cô giáo đứng im như pho tượng. Cô bỗng nhớ chiếc chìa khóa lẻ loi trong túi xách. Hơn tuần nay, nó không có dịp để tra vào ổ khóa nữa. Người ta đang sửa lại ngôi nhà, sẽ phá hủy căn phòng 4 mét vuông, sẽ không còn một nơi nào cho đôi chim câu làm tổ. Và chiếc chìa khóa đã trở nên vô hiệu hóa rồi. Thà như vậy cũng nên, người phụ nữ đuổi theo ý nghĩ buồn rầu từ nay chiếc chìa khóa sẽ nằm im một chỗ và không còn dịp để mở tung cánh cửa thiên đường nào. Nó sẽ không còn dẫn dụ người phụ nữ bất hạnh như cô dấn sâu vào trong cõi mơ hồ ấy nữa. Cái cõi mơ hồ đã làm cho cô quên mất đi những điều rất thực ở đời thường: Rằng ở đâu đó có một người phụ nữ khác đang đau khổ thở than. Ngoài ra, còn có đứa trẻ với đôi mắt thơ ngây trong sáng luôn nhìn cô đầy tin cậy nầy.
Bé lay lay nhẹ cánh tay cô:
- Có phải đúng là như vậy không cô?
- Đúng vậy, Bé à cô gái ấy đã tìm được niềm vui. Cô giáo mỉm cười với Bé và rồi, chẳng biết vì duyên cớ gì cô run run cắn chặt đôi môi.
Tường Oanh
(Theo VNTG năm 1990)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 165
  • Khách viếng thăm: 158
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 26998
  • Tháng hiện tại: 494521
  • Tổng lượt truy cập: 60844659