Mỹ Thơ

Đăng lúc: Thứ bảy - 25/08/2012 09:57
Ngày mai tôi sẽ đi Mỹ Tho và đi bằng xe lửa. Tôi quyết định điều đó từ lúc nào? Không rõ lắm. Chỉ biết rằng sáng nay, khi đồng hồ ré nhà bên cạnh báo thức ông chủ nó đúng năm giờ để ông đẩy chiếc xe đạp cũ kỹ nhưng rắn chắc phía sau có cái cần xé to tướng ra ngõ hẻm, thì tôi đã nhanh nhẹn bước ra đứng ngoài bao lơn căn gác làm những động tác hô hấp rất đúng với phương pháp của những người tập thể dục dưỡng sinh cần mẫn và chăm chỉ.

Đã hơn một tháng nay, tôi sanh tật ngủ trưa vì một duyên cớ nói ra hơi tự ái là tôi không muốn lắc đầu khi dì Ba bánh cuốn hỏi tôi dùng một dĩa hai đồng hay ba đồng. Cái nhà in nhỏ nơi đó tôi làm thơ ký đã ngưng hoạt động và ông chủ của nó đã thân ái phân trần với tôi rằng sở dĩ tấm bảng hiệu chưa gỡ xuống thì đó chỉ là một sự “lường gạt” rất lương thiện để vay nợ mà thôi. Dì Ba bánh cuốn biết rõ điều đó và nhiều lần dì biểu tôi cứ việc ăn rồi để đó chừng nào trả tiền cũng được. Lòng tốt của dì Ba thành thực lắm nhưng cái “chừng nào có tiền” của tôi lại quá đỗi mịt mờ. Nhận thì tổn thương sĩ diện, mà từ chối cũng làm cho dì Ba không vui, thôi thì ba mươi sáu kế , chỉ có ngủ trưa là thượng sách.

Nói ngủ trưa nhưng vào khoảng bảy giờ, lúc dì Ba đặt gánh bánh cuốn trước nhà, tôi đã thức rồi và đã nghe rõ câu trả lời của bà chủ nhà trọ:

- Cậu ấy còn ngủ.

Kế hoạch gạt bỏ bữa ăn sáng của tôi đáng cho nhà dinh dưỡng học để tâm nghiên cứu. Tôi đề nghị bà chủ nhà cho ăn trưa vào khoảng mười giờ rưỡi và cho ăn chiều trước năm giờ. Sau một tháng theo lối ăn uống “mới” đó, một hôm tôi tạt vào hiệu thuốc Tây cân thử thấy mình nặng thêm được một ký lô thịt. Hỡi những người bán thức ăn điểm tâm từ ông chủ hàng phở đến chị bán cháo đậu! Xin đừng tưởng tôi có ý ác phá phách sự làm ăn của các người. Đây là một sự thật có “cầu chứng” bằng tấm lòng ham chuộng chân lý của tôi.


Minh họa: Lê Hồng Thái

Tôi không lấy sự dậy sớm hôm nay làm bằng cớ. Tôi siêng năng và hăm hở thình lình giữa những ngày thất nghiệp không phải nhờ chút sinh lực có thêm do một kí lô thịt vốn là tặng phẩm bất ngờ của một đoạn đời khổ hạnh bất đắc dĩ. Sự hăm hở nầy bắt nguồn tự một ý nghĩ yêu đời nẩy nở trong tâm hồn tôi khi tôi nghe tiếng còi xe lửa Mỹ hú gần cùng một lúc với tiếng đồng hồ ré nhà bên cạnh. Tiếng còi quen thuộc quá chừng tại sao hôm nay tôi lại để ý? Tôi bị hấp dẫn bởi bài tạp bút của ông Sơn Nam, nhà hoài cổ kiêm trữ tình văn thi sĩ  đã nhập làm hồn “Con tàu Mỹ Tho”(1) trong một phút giây ngẫu hứng rồi chăng? Nếu đúng như vậy thì tôi khỏi phải ngập ngừng khi viết những dòng sắp tới. Sự thật có khác hơn: tiếng còi xe lửa hú hôm nay làm sống lại trong lòng tôi hình ảnh một người con gái. Ai đó có cười thì cứ việc cười tôi không mắc cỡ đâu, con người thất nghiệp, ít ăn, ít cười, ít mua vui, ít làm việc nghĩa… cái gì cũng “thiểu” hơn thiên hạ thì thiết tưởng người đời cũng nên rộng lượng ban cho y một cái “đa” để đời sống được công bình một chút. Và trong các thứ "da”, thì có cái “đa” nào nhơn đạo và thơ mộng hơn cái “đa tình”? Nhờ vậy mà tôi lên cân chăng? Kết luận bây giờ còn hơi sớm. Hãy trở lại vấn đề ngày mai tôi đi Mỹ tho bằng xe lửa. Lời thiệt đã khai ngay rồi, bây giờ bạn đã rõ khi viết những dòng nầy, lòng tôi không có hướng về những bụi ô rô cóc kèn trên mé rạch Bình Chánh hay mảng tường loang lở của một nhà ga hiu quạnh được đem vào bài tạp bút của ông Sơn Nam. Tôi nghĩ đến một cô gái và tình yêu giữa tôi và cô gái đó có dính dấp rất mật thiết với con đường sắt Sài Gòn-Mỹ.

Cho nên ngày mai nầy, dù mưa dù gió, dù giông bão đầy trời, dù Bộ Công chánh có quyết định bãi bỏ thình lình con đường xe lửa Mỹ trước ngày thông báo, tôi cũng nài xin cho nó được chạy một chuyến sau cùng để tôi được ngồi trong lòng nó trở về cái thành phố nhỏ, êm đềm thơ mộng mà ngày xưa có lần tôi đã từng âu yếm gọi là Mỹ - Thơ.

* * *

Nhưng tại sao tôi lại gọi Mỹ Tho là Mỹ Thơ? Đó là một điều cần giải thích.

O tròn như quả trứng gà
Ô thời đội mũ, ơ thời mang râu.

Việc đổi Tho thành Thơ không đơn giản, khô khan như khi người giáo viên lấy phấn vẽ thêm cái cù ngoéo bên hông chữ O trên tấm bảng đen của một lớp học bình dân. Nó có duyên cớ hết sức thường tình và cũng rất đỗi diệu kỳ, thơ mộng của nó. Số là tôi tên Mỹ và người yêu của tôi là một cô gái tên Thơ, cả hai đều chào đời, lớn lên và học tại thành phố Mỹ Tho. Tình yêu làm cho người ta có nhiều sáng kiến phi thường cho nên trong một cuộc luận bàn, chúng tôi cùng xác định rằng chữ  "thơ" không có nghĩa gì cả và quyết định đổi cái tên tỉnh lỵ chúng tôi thành Mỹ Thơ. Ai có rầy rà sự lớn lối của chúng tôi xin hãy dằn cơn thịnh nộ. Đây chỉ là quyết định của hai người yêu nhau trong một cơn túng ngặt đề tài tình tự, không phải là một quyết định của nghị viện bắt quan dân làng nước phải tuân theo. Và nếu như rủi ro, tôi có đắc cử dân biểu như những sự lầm lẫn thường có trong lịch sử, thì khi cần biểu quyết về việc đổi tên đường sá hay đô thị tôi sẽ không để cho tình cảm riêng tư xuyên tạc sứ mạng trọng đại của mình như vậy đâu.

Tôi và Thơ yêu nhau lúc tôi học năm thứ hai bậc cao tiểu của trường trung học và Thơ học lớp nhứt của trường tiểu học tỉnh lỵ.

Sự hình thành của mối tình nầy không cung cấp chất liệu gì đáng giá cho tiểu thuyết vì nó quá đỗi thông thường. Nhà chúng tôi ở gần nhau, tôi là học sinh ngoại trú, chúng tôi thường gặp nhau hàng ngày, làm quen nhau từ thuở nhỏ rất hồn nhiên như bao nhiêu bạn học khác cùng lứa tuổi. Rồi bỗng một hôm - không đứa nào còn nhớ rõ là hôm nào - khi cô bé bắt đầu trổ mã con gái và thằng con trai bắt đầu bể tiếng, cả hai đứa cùng cảm thấy rằng đứa nầy được sinh ra là để dành riêng cho cuộc đời của đứa kia. Thế là một bức thư tỏ tình được trao qua trung gian của một quyển sách và bức thư hồi âm có thể tóm gọn lại bằng một câu : “Em là con gái, không lẽ em nói trước?”. Cả hai bức thư đầy ý và lời sao chép từ những quyển tiểu thuyết tình của thời đó. Cả hai đều không biết rằng mối tình đầu rất suôn sẻ của mình được nẩy nở trong một hoàn cảnh xã hội không mấy gì suôn sẻ.

Đó là năm 1940. Trong tỉnh và nhiều nơi khác ở miền Nam, có nhiều cuộc nổi loạn bị đàn áp tơi bời đẫm máu. Liền theo đó, người Nhựt đổ bộ lên Đông Dương với sứ mạng giải phóng Đông Nam Á của họ. Họ thức tỉnh rằng người Việt Nam là một dân tộc đã nằm ngủ trong gần một thế kỷ rồi, bây giờ phải đứng dậy làm người độc lập và nhớ rằng phải độc lập theo một kiểu đã định sẵn trong chương trình kiến thiết Đại Đông Á. Ban đầu tôi tưởng rằng tình hình quốc nội đó không ảnh hưởng gì đến tình yêu của tôi mặc dù trường học của tôi bị quân đội Nhựt chiếm đóng và lớp học phải dời qua đình bên kia đầu cầu Quây.  Theo lời người Nhựt nói, cả một vùng Đông Nam Á sẽ thạnh vượng dưới gót chân của họ. Cũng như mọi người, ba má tôi chờ đợi sự thạnh vượng đó để cho tôi ăn học tới cùng, Nhưng tiếc thay, người ta chỉ ghi nhận được vài sự thạnh vượng rất lặt vặt. Một số người Việt Nam, mới hôm nào hiền khô như cục đất, bây giờ cạo đầu trọc, đội nón lưỡi trai, mặc đồ ka ki xám rộng phùng phình, bên hông đeo xề xệ một cái bi đông nhôm rượt đánh Tây chạy có cờ trong thành phố và lâu lâu về làng chơi ghé tạt qua nhà công sở làm mấy ông hội tề sợ xanh mặt. Chuyện đó, nếu như phải hiểu là biểu hiện của thạnh vượng thì cũng chỉ là thạnh vượng rất trẻ con về mặt khí thế vặt thôi, còn về mặt kinh tế, thì lai rai có tin đồn rằng ở miệt Hậu Giang, có người đã phải ở trần mặc quần cụt bằng bao bố tời.

Cuối năm học đó, ba tôi buồn bã cho tôi biết rằng gia đình không còn sức cho tôi học nữa và tôi phải tự kiếm lấy sự sống với cái vốn văn hóa ít ỏi thu thập được. Tôi không buồn bao nhiêu. Một là tôi đang muốn xông ra vật lộn với cuộc đời như chàng Daniel của nhà tiểu thuyết Daudet. Hai là tôi đã chán ngấy cái kỷ luật khắc nghiệt nổi tiếng của trường trung học Mỹ Tho. Tôi tự tin là mình sẽ tạo được một vị trí xã hội trong nền thịnh vượng Đại Đông Á và cùng hưởng hạnh phúc với em Thơ của tôi trong sự thạnh vượng đó. Tham vọng của tôi nghiêng về binh nghiệp. Tôi không thèm nhìn cái bi đông nhôm của mấy ông Nhựt Bổn “lô-can” với cái khí phách lặt vặt của họ. Tôi nhìn những viên sĩ quan ngồi xe hơi mang gươm dài, vẻ mặt đằng đằng sát khí mà lúc bấy giờ tôi cho đó là tinh thần thượng võ.

Tôi đem việc đó bàn với Thơ. Thơ lắc đầu không tán thành và hẹn sẽ nói chuyện với tôi nhiều trong dịp chúng tôi đi Sài Gòn, tôi đi lập thân và Thơ đi nhập học ở trường áo tím.

Hôm ấy, Thơ mua hai vé hạng nhứt để chúng tôi được tự do tình tự trong cái toa xe lửa có tiện nghi và vắng người.

Chuyến đi Sài Gòn bằng xe lửa hôm ấy quả là một sự kiện lịch sử trong đời tôi. Nàng Thơ bằng xương thịt của tôi đã mọc thêm những nhánh nhóc tinh thần rực rỡ. Thơ đã nói cho tôi nghe những tri thức vô cùng mới mẻ về tình hình quốc nội và nhứt là về cái chương trình giải phóng Đại Đông Á của người Nhựt. Đại khái đó là một hình thái xâm lăng độc ác được mặc cho một cái áo đẹp lấy tên giải phóng. Thơ cũng không quên cắt nghĩa về nguyên nhân sâu xa của vấn đề Nhựt Bổn “lô-can” và những cái quần xà lỏn bằng bố tời. Tôi học được một số danh từ mới như “trục tam cường phát xít”, “hai từng lớp áp bức” của thực dân Pháp và quân phiệt Nhựt vv… Tôi hỏi Thơ đã học những điều đó ở đâu và được biết rằng đó là sự giảng dạy của một người anh ruột từ lâu đã rời bỏ gia đình đi theo những người làm cách mạng.

Lúc xe gần đến Sài Gòn, Thơ đưa tay cho tôi hôn và dặn dò hãy nhớ lời nàng nói. Tôi long trọng hứa sẽ y lời và để chân lên đất Sài Gòn trong tâm hồn có thêm một hoài bão đẹp ngoài cái đẹp thường tình của yêu đương.

Nhớ lời Thơ dặn, tôi không thèm tiếp tục học tiếng Nhựt, nhìn những ông Nhựt Bổn “lô-can” với lòng thương hại rẻ khinh và nhìn những sĩ quan Nhựt Bổn “thứ thiệt” mang gươm dài với lòng căm ghét hận thù. Tôi rảo khắp các vỉa hè Sài thành không tìm được sở làm nhưng cương quyết ăn khoai lang nấu, uống nước phông-tên chịu đựng chớ không thèm nhận một chỗ làm trong tòa soạn báo Tân Á vì Thơ cho biết rằng đó là cơ quan tuyên truyền cho chương trình Đại Đông Á bịp bợm của Nhựt Bổn.

Tôi sống lây lất trong nghèo đói vì thời gian có việc làm ít hơn thời gian thất nghiệp cho đến tháng 8-1945, biến cố lịch sử nổ ra. Mối tình đầu giữa tôi và Thơ dang dở mà không ai có lỗi vì không ai phụ bạc ai. Nó cũng chưa kịp sâu đậm để gây bi kịch cá nhân trong một thời kỳ mà bi kịch lớn của đất nước bao trùm lên tất cả khi Tây tái chiếm Sài Gòn.

Cho đến cách đây mấy tháng, tình cờ tôi được biết Thơ hiện giờ là một góa phụ còn trẻ đẹp đang sống độc thân với mấy đứa con nhỏ tại thành phố Mỹ Tho. Lúc đó, tôi chưa thất nghiệp và không có những suy nghĩ vui buồn gì cả về tin tức đó.

Ở trên có nói sự thất nghiệp làm cho người ta đa tình. Bây giờ xin nói lại cho nghiêm chỉnh hơn một chút là hôm nay tôi quyết định ngày mai đi Mỹ Tho không phải với ý định tìm gặp người xưa để lải nhải về sự bất diệt của mối tình đầu, rằng tim anh đã khép chặt từ thuở ấy, vv… Tôi xin thề bán mạng rằng tôi chỉ muốn gặp Thơ để cùng với nàng nhắc lại chuyến đi Sài Gòn bằng xe lửa Mỹ ngày xưa trong dịp đó tôi đã được nàng thức tỉnh về chủ nghĩa Đại Đông Á bịp bợm của tập đoàn xâm lược Nhựt. Biết đâu chừng trong tình hình quốc nội hôm nay, tôi lại cần được Thơ thức tỉnh thêm một lần thứ hai về một sự mê muội nào khác nữa giữa những ngày thất nghiệp trong lòng cái thành phố Sài Gòn nóng bức, ồn ào đầy bụi bặm đang trông ngóng mùa mưa ướt át nặng nề nầy.

* * *

Sự hào hứng của tôi sứt mẻ bộn bàng khi tôi đứng trước cổng nhà Thơ. Đó là một biệt thự nhỏ nhưng diêm dúa, nó sẽ làm nổi bật sự xơ xác của một anh chàng thất nghiệp dù rằng y đã tận dụng tất cả những phương tiện “lấy le” của y rồi. Nhưng người xưa của tôi có tên là Thơ đã từng đứng kèm bên chữ Mỹ nghĩa là một bài thơ đẹp. Tôi nhớ chuyện đó để định thần lại, và nhận nút chuông điện. Một đàn chó ùa ra. Một nữ gia nhân chạy theo mắng chúng nó và gọi tên mỗi con không có tên nào tôi có thể lặp lại được. Tên chó tây tôi biết khá nhiều. Tên chó Nhựt tôi biết một ít nhờ có học tiếng Nhựt lỏm bỏm. Tên của những con chó nầy thuộc một ngoại ngữ mà tôi hoàn toàn dốt. Cô gia nhân yêu cầu tôi đưa một danh thiếp. Báo hại chưa! Người thất nghiệp cũng có thể in danh thiếp nhưng bên dưới cái tên xôm tụ phải ghi những chữ gì đây? Tôi lật bóp làm bộ tìm tòi và cố làm ra vẻ người có danh thiếp nhưng sơ ý quên đem theo. Đoạn tôi xé một tờ sổ tay ghi hai chữ MỸ THƠ rất lớn đưa cho người thiếu nữ.

Một lát sau tôi được đưa vào phòng khách nhà Thơ và ngồi chờ ở đó. Ba đứa trẻ có trai có gái đang chơi với nhiều món đồ chơi đắt giá. Cô tớ gái gọi chúng nó bằng những cái tên mà tôi cũng không lặp lại được y như trường hợp những con chó.

Khi Thơ ra phòng khách, nàng nhìn quần áo tôi kỹ hơn gương mặt tôi. Chuyện đó chưa làm tôi mất thần. Người ta có thể nhìn bề ngoài xơ xác của cố nhân để mà thương chớ sao!

- Tôi nghiệm một hồi lâu mới nhớ ra anh. Nhắc lại làm chi sự dại dột của một thời?

Tôi bắt đầu mọc da gà và “sọc dưa” từ phút đó. Tôi quan sát lại Thơ và tưởng nàng là quảng cáo viên của một nhà sản xuất mỹ phẩm. Thơ tô môi và sơn móng tay màu đỏ huyết bầm, kẻ chân mày sắc lẻm đằng đuôi bén ra như một mũi dao nhọn. Tóc cắt ngắn theo kiểu garconne. Bộ Âu phục Thơ mặc được cắt may rất đúng phương châm: ít tốn vải nhứt và giới thiệu thân thể bộc trực nhứt. Đó là một thứ hàng mỏng, nền màu gạch, in bông thật lớn, màu đỏ sậm làm mệt mắt như một phim tô màu nghiêng về sắc độ nóng mà người xem ngồi hạng bét sát màn ảnh.

Người nhà bưng lên hai ly cam. Thơ mời tôi một điếu Lucky và tự châm cho nàng một điếu. Tôi mở lời trước và hỏi thăm về người anh năm xưa với ý định dẫn câu chuyện lần hồi trở lại cái thời Nhựt thuộc có chuyến xe lửa Mỹ - Sài Gòn trên đó Thơ đã thức tỉnh tôi về chủ nghĩa Đại Đông Á bịp bợm của Thiên Hoàng. Thơ mỉm cười với một thoáng buồn.

- Anh ấy đã chết rồi. Như  vậy cũng hay. Chết để khỏi thấy mình là một người dại dột.

Tôi muốn ra về lập tức nhưng sợ khiếm nhã. Hơn nữa tôi cũng muốn nán lại xem bài thơ Đường luật ngọt ngào của tôi thuở nọ bây giờ đã trở thành một tác phẩm của trường thơ nào. Than ôi! Đó là một bài thơ của một thi phái lấy khoái cảm nhục thể làm tôn chỉ. Đúng là Thơ không có chồng như tin tôi được biết. Nàng chỉ là người tình thuê bao của một người ngoại quốc, không phải Pháp, không phải Nhựt mà cũng không phải ngoại kiều. Người đó là… nhưng thôi, ở thời buổi nhiễu nhương nầy, đôi khi cái lỗi thiếu chính xác của người viết cần phải được người đọc lượng tình dung thứ. Nội cái việc đặt tên cho đàn con và bầy chó tưởng cũng đủ rồi.

* * *

 Xe lửa Mỹ Tho ơi ! Theo ông Sơn Nam thì mi có một linh hồn, hơn nữa một linh hồn đa cảm. Người nhạy cảm, khi sắp chết ưa viết lại đời mình. Mi còn sống không bao lâu nữa, chắc mi đang viết lại đời mi. Vậy mi hãy nhớ ghi một sự kiện: Rằng trong những ngày hấp hối, mi đã chở trong lòng mi một hành khách đàn ông, thuộc phe binh vực, yêu thương cái đẹp, nói bằng chữ nho là cái Mỹ. Người hành khách đó trong hai chuyến khứ hồi (Sài Gòn-Mỹ và

Mỹ - Sàigòn) đã có những cảm nghĩ hoàn toàn đối nghịch nhau về hai chữ MỸ THƠ. Người phụ nữ tên Thơ còn đó, nhưng chữ Mỹ kèm theo không còn là chữ Mỹ gợi yêu thương  của một thuở nào xưa.

Còn cái thành phố Mỹ Tho nữa! Hãy cho phép tôi thu hồi lại cái cù ngoéo bên hông chữ O của tên mi, rồi cúi đầu chịu lỗi về sự bướng bỉnh của một thời nông nổi.

Mỹ Thơ !

Một cái tên đẹp không còn nữa trong lòng tôi từ hôm nay.

________
(1)Tạp bút “Con tàu Mỹ Tho” của Sơn Nam in trên tuần báo Nhân Loại gần cùng một thời điểm của truyện nầy (1959)

Trang Thế Hy
(Theo VNTG số 53)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 155
  • Khách viếng thăm: 148
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 3454
  • Tháng hiện tại: 2236004
  • Tổng lượt truy cập: 46203237