Cây sơ ri ly hương

Đăng lúc: Thứ sáu - 14/09/2012 09:28
Trời chưa sáng hẳn, ông Bảy đã thức giấc như mọi ngày. Mò mẫm lấy cái kính ở đầu giường, ông mang vào rồi ngồi thừ ra nghe những âm thanh xào xạc quanh khu vườn.
Tiếng ca quẫy rời rạc ngoài ao, tiếng lá chuối cọ vào nhau buồn tẻ, tiếng ếch nhái râm ran... Ngôi nhà lớn chưa sáng ánh đèn. Năm rồi, khi ông đòi ra đây cho yên tĩnh thì Hưng, con trai ông khăng khăng không chịu với lý do : “Ba lên đây sống với con thì bổn phận con phải lo cho ba đầy đủ. Còn đây chỉ như cái chòi, cái phòng nhỏ trưa trưa nằm hóng mát chơi. Người ta không hiểu, chê cười con nuôi cha mà đẩy ra ngoài này, đêm hôm bệnh hoạn thì sao ?”. Hiểu lòng con, ông cười cho nó an tâm: “Cả đời ba sống với ruộng vườn, tuổi già cũng mong có vậy. Ba thích ở ngoài vườn cho tụi con đỡ bận bịu, tánh ba con biết !”. Con nhỏ út lên thăm có ý hờn anh nó, ông giải thích mấy lượt mới yên.

Ông Bảy có bốn người con, hai trai hai gái, giờ chỉ còn ba đứa. Thằng Hai hy sinh hồi chiến tranh. Lâu lâu ông lại nhớ nó cồn cào, có đêm nằm mơ thấy lại nó, trẻ trung sôi nổi, đầy nhiệt huyết. Mới đó đã hơn ba mươi năm...

Đàng đông ửng hồng một chút, ông Bảy bước xuống giường ngồi vào cái ghế mây cũ. Hớp ngụm trà nguội, ông chăm chú nhìn lên khoảng không nhờ nhờ có những chấm đen lượn từng bầy. Đàn cò vạc bên vườn cò Bằng-Lăng đi kiếm ăn sớm đó mà. Chợt nhớ ông Chín bên Cù-lao - ông Chín kém ông bốn tuổi - lên đây cho con nuôi dưỡng, xứ lạ quê người. Có lẽ chỉ ông Chín thấu hiểu tâm trạng người bạn già nhiều nhất. Hồi còn khỏe, ngồi xe ôm từ đây ra chợ Thốt Nốt ba ngàn đồng bạc, qua phà ngàn rưỡi, chống gậy đi vài trăm thước là tới nhà ông Chín. Đi chơi đâu thằng Hưng còn lo lắng, qua ông Chín thì nó an tâm: “Ba cứ ở chơi nhà chú Chín mấy bữa cũng được, chừng về nhắn con rước”. Ông với ông Chính bàn chuyện thi phú điển tích, giai thoại danh nhân... rất hợp ý nhau. Người già hay hoài niệm quá khứ. Mươi, mười lăm năm trước, cù lao Thạnh Lộc này trồng cam quít nhiều lắm. Mùa giáp Tết, đi vòng vèo qua vừa khỏi bụi tầm vông ngã ba đã thấy cam quít vàng ửng lắt lẻo trên cành, sướng mắt. Bây giờ họ dần đốn bỏ để trồng mía đường cung cấp các lò, khói bụi chua lè. Rồi thi nhau mở cây xăng dầu nổi phục vụ ghe tàu qua lại có ăn hơn. Trước nhà ông Chín còn giữ lại cây quít đường già cỗi như một hoài niệm lạc lõng. Con ông Chín đòi đốn bỏ cho rộng sân mở quán cà phê. Ông Chín chỉ nói một câu: “Đợi tao chết, bây làm gì thì làm!”. Tháng Mười một ông Chín bệnh mất, tháng Chạp cúng tới thất thứ ba, tụi con ông đốn cây quít thiệt. Ông Bảy qua rờ rẫm gốc quít khô khốc, bùi ngùi thất thểu về, lòng buồn quá đỗi. Ông cho rằng cây co hồn cây, đá có hồn đá.

Lần có người ở quê lên chơi cho ông Bảy chục hột gấc. Ông tưng tiu, xới đất trồng cạnh căn chòi lên được ba dây. Thằng Hưng làm giàn cho dây gấc bò, ra hoa ra trái tròn trĩnh cỡ hơn nắm tay, lủng lẳng màu vàng cam chen màu xanh lá mượt mà. Nằm nghỉ trưa nghe loáng thoáng vợ Hưng dặn con đừng ra vườn, chỗ rậm rạp hay có rắn, ông đắn đo rồi ba hôm sau cắt trụi dây gấc. Nói nào ngay, vợ chồng Hưng tuy ít gần gũi chuyện trò, nhưng lo cho ông không thiếu thứ gì. Cơm nước, trà bánh tươm tất, ho hen sơ sơ là kêu y tá tới liền. Có điều trẻ già về mặt tâm tư tình cảm khác biệt là tất nhiên, ông không trách. Hai đứa con ở quê nghèo quá, hồi nẳm nghe thằng Hưng đề nghị rước cha về nuôi thì chúng nó khóc vì thương cha, tủi mình bất lực để cha thiếu thốn. Ông Bảy về đây sống mới đó mà gần năm năm, Tết này tám sáu, thọ dữ quá chớ...

Mặt trời lên cao lưng chừng bụi trúc. Hưng bưng cái mâm trên đó có tô cháo thịt, ấm trà, keo đường cát... ra đặt lên bàn. Anh tần ngần ngó cha:

- Ba ngủ ngon giấc không ? Vợ con dặn ba ráng ăn nhiều, bữa nào cũng bỏ mứa hơn nửa tô...

Ông Bảy chợt nhìn con như lạ lẫm, miệng cười móm xọm:

- Chà... tóc mày cũng bạc nhiều quá rồi!

Hưng cười theo cha, giọng cảm xúc:

- Năm mươi tư còn gì nữa... ba! Anh Hai còn sống nay là năm tám...

Bất giác hai cha con cùng nhìn ra khoảng đất trống, ở đó có cây sơ ri tàn nhánh xanh mướt vươn rộng cỡ hai vòng tay ôm, mềm mại đong đưa theo làn gió nhẹ. Hổm rày thấy hơi chựng lại, hổng chừng sắp ra hoa. Năm kia, mấy đứa cháu cố ở Sài Gòn về chơi, lúc đi chợ Thốt Nốt mua về mớ sơ ri ăn ngon lành, hỏi kỹ thì ra là từ Gò Công chở lên đây bán. Ông Bảy cảm động trong lòng, lấy ít trái để ở đầu giường mà không ăn. Bữa sau ông biểu riêng thằng Hưng nhắn ai có lên mua giùm ít nhánh sơ ri cho ông. Dịp rằm, dì Chín ở quê đi cúng Vía Bà Châu Đốc ngang qua gởi hai nhánh sơ ri giống ở Bình Nghị, thêm nửa ký lô sơ ri khô cho Hưng ngâm rượu. Nài nỉ trả tiền, dì không lấy mà còn muốn giận. Mười mấy năm trước lúc ông còn ở quê, nghe đâu mới thành lập nhà máy khai thác, chế biến cơm dừa xuất khẩu nơi tỉnh bạn. Họ cho người xuống tận xã Bình Nghị vận động bà con đốn bỏ cây sơ ri để trồng dừa, hỗ trợ vốn cùng phân bón. Ông Bảy không đồng tình và cho rằng cây sơ ri là đặc sản địa phương, sớm muộn gì nó cũng sẽ có vị trí cao trên thương trường. Nhưng vì cái lợi trước mắt, hai tháng sau các vườn sơ ri bị chặt bỏ không thương tiếc, cành nhánh rũ rượi phơi nắng, ruồng rẫy trông mà xót ruột. Như dự đoán của ông Bảy, được năm, sáu năm thì chương trình trồng dừa thất bại từ phía nhà máy và tự thân cây dừa cho năng suất kém. Bà con quay lại trồng sơ ri, không riêng xã Bình Nghị mà phát triển sang Bình Ân, Giồng Cát, Long Thuận... Cơ sở thu mua, sơ chế... mọc ra, mua sơ ri giá phải chăng, thu hút lao động địa phương, bà con sống tương đối khỏe. Cây sơ ri có hậu như vậy, ông mừng !

Hai nhánh sơ ri ông Bảy trồng, chăm sóc cẩn thận vẫn héo chết một nhánh. Ông lo thổ nhưỡng nơi đây không hợp, hột mận hột xoài ăn thảy xuống đất, lên cây cho trái ào ào. Nhưng cây sơ ri nó ưa đất có hơi mặn miệt biển, tuy rằng đất miền Tây mầu mỡ ngọt lành thiệt, e nó khó quen. Nhánh còn lại ra mấy tược nhỏ, ông mừng kêu thằng Hưng ra coi. Niềm vui của ông gắn liền với cây sơ ri như nỗi ám ảnh thỉnh thoảng chập chờn trong cơn mộng mị. Có lẽ Hưng nó hiểu phần nào...

* * *

Hai Chấn, con trai lớn ông Bảy vào du kích xã, tham gia trực tiếp chiến đấu chính thức vào năm sáu tám. Sau đội du kích lên cấp đại đội, có lúc tăng cường qua Bến Tre mấy tháng liền. Ông bằng lòng với thằng con gan góc, có chí hướng và vẫn một câu trả lời không thay đổi mỗi khi bị gọi lên đồn cảnh sát tra hạch “ Mấy ông cứ tìm nó mà hỏi. Nó lớn thì tự quyền quyết định, tôi không can thiệp vào!”. Thời gian đó, thằng Hưng trốn quân dịch, làm cho chành gạo Sài Gòn. Ông sống an nhiên, khí khái, tự hào với đứa con trai lớn biết trách nhiệm kề vai gánh vác việc nước như bao thanh niên khác. Nghe bà con rỉ tai tin tức thằng Chấn về hoạt động gần đây, ông mừng mà lo. Gần Tết năm bảy hai, nó về thăm nhà khoảng ba giờ sáng. Nhớ con mà ông chẳng dám khêu cao bấc đèn nhìn cho rõ mặt. Cha con ôm nhau hồi lâu, Chấn bóp nhẹ vai ông an ủi: “Ba đừng lo cho con... Tình hình này không lâu đâu.. Ráng giữ sức khỏe, ba gầy quá!”. Xúc cho con túi gạo , gói mớ tép rang mặn bỏ vào ba lô, ông nghẹn ngào: “Con đi liền đi... Gần sáng tụi biệt kích hay phục ở mé kinh. Ba còn khỏe lắm”. Hé cửa sau quan sát, ông đẩy nhẹ con băng mình vào bóng tối. Trở vào, ông thao thức tới sáng, hồi hộp khó thở vì sợ phải nghe những loạt súng đanh gọn rợn người. Lần chia tay ấy là lần cuối. Hai tháng sau, trận đánh đồn Bà Từ bên cù lao vang dội tận đất liền. Đêm ấy có người liên lạc cho tin Chấn hy sinh, xác kẹt trong vòng rào không lấy được. Ông Bảy điếng người mà không rơi giọt lệ nào. Sáng sớm, ông bán ba chỉ vàng dành dụm, luôn đôi bông cưới mẹ thằng Chấn để lại trước khi mất. Xuống đò qua cù lao, nhìn xác con mình tả tơi bùn đất nằm phơi nắng gió mấy ngày, lòng ông thắt lại. Gặp ngay thằng đồn trưởng, ông Bảy nhẫn nhục xin đem con về chôn cất. Xấp tiền dày cộm đủ sức làm cho cái đầu nó gật ngay. Ông tẩn liệm tại chỗ, chờ con nước chiều thuê đò chở về nhà hơn nửa đêm.Gọi vài người thân giúp đào cái huyệt sau vườn, giữa hai gốc sơ ri , ông đặt Hai Chấn yên nghỉ ở đó. Tuổi thơ nó lẽo đẽo theo sau ông vào vườn sơ ri, cơm áo, học hành cho nó cũng từ những trái sơ ri, bây giờ bóng mát cây sơ ri chở che thân xác, hương hồn nó chắc cũng thỏa nguyện rồi. Ngày đất nước giải phóng, đồng đội Chấn lần lượt tới thăm mộ, bùi ngùi thắp nén nhang trước di ảnh người bạn chiến đấu anh dũng, kiên cường...

* * *

Ông Bảy giờ yếu lắm mà cây sơ ri vẫn chưa chịu trổ bông dù ông chăm sóc hàng ngày, tình người với cây là một. Lúc hơi khỏe thì ông xuống giường chống gậy lần mò lại thăm cây, vuốt ve từng cái lá mát rượi. Ông biểu Hưng hứa mấy lần là có sao đi nữa cũng không được phá bỏ cây sơ ri. Hai đứa con gái ở quê lên thăm, nói giờ cuộc sống đỡ đỡ rồi và xin anh chị rước cha về. Ông biết ý tụi nó lo ông chết chôn đây xa quê, xa mẹ nó, xa anh Hai nó thì đau xót lắm. “Ừ... chơi vài bữa rồi ba tính”. Chiều mát, ông kêu Hưng ra nói chuyện bên gốc sơ ri. Hai cha con bàn bạc việc ông về quê, thằng Hưng rưng rưng nước mắt. Lặng lẽ hồi lâu, ông quờ bàn tay xương xẩu vỗ đầu con như hồi nhỏ “Mày báo hiếu cho ba mấy năm nay là được rồi... Đừng băn khoăn chi cho mệt trí... con ơi!”.

Thêm một ngày nữa. Ông thầm nói, thầm nhắn nhủ biết bao điều với cây sơ ri mà thấy mình như có lỗi đưa nó ly hương rồi bỏ cù bơ cù bất, không đợi được tới ngày trưởng thành. Vợ Hưng soạn, gói ghém đồ đạc, thuốc tây, bánh trà... “cho ba dùng, tháng tháng anh chị gửi phụ các em chút tiền...”. Hai con gái ông cười ngượng nghịu gom một bao quần áo cũ mang về, không dưng mà ông cũng nặng lòng thương cảm. Ôi ! tuổi già gần đất xa trời hay suy nghĩ vơ vẩn đâu đâu. Sáng sớm xe lô rước tận nhà. Chú lơ cầm gậy, xốc ông lên ghế ngồi. Thấy vợ chồng Hưng đứng nghẹn ngào, ông Bảy gắng gượng cười: “Bây lo làm ăn, hưỡn về thăm ba. Thằng Hưng nhớ ngó chừng.. cây sơ ri nghen!”...

...Về quê hơn tháng, ông Bảy mất đột ngột. Trời sẩm tối, mưa lâm râm, chẳng biết điều chi thôi thúc mà ông dò dẫm ra vườn rồi quị luôn. Hai người con hớt hải tìm cha, gặp ông đã cứng hàm gần hôn mê, bàn tay co quắp chỉ về hướng mộ Hai Chấn, giữa hai cây sơ ri. Vợ chồng Hưng báo tin các con ở xa cùng về chịu tang, anh nán lại ở quê cho xong buổi cúng thất đầu mới quay lại nhà. Sớm mai ra vườn ngó chỗ cha thường ăn ngủ, anh buồn thê thiết. Chừng tới thăm cây sơ ri, Hưng sững sờ. Từ trong nách lá cây sơ ri nhú ra từng chùm bông nhỏ, phớt hồng, thanh khiết. Cây sơ ri ly hương của ông Bảy cuối cùng vẫn ra hoa, kết quả bằng sức sống mạnh mẽ tiềm tàng từ quê mẹ, đất biển mặn mòi...

Nguyễn Kim
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

sơ ri

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 107
  • Khách viếng thăm: 104
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 27475
  • Tháng hiện tại: 308589
  • Tổng lượt truy cập: 67283080