Người luật sư và những mảnh đời buồn

Đăng lúc: Thứ sáu - 18/11/2016 09:17
Án tuyên xong, người thanh niên trẻ cúi gầm mặt lặng thinh, cái giá phải trả cho hành động ngông cuồng của mình là 12 năm tù đã được  luật sư Hoàng ra sức bào chữa nên đã được giảm nhẹ. Hắn rời vành móng ngựa, quay lại định nói một câu an ủi mẹ nhưng cổ họng khô đắng. Người mẹ gầy còm với tay theo con trai, nhưng hắn đã được đưa đi theo lối cửa hông. Bà gọi tên con, tiếng kêu rơi vào khoảng không và bà khụyu xuống như sợi bún.
Minh họa: Thanh Sơn

Minh họa: Thanh Sơn

Luật sư Hoàng đi ra, thấy cảnh tượng đó ông xót lòng quay lại. Người bà con đi cùng đã đỡ bà lên, ông động viên:

- Thím về nghỉ ngơi cho khỏe, dù sao cháu nó cũng đã thoát khỏi tội tử hình!

Bà quay lại định quỳ xuống thì ông Hoàng ngăn lại:

- Tôi đã nợ luật sư, biết bao giờ mới trả xong!

- Thím an lòng đừng nghĩ việc tôi giúp thím là nợ.

Cứ mỗi phiên tòa, ông Hoàng giúp người không nhận thù lao lại là món nợ cho người nghèo sao? Câu hỏi lẩn quẩn trong đầu khiến ông giật mình khi nghe người bảo vệ nói như reo:

- Chú Hoàng nè chị!

Ông đã ghé văn phòng Hội luật sư. Đập vào mắt ông là một phụ nữ gần bốn mươi, dáng dấp tảo tần, quê mùa. Cô quay lại nhìn ông với đôi mắt mừng rỡ, đẫm nước.

- Có chuyện gì không? Ông Hoàng hỏi.

Người bảo vệ giục:

- Chị nói đi!

Cô cắn môi cố kiềm tiếng nấc, nước mắt tràn xuống má. Mấy chục năm làm luật, ông hiểu:

- Thôi được, vô trong đi!

- Đi đi chị! Người bảo vệ lại thúc.

Cô cun cút bước theo sau. Ông Hoàng cởi chiếc áo ngoài máng lên móc và ân cần hỏi thăm, người phụ nữ nghèn nghẹn giọng kể lại.

*

Hơn năm mươi năm trước, chị Huê có chồng, nhưng bên chồng nghèo khó quá, ba má ruột kêu về cho hai trăm mét vuông đất cất nhà. Con sa, con sẩy đến đứa thứ tư mới đậu. Năm đứa con, ba trai, hai gái lần lượt ra đời, anh chị Huê lại vất vả lo cái ăn cho chúng. Chúng lớn lên. Ba đứa con trai, bỏ quê tha phương rồi có vợ nơi xứ người. Chị Bảy Nụ trở thành người trụ cột gia đình, phụng dưỡng mẹ cha và nhang khói khi song thân khuất núi. Đứa em gái ngoài ba mươi nhưng ngu ngơ như đứa trẻ lên năm. Bảy Nụ giỏi giang, mua đầu chợ, bán cuối chợ… làm tất cả những gì có thể làm để nuôi em gái. Căn nhà mấy lần dột nát, Bảy Nụ mua lá, không tiền thuê người nên tự lợp, tự dừng vách. Lây lất với cuộc sống nghèo khó, Bảy Nụ chưa một ngày đến trường, cán bộ ấp vận động ra lớp xóa mù nhưng cứ lần lựa rồi không đi được. Nói cũng khó tin, trong cái lốt mặn mà, khá gái lại thông minh ấy là một Bảy Nụ mù chữ.

Bỗng một ngày, một con lộ nhựa tám mét mới mở băng qua hông nhà Bảy Nụ. Cuộc sống của chị em Nụ bị xáo trộn bởi bà mợ dâu tham lam. Miếng đất không còn trị giá mười lăm triệu như bà từng đòi chị Nụ phải trả, mà tăng gấp mấy chục lần, nhưng giờ bà không chịu lấy tiền, đòi lấy miếng đất làm quán cà phê. Bảy Nụ trào nước mắt:

 - Mợ lấy miếng đất này, chị em con ở đâu?

Bà mợ nghiến từng lời:

- Đi ra nghĩa địa mà hỏi bà Ba Huê á. Đất này là của ông bà ngoại mày, con gái, cháu ngoại không có phần!

- Nhưng má con nói ông bà ngoại cho má con đã mấy chục năm nay rồi mà mợ!

- Bằng chứng đâu? Trong sổ đỏ nó vẫn là của nhà tao.

- Vậy để con ráng mần rồi đưa đủ mười lăm…

 Câu nói chưa dứt bà mợ đã chồm lên:

- Gì mười lăm gấp hai chục lần cái mười lăm triệu đó tao cũng chưa ưng. Nhưng giờ tao muốn miếng đất.

Bảy Nụ van xin:

- Mợ ơi! Thương giùm chị em con, con không có con, chỉ xin ở hết đời chị em con rồi trả lại!

- Mắc cười quá! Hết đời tụi bây thì đời tao, đời thằng Bằng con tao còn chắc!

 Thế là sáng, chiều, chiều, sáng… bà đứng bên rào, cái miệng như cái loa chỉa thẳng vô nhà chị Nụ, phun ra những lời lẽ khó nghe.

Ban hòa giải của ấp mấy lần đem tình thâm, máu thịt ra hòa giải nhưng không lay chuyển được bà. Chòm xóm bàn tán, bất bình. Bà vẫn y như rằng.

 Chị Nụ thì đang cố sức làm để đưa đủ mười lăm triệu như trước kia mợ yêu cầu. Còn tiền, chị sẽ cất căn nhà có nền gạch bông cho em gái ngồi chơi. Vì nó hay chạy qua nhà hàng xóm ngồi rồi nằm lăn trên nền gạch một cách thích thú.

Giờ thì chị Nụ có giấy triệu tập, mười ngày nữa tòa án huyện sẽ xét xử. Bà mợ tuyên bố:

- Chơi hết bóp cũng được, mấy đứa ngoài tòa án, đứa nào tao không biết.

Hàng xóm buột miệng:

- Quen biết người ở tòa án thì đã sao? Gieo nhân nào gặt quả nấy!

Người ta bày chị Nụ đi tìm luật sư biện hộ. Mấy đêm trăn trở và Bảy Nụ đã nhờ chú Hai chạy xe ôm chở đi. Chị tới đây và đã gặp một luật sư trẻ, ông ấy báo giá bèo nhất là mười triệu.

Chị Nụ ngừng kể, kéo tay áo chùi nước mắt. Ông Hoàng cầm giấy triệu tập của chị Nụ đưa, ông đọc mà như đánh vần từng chữ. Thật ra trong ông đang có sự giằng co. Ông có quyền từ chối cô gái nhưng lương tâm sẽ khiển trách ông. Bảy Nụ căng người chờ đợi. Suy nghĩ một hồi rồi ông cất tiếng:

- Tân ơi! Còn đó không Tân?

Bảy Nụ giật mình vì đó là một người đàn ông chị vừa gặp. Anh ta cung kính:

- Chú gọi con!

- Ngày 15 này chú rảnh không?

- Dạ rảnh, có chi không chú?

Luật sư Hoàng lấy trong cặp ra một xấp hồ sơ được xếp cẩn thận:

- Vậy chú nghiên cứu và đi thay tôi vụ này!

Luật sư Tân lật trang đầu, Bảy Nụ thấy tia mắt cậu ta sáng lên và trộm nhìn mình:

- Vụ này… Sao chú lại…?

Ông Hoàng cười:

- Vụ này không bèo phải không, nhưng có lúc ta cũng phải đặt chữ tâm cao hơn những đồng tiền chú à!

Luật sư trẻ có chút do dự:

- Nhưng liệu người ta có chịu cháu không?

- Để chú nói với họ, chú đã chọn thì chắc là họ sẽ bằng lòng.

- Dạ cảm ơn chú!

Liếc nhìn Bảy Nụ lần nữa, luật sư trẻ bước ra. Bảy Nụ không hiểu anh ta cảm ơn lời dạy hay cảm ơn được bào chữa cho cái vụ mà họ gọi

“không bèo” này!

Ông Hoàng nhìn vào danh bạ rồi nhấc máy, bấm bàn phím:

- Xin lỗi phải tòa án huyện…! À, cô vui lòng cho tôi toàn bộ hồ sơ và những gì có liên quan đến vụ tranh chấp đất, nguyên đơn là Trần Thị Hạnh và bị đơn là Nguyễn Thị Nụ. Tôi là luật sư Nguyễn Minh Hoàng, thân chủ tôi là cô Nguyễn Thị Nụ… À được rồi đầu giờ chiều mai tôi sẽ cho người đến nhận. Cảm ơn cô!

Gác điện thoại, ông Hoàng vui vẻ bảo:

- Cháu yên tâm về đi! Chú sẽ giúp cháu!

- Con cảm ơn chú! Nhưng… Nhưng…

- Cháu muốn hỏi gì?

- Dạ… dạ… bao nhiêu tiền hả chú?

Luật sư Hoàng cười, nụ cười đầy thông cảm:

- Chú đã nói rồi, với chú “chữ tâm cao hơn chữ tiền!”. Ngày xưa khi bước vào nghề chú tâm niệm nếu thành luật sư, có cơ hội chú sẽ giúp người nghèo tìm lại công bằng.

Ông lại cười:

- Cháu yên tâm, công lý luôn thuộc về lẽ phải!

Bảy Nụ mở túi xách cũ kỹ lấy ra một xấp tiền lẻ đã vuốt phẳng phiu, hai tay cung kính:

- Chú nhận để đi xe!

- Để tiền mà trả xe ôm, nhà nước có trả lương hưu cho chú!

Suýt nữa Bảy Nụ quỳ xuống tạ ơn. Lần này bước ra cửa, chị thấy bầu trời xanh trong, bên kia cành phượng đỏ rực sáng bừng một góc phố. Ông ấy đã cho chị niềm hy vọng.

Người bảo vệ và chú Hai xe ôm cùng một câu hỏi:

- Sao rồi?

Giọng Bảy Nụ đầy xúc động:

- Luật sư nhận giúp nhưng chưa chịu nói bao nhiêu tiền?

Người bảo vệ nói một cách tự tin:

- Chắc chắn chú ấy không nhận tiền đâu. Ở đây tụi tôi “hưởng sáy” của luật sư Hoàng hoài hà. Ổng giúp người ta thắng kiện, lâu lâu họ đem cho xoài, tặng sầu riêng, nói chung mùa nào thức ấy. Luật sư đem chia cho tụi tôi. Nhưng không phải ai cũng được như ổng đâu, cô cũng có duyên mới gặp đó, chứ có khi ổng đi tuốt Hà Nội mất mươi bữa nửa tháng mới về.

Bảy Nụ cảm ơn người bảo vệ. Chú Hai xe ôm nói:

- Tôi là chòm xóm của nó, tội nghiệp, nó chỉ biết mần mụn kiếm tiền, nào giờ có tới cửa quan. Thấy thương nên tôi hỏi thăm mà đưa nó tới đây. Được như vậy tôi cũng mừng!

Phiên tòa diễn ra vào một ngày mưa bão. Gió rít từng cơn. Hôm trước Bảy Nụ điện thoại nói thuê xe cho ông xuống, nhưng luật sư Hoàng nhất định từ chối.

 Hai người già trên bảy mươi tuổi sống trong xóm đã đến làm chứng cho Bảy Nụ. Sự xuất hiện của luật sư Hoàng làm bà mợ của chị Nụ sững người. Luật sư Hoàng đã bẻ gãy tất cả những luận điệu của phía nguyên đơn bằng cái tình lẫn cái lý.

 Các nhân chứng khẳng định đất đó của bác Ba Thời tức ông bà ngoại con Bảy Nụ ra riêng cho má cháu Nụ là chị Huê hồi Nụ chưa sanh ra.

Sau câu kết thúc của lời tuyên án. Những người có mặt vỗ tay và ôm lấy chị em Bảy Nụ, Bảy Nụ khóc òa lên. Bão vẫn chưa tan. Bầu trời ướt nhòe. Luật sư Hoàng thấy lòng thanh thản, đội áo mưa bước ra sân sau khi để lại một câu:

- Cháu Nụ dắt em về cẩn thận, đừng bận tâm chuyện tiền nông.

Mọi người nhìn ông Hoàng với ánh mắt thán phục và những lời trầm trồ khen ngợi.

Bà Hạnh, tức chí chống án. Gần tháng sau, nhận được thơ tống đạt của tòa án tỉnh, Bảy Nụ bủn rủn cả người, chị lại phải đi tìm ông Hoàng. Ông bảo đã đoán trước chuyện này nên chẳng có gì là ngạc nhiên và khuyên Bảy Nụ bình tĩnh.

Phiên tòa xảy ra vào 14 giờ, của một ngày đầy nắng. Còn năm phút nữa, tất cả đã được mời vào phòng chuẩn bị. Luật sư Hoàng chưa đến. Ruột gan Bảy Nụ như lửa đốt. Chị đứng ngồi không yên. Nắng như đổ lửa ngoài sân, nhưng khi chuông vừa vang lên thì ông Hoàng xuất hiện. Thân hình có vẻ ốm yếu, tiều tụy nhưng ánh mắt vẫn ngời lên sự tự tin. Bảy Nụ lo lắng, ông chào mọi người và đưa tay ra hiệu cho Bảy Nụ an lòng. Lý luận, giải trình của ông vẫn sắc bén, chặt chẽ nhưng có lẽ sức khỏe của ông không tốt nên ông có vẻ mệt mỏi. Giờ giải lao, chị Nụ lo lắng định mua sữa nóng cho ông, nhưng luật sư Hoàng chỉ xin chai nước lọc. Phía nguyên đơn cũng mời luật sư biện hộ, nhưng luật sư ấy có vẻ nể ông Hoàng một mực. Khi án tuyên xong, chị Nụ lại ôm đứa em chết lặng vì mừng. Chị chưa kịp cảm ơn, luật sư Hoàng gấp gáp bước ra cửa và quị xuống. Người ta đỡ ông lên, bên trong chiếc áo vet tông màu đen trịnh trọng của ông là bộ đồ xanh dành cho bệnh nhân đang nằm viện. Những người có mặt hiểu ra vì sao giọng ông hôm nay không được khỏe. Chiếc xe cấp cứu trờ tới, bác sĩ gấp rút truyền dịch cho ông. Chiếc xe rú lên đưa bệnh nhân Nguyễn Minh Hoàng vừa trốn viện, trở về.

*

Mười mấy năm trôi qua, cái ơn của luật sư Hoàng vẫn nặng trĩu trong lòng Bảy Nụ. Có gì ngon chị đều mang đến biếu ông và cả người bảo vệ văn phòng Hội Luật gia tỉnh. Ông Hoàng hết lời từ chối vì hiểu gia cảnh chị Nụ.

Bà mợ tiếc của, thỉnh thoảng vẫn đưa cái “loa mồm” nói những câu vô đạo:

- Coi lù khù vậy đó mà “cua” đâu được ông luật sư cũng “đáng bát gạo, đồng tiền”!

Hàng xóm bực mình, nói hộ:

- Ông luật sư ấy là người dưng nhưng ông  sống có cái tâm, giúp chị em Bảy Nụ không tính toán. Đời này khó mà tìm ra người như thế. Bà đừng nói vậy tội cái miệng!

Ngọc Lệ
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 76)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 437
  • Khách viếng thăm: 430
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 26448
  • Tháng hiện tại: 1775348
  • Tổng lượt truy cập: 48149475