Chồng chị, chồng em

Đăng lúc: Thứ tư - 22/12/2010 14:41
Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Đang giữa trưa mùa hè, xóm làng yên lắng đến mức có thể nghe rõ tiếng lá chuối phân phất. Bỗng có tiếng la chói lói:

- Tụi nó nhậu đánh nhau gây án mạng rồi bà con ơi!

Tiếng chân rậm rịch lao vô ngõ nhà ông Sáu:

- Có chuyện lớn rồi! Thằng Út đánh chết người, bị dẫn lên xã. Tới đó xem sao đi ông ơi!

Bà Sáu té sụm gối nằm một chỗ. Ông thì đang lúi cúi cho ba con bò uống nước. Lòng bà như tê dại. Nước mắt người mẹ trào ra. Bà chỉ đủ sức kêu:

- Bỏ đó chạy lên xã ngay giùm tui đi! Trời ơi là trời! Ăn với nhậu chi mà khổ vậy.

Con cái gây tai họa thì mẹ là người đau đớn nhất. Huống chi những đứa con bà sinh ra nuôi dưỡng đến giờ phải chịu bao búa rìu dư luận… Qua hai cuộc chiến, lọt sổ mừng hết lớn. Hòa bình tưởng yên ổn mần ăn. Ngờ đâu tai họa lại ập vô nhà. Rầu thúi ruột. Ly sữa đắng nghét. Bà choáng váng tai lùng bùng như vừa bị trái pháo chụp…

1. Miệt vườn cây trái ngọt lành nầy là quê ông Sáu chứ không phải quê bà. Cách đồn Tân Hiệp bốn cây số theo đường chim bay. Giờ đường nhựa thông thoáng, nhà cửa khang trang như phố thị chứ xưa tụi lính ruồng bố càn qua quét lại đêm ngày. Ngay trên vuông đất này, bảy người thân của bà đã nằm xuống, gồm ba má và anh em bên chồng. Ông Sáu vô căn cứ Đồng Tháp Mười. Lúc đó bà mới mười tám. Cô giao liên trắng trẻo, răng đều tăm tắp có nụ cười làm mê bao chàng lính chiến. Không hiểu sao cô lại chọn một anh thấp đậm ngăm đen? Có thể do tính gan lì đánh giặc giỏi? Mỹ nhân mết anh hùng? Năm 1954, đứa con dâu từ Đồng Tháp khăn gói đùm đề về với bà già chồng:

- Nhà con lên tàu ra Bắc tập kết. Con về đây chăm sóc má, chờ hai năm nước nhà độc lập…

- Chèng đéc ơi! Thân gái một mình. Sao không nói trước để má lên rước?

Nhìn con dâu, bà già thầm nghĩ: “Xứ nước phèn, muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh  khắc nghiệt, khốc liệt vậy mà lại có cô dâu xinh đẹp vậy? Tụi lính, tụi tâm lí chiến hung hăng hau háu mà nhìn thấy nó thì… Làm sao bây giờ?”. Trong lòng lo lắng, bà căn dặn:

- Nhà mình bị xếp vô sổ đen. Mật thám, lính kín luôn rình rập. Tai vách mạch rừng. Con trẻ đẹp như vầy khác chi miếng mỡ ở ngay trước miệng mèo? Tai họa vô chừng… Từ giờ, phải làm cho xấu xí đi mới mong thoát được tay chúng, con à!

Nghe lời má, chị chọn áo cũ nhàu đầu tóc lòa xòa khi đi chợ búa che mắt tụi bảo an, tâm lí chiến. Nhưng thời con gái lưng ong muốn xấu cũng khó. Che chỗ này nó lộ ra chỗ khác. Mỗi khi dọn dẹp giặt giũ hay hái rau muống trước cửa nhà, chị xắn quần cao quá gối, để lộ bắp chân trắng thon, đàn ông nhìn nhức con mắt. Đang thì sinh nở, cái đẹp trời cho, muốn cất giấu nhưng cất vào đâu? Có một cặp mắt rình nhìn lén chị. Cặp mắt anh hàng xóm. Anh ta tên Được, thứ bảy, gọi Bảy Được. Bảy Được có vợ và hai con.  Tính ham vui thích nhậu nhè,  thích bè bạn. Hàng xóm gọi là Bảy Đực để chọc chơi. Tính còn tưng tửng nhớ quên bất chợt, theo bạn ca hát lai rai mấy ngày quên về nhà. Vợ phải kiếm: “Lúa sâu về xịt đi anh!”. Dỗ ngọt mới chịu. Không làm thì thôi chứ đã chịu là làm chết bỏ! Nói xẵng nổi quạu là Bảy cự quyết liệt đó. Y đã thích người nào rồi thì khiển sao cũng được, chẳng so tính thiệt hơn chi hết. Vì vậy người ta còn gọi là Bảy Tửng. Kêu sao hắn cũng cười không tự ái. Bản tính vẫn vô tư thích bạn bè và tiêu xài phóng khoáng. Y có thân hình cân đối sung mãn. Tối nhậu, sáng ngày húp tô cháo nóng lại làm công việc bình thường, không dật dựa lình xình.

Vợ của Bảy Được kêu bà già chồng của Sáu là dì tư. Vai vế và tuổi tác đều nhỏ hơn. Vậy mà,  ngờ đâu em mê … chị! Em cứ nhìn trộm cặp chân trắng và cái mông nở căng mỗi khi chị xắn quần quá gối lội ruộng đìa hái rau hay cấy dặm lúa…

Ông già chồng bị giặc tra tấn chết, con đi kháng chiến. Ngôi nhà thiếu vắng đàn ông. Công cày rộng, bơm nước, sửa sang mái lá..., việc nặng chi cũng đều nhờ tay Bảy Được. Làm riết coi như con cái trong nhà. Miếng chi ngon cũng dành phần cho Bảy. Hắn gọi: “Má Tư ơi, con về bển nhen!”. Bà cũng gọi: “Mai đám giỗ, qua phụ má nghen!”. Vừa bà con vừa láng giềng nên lửa gần rơm… Ai biết ma ăn cỗ lúc nào?

 

2. Thằng đồn trưởng, mặt đỏ hầm hầm nộ khí, dí nòng súng ngắn lạnh tanh vô trán chị:

- Chồng mày đang trốn quanh quẩn đâu đây! Đừng hòng qua mặt tao. Tao đánh cho phòi ra! Nó tập kết sao mày có thai? Đâu phải cây lúa mà tự có đòng đòng? Khai thiệt đi! Kêu nó ra đầu thú đi, tao tha mạng cho. Trốn chui trốn nhủi như chuột, xăm thấy là tao bắn cả nhà đó, rõ chưa? Đồ quỷ cái!

Đòn phủ đầu khủng bố tinh thần đây. Tụi mày tới đâu, tao tới đó! Mấy thằng võ biền này không đáng sợ bằng cái thằng nhỏ nhẹ ngọt ngào hồi sớm. Thoáng nghĩ rất nhanh. Chị cố lấy giọng ôn tồn năn nỉ hắn:

- Chồng tui bỏ xứ biệt tăm mấy năm rồi mà. Vùng này là của mấy ông. Việt cộng có biến thành con kiến cũng chui không thoát nói chi người ta? Tướng tui mập hồi đó giờ chứ đâu bầu bì thai nghén gì! Nhà chỉ có hai má con cui cúi mần ruộng. Các ông có thấy tui đi ra khỏi nhà khi nào đâu?

- Tống cổ vô khám, đánh cật lực coi nó còn cãi nữa hay không!

Đúng là gặp phải thứ đồ tể chỉ quen chửi bới đánh đập. Thật sự, chị có thai hơn hai tháng rồi. Phải khai sao giờ? Chúng mò ra thì chết! Ba ngày chịu đòn, nhốt chung với nữ tù nhân. Băng huyết làm chị ngất xỉu. Tối này thứ bốn, chi sẩy thai. Chị vừa đau vừa hoảng. Phải bí mật. Lộ ra là chúng lùng sục tận nơi. Bọc cái sinh linh bé nhỏ trong giấy vệ sinh, tay run rẩy, chị bỏ vào thùng rác! Trời ơi! Máu thịt của mình sao lại tội tình đến mức này?

Chị thầm xin: “Má có tội với con rồi! Nhưng thứ lỗi cho má. Nước cùng đành vậy mà!”. Sự việc này cứ theo ám ảnh suốt đời. Mỗi lần nhớ lại chuyện ấy, nước mắt bà Sáu cứ thế trào ra. Chiến tranh gây ra bao chuyện ngoài sức tưởng tượng. Giá như ở nhà, lật một chỗ trong vườn, gửi khúc ruột vào đó, đốt cây nhang cũng đành mãn nguyện. Cái thùng rác nhà tù… da thịt người ta… Con yêu của mẹ! Một tháng sau, chúng thả chị ra. Bí mật người chồng được giữ bằng cái giá quá đắt. Do hai người không tính kỹ trước. Một sơ hở chết người.

 

3. Người ta bàn tán um sùm chuyện chị giật chồng em. Chị Bảy vốn đã đen, mặt xương xẩu giờ coi bộ càng hốc hác đen sạm hơn. Mới đầu, chị không tin. Miệng lưỡi thiên hạ mà, thấy gia đình ta yên ấm thọc cho bõ ghét chắc? Nhưng nghe riết đâm nghi. Biết đâu lòng dạ đàn bà? Chị thẻ thọt với dì Tư:

- Chị em thương nhau không lẽ nào? Từ xứ khác xuống lo cho dì thay anh Sáu. Mà họ nói quá trời. Giờ tính sao dì Tư?

- Tao nghĩ nó không tệ vậy đâu! Chị em thương nhau không hết, ai đời nào... Vả lại còn danh dự chồng nó nữa chớ. Sống chết giờ chẳng lường được, còn bụng dạ nào để ham hố, cháu ơi!

- Nhưng dì cũng để mắt coi sao? Bụng cháu cứ rối lên nè!

- Ừ, để dì xét kĩ coi sao…

Bảy Được dạo này hay nhậu say nằm ngủ ở cái chõng tre nơi chái bếp sát chuồng bò dì Tư. Chuyện chăn gối, đàn bà mẫn cảm lắm. Lúc đầu, vì tình bà con, vì danh dự, cố bấm bụng nín nhịn. Nhưng cái bụng chị Sáu lùm lùm dần lên thế kia! Ai là “tác giả”? Còn ai vô đây nữa! Đàn bà hơ hớ gạo lưng chum. Chẳng thà không chồng thì còn… đằng này vừa bén hơi… giờ xa… lỡ phút cầm lòng không đặng thì sao? Cơn ghen nổi lên. Đã ghen đã giận rồi thì bạn cũng thành thù! Đến ngày khai hoa, một bé gái da trắng hao hao gương mặt Bảy Được… Giờ thì còn chối nữa không? Chị giật chồng em! Tức ơi là tức! Còn chị em gì nữa?

Dì Tư vẻ mặt rầu rầu. Cứ để cho nó cứng cáp tính sau. Giờ cố chăm cho mẹ tròn con vuông cái đã. Chị Bảy không còn nhịn miệng được nữa, mắng chồng:

- Ông lú quá rồi! Không còn biết trên dưới lớn nhỏ hay sao mà làm xằng làm bậy? Giờ có nước độn thổ!

Bảy Được lừ lừ bỏ chén rút vô ván ngựa uống trà. Hắn cố nhớ lại xem nào? Mình có thích chị ấy thật. Chị ấy nấu cháo gà cho ăn nhậu thật. Có ngủ quên ở cái chõng tre thật. Nhưng mà… nhưng mà… Hình như chưa có chung đụng gì sất! Hay là say quá rồi quên? Hình như mình có ôm? Có làm gì quá không ta?...

Thằng đồn trưởng lại kêu lên tra khảo:

- Lần này còn chối nữa không? Gió lùa có bầu hả? Thằng chồng mày trốn đâu? Kêu nó ra liền coi!

Chị xuống nước, năn nỉ:

- Thưa ông! Chồng tui biệt tích sống chết chẳng biết! Tui chỉ là đàn bà nhẹ dạ cả tin, lỡ dại với Bảy Được rồi. Chị giật chồng em, nhà chồng hắt hủi khinh khi sống khó yên bề. Ông tha cho…

Bảy Được bị bắt sau đó để làm đối chứng. Trước tiên, chúng đánh cho nhừ tử tương cái đã.

- Đứa con ấy có phải của mày không? Khai thật thì cho về, không thì đội lá chuối khô, rõ chưa!

Bảy đơ đớ ra. Mình cũng không biết chắc nữa là? Hắn lập bập như thằng cha thụt lưỡi:

- Dạ thưa ông! Không phải của tui… à mà là của tui… Dạ, để tui nhớ lại coi…

Hắn ấp a ấp úng, man man đúng là tửng! Vì thế càng bị đánh dã man hơn. May nhờ mang tiếng hay ăn nhậu, tính tưng tửng. Cái danh xấu giờ cứu hắn thoát chết! Chị Sáu bàn với má chồng: Chuyện gia đình đâu còn đó. Giờ bắn tin cho Bảy cứ nhận là cha đứa bé đi! Chúng sẽ thả về mần ăn. Nói trước sau như vậy. Lung tung ấm ớ, chúng nghi ngờ moi mãi hỏng chuyện.  Bảy Được nghe theo:

- Hổm sợ quá và xấu hổ, tui không dám nhận. Đúng là tui ăn nằm với cô Sáu. Đứa con là của tui!

Những trận đòn trong đồn giặc làm cho Bảy Được yếu sức thấy rõ. Đầu óc càng nhập nhòa  nhớ nhớ quên quên. Sau này càng tửng. Hắn vừa đi vừa lảm nhảm. Nhưng vẫn hiền lành đến tội nghiệp!

Chị Sáu tỉ tê với má: “Hoàn cảnh phải vậy má à. Đời nào con giật chồng của em!”. Bà già cũng đã từng góa bụa bao năm nên rộng bụng tha thứ. Bà nghĩ: “Nó có uẩn khúc không nói được. Thúc ép mần chi? Con trai biền biệt. Thôi,  má con bảo bọc mà sống qua thời ly loạn cái đã…”. Nhà này mà không có thằng Bảy tới lui, tụi tâm lí chiến sẽ quậy tanh bành! Đất lành sinh hoa này hay trái kia còn hơn cỏ độc chiếm chỗ…

Bà tha thứ nhưng xung quanh người ta thì coi rẻ, thậm thụt chê cười. Anh em bên chồng chửi: “Đồ mất nết lăng loàn!”. Vợ Bảy Được chửi thẳng mặt, chẳng nể nang gì nữa:

- Chị em gì cái thứ giật chồng! Đồ mặt phật tâm xà…

Trẻ con chọc bằng câu nói leo: “Mền em, chị mượn để đắp chung. Hai cô một súng bắn đì đùng”. Thây kệ! Cười chán sẽ thôi. Lo nhất là sinh mạng của anh Sáu. Lũ chó săn đang lùng sục đêm ngày…

Chúng cho lính kín rình xem mối quan hệ giữa chị với Bảy Được. Tụi nó về báo với sếp:

- Hai đứa thường đêm dính nhau ở vườn chuối gần chuồng bò. Chính mặt tụi em dòm thấy. Vậy là chắc rồi sếp ơi!

Thằng đồn trưởng đắc chí cười hô hố:

- Tưởng gì ghê gớm lắm! Thì ra Việt cộng cũng ham đực cái vậy cà? Tốt. Nó tự làm ô danh trước dân chúng. Ta khỏi phá mất công. Hôm nay, tao cho tụi bây nhậu xả láng!

Chị mang ơn Bảy Được. Mua trà, thuốc lá, cà phê cho ai? Thì cho Bảy chớ cho ai! Nhờ anh mà chị có năm đứa con: ba gái, hai trai. Chị dặn Bảy Được:

- Chuyện này anh giữ kín miệng. Hé răng là chết chắc đó nha! Tui mang ơn suốt đời…

Chị tìm cách thuyết phục vợ Bảy Được:

- Em cho chị “mượn” anh ấy một thời gian! Chồng em vẫn của em. Sinh hoạt gối chăn… em rõ mà?

- Chị làm như đồ đạc vậy sao? Chồng của người ta mà dám nói “mượn”! (tầm của chị ấy không hiểu ẩn ý câu nói hay giận quá mất khôn?)

Bảy giãy nảy, quay ngoắt, đi một hơi. Lúc tĩnh tâm, chị nghĩ: “Phận đàn bà phải chịu. Thôi kệ, nằm giữa không mất phần mền”.

4. Mùa khô năm 1972, anh Sáu bị bắt tại An Thạnh Thủy. Té ra, anh không đi tập kết mà bám trụ chiến đấu gần 20 năm trên quê nhà. Hầm bí mật đào ngay trên ruộng lúa, vườn rau nhà anh. Chị chăm chút cho anh thường ngày. Tụi giặc nghi ngờ đánh hơi được nhưng chẳng dò ra dấu vết. Kháng chiến lâu dài. Thì sinh nở qua đi… Tương kế tựu kế. Hai vợ chồng bàn bạc thống nhất. Lửa gần rơm chịu gì thấu? Vả lại, phải sinh con mà đánh giặc chứ? Anh bị đày ra Phú Quốc, bị tra tấn cực kì dã man. Năm 1973, ra tù trở lại chiến trường miền Tây Nam bộ chiến đấu. Năm 1975, gia đình sum hợp…

Tụi giặc lúc đó mới té ngửa ra: ngày nào cũng lội qua hầm Việt cộng… Hú vía! Còn cô em ôm lấy chị:

- Em xin lỗi! Bụng dạ đàn bà hay ghen. Nghi oan cho chị tội quá!

- Chị đã nói với em là “mượn” thôi chứ có giật chồng của em đâu?

Ngày toàn thắng, việc đầu tiên của ông bà Sáu (lúc này lên chức “ông, bà”) là thắp hương cho ông Bảy. Bảy Được bệnh mất năm 1971. Ông không hề biết anh mình chém vè ngay đất nhà. Không hề biết mình có công lao che chở cán bộ cách mạng. Chỉ thương mến và nghe lời mà làm theo. Câu chuyện xảy ra tại ấp Phú Khương C, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo. Tôi may mắn nghe bà mẹ kể lại. Thực tế éo le hơn bài văn này!

Mỗi lần nhắc lại chuyện này là bà Sáu lại khóc. Bà con nói chung, nhất là cô em họ rất hối hận vì từng hiểu lầm gieo tiếng xấu cho chị mình. Cách mạng đã và sẽ đền đáp công lao cho chiến sĩ, gia đình cách mạng. Nhưng những người như Bảy Được thì biết làm sao? Ai xác nhận công lao cho? Chỉ có ông bà Sáu ghi lòng tạc dạ thôi.  Bảy Tửng hay Bảy Đực ư? Trước vong linh người đã khuất, xin dâng gọi là: ông Bảy Ân Tình. Người chấp nhận tưng tửng để giữ gìn bí mật sinh mạng lúc ác liệt nhất. Cái bí mật ông cảm nhận được mà chưa biết được chính xác thế nào. Đồng bào ta, những người trung lập góp phần không nhỏ cho đại thắng…

Bà Sáu đang ngồi đây và nước mắt nhỏ giọt. Từng giọt mặn kết tụ lại như chắt kiệt ở tuổi gần tám mươi. Với nguời mẹ, con sinh cũng như con sẩy, đứa trưởng thành cũng như đứa còn là sinh linh bé bỏng mà bà run rẩy gói vào giấy giấu trong thùng rác… Đều xé thịt, đều như cắt từng khúc ruột mà giao cho đời. Con sẩy lúc chuyển dạ còn đau bội phần, tiếc thương da diết vì mẹ không tròn trách nhiệm với con?

Thằng Út nhỡ tay đánh người kia cái bạt tai lúc hai bên đều có rượu. Thường ngày nó hiền lành, lo làm ăn mà? Nghe nói anh kia bệnh tim. Xui cho nó. Tôi an ủi ông bà:

- Con dại cái mang. Bà đừng buồn quá mà xuống sức. Út sẽ trở về phụng dưỡng ba má thôi!

Nhìn gương mặt nhăn nheo, thân thể teo tóp của bà già, ai biết đâu một thời con gái như hoa sen giữa Đồng Tháp? Ai biết nỗi đau của một người mang tiếng giật chồng vì bí mật của chồng và sự sống đàn con?

Ông bảo:

- Ba tháng nay, bà té gãy chân phải nằm một nơi. Đôi chân quen đi, giờ bức lắm đó cháu! Bà đã từng ra khám Mỹ Tho, Cần Thơ, ra nhà tù Phú Quốc, lội bộ đến Ngã Ba Đông Dương thăm nuôi tui. Giờ lết ra thềm không nổi. Thằng Út vô tù lúc này, tui rối trí quá. Không biết xoay xở sao nữa…

Người ta có thể leo tận đỉnh núi cao nhưng trong phút giây nào đó lại không bước qua cái bậc thềm rất thấp của nhà mình. Anh hùng nước cùng cũng khóc! Sức khoẻ mòn theo tuổi tác. Còn tình mẹ: con sinh cũng như con sẩy, lúc hiếu thảo cũng như khi lỡ lầm… vẫn cứ dào dạt tràn đầy như dòng sông bất tận.

Nguyễn Thanh Xuân
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

có thể, án mạng, bà con

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 307
  • Khách viếng thăm: 301
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 36525
  • Tháng hiện tại: 771961
  • Tổng lượt truy cập: 63000929