Giao thừa

Đăng lúc: Thứ sáu - 16/01/2009 15:35
Giao thừa

Giao thừa

Giao thừa chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi trong tích tắc để chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, nhưng mọi thứ chuẩn bị cho thời khắc này thì diễn ra từ rất lâu. Có khi từ những ngày đầu tháng chạp lúc gió chướng lao rao về trên mái phố, khi mọi việc của năm cũ được hoàn thành ráo riết để chuyển sang năm mới. Từ công việc ở cơ quan cũng như những công việc ở nhà. Mau mau lên đã qua tháng mười hai rồi! Lúc nào cũng trong tâm trạng hối hả háo hức tưởng như mọi việc nguyên cả năm đều dồn vào cả tháng mười hai. Nào là bình bầu tồng kết cơ quan, dọn dẹp ở nhà. Nếu tháng giêng là tháng ăn chơi thì mùa chạp trước đó là là mùa của bộn bề công việc.
Và bận rộn nhất có lẽ từ những ngày rằm trở đi, khi mọi nhà đều rục rịch với việc đi tảo mộ, khi mùng mền, chăn màn, chiếu gối được mang ra giặt giũ phơi phóng, cây kiểng được tỉa tót, cỏ được dọn sạch trong vườn. Năm mới mọi thứ đều phải tinh tươm.

Rồi những ngày bước vào hăm của chạp, bắt đầu là lễ đưa ông táo về trời. Trước hết phải dọn dẹp nơi ăn chốn ở của vợ chồng nhà táo thật tinh tươm. Bây giờ ở thành phố nhà nhà đều xài bếp ga, lò điện nên công việc “tẩy trần” đã đơn giản đi nhiều, chứ thời tôi còn bé, nhà ngoại ở dưới quê, hôm đưa ông táo phải dọn dẹp cả một chái bếp. Đầu tiên là quét váng nhện, bồ hống trên vách, trên mái nhà, rồi hốt tro bếp lau cà ràng, ông táo. Phải lau chùi cọ rửa thật sạch, nếu không ông táo bà táo sẽ phiền, mà ổng bả phiền thì cả năm sẽ không phù hộ cho cả nhà yên ấm. Nhưng nghi lễ mà bọn con nít tôi háo hức làm với nỗi lo sợ hồi hợp là đem mấy cái cà ràng, ông táo bể ra miếu trắng. Cái miếu ở cuối làng nằm ở cạnh khu vườn hoang nhà ông Chánh. Nghe đồn thời chín năm, ở đây đã xảy ra một trận giao tranh, Tây chết nhiều lắm! Để cho những oan hồn xa xứ dật dờ có nơi chốn nương tựa, ông bà ta vốn có truyền thống nhân nghĩa đã lập miếu cầu siêu. Cái miếu nằm dưới gốc cây me tây cổ thụ ấy đã được thêu dệt nên bao huyền thoại về những “ông” Tây đen Tây trắng đêm đêm than khóc nhớ nhà, đói lả lang thang vào khu vườn hoang hái mít hái xoài. Vì vậy, thường đến ngày mười sáu bà con trong làng khi thì quả trứng, miếng thịt luộc, ổ bánh bò, nải chuối thường mang ra cúng. Ai có dịp qua lại cũng đều dừng bước thắp cây nhang. Riêng bọn con nít, hễ đi ngang đó là rảo thiệt nhanh hoặc là co giò chạy. Bình thường ngoài tụi trẻ lang thang hay mò tới lấy đồ cúng, mấy đứa này thiệt là gan trời, chứ tụi tôi chẳng đứa nào dám bén mảng tới đây, dù me tây từng chùm trái cong vòng rụng đầy vô cùng hấp dẫn gọi mời! Vậy mà trong cái ngày hăm ba ấy, chị em tôi phải rinh mấy cái cà ràng, ông táo, hỏa lò sứt mẻ ra miếu trắng, vì những ông bà táo ấy cũng cần có nơi yên nghỉ đàng hoàng. Bà ngoại dặn phải xếp từng cái gọn gàng phía sau miếu chứ không được bỏ lung tung. Tôi với thằng Minh ì ạch nê cái bao bố nặng trịch, theo sau là thằng Triết, con Hằng hộ tống. Mọi việc đã được phân công, thằng Minh sẽ sắp cà ràng ông táo sau miếu còn tôi sẽ bày bánh trái thắp nhang, nhưng tới nơi, thằng Minh bỗng dở chứng: “Thôi tui hông vô đâu, ghê quá!”. Tôi la nó: “Con trai gì mà nhát hít”. Nói vậy nhưng bụng tôi đang đánh lô tô. Phía sau miếu lổn ngổn những cà ràng ông táo “chết” của cả xóm nằm trơ gọng há mỏ đen xì trông phát ớn. Ngày nào còn trong bếp nhà mình thì thân thuộc, nhưng đã ra đây sao trông gớm ghiếc làm sao! Cuối cùng, bốn đứa mỗi đứa một đầu lấy đà 1, 2, 3 thẩy cái bao đánh ịch dưới gốc me tây rồi ù té chạy…

Qua ngày ông táo, là thấy tết đến nơi, hoa trái trong vườn hối hả tuôn ra chợ. Những phiên chợ kéo dài suốt ngày lẫn đêm. Bán buôn rồi mua sắm, từ đồ ăn, thức uống đến những vật dụng sinh hoạt trong nhà. Thích nhất là được mua cho quần áo mới. Hồi đó không có đồ may sẵn như bây giờ, nhưng được cái thú ịn những xấp vải còn thơm mùi hồ lên má. Hồi hộp nhất là lúc tới tiệm may dì Chín thử đồ. Từng đứa một xúng xính trong những bộ quần áo mới. Mỗi đứa được ba bộ mặc trong ba ngày mùng một, mùng hai và mùng ba…

Nhà cửa đã dọn sạch sẽ, mọi thứ đã mua sắm, quần áo mới đã giặt, ủi treo phẳng phiu trong tủ, là ba mươi đã đến cận kề. Và là ba mươi của ba mươi mấy năm sau: 2009!

Sáng sớm, còn ngủ nướng, đã nghe mẹ gọi: Mão ơi, Mão à, dậy đi! Kèm theo điệp khúc ấy là thông điệp: Hôm nay ba mươi rồi nghen! Ba mươi như hồi còi thúc giục con bật dậy. Còn mấy khung cửa sổ chưa lau, chưa treo màn. Nhưng đầu tiên phải cắt cổ con vịt anh Nghĩa mang từ quê ra để mẹ nấu cúng trong nhà trong cửa. Mắt nhắm mắt mở vì ngái ngủ, khấn con vịt: Đầu thai kiếp khác làm người, đừng oán giận tao, có oán thì oán… anh Nghĩa á! Còn một chuyện cũng rất khẩn trương trong ngày ba mươi là chở mẹ đi chợ hoa, vì mấy ngày trước chỉ đi ngắm thôi, đợi đến ba mươi, phiên chợ cuối, nhà vườn đã thu lời nhiều, bán nốt số còn lại để về lo tết nên thường mua được giá rẻ. Mẹ bảo ngày xưa chợ ba mươi là chợ nhà nghèo vì những người nghèo phải tất bật lo cuộc mưu sinh, tới ba mươi mới sắm sửa tết nên thường phải mua với giá mắc. Xem ra bây giờ không phải là như vậy. Mẹ kể (ngày ba mươi là mẹ hay nhắc chuyện xưa lắm!), hồi đó ở quê, ba mươi là ngày tất bật nhất, mấy bà mấy cô lo hoàn tất mọi việc trong nhà, nấu nướng soạn sửa, còn đàn ông con trai huy động hết ra vườn tưới cây, tưới để trả công cho cây cối đã cho một mùa bội thu đồng thời để bù mấy ngày tết nghỉ ngơi cây không bị chết khô chết héo. Có khi tới tối mịt ông ngoại cùng mấy cậu mới vô nhà bơm đèn măng - xông sáng trưng bày mâm ngũ quả. Còn mẹ, năm nào cũng gần mười hai giờ mới nấu được nồi bồ kết gội đầu xả xuôi.

Chuyện mới chuyện cũ đan xen. Kìa hai chiếc kim ngắn kim dài đã nhích gần cùng con số mười hai. Bật đèn màu lên rồi thắp nhang trên bàn thờ. Châm bình trà mới đi, thằng Mão đâu rồi. Nó nhẩy lên hồ nước xem pháo bông rồi. Những âm thanh bụp, xèo đã reo lên trong tivi và bên ngoài. Con Ti Tun chạy quắn đuôi hoảng sợ. Đồng hồ gõ mười hai nhịp ngân nga. Giao thừa! Thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới bắt đầu.
Thu Trang
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 239
  • Khách viếng thăm: 238
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 81176
  • Tháng hiện tại: 2281465
  • Tổng lượt truy cập: 48655592