Ngày đại thắng
Trong đời, tôi có một may mắn lớn, rất lớn, đó là được làm người lính tham gia chiến dịch lịch sử xuân 1975, một chiến dịch để kết thúc cuộc chiến tranh dai dẳng và ác liệt nhất trong lịch sử hiện đại của nhân loại. Cuộc chiến tranh mà Jeff Stein, nhân viên tình báo quân đội Mỹ, sau làm Tổng biên tập tờ Veteran, biên tập viên đối ngoại của hãng UPI cho rằng “là cuộc khủng hoảng quân sự nhục nhã do chính mình (tức Mỹ) gây ra”. Đó là cuộc chiến tranh có thể nói đã mất nhiều xương máu nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhưng là cuộc chiến tranh làm thay đổi thế giới. Tôi hạnh phúc đã có mặt suốt 56 ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, trong đội quân chiến thắng.
Không hiểu sao, trên hành tinh nhỏ bé và xinh đẹp này lại có những nơi, những vùng đất mà con người sinh ra phải cầm lấy vũ khí. Đã có những dân tộc bị mất tên vì chiến tranh. Đã có những quốc gia bị xóa sổ vì chiến tranh. Lịch sử nhân loại từng có những trang đẫm máu, những cuộc chiến tranh tương tàn, những thành phố bị đổ nát, những nền văn hóa bị xâm lăng, những nền văn minh bị hủy diệt. Tự hào thay đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta, một đất nước hình chữ S bên bờ biển Đông, tự nó không chỉ đương đầu với bão tố từ đại dương, mà phải đương đầu cả với những kẻ thù xâm lược từ nhiều phía, vậy mà sau hàng ngàn năm đất nước không bị cắt chia, đất nước vẫn vẹn nguyên.
Đất nước đau thương và anh dũng ấy đã viết sử cho mình bằng thanh gươm tự vệ, bằng niềm khát bỏng về quốc thái dân an, bằng lòng tự tôn con Lạc cháu Hồng, bằng máu và nước mắt, vì thế mà thời nào, bĩ cực thế nào cũng có người cầm cờ và cầm gươm đứng lên, kéo trăm họ lại một nhà, tạo sức mạnh vô song để đánh đuổi kẻ thù xâm lược.
Thế kỷ XX được ghi bằng những trang hào hùng nhất, khi cả dân tộc đi vào cuộc trường chinh vĩ đại nhất để đánh đuổi hai đế quốc to và tàn bạo nhất hành tinh, là Pháp và Mỹ. Để đánh đuổi thực dân cũ, dân tộc ta phải đi mất 9 năm, còn đánh đuổi tên thực dân mới, tên đế quốc hung bạo, dân tộc phải đi hết 21 năm. Thế là 30 năm, cuộc trường chinh để đến với độc lập tự do, khát vọng ngàn đời của dân tộc. Cuộc trường chinh đầy máu ấy đã đến đích vào ngày đại thắng 30 tháng tư năm 1975.
Sự trùng hợp kỳ diệu trong 2 chặng của cuộc trường chinh 30 năm, đó là 56 ngày đêm cho chiến dịch Điện Biên, chiến dịch cuối cùng để tống khứ một tên thực dân cũ, và 56 ngày đêm cho một chiến dịch giải phóng miền Nam để tống khứ tên thực dân mới. Lần này được bắt đầu từ ngày 5 tháng 3 năm 1975 với chiến dịch Tây Nguyên. Ngày ấy, tôi chỉ là trung sĩ, 3 tuổi quân, chưa đầy 22 tuổi đời, làm nhiệm vụ quản lý cơ quan Bộ Tham mưu quân đoàn 2, một quân đoàn cơ động của Bộ quốc phòng. Tôi lo phần hậu cần, cơm nước cho Bộ tư lệnh quân đoàn và cơ quan Bộ Tham mưu quân đoàn. Chiến dịch đã mở. Tại Động Truồi, phía tây Thừa Thiên, trong căn hầm chỉ huy của Bộ Tham mưu quân đoàn rực ánh đèn điện từ một máy phát điện nhỏ do Nhật sản xuất. Máy điện thoại không ngớt tiếng ra lệnh của tư lệnh. Tôi hiểu sẽ có những trận đánh lớn. Và rồi ngày 10 tháng 3 năm 1975, tin từ Tây Nguyên bay về: Buôn Ma Thuột được giải phóng. Thế là cú đấm đầu tiên dũng mãnh và bất ngờ đã vào ngay sào huyệt địch ở Tây Nguyên. Sau này, tôi mới biết, Thiệu - Tổng thống ngụy quyền, một tổng thống mà Gabriel Kolko- giáo sư sử học Mỹ mô tả là “giống một quan tòa cực kỳ tồi về các vấn đề quân sự” đã bị choáng váng. Thiệu hò hét phản kích mà không biết phản kích để làm gì khi mà nó đã không còn, để rồi hãng AP phải đưa tin: “Thất bại đầu tiên ở Tây Nguyên làm cho sư đoàn 23 của Việt Nam Cộng hòa bị diệt chỉ còn 37 người sống sót trong số 13.000 quân của sư đoàn này, và một liên đoàn biệt động quân cũng chỉ còn 36 người trong số 1.600 quân”.
Mất Buôn Ma Thuột, sáng 14 tháng 3, từ Sài Gòn Thiệu hoảng hốt lên chiếc máy bay riêng DC6 ra Cam Ranh và ra lệnh rút khỏi Plây Cu và Con Tum để giữ vùng duyên hải. Thế là thêm một nước cờ sai của một tổng thống tồi. Một địa bàn chiến lược quan trọng là Tây Nguyên, địa bàn mà người Pháp từng cho rằng “Ai lấy được Tây Nguyên thì người đó lấy được Nam Việt Nam” đã về tay quân giải phóng. Tới đây, sự nghiệp của Thiệu đã tỏ ra tuyệt vọng. Thiệu nghĩ ngay đến nước Mỹ, xin Mỹ viện trợ ngay 6,4 tỷ đô la cho 3 năm (1974 - 1976) theo như kế hoạch trước đây. Nhưng khổ cho Thiệu, người Mỹ lại nghĩ khác: Đội quân của Thiệu đã bắt đầu tan rã thì Quốc hội Mỹ thảo luận vấn đề viện trợ Nam Việt Nam để làm gì? Giáo sư Kolko viết trong cuốn “Giải phẫu một cuộc chiến tranh” rằng: “Tình báo của Lầu Năm Góc ít lạc quan hơn bởi những sai lầm mà Thiệu đã phạm phải giữa tháng 3 năm 1975, họ cho rằng, Việt Nam Cộng hòa chỉ tồn tại một tháng, dưới bất kỳ hoàn cảnh nào”. Xem ra như thế thì số phận của chính quyền do Mỹ dựng lên ở Nam Việt Nam đã được định đoạt.
Trong lúc Buôn Ma Thuột đang hân hoan thì chúng tôi hành quân về đồng bằng để chuẩn bị đánh Huế. Huế đã được một lần giải phóng vào xuân Mậu Thân (1968). Ngày 22 tháng 3 năm 1975 ta cắt đứt lộ Một, ngày 25 các cánh quân đánh vào Huế. Một cảnh hỗn loạn mà chúng tôi lần đầu được thấy. Các sắc lính của Việt Nam Cộng hòa tự lột quân trang, dẫm đạp lên nhau chạy xuống Ngã Tư Hiền mong được lên tàu thoát thân. Ngày 26 thì cờ giải phóng bay trong Đại Nội. Chưa kịp cùng nhân dân hò reo mừng giải phóng, chúng tôi đành đưa lương thực, thực phẩm lên xe GMC lấy được và huy động tài xế của địch chở vào Đà Nẵng. Lúc này, tôi nhớ câu nói của đại tá Hoàng Đan, người từng lập nhiều chiến công ở mặt trận Đường Chín - Nam Lào, trước khi chúng tôi chuẩn bị vào chiến dịch: “Chuyến này đi phải bỏ túi Hải Vân”, có nghĩa là sẽ cắt đứt đèo Hải Vân để cô lập Đà Nẵng. Đà Nẵng cuối tháng 3 thật oi nồng. Chúng tôi đến Bộ tư lệnh sư đoàn 3 bộ binh ngụy đóng trên một đồi thoai thoải. Trong nhà ăn, thức ăn mới bày lên bàn. Cơm còn trên bếp. Trong phòng sư đoàn trưởng ngổn ngang bản đồ tác chiến, bình trà vẫn còn nóng, thì ra chúng mới bỏ chạy. Tối ấy, chúng tôi xuống phố, chân cứ giẫm lên áo quần lính. Đêm đang ngủ, chừng một giờ khuya có lệnh tập hợp, Tham mưu trưởng đọc lệnh “Thần tốc” của Bộ Quốc phòng. Thế là tiếp tục lên đường ngay lúc đó. Là người thích làm thơ. Hai hôm sau, khi vượt qua khỏi Quảng Ngãi, tôi mới viết xong những câu cuối cùng về Đà Nẵng: “… Tháng ba này Đà Nẵng nắng như nung/ Hàng vạn lính đạp lên nhau mà chạy/ Cờ giải phóng tung bay dọc phố/ Má cầm tay khen bộ đội mình tài/ Nghe tin điện Thần tốc, Thần tốc/ Chưa chợp mắt đã lên xe chạy tiếp/ Đà Nẵng ơi đến mà chưa kịp / Ngắm sông Hàn một tối trăng lên” .
Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hình dung được cuộc hành quân thần tốc do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy để tiêu diệt quân Thanh tại Ngọc Hồi - Đống Đa vào năm Kỷ Dậu (1789) bằng cách nào. Còn lúc này chúng tôi hành quân bằng nhiều loại xe: xe tăng, xe ca, xe GMC của địch, xe kéo pháo, xe kéo tên lửa và cả tàu hải quân. Những làng mạc, đô thị mà chúng tôi đi qua, chúng tôi đều nhận được những tiếng hoan hô, tiếng reo hò và những đôi mắt nhìn thán phục. Một niềm tự hào và kiêu hãnh dâng lên trong những người lính trẻ như chúng tôi một cách kỳ lạ. Chúng tôi đang đi giải phóng đất nước. Chúng tôi đang giành lại giang sơn. Tổ quốc đẹp tuyệt vời cứ mỗi lúc mở rộng ra trước mắt chúng tôi. Những vùng quê tôi chỉ biết qua câu hát, qua trang sách, giờ đang hiện ra, thật tinh khôi sau những năm dài bom đạn.
Đây rồi, núi Ấn sông Trà như bức tranh thủy mặc. Đây rồi dừa Tam Quan như dải lụa ai phơi bên bờ biển đẹp. Đây rồi Nha Trang, biển ngời xanh trong nắng. Kẻ thù vừa mới chạy, đất còn khét mùi bom đạn, vẫn thấy tổ quốc đẹp đến sáng ngời. Xe chúng tôi vào Phan Rang. Tiếng súng nổ rất đanh phía cửa ngõ thị xã. Máy bay địch quần thảo trên bầu trời và xung quanh là những cột khói bom. Thì ra ở đây có sân bay Thành Chung, ổ kháng cự quan trọng để bảo vệ từ xa đô thành Sài Gòn, có hơn 2 sư đoàn ngụy chốt giữ, do Bộ tư lệnh quân đoàn 3 của chúng trực tiếp chỉ huy. Các đơn vị chiến đấu của quân đoàn 2 cùng với các cánh quân khác sau gần một ngày đã đè bẹp ổ kháng cự này. Đó là ngày 16 tháng 4. Mấy ngày sau tôi còn kịp ghi lại hình ảnh của Phan Rang: “Tháp Chàm đứng trân mình nghe bom đạn/ Ổ kháng cự cuối cùng tại cửa ngõ Phan Rang/ Chúng nó giữ sân bay Thành Chung như giữ máu/ Đánh bật nhanh để kịp đến Sài Gòn”. Lại tiếp tục truy kích. Xe tăng của quân đoàn mở đường để tiến vào hang ổ cuối cùng của Mỹ - ngụy. Theo đoàn xe tăng là các đoàn xe của bộ binh, pháo binh và tên lửa. Các cánh quân khác xẻ rừng mà đi. Một bộ phận bộ binh theo tàu thủy hành quân dọc theo bờ biển. Lịch sử dân tộc chưa có cuộc truy đuổi kẻ thù nào mà dũng mãnh, quyết liệt và hoành tráng đến như thế.
Mỹ-ngụy đứng trước sự tuyệt vọng. Đài tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội từng giờ loan đi những tin chiến thắng, làm nức lòng chiến sĩ và đồng bào ta. Sau này tôi mới biết từ ngày 14 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến dịch Hồ Chí Minh: tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Hơn ai hết, Thiệu thấy rõ một sự sụp đổ tệ hại nhất trong lịch sử. Ngày 21 tháng 4 Thiệu đành phải tuyên bố từ chức tổng thống để đưa Trần Văn Hương lên thay. Tác giả Kolko cho rằng: “Nỗi đau đớn và thống khổ mà sự sụp đổ của quân đội Việt Nam Cộng hòa gây ra ở Oa-sinh-tơn là vừa tuyệt vọng vừa sâu sắc. Cố gắng duy trì tay chân ở Nam Việt Nam bây giờ rõ ràng đang đi đến hồi kết thúc bằng một cách làm cho nước Mỹ, sự cam kết và sức mạnh của nó tỏ ra vô cùng bất lực và đáng thương”. Nước Mỹ đành phải làm ngơ trước một tình thế không thể cứu vãn này.
Những ngày cuối tháng tư năm 1975, Sài Gòn bị chao đảo trước một cơn bão lớn. Ngày 26 tháng tư, đường Bốn đi miền Tây bị các lực lượng ta cắt đứt. Ngày 28 tháng tư, xe tăng của quân đoàn 2 chúng tôi đụng ổ kháng cự cuối cùng ở cầu Rạch Chiếc. Xe GMC chở lương thực -thực phẩm của chúng tôi buộc phải chạy về trường Cây Mai- Thủ Đức, trong lúc Dương Văn Minh tuyên bố nhậm chức tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Ngày 29, ta đánh vỡ các căn cứ vòng ngoài của Sài Gòn. Sáng 30 tháng tư, các lực lượng của ta đánh chiếm các mục tiêu trong nội thành. Xe tăng quân đoàn 2 chạy vào nội ô, được biệt động Sài Gòn chỉ dẫn, xe tăng chạy thẳng vào dinh Độc lập, bắt toàn bộ ngụy quyền trung ương và buộc tổng thống tuyên bố đầu hàng, 11 giờ 30, cờ giải phóng tung bay trên dinh Độc Lập, báo hiệu sự cáo chung của một chế độ tay sai.
Chiều 30 tháng 4, xe chúng tôi vào dinh Độc Lập, chuẩn bị bữa cơm chiều cho Bộ Tư lệnh và Bộ tham mưu quân đoàn. Tôi đã từng thấy tờ bạc 50 đồng của ngân hàng quốc gia Việt Nam (tiền chế độ cũ) vẽ hình dinh Độc Lập. Bây giờ mới được mục kích. Tôi cố tìm xem ghế tổng thống thế nào. Nó bình thường hơn tôi tưởng. Thế là trên ghế này, từ Diệm đến Minh, biết bao máu xương của đồng bào ta đã đổ. Ở đây, tôi nghĩ đến cuộc kháng chiến của dân tộc ta, kỳ diệu quá, thần thánh quá! Tôi cố gắng “nặn” những câu thơ về nơi này, nhưng không thể thực hiện ngay được, mãi một tuần sau mới viết nổi một bài về Sài Gòn:
“Những xe tăng đã chạy vào rồi
Tổng thống ngụy đầu hàng vô điều kiện
Sài Gòn hóa rừng cờ và người đầy như biển
Những nhà cao hoa lá vẫy chào
Dinh Độc Lập, thì đây, ngôi nhà đồ sộ
Mấy chục năm làm bộ não ngụy quyền
Ghế tổng thống - lính ta kéo đi xềnh xệch
Phía sau đồi, bếp lính khói bay lên
Xe Honda vứt ngổn ngang trong vườn
Tài xế xe tăng tập làm tài xế xe hai bánh
Anh lính trẻ được phóng viên nước ngoài phỏng vấn
Cười rất tươi, ria mép vẫn lông măng…”
Không thể tưởng tượng được nếu như không đến đây, rằng trong ngày đại thắng, Sài Gòn là một biển người hò reo, một thành phố rực cờ, đâu cũng nụ cười, đâu cũng có cảnh thân nhân gặp nhau mừng rơi nước mắt. “Hòa bình rồi! Hòa bình rồi!”. Tôi nghe câu nói đó ở khắp nơi mà cứ ngỡ như câu nói còn trong mơ. Đêm, Sài Gòn rực ánh đèn, xe Buýt, xe Lam, xe taxi, xe Honda cắm cờ giải phóng chạy suốt đêm trong niềm hân hoan đặc biệt, khác hẳn với trước đó một ngày, Sài Gòn bị giới nghiêm, căng thẳng và ngột ngạt.
Hòa bình! Hai tiếng quen thuộc và gần gũi như câu hát, vậy mà ước vọng của bao đời, của bao dân tộc. Để có hai tiếng ấy, hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống. Hàng triệu người đã mất một phần cơ thể. Đất nước 30 năm bị chuyển rung vì bom đạn. Giờ đây, đi trong ngày hoà bình đầu tiên, lòng cứ muốn hát lên, miệng cứ muốn cười mà mắt cứ rưng rưng. Vậy là ngày này đã bắt đầu một kỷ nguyên mới.
Hoài Giang
Chia sẻ:
may mắn, làm người, tham gia, chiến dịch, lịch sử, kết thúc, chiến tranh, dai dẳng, hiện đại, nhân loại, nhân viên, tình báo, quân đội, biên tập, đối ngoại, khủng hoảng, quân sự, nhục nhã, có thể, dân tộc, thay đổi
Ý kiến bạn đọc