Mùa dế và những ký ức tuổi thơ

Đăng lúc: Thứ hai - 17/11/2008 13:25
Mùa dế và những ký ức tuổi thơ

Mùa dế và những ký ức tuổi thơ

Mặc dù bây giờ tuổi đã cao, tôi vẫn còn đam mê một thú vui tuổi nhỏ, đó là chơi đá dế và đá cá lia thia. Chơi dế không tốn tiền bằng chơi cá lia thia, bởi vì ai cũng có thể và có quyền sở hữu từ một con đến vài chục con dế, ăn thua là có chịu bỏ công đi tìm bắt hay không thôi!
"Mùa dế" bắt đầu khi cơn mưa đầu mùa đổ xuống. Khi mà những hoa phượng đã bắt đầu đỏ rực trên cành, là lúc chúng tôi - những đứa học trò tiểu học - của những năm 60 - 70 xếp bút nghiên, sách đèn lại để nghỉ hè. Tụi tôi đêm nào cũng ra ngoài những cây cột đèn đường, dõi mắt nhìn lên chờ những chú dế bay mỏi cánh đáp xuống đất. Lúc ấy thì mạnh đứa nào, đứa nấy chạy ào lại, thò tay chụp, bắt… có lúc hai ba thằng giành giật nhau một con dế! Khi kẻ thắng cuộc bắt được con dế rồi, mở bàn tay ra để xem thì xẹp mất nguồn hí hửng vì… con dế đã dẹp lép!

Chơi dế thì phải chọn dế trống, mạnh mẽ với cặp giò gai góc và hai bàn nạo to, tiếng gáy phải to và thanh mới là không bỏ công rình mò bắt dế! Dế chọi (dế đá) chỉ có hai loại: "Dế than"- đen thui toàn thân, và "dế lửa" - thân hơi ửng màu đỏ, còn cánh thì vàng tươi, hoặc vàng đỏ. Cũng có những chú dế "lai" cánh có màu nâu đỏ hoặc nâu đen, những chú dế lai nầy thường thì chẳng đá đấm gì ra hồn cả, phải là dế "rặt" cơ! Hộp dùng đựng dế thì cũng đủ loại, có đứa tỉ mẩn dùng đất sét nặn thành cái hộp để bỏ dế, có ngăn chứa cỏ, ngăn cho dế ở đàng hoàng. Có thằng thì dùng hộp thuốc tể, trên có miếng kính bán ở các tiệm thuốc Bắc để đựng, lại có thằng dùng cả cái thùng "Cạt - tông" để nuôi dế, thức ăn cho dế thì cứ bứt cỏ lứt hoặc rau sam mà cho ăn. Bắt dế trong nội ô, dưới những bóng đèn nhiều khi không hấp dẫn lắm, chúng tôi rủ nhau ba, bốn đứa xách theo cây cuốc, cái thùng thiếc nhỏ đi vào những đám ruộng (chỗ khu Sao Mai bây giờ) để…đào dế. Mà đi đào dế cũng phải kiên nhẫn lắm mới được, bởi vì gió đồng thổi ào ào bên tai mà phải lắng nghe tiếng dế "gáy" mới mò tìm hang. Thằng thì đổ nước, thằng thì bẻ cây chặn lối chú dế tội nghiệp, thằng thì xách cuốc đào cật lực mới tóm được… một chú dế than hoặc dế lửa trống và… ba, bốn chị dế mái! Có khi chú dế đang gáy ngon lành, bỗng chuyển "tông" xuống "chắt mái"! Cái này còn khó hơn, bởi tiếng chắt mái nhỏ xíu hòa vào gió đồng ù ù thổi thì phải là người có kinh nghiệm lắm mới dò tìm đúng hang. Cũng có khi đào hang bắt dế mà gặp… một chú rắn hổ đất phóng ra, ngóc đầu phùng mang thở phì phì thì mạnh thằng nào nấy chạy! Trong đám bạn của tôi hồi tiểu học có thằng Xuân là gan lỳ nhất, gặp rắn là nó xách cuốc nhào tới "chơi" luôn! Nhiều lúc nó bắt được những con rắn hổ đất to nặng đến vài ký, dài cỡ hai mét luôn! Nó đem rắn về cho ba nó nhậu, cứ thế chúng tôi bắt dế, còn nó thì… bắt rắn! Cũng có khi tôi về nghỉ hè ở quê ngoại, tôi và cậu Út cũng xách thùng "ba-sa" cuốc, đi đào dế cậu cháu tôi bắt được vô số dế mà toàn là dế than, dế lửa cỡ bự, con nào cũng to bằng ngón tay cái người lớn! Còn nhớ, tôi sở hữu một chú dế than to, rất lỳ đòn không chạy bao giờ, tôi đặt tên nó là "dế lỳ" cậu tôi cũng có một con dế lửa ưng ý nhất, đặt tên "Triệu Tử Long" nghe… Tàu không chịu được! Tôi mang con "dế lỳ" của mình đi đá khắp xóm, không có đối thủ! Cậu tôi cũng vậy, thế là… cậu cháu tôi quay ra đá dế với nhau, ngắt một cọng tóc tròng vào cổ con dế của mình, thổi phù phù cho dế bay và "say máu ngà" (có khi bị "tổ trác" vì lúc dế giang cánh bay, lúc xếp cánh lại có chú… xếp ngược cánh, tiếng "gáy" nghe rè rè, nhỏ xíu lúc đó được dịp cười thỏa thích nhé) rồi thả vào cái hộp giấy, hoặc hộp sắt tây cho đá với dế của đối phương. Dùng một cây chân nhang, quấn vào đó vài cọng tóc, có khi ngắt đầu một con dế nào đó cắm vào chân nhang rồi cứ thế mà "ráy" cho dế hăng lên, lùa cho hai con dế đối đầu nhau để thư hùng. Con nào chạy là thua, chứ không như đá gà có con phải nằm tại chỗ! Nếu đá theo kiểu "bắt xác" thì người thắng được phép bắt con dế của người thua, đem về cho… gà ăn! Mà dế thua chỗ này, lại thắng chỗ khác nên tôi cứ là thích mê. Tựu trường, tôi mang con "dế lỳ" của mình lên thị xã, đá bay các con dế của đám bạn học, chúng nó cứ xuýt xoa khen ngợi… Cuối cùng, chơi chán, tôi đổi con dế cho một thằng bạn, lấy hai cuốn truyện tranh Tây du ký. Trước cửa trường cũng có những người bán dế trong những cái lồng bằng lưới, đám bạn thị xã không có điều kiện đi bắt dế xúm lại mua, rồi giờ ra chơi cũng tổ chức đá dế, nhưng dế loại nầy rất nhát và đá rất "ẹ"! Nên tôi không bao giờ mua.

Tới bây giờ, tôi vẫn còn khoái chơi dế, nhiều khi dế bay vào cơ quan theo những bóng đèn "nê-ông" sau trận mưa đầu mùa, cha con tôi cũng tìm bắt vài con, thả vào hộp nuôi, lâu lâu đem ra cho chúng đá với nhau, và để nghe dế "gáy"! Tiếng dế nỉ non trong đêm trường cô tịch trong khu nhà ở toàn bê-tông, làm sống lại biết bao nhiêu kỷ niệm thuở ấu thơ, sao mà da diết nhớ thương làng quê, nhớ những cánh đồng lộng gió, nhớ thương thời tuổi nhỏ quá đi thôi!
Phạm Hoàng Đức
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 242
  • Khách viếng thăm: 238
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 71898
  • Tháng hiện tại: 2440323
  • Tổng lượt truy cập: 48814450