Lễ Xây Chầu năm ấy

Đăng lúc: Thứ năm - 01/06/2017 10:18
Ngày ấy, mỗi lần cúng Kỳ Yên, đình làng tôi đều rước gánh hát bội Bầu Út về diễn liên tục ba bốn bữa, hát cả ngày lẫn đêm. Vì là người trong Ban Hội Hương nên ba tôi có mặt suốt thời gian lễ hội và dĩ nhiên tôi cũng được cơ hội theo chân ông để tận hưởng cái không khí rộn ràng với tiếng trống kèn, tiếng cười nói huyên thuyên thâu đêm suốt sáng. Lạ thật! Những hình ảnh ấy vẫn còn khắc sâu trong ký ức tôi dù đã hơn nửa thế kỷ. Nào là những bàn thờ chưng nghi hình rồng hình phụng, quy hạc, những lư đồng bóng ngời nghi ngút khói hương, những tủ thờ, sập gỗ cẩn ốc xà cừ bóng ngời ngời, những đĩa trái cây chín mọng, những mâm xôi, mâm bánh tươm tất, những mâm cơm gạo mới, những món ăn thịt cá thịnh soạn thết đãi bà con tới cúng đình. Rồi những dòng người trên đường làng, nam thanh nữ tú, chưng diện những bộ quần áo đẹp nhất, bước chân mỗi lúc nhanh hơn theo sự thôi thúc của tiếng trống đình làng.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

.

Suốt hôm ấy, tôi phải giữ nhà một mình. Ba tôi bơi xuồng ra đầu vàm rước ghe hát bội, còn má tôi lên đình phụ nấu nướng. Đứng bóng, nghe tiếng trống vọng lại từ đình làng, lòng tôi nôn nao vô cùng. Máu đam mê hát xướng nổi lên, nhiều lần tôi muốn khóa cửa chạy u lên đình để coi mặt đào kép nhưng không dám bỏ nhà, đành leo phóc lên ngọn dừa lão ngóng mắt về phía đình cho đỡ sốt ruột.

 

May quá! Mặt trời nghiêng qua tàn me già sau hè, ba tôi đã về. Ông nói có nhờ cô Bảy xóm dưới lên trông nhà giúp để tôi được lên đình xem hát vì đêm nay có lễ Xây Chầu và diễn tuồng “Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ”. Tôi hỏi:

 

- Lễ Xây Chầu là sao hả ba?

 

Ba tôi giải thích:

 

- Lễ Kỳ Yên năm nào cũng có hát bội phục vụ lễ cúng và hát giúp vui cho bà con. Đêm nay, Ban Hội Hương tổ chức lễ Xây Chầu sau phần nghi lễ tế thần của đình làng. Lễ Xây Chầu rất quan trọng. Năm nào lễ này tiến hành suôn sẻ, tốt đẹp thì năm đó mưa hòa gió thuận, cây trái, lúa thóc bội thu, bà con trong làng tai qua nạn khỏi. Còn ngược lại thì thôn ấp sẽ gặp nhiều điều không may, lắm sự chẳng lành, con biết không?

 

Tôi im lặng gật đầu. Dù thuở ấy tôi chưa hiểu hết những gì ba nói nhưng vẫn thấy rõ sự trang trọng, kính cẩn và niềm tin tuyệt đối qua ánh mắt của ông.

 

Mãi sau này lên tỉnh học, có dịp tìm hiểu ở các bô lão, nghệ nhân và qua sách vở tôi mới biết tầm quan trọng của lễ Xây Chầu theo quan niệm người xưa.

 

Lễ Xây Chầu, còn gọi là Khai Chầu, Khai Tràng. Ở Nam bộ thường gọi là Xây Chầu, tức xây dựng một chầu cúng, chầu hát trong lệ Kỳ Yên ở đình, miếu. Trong chương trình cúng đình, lễ Xây Chầu được xây dựng sau lễ Túc Yết tạ ơn Thành Hoàng Bổn Cảnh và trước lễ Đại Bội của đào kép gánh hát cúng trước khi diễn tuồng.

 

Trong dân gian có câu “Đuôi Xây Chầu, đầu Đại Bội” hoặc “Đuôi trống Chầu, đầu trống chiến” để nói lên lễ Đại Bội gắn liền ngay khi lễ Xây Chầu vừa xong. Cả hai lễ đều gắn với thuyết “Âm dương, Ngũ hành” của Kinh Dịch.

 

Khi nghiên cứu đến đây, tôi chợt nhớ lại những hình ảnh, sự việc mà lúc ấy mình đã trông thấy nhưng không hiểu được. Chẳng hạn vì sao giữa mặt trống chầu có vẽ hình tròn? Vì sao mặt trống luôn được phủ một vuông vải màu đỏ? Giờ hiểu ra hình tròn là Thái Cực, người ta gọi nôm na là “mặt trăng”. Trong hình Thái Cực có phân ra hai hình Lưỡng Nghi, là Âm Dương. Còn vuông vải đỏ tượng trưng cho thời kỳ còn hỗn mang. Khi bắt đầu Xây Chầu mới giở vuông vải đỏ ra gọi là “Khai thông Thái Cực”. Vào Lễ Xây Chầu là ba hồi trống tượng trưng cho Tam Tài, là Thiên, Địa, Nhân. Ba hồi trống cầu mong ơn trên ban phước lành thiên thời, địa lợi, nhơn hòa cho bá tánh. Tiếng trống là tiếng sấm, gọi là “Lôi âm cổ”, có tác dụng thông thiên, triệt địa, hòa nhân hướng đến tròn đạo trời, vuông đạo đất, sáng đạo người. Còn Lưỡng NghiÂm Dương, trong Âm có mầm của Dương và trong Dương có mầm của Âm, giao hòa nhau, tác động nhau để sinh ra vạn vật và tạo nên sự vận hành vĩnh cửu trong vũ trụ. Ý nghĩa của lễ Xây Chầu là biểu hiện nguyên lý trong Kinh Dịch như đã nói trên.

 

Giờ tôi cũng đã hiểu vì sao ba tôi và các bô lão trong Ban Hội Hương rất cẩn trọng khi tổ chức Lễ Xây Chầu trong cúng đình. Câu chuyện về ông Hai Phú trong buổi lễ Xây Chầu cách đây trên năm mươi năm cho thấy rõ điều ấy. Và hình ảnh viên Chấp Sự ấy còn in sâu trong tôi qua thời gian.

 

Chiều hôm đó, thay vì đi thẳng lên đình để chuẩn bị cho việc tế lễ buổi tối, ba tôi rẽ vào xóm Cây Da, đến nhà ông Hai Phú, một ông lão cao niên

 

(nghe đâu lúc bấy giờ đã hơn tám mươi tuổi), rất uy tín trong vùng. Nhà ông Hai thuộc loại nhà cổ của những gia đình khá giả, cột kèo, phên vách đề bằng gỗ quý chạm trổ tinh vi, mái ngói âm dương, nền đúc cao lót gạch đất nung, bậc tam cấp phủ đầy rêu phong.
Nghe ba tôi gọi, ông Hai Phú lên tiếng, kèm theo là những cơn ho sù sụ. Ông gượng ngồi dậy, mệt mỏi vói tay lấy chiếc áo vải ú đen mắc trên đầu nằm khoác vào tiếp khách. Tôi ngạc nhiên khi trông thấy ông khác xa lúc trước. Từ một ông già quắc thước, sang trọng, tiếng nói sang sảng, giờ đây chỉ sau mấy tháng bạo bệnh đã trở nên ốm yếu, tiều tụy, mất hẳn sinh khí của ngày nào.

 

Ông Hai là người có uy tín và xông xáo nhất trong Ban Hội Hương, giữ vai trò chủ chốt trong những lệ Kỳ Yên. Nhưng năm nay, tuổi già sức yếu và bệnh tật đã không cho phép ông ra đình phụ công việc nữa. Mấy ngày nay nằm nhà, ruột gan ông Hai như kiến đốt nhưng đành bó gối khoanh tay. Ông định ngày mai, lúc nào thấy khỏe trong người sẽ bảo mấy đứa cháu chở ra đình tế Thần, cầu phúc lộc, bình an cho thôn xóm.

 

Vừa thấy ba tôi, ông Hai hỏi nhanh:

 

- Việc chuẩn bị tế lễ xong hết chớ?

 

- Dạ, xong hết, bà con mình đã lo chu toàn…

 

- Vậy cũng mừng!

 

Giọng ba tôi bỗng ngập ngừng:

 

- Còn một việc… chưa biết tính sao…

 

Ông Hai hỏi nhanh:

 

- Chuyện gì vậy chú?

 

- Dạ… Việc chọn người Chấp Sự cho Lễ Xây Chầu tối nay, Ban Hội Hương cân nhắc hoài không tìm ra người… Cuối cùng nhờ tôi tới gặp anh…

 

Ông Hai ngạc nhiên:

 

- Gặp tôi… Tôi bệnh hoạn như vầy làm gì được chớ!

 

Ba tôi khẩn khoản nói:

 

- Người Chấp Sự đứng ra Xây Chầu phải là người cao tuổi tượng trưng cho sự trường thọ, phải có đức độ, uy tín mới được Thần Hoàng chấp nhận. Anh Hai còn nhớ ngày xưa, cách đây khoảng mười lăm năm, chú Sáu On đứng ra Xây Chầu, bổn tánh chú ấy thích trăng hoa, thiếu đức độ nên không được Thần Hoàng chứng giám. Liên tục mấy năm chú Sáu làm Chấp Sự, làng mình thất mùa đói kém. Từ khi anh Hai đứng ra nắm roi chầu, hơn chục năm nay xã Hòa Nhơn của mình ai cũng ăn nên làm ra.

 

"Cưới hỏi thì lựa mai dong,

 

Cúng đình hát bội lựa ông cầm chầu!"

 

Thế cho nên năm nay, Ban Hội Hương và hầu hết bà con đều đồng lòng cử tôi gặp anh nhờ anh cố gắng đứng Xây Chầu cho cô bác nhờ, nghe anh Hai!

 

Ông Hai Phú ngồi lặng yên lâu lắm. Những cơn ho húng hắng lại kéo tới làm ông phải liên tục thở dốc. Ông bưng chén trà nhấp một ngụm, rồi nhìn ba tôi, khẽ lắc đầu:

 

- Lo chuyện chung cho bà con lối xóm, tôi đâu có ngại khó. Nhưng…tôi đang mệt lắm, đành phụ lòng cô bác…
Nỗi thất vọng hiện rõ trên ánh mắt ba tôi. Ông định nói thêm câu gì đó, chắc là để thuyết phục ông Hai Phú nhưng chẳng hiểu sao lại im lặng. Cuối cùng, ba tôi đứng lên, giọng buồn bã:

 

- Tôi hiểu… Từ chối lời mời của bà con chắc anh đau lòng lắm. Nhưng… Tôi cũng thấy độ rày anh hơi yếu. Thôi để tôi về bàn lại trong Ban Hội Hương…
Ba tôi cố nén tiếng thở dài thất vọng, vái chào ông Hai rồi lặng lẽ bước nhanh xuống bậc tam cấp. Khi hai cha con tôi vừa ra khỏi cổng thì nghe tiếng ông Hai Phú phía sau:

 

- Thôi được! Tôi sẽ chiều ý bà con. Chú ra đình trước chuẩn bị, chiều tối bảo sắp nhỏ đem xe tàu mo vô rước tôi!

oOo

 

Một cái trống chầu, một giá gỗ ba chân, một dùi trống, một cái khay, một vuông vải đỏ phủ kín lên mặt trống, một cây đèn cầy đỏ lớn, một chén nước sạch, một nhành bông huệ trắng, một nhạo rượu và ba cái chung. Tất cả đã chuẩn bị sẵn cho lễ Xây Chầu vào buổi tối.

 

Nửa tháng trước, ba tôi đã sơn lại trống, xem kỹ coi mặt trống có bị hư không, vẽ lại hình Thái Cực trên mặt trống cho thật rõ. Giờ đây chiếc trống ấy đã được đặt trên chiếc giá 3 chân, trên một trụ cao của giá có buộc một cây đèn cầy đỏ. Hồi đó, tôi hoàn toàn không hiểu cây đèn cầy ấy để làm gì, về sau tôi đọc các bài ngiên cứu trong sách báo mới biết cây đèn ấy sẽ được đốt lên khi bắt đầu lễ Xây Chầu. Suốt thời gian cử hành lễ, có hai điều cấm kỵ không được xảy ra: Một là mặt trống không được thủng, hai là ngọn đèn cầy không được tắt. Người xưa cho là “Đăng tàn cổ phá, địa họa nhân ương”. Nghĩa là đèn tắt, trống thủng là họa đến cho đất, tai ương đến cho con người.

 

Từ hậu trường nhìn ra, trống chầu được đặt trên võ ca đình, nơi làm sân khấu, phía trái, gần khán giả. Trên mặt trống phủ lớp vải đỏ, không được xê dịch, không ai được dỡ tấm vải đỏ trước khi Xây Chầu. Dùi trống là roi chầu để trong chiếc khay, đặt trên bàn Nghi phía trước sân khấu, nơi thỉnh Thành Hoàng Bổn Cảnh đến làm lễ. Trên bàn Nghi có hương đăng hoa quả, nửa chén nước sạch và một cành huệ trắng.

 

Sau lễ Túc Yết, Ban Quý Tế công bố sắp đến giờ Tý, chuẩn bị Lễ Xây Chầu, ông Hai Phú đã được rước đến từ lúc chạng vạng, được sắp xếp nằm nghỉ trong một phòng riêng, trịnh trọng xuất hiện trong chiếc áo rộng xanh, đội khăn đóng đen. Da mặt ông Hai tuy xanh xao vì bệnh nhưng ánh mắt vẫn tươi tắn và nụ cười luôn nở trên môi trước mọi người.

 

Trống chiêng nổi lên, giờ làm lễ bắt đầu. Lễ Xây Chầu đêm ấy thật đúng như bài bản mà tôi đọc được trong sách của các nhà nghiên cứu sau này.

 

Trước hết là việc chọn giờ làm lễ. Đa số đình thần Nam bộ đều chọn giờ chánh Tý, tức 0 giờ, vì quan niệm rằng ngày cũ vừa qua, ngày mới bắt đầu, là lúc “Âm lão Dương khởi”. Các thành viên trong Ban Quý Tế có nhiệm vụ như đánh chiêng, mõ, trống, ban Lễ sinh, ban nhạc lễ…chuẩn bị sẵn sàng, Các vị còn lại đứng xếp hàng chỗ bàn Nghi trước sân khấu.

 

Sau lời xướng của lễ sinh, viên Chấp Sự, tức ông Hai Phú và các thành viên có nhiệm vụ thi hành các việc sau: Đầu tiên là khởi khánh lịnh, tức đánh khánh, khởi cổ lịnh (đánh trống), khởi minh chinh (đánh chiêng), khởi thái bình (đánh mõ), khởi đại cổ (đánh trống lớn), mỗi loại đánh 3 hồi 3 dùi. Ban nhạc lễ xổ bát cấu rước ông Hai, theo sau có 2 lễ sinh trợ lý, đến đốt cháy cây nến đỏ trên giá trống Xây Chầu. Xong, ông Hai kính cẩn quỳ trước bàn Nghi. Ông rót rượu ra 3 chung, đốt 3 nén nhang, xá 3 xá. Ban nhạc lễ đến trước bàn Nghi, phía dưới đất, diễn tấu bài “Nghinh thiên tiếp giá”. Ông Hai lạy thần 4 lạy rồi bưng chén nước để ngang trán gật nhẹ 3 gật, nhúng bông huệ vào chén nước rẩy tượng trưng 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và rẩy lên dùi trống để Xây Chầu. Động tác nầy gọi là “Tẩy trượt” (rửa sạch điều dơ bẩn) hay còn gọi là “Ngũ sái tống ương” (5 lần rẩy nước đẩy lùi tai ương).

 

Sau đó, ông Hai để chén nước xuống bàn Nghi, nhặt roi chầu đưa ngang trán gật nhẹ 3 gật rồi đọc lời khấn trong lúc 2 lễ sinh vẫn đứng hầu 2 bên giá trống. Lời khấn ấy sau này tôi có tìm hiểu và ghi lại như sau:

 

“Hôm nay ngày… tháng… năm… âm lịch, đáo lệ Kỳ Yên đình… Đệ tử tên…, …tuổi, thay mặt nam, phụ, lão, ấu xã nhà, thành tâm khấn nguyện Linh Thần gia hộ cho đệ tử tinh thần minh mẫn, thể lực tráng kiện để cử hành lễ Xây Chầu được trọn vẹn, đem lại cho thôn ấp phong điều võ thuận, quốc thới dân an, an cư lạc nghiệp. Cẩn cáo!”

 

Đọc xong, ông Hai lạy 4 lạy, xá

 

4 xá, thỉnh roi chầu đến giá đặt trống, trịnh trọng dỡ miếng vải đỏ ra, xếp lại làm tư cuốn vào gốc roi chầu, tay phải nắm chặt lại, tay trái vén tay áo rộng bên phải lên cho gọn, nhìn thẳng vào mặt trống. Giai đoạn vẽ bùa căng thẳng, nhuốm đầy vẻ linh thiêng. Tôi rất thích thú và hiếu kỳ với hành động hết sức kỳ bí của ông Hai nên về sau đã bỏ thời gian tìm hiểu rất kỹ từng động tác, từng chữ bùa và ý nghĩa của nó. Giờ xin kể lại để chia sẻ cùng bạn đọc.
Ông Hai tập trung cao độ, nín thở, định thần, dùng roi chầu làn bút, vẽ bóng xuống mặt trống, xổ xuống 4 lần, gạch ngang 5 lần. Đó là 4 chữ bùa “Tứ Tung Ngũ Hành”. Đây là việc làm vô cùng quan trọng không thể thiếu trong lễ Xây Chầu. Con số 4 cộng với 5 thành 9. Số 9 biểu trưng cho Dương, tức Dương khởi. Phía dưới mấy chữ bùa này ông vẽ thêm chữ “Thạnh”, đoạn lui lại 3 bước, ông Hai dùng roi chầu vẽ bóng xuống đất 2 chữ “Sát Quỷ” rồi dùng bàn chân phải đạp lên mấy chữ ấy. Ông lại tiếp tục đâu 2 gót chân với nhau tạo thành chữ “Nhân”. Đến phần lễ “Động Cổ”. Giai đoạn này chia làm 3 phần, “Động Cổ Đệ Nhất Cấp”, “Kích Cổ Đệ Nhị Cấp”“Đả Cổ Đệ Tam Cấp”.

 

Bước một “Động Cổ Đệ Nhất Cấp”, ông Hai ngó thẳng về phía trước, định tâm định thần hét lớn:

 

- Nhứt động cổ “Khai Thông Thái Cực” (ông đánh trống 3 tiếng nhỏ, 1 tiếng lớn).

 

- Nhị động cổ “Hòa Hợp Lưỡng Nghi” (đánh 3 tiếng nhỏ, 2 tiếng lớn).

 

- Tam động cổ “Sinh hóa Tam Tài” (đánh 3 tiếng nhỏ, 3 tiếng lớn).

 

Sang bước thứ 2 là phần “Kích Cổ Đệ Nhị cấp”, ông Hai đọc thiệu 3 lần, đánh 3 hồi trống, đánh theo kiểu “Tiền bần Hậu Phú”, tức trước chậm sau mau, trước ít sau nhiều, vừa đánh vừa đếm nhẩm cho đủ số quy định.

 

Ông lại tập trung sức lực, hét lớn:

 

- Nhứt Kích Cổ Thông Thiên “Phong Điều Võ Thuận” (đánh 36 tiếng trống cho vang 36 từng Trời)

 

- Nhị Kích Cổ Triệt Địa “Quốc Thái Dân An” (đánh 72 tiếng trống cho vang 72 tầng Địa Phủ)

 

- Tam Kích Cổ Hòa Nhân “An Cư Lạc Nghiệp” (đánh 108 tiếng trống Thông Thiên Triệt Địa)

 

Giai đoạn này nhằm tác động cho Trời hanh thông, Đất thông suốt, Đất Trời hòa hợp nhau sẽ đi đến

 

“Hòa Nhân” là làm cho con người hòa thuận, yêu thương nhau (đánh 3 hồi trống)

 

Qua bước thứ 3 “Đả Cổ Đệ Tam Cấp”, ông Hai Phú rục trống chầu 2 tiếng “rục rục”, ban nhạc của gánh hát bội trả lời 3 tiếng trống chiến “ rục rục rục” như kính cẩn báo hiệu sự có mặt trong lễ cúng. Ông Hai lại đánh 3 lần, mỗi lần 3 tiếng theo kiểu gióng trống ba (ba hồi thùng thùng,,,thùng), trống chiến đoàn hát tiếp theo (đuôi trống chầu, đầu trống chiến). Ông Hai ra lịnh cho 2 lễ sinh khiêng trống chầu xuống đất, đặt ở góc phải từ ngoài nhìn vào sân khấu.

 

Sau cùng, ông Hai “rục” một tiếng trống chầu thật lớn cho trống chiến ngừng lại. Rồi ông hô lớn:

 

- Truyền nhạc công, ca công tiếp lễ khai tràng!

 

Ở hậu trường phía sau võ ca, đào kép đồng thanh “Dạ” lớn. Rồi trống chiến, kèn lá nổi lên mở đầu lớp “Khai Tràng”. Gánh hát đánh 3 hồi trống lịnh để bắt đầu lễ Đại Bội, một nghi lễ rất hay và ý nghĩa trong sân khấu cổ truyền mà chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu sau.

 

Đến đây nghi lễ Xây Chầu kết thúc. Vai trò Chấp Sự của ông Hai có thể giao lại cho bất kỳ người nào. Nhưng mọi người chờ đợi rất lâu vẫn không thấy ông giao roi chầu. Linh cảm có chuyện chẳng lành, bà con xúm lại gần lay gọi. Ông Hai vẫn ngồi bất động, mặt cúi xuống nhìn vào mặt trống.

 

Ông Hai Phú đã ra đi sau khi vắt kiệt sức mình cho một Lễ Xây Chầu cầu quốc thái dân an.
Khánh Văn
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 79)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 145
  • Hôm nay: 9341
  • Tháng hiện tại: 938679
  • Tổng lượt truy cập: 65877031