NHÂN KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY RA ĐỜI SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG (15/3/1918 - 15/3/2018) Một thế kỷ sân khấu cải lương: Đỉnh cao của nghệ thuật đờn ca tài tử

Đăng lúc: Thứ tư - 11/07/2018 13:40
Người ta có thể dễ dàng nhất trí rằng ngày ra đời sân khấu cải lương Việt Nam là 15/3/1918. Như thế, đến ngày 15/3/2018 là vừa tròn 100 năm. Về địa điểm ra đời của sân khấu cải lương cũng không ai dám bắt bẻ là tại rạp Thầy Năm Tú gần chợ Mỹ Tho, sau đổi thành rạp Vĩnh Lợi, rồi rạp Tiền Giang, nay gọi lại tên cũ là “Rạp Thầy Năm Tú”. Thế là quá rõ rồi. Tiền Giang có thể tự hào là cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam, đã có tuổi đời của loại hình nghệ thuật sân khấu mới mẻ cho Nam Bộ và Việt Nam vừa tròn một thế kỷ.

Đã có nhiều bài viết của nhiều tác giả, nhiều sách của nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến hiện tượng đờn ca tài tử và cải lương ở Nam Bộ - món ăn tinh thần đặc biệt và đặc sắc của cư dân vùng đất mới (Nam Bộ) trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt: Đất nước đã bị ngoại xâm, triều đình Huế đã tỏ ra bất lực trước sức mạnh súng đạn của nước ngoài, nhân dân ở vùng đất này vốn đã xa triều đình, sau bao cuộc nổi dậy bị dập tắt, nhà vua bị đày, một số phong trào của các sĩ phu yêu nước chưa mang lại kết quả, vì thế mà càng lo lắng cho tương lai đang mờ mịt của mình. Có lẽ một loại hình nghệ thuật phù hợp với điều kiện lịch sử và tâm trạng của người dân mất nước đã ra đời, đáp ứng được nhu cầu về nhiều mặt của cư dân vùng đất mới. Trước hết là giai điệu, có thể chuyển tải những tâm tư, tình cảm của mọi giới và khả năng phản ánh hiện thực của loại hình  trong bối cảnh lịch sử đặc biệt này.

Ai cũng biết đờn ca tài tử có nguồn gốc từ nhạc cung đình. Nhạc cung đình đi vào Nam Bộ chủ yếu bằng cách truyền dạy từ các nhạc quan của triều đình Huế trong phong trào Cần Vương (từ năm 1885) và một số người có điều kiện du học đất Huế. Tuy nhiên, nhạc cung đình Huế khi theo các nhạc quan và một số người ra đất thần kinh du học và “du nhập” nghề đờn đến Nam Bộ đã thì có nhiều chỉnh biên, cải biên, làm cho nhạc lễ ở vùng đất mới có sự đơn giản hơn, cả về quy mô, cấu trúc dàn nhạc và hệ thống bài bản. Đó là nhìn về đại thể, chứ ở Nam Bộ, theo Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thời Tự Đức cho biết sau lần trùng tu Văn Thánh Miếu  năm 1794 ở Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay) rằng: “Khi đầu Trung Hưng vua thường đến tế lễ đặt năm lễ sanh, 50 phiếu phu”. Lễ thì phải có nhạc lễ, chưa rõ đội nhạc lễ phục vụ vua đến tế lễ có đưa từ cung đình hay có sự phối hợp với nhạc lễ ở Trấn Biên?  Cho dù thế nào thì ở Nam bộ nhạc lễ đã có mặt rất sớm.
 

Hí viện Vĩnh Lợi xưa là rạp Thầy Năm Tú (Lý Công Uẩn, phường 1,TP. Mỹ Tho)

Có thể nói nhạc tài tử Nam bộ là một quá trình tiếp thu các dòng âm nhạc truyền thống như nhạc lễ, nhạc cung đình, nhạc thính phòng Huế, nhạc sân khấu hát Bội, nhạc dân ca Nam Bộ... với sự sáng tạo không ngừng của nhân dân Nam Bộ, trong đó có sự cống hiến đặc biệt của những tài năng âm nhạc mà sau này được tôn vinh là hậu tổ đờn ca tài tử ở các khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ với những tên tuổi như nghệ nhân - nhạc sư Nguyễn Quang Đại (thường gọi ông Ba Đợi), nghệ nhân - nhạc sư Lê Tài Khí (thường gọi ông Nhạc Khị). Nhìn sâu hơn không thể không kể tới những đóng góp đáng kể của tiến sĩ Phan Hiển Đạo và Tôn Thọ Tường ở Định Tường (nay là Tiền Giang) du học và “du nhập” nhạc cung đình và truyền bá từ năm 1856 những bài bản trong liên khúc “Thập thủ liên hườn” (tức 10 bài ngự) hoặc các bài bản như Lưu Thủy, Phú Lục, Cổ Bản, Nam Bình, Nam Ai, Nam Xuân, Tứ Đại Cảnh, Hành Vân... từ vùng Vĩnh Kim rồi sau đó lan rộng ra các tỉnh xung quanh. Sự truyền bá ấy diễn ra khá sớm, trước khi có làn sóng của các nhạc quan triều đình Huế đi về phía Nam trong phong trào Cần Vương, sau khi kinh thành Huế bị thất thủ năm 1885. Nhưng cũng phải nói sự đóng góp to lớn và quan trọng của nghệ nhân, nhạc sư Ba Đợi (1855 -...?) một người hoạt động chuyên nghiệp trong dàn nhạc cung đình Huế, khi vua Hàm Nghi xuất bôn (khoảng năm 1885), ông theo phong trào Cần Vương vô Nam truyền dạy nhạc lễ (được chấn chỉnh từ nhạc cung đình Huế) và nhạc tài tử. Trong nhạc tài tử, ông đã làm cuộc cách mạng  cải cách nhịp thức để tách ảnh hưởng ca nhạc Huế, định hình và làm phong phú hóa bài bản. Đóng góp to lớn ấy rất đáng ghi nhận khi nói về nhạc tài tử Nam Bộ.

Với sân khấu cải lương, như chúng ta biết, cải lương hình thành từ nhạc tài tử (đờn ca tài tử), nhưng khi đờn ca tài tử xuất hiện ca ra bộ (ca có điệu bộ) cũng là lúc manh nha nghệ thuật cải lương, vì cải lương chỉ ra đời khi có ca ra bộ cùng với tuồng tích và... sân khấu. Vậy thì nơi nào ở Nam Bộ có điều kiện để ra đời sân khấu cải lương? Có thể nói ngay rằng: Mỹ Tho là nơi đáp ứng những điều kiện ấy. Vì Mỹ Tho vào đầu thế kỷ XX là một vùng đất trù phú nổi tiếng, đông dân cư. Nhà thơ Học Lạc (1842 - 1915) mô tả Mỹ Tho như sau: “Phố cất vẽ vời xanh tợ lục/ Buồm dong lên xuống trắng như cò/ Đắc tình trạo tử quên mưa nắng/ Dắn dỏi đưa nhau tiếng hát hò”. Mỹ Tho được cho là “vùng đất có dân trí cao” (Sơn Nam). Năm 1906, xe hơi được nhập vào Sài Gòn, người đầu tiên của Việt Nam mua xe hơi là Châu Văn Tú, thường gọi là Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, quê gốc ở làng Vĩnh Kim Đông (nay là xã Vĩnh Kim) mua vào năm 1907. Ông cho xây dựng rạp Cải Lương đầu tiên của Việt Nam (sửa từ rạp Casino). Nhà văn Bình Nguyên Lộc trong tập truyện Thời Thế có đoạn “Nhưng khoe xứ Mỹ Tho ra thì hách một cây, bởi thuở ấy Cần Thơ chưa to thì cái thành phố hạng ba Việt Nam, sau Sài Gòn và Hà Nội là Mỹ Tho rồi, chớ không còn tỉnh nào hơn được.” Sau khi Ban tài tử Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) được đi trình diễn tại Hội chợ Thuộc địa - Maseille (Pháp) năm 1906 và được đờn ca trên sân khấu, từ đó, một số Ban nhạc tài tử có ca ra bộ. Riêng cô Ba Đắc của Ban tài tử Nguyễn Tống Triều có tài diễn xuất một lúc 3 nhân vật: Bùi Kiệm, Bùi Ông và Nguyệt Nga, là tác phẩm ca ra bộ đầu tiên của Trương Duy Toản, từ đó khơi nguồn cho các soạn giả đặt những bài ca có đối đáp - một yếu tố cho điệu cải lương sau này. Thầy Năm Tú nhân cơ hội này đưa hẳn đờn ca tài tử có ca ra bộ lên sân khấu để thu hút khách, bèn hợp đồng với Ban tài tử Tư Triều mỗi tuần diễn 2 tối (thứ tư và thứ bảy) trước khi hát bóng và được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt.

Hình thức ca ra bộ ngày càng được nâng cao, năm 1917 thầy Andre Thận quyết định dẹp gánh xiếc để thành lập gánh hát (lúc này chưa gọi là cải lương) và mời ông Trương Duy Toản về dựng vở Lục Vân Tiên (lúc này gọi là “Thầy tuồng” chứ chưa gọi là đạo diễn, còn nhạc sĩ gọi là “Thầy đờn”) đây là thời điểm xuất phát để tiến tới hình thành sân khấu cải lương. Đầu năm 1918, Thầy Năm Tú chuyển hướng thành lập gánh hát, vào thời điểm này thì gánh Thầy Thận tan rã, các đào kép chạy sang gánh Thầy Năm Tú. Được dịp, Thầy Năm Tú thuê họa sĩ vẽ cảnh trí, sơn thủy, cho người may màn nhung, mua thêm nhạc cụ phương Tây. Ông Trương Duy Toản dựng ngay tuồng “Kim Vân Kiều”. Gánh hát Thầy Năm Tú thực sự là gánh hát “đại quy mô” của thời bấy giờ.

Biểu diễn trích đoạn cải lương hàng tuần tại rạp hát Thầy Năm Tú

Ngày 15/3/1918, Thầy Năm Tú khai trương bảng hiệu “GÁNH HÁT THẦY NĂM TÚ MỸ THO” và tối hôm ấy ra mắt vở diễn cải lương đầu tiên là “Kim Vân Kiều”. Vở cải lương kéo dài tới 3 đêm. Từ rạp Cinéma - Théâtra đổi thành “Rạp hát Thầy Năm Tú Mỹ Tho”, đánh dấu sự ra đời của nền nghệ thuật cải lương Việt Nam, và rạp hát Thầy Năm Tú Mỹ Tho là rạp cải lương đầu tiên của Việt Nam.

Từ sự kiện này mới thấy vai trò của Thầy Năm Tú trong việc ra đời một loại hình sân khấu mới mẻ không chỉ riêng cho Nam Bộ mà còn cho cả nước - một loại hình ca kịch, khi mà chính ông với nỗ lực để cho ra đời loại hình sân khấu mới từ một rạp Cinéma của mình; mới thấy vai trò của Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) với việc được đi trình diễn tại hội chợ thuộc địa Maseille (Pháp) để khi trở về nhiều ban nhạc tài tử trình diễn với hình thức ca ra bộ, mà Ban nhạc của Nguyễn Tống Triều phát triển lên đỉnh cao, tạo điều kiện để gánh của Thầy Năm Tú cho ra đời vở cải lương đầu tiên để đánh dấu một cái mốc quan trọng  mở đầu cho một loại hình sân khấu mới - sân khấu cải lương ở Việt Nam.

Lịch sử sẽ đi qua nhưng những cống hiến to lớn trong việc phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương luôn được người đời sau ghi nhận.

Hoài Giang
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 85)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 369
  • Khách viếng thăm: 367
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 35728
  • Tháng hiện tại: 1487173
  • Tổng lượt truy cập: 45454406