Huyền sử Rạch Gầm đến với khán giả Bạc Liêu

Đăng lúc: Thứ sáu - 04/12/2015 10:46
Cuộc thi Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 diễn ra ở Bạc Liêu từ ngày 6 đến 23-11, được đánh giá là cuộc thi lớn nhất từ trước đến nay, với 33 vở và hơn 1 ngàn diễn viên của 27 đơn vị tham gia.

Đoàn Tiền Giang tham gia vở cải lương Huyền sử Rạch Gầm của soạn giả Huỳnh Anh, đạo diễn Tấn Lộc và Lê Trung Thảo, đã đoạt 4 Huy chương cá nhân, trong đó 2 Huy chương Vàng được trao cho diễn viên Nhơn Hậu (vai Hiền) và Đào Vũ Thanh (vai Nguyễn Huệ); 2 Huy chương Bạc được trao cho Kiều Quốc Tâm (vai Tám Dư) và Hoài Nhung (vai bà Tư), để lại dấu ấn khó quên trong lòng khán giả Bạc Liêu.

Nguyễn Huệ (do Đào Vũ Thanh thủ vai) cùng quân Tây Sơn và nhân dân Mỹ Tho trên chiến thuyền chuẩn bị tấn công quân Xiêm.
Nguyễn Huệ (do Đào Vũ Thanh thủ vai) cùng quân Tây Sơn và nhân dân Mỹ Tho trên chiến thuyền chuẩn bị tấn công quân Xiêm.

Đêm 22-11 - đêm cuối của cuộc thi, tôi đến xem Đoàn Tiền Giang thi diễn vở Huyền sử Rạch Gầm. Từng tốp người lần lượt đi vào nhà hát mới xây (3 tầng gồm 1 trệt, 2 lầu), khán phòng trên 850 ghế, còn hơn nửa tiếng màn nhung mới mở mà có khán giả phải ngồi dưới bậc thềm.

Một khán giả khoảng 70 tuổi nói với tôi: “Cô ơi giữ giùm ghế cho bác, để bác đi xin tấm giấy quảng cáo tuồng. Bữa nay sợ đi trễ hết ghế nên bác lật đật vô đây sớm!...”. Bà chen ra ngoài một lúc, trở vào với nụ cười hài lòng vì trên tay có tờ giới thiệu vở diễn và diễn viên của Đoàn Tiền Giang. Qua bà, tôi biết thêm, suất diễn nào cũng đông khán giả, cho thấy thế hệ hậu bối của quê hương bác Sáu Cao Văn Lầu còn rất mê cải lương.

Đúng 20 giờ, tấm màn sân khấu mở ra, cùng lúc với lời giới thiệu vang lên từ hậu đài và một tràng vỗ tay rào rào từ phía khán giả. Từ đó, mỗi lần diễn viên vô một bản vắn hay xuống “hò” của câu vọng cổ hoặc hết một lớp diễn… thì tiếng vỗ tay lại đồng loạt vang lên.

Tất cả già, trẻ, gái, trai ngồi xem chăm chú, khi đèn tắt để chuyển cảnh họ mới quay lại thì thầm bàn tán về vở diễn, phân tích về nhân vật, về lối diễn của từng diễn viên… Thấy vậy, tôi thầm khen phong cách văn hóa của khán giả ở đây.

Bác Trương Văn Nhơn (75 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) nói: “Bác lên đây ở nhờ nhà đứa cháu cho gần rạp hát. Đã lâu mới được coi lại những tuồng cải lương đầy đủ lớp lang, cảnh trí đẹp. Từ bữa khai mạc tới giờ, tụi nhỏ thay nhau đưa bác đi xem.

Ngày xưa các nghệ sĩ Phùng Há, Năm Châu, Bảy Nam… là người Tiền Giang rất tài giỏi, nên bác nán lại thêm bữa nay để coi lớp trẻ Tiền Giang hát có hay như các nghệ sĩ năm xưa không?...”. Một lúc sau, bác bộc bạch thêm: “Từ hồi nhỏ, bác mê mấy tuồng cổ như vầy lắm. Nãy giờ bác thấy mấy cháu trẻ có đủ thanh, sắc, diễn hay quá và người viết tuồng này cũng hay nữa!”.

Sân khấu bắt đầu cảnh mới: Cảnh cô Hiền (nghệ sĩ Nhơn Hậu) lộng lẫy trong chiếc áo phu nhân Chiêu Tăng (tướng giặc Xiêm) về thăm nhà và bà Tư (má của Hiền) - bà mẹ Nam bộ (nghệ sĩ Hoài Nhung) đã lột tả nỗi niềm trắc ẩn của 2 thế hệ phụ nữ Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, gây xúc động khán giả, hàng trăm con người như lắng đọng với từng lời thoại, câu ca ngọt ngào cùng với lối diễn nhập tâm của Nhơn Hậu, Hoài Nhung, Lâm Ngân (vai Út Hải) và dường như tiếng vỗ tay khi kết thúc lớp diễn này lớn hơn, dài hơn.

Hải My - cô sinh viên năm thứ 3 ngành Sư phạm Toán, Trường Đại học Bạc Liêu đưa điện thoại lên chụp hình lên tục và khi biết tôi là người Tiền Giang, cô quay lại hỏi thăm: “Chị ơi, địa danh Rạch Gầm - Xoài Mút và Năm Thôn ở tại Mỹ Tho hả chị?”.

Tôi diễn giải: “Chiến tích Rạch Gầm - Xoài Mút năm xưa, nay là điểm du lịch của Tiền Giang, ở xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, nằm cạnh sông Tiền nơi xảy ra trận đánh; còn Năm Thôn là địa danh của xã cù lao Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, nay được mệnh danh là “Vương quốc sầu riêng”, cũng là điểm du lịch sinh thái. Trong vở cải lương nhắc tới địa danh Mỹ Tho, nay là Tiền Giang đó em”. Cô bé háo hức nói: “Nếu có dịp em sẽ đến thăm những nơi này”.

Đèn sân khấu lại sáng, tiếng vỗ tay vang lên chào đón Đào Vũ Thanh (vai Nguyễn Huệ) áo mão oai phong xuất hiện giữa ba quân trên chiến thuyền chuẩn bị tấn công vào doanh trại quân Xiêm…

Thành công của vở diễn không chỉ là những chiếc huy chương, mà còn có hiệu ứng tích cực từ phía khán giả và đêm tổng kết tôi cảm thấy tự hào hơn khi vinh danh nhận Huy chương: Nhơn Hậu, Đào Vũ Thanh, Kiều Quốc Tâm và Hoài Nhung của Tiền Giang cùng đứng chung với các nghệ sĩ nổi danh của cả nước: Thanh Ngân, Quế Trân, Thanh Nam…

Màn nhung khép lại, những đợt vỗ tay và khán giả mang hoa tràn lên sân khấu tặng nghệ sĩ, xin chụp hình lưu niệm. Người người ra về với nét mặt “no say” sau bữa “tiệc cải lương thịnh soạn”.

Một đêm “tắm mình” trong tiếng đờn, lời ca của những danh cầm và nghệ sĩ “vàng” của tỉnh nhà trong một khán phòng hiện đại, mát mẻ với máy điều hòa mà không tốn tiền mua vé. Lâu lắm mới thấy lại hình ảnh khán giả xem cải lương chật cả rạp mà trật tự, lịch sự và xem đến hết tuồng vẫn còn đứng lại như nuối tiếc.

Bất giác tôi chợt nghĩ: Nên chăng, vở Huyền sử Rạch Gầm có một vài suất diễn tại rạp Thầy Năm Tú cho khán giả Tiền Giang đến xem và Tiền Giang cũng nên đăng cai cuộc thi cải lương chuyên nghiệp như thế này để “hâm nóng” vùng đất truyền thống cải lương của mình.

Ngọc Lệ
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 277
  • Khách viếng thăm: 270
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 14665
  • Tháng hiện tại: 535945
  • Tổng lượt truy cập: 60886083