Lễ Đại Bội trong hát bội đình làng Nam bộ

Đăng lúc: Thứ hai - 25/09/2017 15:31
Lễ Xây Chầu, Đại Bội và Tôn Vương là những lễ không thể thiếu trong những đêm hát cúng đình từ xưa đến nay dù theo thời gian và điều kiện tổ chức ở mỗi nơi có khác nhau đôi chút.
Trong dân gian có câu “Đuôi Xây Chầu, đầu Đại Bội” để nói lên hai lễ Xây Chầu và Đại Bội tiếp liền nhau. Lễ Xây Chầu do Ban Hội Hương đình làng tổ chức, chọn một người lớn tuổi có uy tín trong làng đứng ra cầm roi chầu điều khiển buổi lễ gọi là viên Chấp Sự. Lễ Đại Bội được điều khiển bởi ông trưởng gánh hát và do đào kép thực hiện.

Nếu nghi thức cúng kiếng của lễ Xây Chầu được thể hiện bằng những hồi và những tiếng trống thì trong lễ Đại Bội nghi thức ấy được thể hiện qua các hình tượng nghệ thuật cùng lời ca và lối diễn xuất của đào kép gánh hát.

Thuở nhỏ, tôi thường theo ba tôi đi xem hát bội trong những dịp lệ Kỳ Yên đình làng. Hình ảnh của lễ Đại Bội đã tạo cho tôi những ấn tượng sâu đậm nhất mà hơn nửa thế kỷ qua vẫn chưa quên dù một chi tiết nhỏ. Bởi lễ Xây Chầu diễn ra chỉ bởi một ông Chấp Sự cao tuổi đứng bên chiến trống chầu. Nó chỉ thực sự thu hút những người từng tìm hiểu Kinh Dịch với quy luật âm dương của triết học Đông Phương và hiểu cách thể hiện ý tưởng qua những tiếng trống. Còn lễ Đại Bội được thể hiện trên sân khấu bằng những con người cụ thể với sự tổng hợp của lời ca, điệu bộ, hóa trang, y trang của diễn viên kết hợp với âm nhạc, vũ đạo, âm thanh, ánh sáng rực rỡ đầy sức hấp dẫn.

Lễ  Đại Bội có nguồn gốc từ cung đình. Mỗi khi trong đại nội có tổ chức đại lễ thường bày cuộc diễn tuồng giúp vui, trước khi diễn tuồng là lễ Đại Bội, nội dung chúc tụng vua quan. Các đình thần Nam Bộ bắt chước lễ này nhưng được thu hẹp trong phạm vi làng xã và những lời chúc tụng không phải cho vua quan mà cho dân làng.

Lễ Đại Bội hình tượng hóa các nội dung triết lý của lễ Xây Chầu với các nghi tiết: “Nhứt thái”, “Lưỡng nghi”, “Tam tài”, “Tứ tượng”, “Ngũ hành”,  “Bát quái”.

Lễ Đại Bội bắt đầu bằng một hồi trống. Không khí linh thiêng phủ trùm đình làng, hàng trăm khán giả ngước nhìn về sân khấu, tất cả hồi hộp chờ đợi. Các nghi tiết lần lượt được trình diễn…
 

Một cảnh trong Lễ Đại Bội

1) Nhứt Thái (Nhứt Trụ):

Một ông mặt rằn, mỏ chim, đầu đội ngạch, áo ngạch dơi, quần giáp, chân đi hia, tay cầm bó nhang đốt sẵn xuất hiện. Đó là anh kép hát đóng vai ông Bàn Cổ. Anh múa những động tác quanh sân khấu như mở cửa. Nghi tiết nầy diễn tả cảnh ông Bàn Cổ mở 4 cửa trời, gọi là “khai tứ thiên môn” cho được thông thoáng, sáng sủa, rồi “Xuy động lương phong” tức thả gió bay khắp nơi cho vũ trụ được chan hòa, dịu mát trong ngày khai thiên lập địa.

Anh kép chỉ múa bằng động tác chớ hoàn toàn không có lời nói, sau đó dâng lên đại diện ban Hội Hương ngồi sẵn trước sân khấu bó nhang đốt sẵn để cắm lên bàn Nghi. Thường đại diện ban Hội Hương thưởng cho gánh hát một số tiền. Có gánh hát cho diễn viên sắm vai bàn Cổ cầm

2 bó nhang, 1 bó trao cho đại diện Ban Hội Hương, một bó trao cho người của gánh hát đem vào trong cắm lên bàn thờ Tổ.

2) Nhị Nghi:

Nội dung ca ngợi sự hòa hợp 2 yếu tố Âm Dương tạo nên sự sống. Nghi tiết này gọi là “Xang Nhựt Nguyệt”, “Xang” là múa, “Nhựt Nguyệt” là mặt trời, mặt trăng. Người bình dân gọi là “Xang mặt” tức là điệu múa ca ngợi mặt trời, mặt trăng.

Nghi tiết này do 2 diễn viên

1 nam, 1 nữ đảm nhận. Nam diễn viên đóng vai Thái Dương Thiên Tử, mặt đỏ, râu bạc năm chòm, đội mão Cửu Long, áo bào đỏ, quần giáp, chân đi hia, tay cầm 1 cái chén có bịt vải đỏ, trong chén bỏ vài đồng xu để khi múa lắc chén tạo tiếng kêu “leng keng” - Bịt vải đỏ tượng trưng cho mặt trời. Diễn viên nam ra múa những động tác quy định với ý nghĩa tạo ánh sáng, hơi ấm cho vũ trụ, sau đó lui vào trong.

Diễn viên nữ đóng vai Thái Âm Hoàng Hậu xuất hiện, mặt trắng đẹp, đầu cài trâm hoặc đội nón Cửu Phụng, mặc xỉ-xắn trắng, chân mang tất trắng hoặc tú hài, tay cầm 1 cái chén bịt vải trắng, tượng trưng cho mặt trăng, trong chén cũng bỏ vài đồng xu. Diễn viên nữ múa  những động tác thể hiện ý nghĩa ban ánh sáng dịu mát cho vũ trụ.

Chốc sau hai bên gặp nhau, vừa múa vừa cho 2 cái chén chạm vào nhau 3 lần. Động tác này tượng trưng cho “Âm Dương hòa hợp” hay còn gọi là “Nhựt Nguyệt tương tác” để sinh hóa vạn vật.

Nghi tiết này cũng chỉ múa mà không hát. Ban Hội Hương cũng lên thưởng cho một số tiền.

3) Tam Tài:

Sân khấu xuất hiện 3 diễn viên nam sắm vai 3 ông Phước Lộc Thọ, gọi là “Tam Tinh chúc Thọ” (Ba vì sao chúc thọ), hay “Tam Hiền” (Ba ông Hiền), hay “Tam Đa” (đa Phước, đa Lộc, đa Thọ). Khác với 2 nghi tiết trước, nghi thức này chỉ ca mà không múa.

Ông Phước mặt trắng đẹp, râu đen 5 chòm, đội mão đằng cân, áo viên bào, quần giáp, chân hia,1 tay cầm quạt, 1 tay bế hài nhi (búp bê) tượng trưng cho có phước, tức có con. Ông Lộc mặt trắng đẹp, râu đen 5 chòm, đội mão bình thiên, mặc cẩm bào, quần giáp, chân đi hia, tay cầm quạt, 1 tay bưng đĩa trái cây tượng trưng “có lộc” hay có “tước lộc” tức làm quan.

Ông Thọ, tóc bạc, mày bạc, râu bạc 5 chòm, bịt khăn đỏ, mặc áo tiên tay rộng, quần lụa, chân đi hài, 1 tay bưng bình bông, 1 tay chống gậy có treo bầu rượu, tượng trưng sống thọ.

Điệu bộ đi đứng của 3 vị này luôn khoan thai, chậm rãi, tỏ rõ phong cách thần tiên. Ba người ra sân khấu cùng một lúc, xếp hàng ngang, xướng 4 câu nói lối, xưng tên và hát khách. Nội dung bài hát cầu chúc dân làng được hưởng Tam Đa, Ngũ Phúc. Xong bài hát, ban Hội Hương cử người đến nhận đĩa trái cây của ông Lộc, bình bông của ông Thọ đem cúng trên Bàn Nghi. Ba vị cúi đầu lễ Thần và chào khán giả rồi vào sau khi nhận tiền thưởng của ban Hội Hương.

4) Tứ Tượng:

Nhằm ca ngợi 4 vị tướng trấn giữ 4 hướng của vũ trụ là Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm (còn gọi là tứ Thiên Vương).

Bốn nam diễn viên mặt trắng đẹp, đầu đội kim khôi, mình đai giáp, lưng mang cờ lệnh, chân đi hia, mỗi người cầm trên tay một tờ liễn cuốn tròn, lần lượt từng người ra sân khấu, chỉ múa mà không hát. Trong mỗi tờ liễn có 4 chữ Hán có nội dung cầu chúc tốt đẹp như “Phong Điều Võ Thuận”, “Quốc Thái Dân An”, “Thiên Hạ Thái Bình”, “An Cư Lạc Nghiệp”, “Hòa Cốc Phong Đăng”. “Thọ Tỷ Nam Sơn”, “Phước Như Đông Hải”… Sau khi múa, 4 diễn viên xổ 4 tờ liễn và trao cho đại diện Ban Hội Hương và nhận tiền thưởng.

5) Ngũ Hành:

Đây là nghi thức cúng các yếu tố hình thành vũ trụ là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, còn gọi là lễ “Đứng Cái”. Nghi nầy gồm 1 diễn viên nam có ngoại hình tốt, chất giọng tốt, đóng vai “Cái” và 4 đào trẻ đẹp đóng vai “Con”. Vai Cái mặc trắng đẹp, đội mão Cửu Long, mặc long bào vàng, quần lụa vàng, chân đi hia, tay cầm quạt. Bốn đào vai Con đầu cài trâm, tay cầm quạt tương ứng màu áo, màu áo 4 người tượng trưng cho tứ thời (4 mùa).

Bốn vai đào con ra trước, lạy thần, đứng xếp hàng ngang, nói lối xưng tên rồi vừa múa vừa hát Nam Xuân nội dung ca ngợi công lao mở nước, giữ nước của toàn dân, ca ngợi cảnh thái bình thạnh trị.

Ban Hội Hương đưa lên sân khấu 1 cái khay, trong khay có 2 cây nến đỏ cháy sẵn, 3 cây nhang đốt sẵn, 1 bình rượu và 3 cái chung.

Vai Cái ra tiếp lấy, rót rượu, đưa khay lên Bàn Nghi, cầm nhang đưa lên trán khấn nhẩm, lạy Thần 4 lạy, cắm nhang vào lư hương trên Bàn Nghi. Bốn đào con chia ra 4 góc sân khấu.

Vai Cái mặc Long bào màu vàng đứng giữa cất giọng nói lối, hát Nam Xuân, các vai nữ hát theo, vừa hát vừa múa. Nội dung bài hát ngày xưa ca ngợi công lao vua chúa, ngày nay các đình làng chỉnh sửa ca ngợi công đức Thần Hoàng Bổn Trạch sở tại cho phù hợp.

Xong nghi tiết, 4 đào vai Con lạy 4 lạy vô trước, kép vai Cái cũng lạy thần 4 lạy rồi vô sau. Ban Hội Hương tặng 5 người 1 bao thơ làm quà.

6) Bát Quái:

Nghi tiết nầy bắt nguồn từ 8 quẻ trong Kinh Dịch: Càn (Trời), Khảm (Nước), Cấn (Núi), Chấn (Sấm), Tốn (Gió), Ly (Lửa), Khôn (Đất), Đoài (Đầm).

Nghi nầy ngày xưa ở cung đình gọi là “Bát Tiên Hiến Thọ”. Trên sân khấu được hình tượng hóa bằng 8 nhân vật Bát Tiên gồm 7 nam và 1 nữ.

Bát Tiên gồm:

+ Hớn Chung Ly: Mặt đỏ, râu đen 5 chòm, đội mão xuân thu, mặc áo tiên tay rộng, thắt lưng, quần giáp, chân đi hia, tay cầm quạt.

+ Trương Quả Lão: Mặt trắng, mày bạc, râu bạc 5 chòm, đội mão bình thiên, mặc áo dao bào, quần giáp, chân đi hia, tay cầm quạt.

+ Hàn Tương Tử: Mặt trắng đẹp, môi son, đầu thắt dúm, áo tiên chít, quần giáp, chân đi thải hài, tay cầm quạt.

+ Tào Quốc Cựu: Mặt trắng, mày bạc, râu bạc 5 chòm, đội mão phương phát, mặc áo dao bào, quần giáp, chân đi hia, tay cầm quạt.

+ Lâm Thái Hòa: Mặt trắng đẹp, môi son, đầu thắt dúm có buột dải ngũ sắc, mặc áo tiên, xiêm trường, quần giáp, chân đi xiểu hài, tay cầm quạt.

+ Lý Thiết Quài:  Lý Thiết Quả, Lý Ngân Vương. Mặt đen, lông mày trắng, râu quặm đen, đầu bịt khăn thả mỏ rìu, áo đen, xắn lên 1 ống tay áo, quần giáp, chân đất. 1 tay chống gậy có treo bầu rượu, 1 tay cầm quạt.

+ Lữ Đồng Tân: Mặt xoa phấn hồng, râu đen 3 chòm, đội mão đằng cân, áo viên bào, xiêm trường, quân giáp, chân đi hia, tay cầm quạt.

+ Hà Tiên Cô: Mặt xoa phấn hồng, đội mão thất phượng, mặc áo củng trắng, xiêm trường hồng, chân đi bít tất trắng, tay cầm quạt.

Ngoài tay cầm quạt, mỗi vị tiên tay bưng 1 dĩa trái cây gồm đào, cam, táo, lê, quế chi, nhân sâm… những thức ngon bổ, ăn vào sẽ được trường thọ. Nghi này chỉ hát, không múa. Tám vị tiên ra sân khấu xếp thành hàng ngang, cúi đầu lễ thần và chào khán giả, mỗi vị xướng 1 câu, nói lối xưng tên, hát Khách, hát Bài. Nội dung các bài hát nhằm chúc tụng dân làng được trường thọ, an khang, hạnh phúc. Lần lượt mỗi vị dâng quả cúng Thần, coi như dâng lộc cho dân làng. Ban Hội Hương cử người nhận lộc và thưởng tiền cho 8 diễn viên.

Trên đây là 6 nghi tiết trong lễ Đại Bội. Tuy nhiên, xong 6 nghi này, ban Hội Hương luôn yêu cầu gánh hát phải diễn thêm 1 nghi phụ là “Quan Gia Tấn Tước ”, gọi theo dân gian là “Ông Địa Dâng Liễn” ý nghĩa ngày xưa là cầu cho dân làng thêm quan, thêm chức tước, ngày nay có thể hiểu là thi cử đỗ đạt, công toại danh thành.

Một diễn viên hài đóng vai Linh Quan Thổ Địa, mang mặt nạ trắng mốc, môi son, có vài chòm râu chuột, đầu đội mão cánh chuồn, mặc áo cẩm bào, quần giáp, chân đi hia, tay cầm quạt (cách  hóa trang khác Ông Địa trong đội lân).

Ông Địa ra sân khấu xá thần linh, chào khán giả rồi diễn những động tác mày mực, vuốt bút lông, đi tới lui suy nghĩ rồi viết liễn, dùng quạt quạt cho khô mực rồi đưa ra 4 chữ “Gia Quan tấn Tước”. Đại diện dân làng tiếp nhận và lì xì cho Ông Địa. Ông Địa lạy Thần 4 lạy rồi vào theo kiểu cách hài cốt tạo những tràng cười vui nhộn trong khán giả.

Xong lễ Đại Bội, khán giả bắt đầu được thưởng thức các tích tuồng ca ngợi những tấm gương trung, liệt, hiếu, nghĩa của các vở hát bội từ xưa đã làm say mê hàng ngàn khán giả trong những lệ Kỳ Yên.

Khánh Văn
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 80)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 94
  • Khách viếng thăm: 88
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 8363
  • Tháng hiện tại: 1459808
  • Tổng lượt truy cập: 45427041