“Miệt vườn cựa quậy…” Và sức sống của một vùng đất

Đăng lúc: Thứ sáu - 11/11/2016 11:39
Nhà thơ, doanh nhân Trần Đỗ Liêm là người đi nhiều, làm việc nhiều nhưng ông lại sống chậm và sống hướng nội. Ông thường chiêm nghiệm về thân phận con người, nhân tình thế thái và ghi chép, lưu giữ thông tin về các biến cố, sự việc mang tính nhân văn của đời sống xã hội để thể hiện qua các tập thơ và tập ký văn học. Trần Đỗ Liêm đã xuất bản 03 tập thơ gồm: N“Đi dọc Việt Nam”, “Quê hương tình yêu” “Cho cau gặp trầu”.  Tháng 11/ 2015, Trần Đỗ Liêm đã xuất bản tập ký văn học: “Miệt vườn cựa quậy…”.  Đây là tập văn xuôi thứ tư sau các tác phẩm văn: “Con người và sông nước Cửu Long”, “Nỗi niềm sông nước”, “Sông nước quê mình”. Tập ký văn học: “Miệt vườn cựa quậy…” của Trần Đỗ Liêm tập hợp 09 tác phẩm ký, trong đó có 2 tác phẩm từng đoạt giải ba và giải khuyến khích Cuộc thi bút ký văn học đồng bằng sông Cửu Long.
Tập kí “Miệt vườn cựa quậy…” của tác giả Trần Đỗ Liêm

Tập kí “Miệt vườn cựa quậy…” của tác giả Trần Đỗ Liêm

09 tác phẩm trong tập ký văn học: “Miệt vườn cựa quậy…” của Trần Đỗ Liêm đã cho thấy, tác giả không chỉ là người ghi chép, dẫn chuyện, mô tả các sự kiện liên quan đến con người, đời sống xã hội mà còn phát hiện, khám phá và thể hiện vẻ đẹp nhân bản của số phận con người và cái đẹp của sự vật, thiên nhiên. Trong các tác phẩm ký của Trần Đỗ Liêm, cái tôi trần thuật của tác giả biểu hiện qua cái nhìn, sự phát hiện về những chiều kích, góc khuất của con người, sự vật và khắc họa bằng ngôn ngữ giàu hình tượng. Cái tôi trần thuật và chính kiến của tác giả tạo nên giọng điệu và bút pháp độc đáo riêng. Đó là giọng điệu của người trong cuộc, tham dự vào sự kiện và mô tả, tái hiện sinh động các sắc màu và bản chất của sự việc. Đó là bút pháp có sự pha lẫn giữa ngôn ngữ sự kiện của tác phẩm ký báo chí và ngôn ngữ hình tượng của tác phẩm ký văn học. Trong tác phẩm ký: “Miệt vườn cựa quậy, chuyển mình… làm gì để cất cánh?”, Trần Đỗ Liêm viết: “Cho đến những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, sông Cửu Long bắt đầu cựa quậy và rồi chuyển mình khá nhanh. Nhưng việc cựa quậy, chuyển mình này không phụ thuộc vào thiên nhiên mà chủ yếu là do con người sinh sống trong hoặc ngoài lưu vực của nó tạo nên.”. Tác giả đã bộc lộ chính kiến, quan điểm của mình về vai trò, tầm vóc của con người mới vùng đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình xây dựng đất nước.  Trong bài ký cùng tên, Trần Đỗ Liêm viết: “Bạn bè bảo tôi là người lạc quan hơn thời cuộc nhưng tôi không cho là như vậy. Tôi là người nhìn trước nhìn sau, nhìn xa so sánh đúng đối tượng và luôn tin tưởng vào dân tộc Việt Nam nói chung và người dân sống quanh tôi. Tôi tin họ sẽ làm nên những huyền thoại mới, cũng như trong thế kỷ 20 họ đã làm ra các huyền thoại khiến thế giới phải kính cẩn nghiêng mình cảm phục.”. Thông qua cái tôi trần thuật và cái tôi chính kiến, Trần Đỗ Liêm đã có cái nhìn biện chứng và bộc lộ sự lạc quan, tin tưởng về sức mạnh của dân tộc và sự tiềm tàng của sức dân trong đời sống xã hội hiện nay.

Cái tôi trần thuật và cái tôi chính kiến trong các tác phẩm ký của Trần Đỗ Liêm có sự hòa quyện, đan xen, vừa bộc lộ sự hiểu biết sâu sắc của tác giả về sự việc, vừa bộc lộ cái nhìn, quan điểm của ông về những vấn đề xã hội, nhân văn. Nét nổi bật, độc đáo trong hầu hết tác phẩm ký văn học của Trần Đỗ Liêm là cái tôi chính kiến của tác giả được biểu hiện sâu sắc và thuyết phục. Trong bài ký: “Nơi chiến tranh ở lại”, Trần Đỗ Liêm viết: “Trong chiến tranh người chiến sĩ bị vũ khí bom, đạn gây thương tích cho cơ thể thì được công nhận là “thương binh”, trong khi những người chiến sĩ khác bị chất độc hóa học da cam dioxin cũng là một thứ vũ khí của địch thì lại gọi là “nạn nhân chất độc da cam” và hưởng chế độ thấp hơn không chính ngạch như vậy liệu có công bằng? Rồi con cái của họ sinh ra cũng chỉ là nạn nhân như con bao người khác không tham gia trực tiếp cuộc kháng chiến?”. Trần Đỗ Liêm bộc lộ cái nhìn nhân bản và phát hiện góc khuất liên quan đến nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam. Nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam cũng chính là nỗi đau của dân tộc Việt Nam thời kỳ chiến tranh và vẫn còn những câu hỏi sinh ra từ nỗi đau của họ chưa có lời giải đáp.

Ký văn học mang đặc trưng khác ký báo chí ở tính thẩm mỹ, tính nhân văn được thể hiện qua hình thức ngôn ngữ và cách thức thể hiện nội dung của tác phẩm. Trong một số tác phẩm ký, ngoài việc mô tả sự việc, Trần Đỗ Liêm thường phát hiện vẻ đẹp thi vị của sự vật và thể hiện bằng ngôn ngữ giàu chất thơ. Tác phẩm ký của Trần Đỗ Liêm không chỉ mang tính thông tin sự việc mà còn mang đến cho người đọc những cảm xúc thẩm mỹ bay bổng, sâu lắng: “Chiều xuống, hoàng hôn rải khắp mặt sông Tiền, sóng gợn lấp lánh như một dòng thủy ngân khổng lồ từ thượng lưu nhẹ nhàng trôi về đầu cồn Tân Long (Thành phố Mỹ Tho) rồi chia thành hai ngả chảy ra biển Đông… Dây văng cầu Rạch Miễu như hai chiếc nón xếp hàng ngang sông, thân cầu như dải quai nón căng ngang mềm mại lung linh theo ánh hoàng hôn đang lùi dần xuống chân trời…”.

Ngoài hai bài ký: “Nhà Bác đầu thu” và “Bác luôn hiển hiện trong cuộc sống của tôi” khắc họa chuyến thăm của tác giả đến Phủ Chủ tịch và thể hiện tấm lòng kính yêu đối với Bác Hồ, các tác phẩm ký còn lại của Trần Đỗ Liêm chủ yếu khắc họa về vẻ đẹp tính cách con người và vẻ đẹp, sức sống vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tác phẩm ký văn học: “Miệt vườn cựa quậy…” của Trần Đỗ Liêm cuốn hút người đọc không chỉ ở sự phát hiện, khám phá của tác giả về chiều sâu của sự vật và số phận nhân vật mà còn hấp dẫn bởi tác giả đã thể hiện quan điểm, chính kiến mang tính nhân văn về những vấn đề đang được xã hội quan tâm.

Võ Tấn Cường
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 30)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 87
  • Hôm nay: 40159
  • Tháng hiện tại: 350329
  • Tổng lượt truy cập: 67324820