Các nhà “Thơ Mới” giao cảm với mùa xuân
Trong văn chương, từ
xuân mang nhiều hàm nghĩa, như chỉ sự trẻ trung tươi đẹp
Em như cô gái hãy còn xuân, hoặc được dùng để tính thời gian một năm, một tuổi
Đời mới hai xuân (Tố Hữu), có khi dùng để chỉ tình yêu nam nữ
Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng (Nguyễn Du).
Trong phong trào Thơ mới (1932-1941), các nhà thơ trẻ viết khá nhiều về thơ xuân. Bởi vì nó rất hợp với những nét trẻ trung, những băn khoăn rạo rực, những thổn thức tin yêu của tâm hồn dễ rung lên những âm thanh của con tim rạo rực trước những chồi non, cánh én và nụ hoa e ấp báo hiệu xuân sang. Thế Lữ với
Hồ xuân và thiếu nữ, Huy Cận với
Hồn xuân, Chiều xuân, Xuân y, Nguyễn Bính với
Mùa xuân xanh, Xuân về, Hàn Mặc Tử với
Mùa xuân chín, Xuân Diệu với
Vội vàng, Nụ cười xuân, Xuân không mùa,
Nguyên đán, Tình thứ nhất… Đó cũng chính là nguồn thi hứng không bao giờ cạn của các thi nhân từ xưa đến nay.
Trước hết, nhà thơ Thế Lữ đã có những
Giây phút chạnh lòng:
Ta thấy xuân nồng thắm khắp nơi Trên đường rộn rã tiếng đua cười Động lòng nhớ bạn xuân năm ấy Cùng ngắm xuân về trên khóm mai.
Còn xuân trong mắt thi sĩ đa tình Xuân Diệu - nhà thơ
“mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh), lại
Vội vàng với bao niềm đam mê, cuống quýt, cháy bỏng đến mãnh liệt, sợ thời gian trôi nhanh và tàn phai. Xuân Diệu muốn tận hưởng đến tột cùng của sự khao khát tình xuân chứa đầy nhục cảm:
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần, hoặc
Tình không tuổi và xuân không ngày tháng, và háo hức đến mức:
Ta muốn ôm Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn, Ta muốn riết mây đưa và gió lượn Ta muốn say cánh bướm với tình yêu Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều… …Hỡi xuân hồng,ta muốn cắn vào ngươi! Nhà thơ Huy Cận vốn
khi xưa hay buồn lắm nhưng khi
Chiều xuân xuống thì lòng vẫn ngân lên những tiếng reo vui như cung đàn rào rạt, tràn đầy sự sống ấm áp:
Én ngàn đưa võng/Hương đồng lên hanh… Nhạc vươn lên trời/ Đời măng đang dậy/ Tưng bừng muôn nơi…/Mái rừng gió hẩy/ Chiều xuân đầy lời.
Trong thơ mới, mùa xuân và thiếu nữ luôn song hành. Hàn Mặc Tử cảm nhận
bóng xuân cùng với những tiếng
thầm thì sột soạt, hổn hển của tình yêu, của nước non mà tươi lại hồn thơ đầy ảo giác, rất ấn tượng nhưng cũng rất thực và lãng mạn:
Trong làn nắng ửng khói mơ tan Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng Sột soạt gió trêu tà áo biếc Bên giàn thiên lý bóng xuân sang. Nếu thi trung hữu họa, thì hơn ai hết, các nhà thơ khi viết về mùa xuân luôn vẽ được những bức tranh về thiên nhiên gắn liền với hình ảnh thiếu nữ. Nó hiện lên như một mảng màu sáng đẹp nhất. Đó là các em trong thơ Xuân Diệu, cô thôn nữ trong thơ Hàn Mặc Tử, cô sơn nữ trong thơ Thế Lữ, cô hàng xóm trong thơ Nguyễn Bính. Với Nguyễn Bính - nhà thơ chân quê nhất, thì Mùa xuân là cả một mùa xanh đầy cảm hứng lãng mạn, đan xen với những nét hiện đại làm cho hồn thơ mộc mạc ấy thắm đượm xuân sắc:
Đã thấy xuân về với gió đông Với trên màu má gái chưa chồng Bên hiên hàng xóm,cô hàng xóm Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong. Trong số các nhà thơ mới có lẽ Xuân Diệu là người viết trực tiếp nhiều nhất về mùa xuân. Ông đã tạo được nhiều vẻ tươi tắn về màu sắc, rộn rã về âm thanh, hài hoà và tình tứ như một nụ cười duyên:
Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời Sao buổi đầu xuân êm ái thế Cánh hồng kết những nụ cười tươi. (Nụ cười xuân)
Lúc nào ông cũng thấy lòng mình, lòng người tươi trẻ như mùa xuân: Xuân của đất trời nay mới đến/Trong tôi xuân đã đến lâu rồi/Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi/Trong vườn thơm ngát của hồn tôi
(Nguyên đán). Nhà thơ Đông Hồ diễn tả sự nôn nao trong cõi lòng sâu thẳm của cô gái quê với bao đợi chờ bâng khuâng khi tình yêu chưa trọn vẹn:
Trong xóm làng trên cô gái thơ Tuổi xuân mơn mởn vẻ đào tơ Gió đông mơn trớn bông hoa nở Lòng gái xuân kia vẫn hững hờ (Cô gái xuân)
Tết đến, xuân về còn gợi lại trong ký ức ta về một thời các Ông Đồ phóng bút viết câu đối đỏ trong những phiên chợ Tết mà nhà thơ Vũ Đình Liên đã ghi lại: Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua… Đối với một số nhà thơ, khi mùa xuân về lại mang một nỗi buồn về nhân tình thế thái, đặc biệt là tâm sự các nhà thơ trước cảnh áo cơm ghì sát đất như Xuân Diệu nói, hoặc như Chế Lan Viên đã than: Tôi có chờ đâu, có đợi đâu/Đem chi xuân tới gợi thêm sầu/Với tôi tất cả như vô nghĩa/Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau
(Xuân). Gắn bó với mùa xuân hơn cả là nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Ông vẽ cảnh mùa xuân bằng thơ với những sắc màu tươi mới, dân dã qua hàng loạt bài như
Chợ Tết, Đám cưới ngày xuân, Đêm hội… Hình ảnh xuân trong thơ ông là những cảnh sinh hoạt chân chất của làng quê Việt Nam vùng đồng bằng Bắc bộ: …
Anh hàng tranh kĩu kịt quẫy đôi bồ/Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán/Một thầy khóa gò lưng bên cánh phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân/Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ/Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/Nước thời gian gội tóc trắng phau phau (Chợ Tết). Mùa xuân cũng là mùa cưới hỏi. Dưới con mắt của ông, môt
Đám cưới ngày xuân ở thôn quê mới đẹp làm sao:
Người cô dâu hôm nay coi choáng lộn/Vành khuyên vàng, áo mới, nón quai thao/… Chỉ còn nghe văng vẳng tiếng chim xuân/Ca inh ỏi trên cành xanh tắm nắng. Nhà thơ Anh Thơ lại cảm nhận về một buổi
Chiều xuân trong tâm hồn thanh thản, lắng đọng với nhiều ý vị nơi thôn dã:
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ … Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió … Làm giật mình một cô nàng yếm thắm Mãi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa. Đọc lại những vần thơ xuân của một số nhà thơ của phong trào Thơ mới, lòng ta như phơi phới lại tuổi xuân và thoáng chút ngậm ngùi, nuối tiếc một cái gì của quá khứ đã nặng hồn dân tộc. Mùa xuân, tuổi xuân, thiếu nữ, đời nào cũng vậy, luôn có sức lay động sâu xa trong lòng người. Ghi lại những khoảnh khắc thăng hoa ấy, các nhà thơ mới đã giao cảm cùng mùa xuân, để góp vào vườn thơ xuân của dân tộc ta những bông hoa ngát hương thắm sắc.
Ý kiến bạn đọc