Nhạc sĩ Nguyễn Nhuận và những ca khúc dành cho thiếu nhi

Đăng lúc: Thứ tư - 26/11/2008 13:31
Nhạc sĩ Nguyễn Nhuận may mắn được chào đời giữa xứ sở cây lành trái ngọt, trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc. Thời thơ ấu, ông được gần gũi với những âm thanh miệt vườn: tiếng mái chèo xôn xao khua nước, tiếng côn trùng rả rích đêm mưa, tiếng ve kêu rân rân trên vòm cây mát rượi… Ông càng yêu biết bao âm thanh tiếng đàn ngọt lịm của cha mình. Người cha mê đàn tranh đến độ, hễ nghe danh thầy nào giỏi liền tìm cách mời về nhà thọ giáo.
Mỗi khi thầy đến, do bản tánh nhút nhát, hiền lành, cậu bé Nguyễn Nhuận bảy tuổi chỉ dám đứng nép từ xa, lặng nghe chủ khách cùng hòa sáu câu vọng cổ. Lâu ngày, quen thân với thầy, cậu bé rụt rè đến bên và xin đàn thử. Dù chưa biết gì những cung, phách, nhịp… nhưng cậu đã dạo lại đúng bản vọng cổ mà cha hay đàn, liền một hơi sáu câu, nhịp mười sáu, không sai sót cung nào. Người thầy nhận ra năng khiếu khác thường của cậu bé nên gọi cậu về nhà mình, dạy đàn không lấy tiền, lại còn nấu cơm cho ăn. Nhờ vậy, ngón đàn của cậu bé Nhuận ngày càng điêu luyện.

Tiếng lành đồn xa. Cậu bé thành ra người đệm đàn cho bà con trong xóm. Bà con tấm tắc khen tài và thương yêu gọi cậu là chú Bảy Nhạc. Dù không được học nhạc lý bài bản ở trường lớp nhưng chú Bảy Nhạc vẫn hăm hở tập thêm nhiều nhạc cụ khác. Sau ngón đàn tranh là đàn Manđôlin, Guitar, Accordeon. Biết sử dụng nhiều nhạc cụ nhưng chú vẫn chưa nghĩ mình sẽ thành nhạc sĩ chuyên nghiệp. Chú chỉ thích vui chơi với bè bạn mà thôi.

Bàn Long, miền quê của nhạc sĩ Nguyễn Nhuận, từ sau 1954, là vùng kháng chiến, là mảnh đất bảo bọc, chở che cách mạng. Ngày lại ngày, chàng trai Nguyễn Nhuận được tiếp xúc, gần gũi với những anh bộ đội trẻ trung, yêu đời, cũng yêu thích đàn ca tài tử. Hồi ấy, bộ đội sau khi đánh trận thường về đóng quân ở Bàn Long. Có đêm khuya khoắt, các anh về làng, anh nào cũng sũng ướt, quần áo đầy bùn vì phải băng sông, lội ruộng. Thương bộ đội vất vả, mấy chị trong xóm tình nguyện gom quần áo các anh, đem ra rạch giặt giúp. Các má thì hối hả nấu cơm, luộc rau cho các anh ăn. Riêng Nguyễn Nhuận thì nâng cây đàn tranh, giúp vui văn nghệ.

Năm 1960, phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh trỗi dậy. Nguyễn Nhuận lập tức tham gia hoạt động phong trào. Cũng trong năm này, ông quyết định thoát ly gia đình, vào chiến khu. Do niềm đam mê âm nhạc, ông đã chọn cây đàn tranh làm vũ khí. Những năm đầu, ông công tác tại tòa soạn báo Vùng lên và đoàn văn công tỉnh. Trong thời gian này, lãnh đạo động viên ông sáng tác. Và tác phẩm đầu tay của ông là một ca khúc viết cho thiếu nhi. Tác phẩm vừa hoàn thành đã được phổ biến rộng rãi. Những ca khúc kế tiếp của ông đều được đoàn văn công dàn dựng, biểu diễn phục vụ. Nhờ thành công ấy, ông được đưa đi học lớp bồi dưỡng sáng tác do Trung ương Cục miền Nam tổ chức. Từ đó, ông quyết định đi theo con đường sáng tác chuyên nghiệp.

Ông miệt mài sáng tác, dàn dựng tác phẩm. Tác phẩm của ông có tác động lớn về mặt binh vận và dân vận. Để kêu gọi người lính quốc gia trở về với nhân dân, ông nhất định Chờ anh. Ông động viên bà con Ra sức giữ làng. Ông hết lời Hoan hô anh pháo binh. Ông giục giã thanh niên lên đường đánh giặc: Thanh niên ơi, Tổ quốc gọi!...

Ca khúc của Nguyễn Nhuận giai đoạn này mang mục đích chính trị rõ ràng nhưng lời nhạc không là những khẩu hiệu khô khan. Ông biết tìm giọng điệu thủ thỉ, tâm tình để lay động tình cảm người nghe. Không ít bài hát có những giai điệu đẹp, ca từ tha thiết, cảm xúc dạt dào: “Tổ quốc mênh mông một chiếc gương trời. Thương mẹ cha xưa dãi dầu năm tháng, cùng toàn dân xây ngày chiến thắng, Nam Bắc nối liền hát khúc hoan ca” (Chiếc gương tròn). Cũng có những tác phẩm thành công bất ngờ nhờ cơ duyên. Tình cờ đọc được bài thơ khuyết danh chép trong sổ tay, lại nhớ ngày nào các chị quê mình giặt áo cho bộ đội, ông dâng tràn cảm hứng và hoàn thành bài hát nổi tiếng: Giặt áo cho anh. Tác phẩm là sự giao duyên giữa thơ và nhạc, chính trị và trữ tình: “Em ngồi giặt áo, nắng chật đầu sông. Gió cũng phải lòng, hôn lên mái tóc… Bàn tay vò nhẹ chiếc áo đi rừng… Gạn nước thật trong tìm qua chiếc áo, những năm gian lao sống cùng đồng đội. Chiếc áo nghĩa tình dài hơn tuổi nhớ, trong từng mảnh vá dài theo tháng năm. Giặt áo cho anh, nghe lời tình tự…”.Bên cạnh sáng tác, Nguyễn Nhuận còn cùng với nhạc sĩ Việt Trung mở nhiều lớp dạy nhạc lý cho một số cán bộ tuyên huấn thuộc các xã, huyện trong tỉnh, nhằm phục vụ cho công tác phong trào ở địa phương.

Trong sinh hoạt hàng ngày Nguyễn Nhuận sống gần gũi, chan hòa với anh em đồng chí. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, nụ cười thân thiện và ánh mắt hiền hòa của ông luôn gây được thiện cảm và không khí lạc quan, đầm ấm với mọi người. Ông luôn tìm cách giúp đỡ anh em đồng nghiệp, nâng niu đón nhận sáng tác của đồng nghiệp như chính đứa con tinh thần của mình. Nhờ vậy mà một số bút tích, tác phẩm, kỷ vật của nhạc sĩ Việt Trung, Văn Lưu vẫn còn được ông trân trọng giữ gìn cho đến hôm nay.

Năm 1971, trong thời điểm Mỹ đánh phá ác liệt, cán bộ ta phải sơ tán để bảo vệ thực lực thì ông lại lâm cơn bạo bệnh. Để bảo vệ chung tính mạng của cán bộ ta thời ấy, tổ chức bèn sắp xếp đưa ông ra nội thành để vừa trị bệnh vừa công tác.

Vợ chồng ông tạo một căn nhà nhỏ vừa để an cư vừa để nuôi chứa cán bộ và cất giấu tài liệu mật. Đồng thời, đây cũng là trạm giao liên liên tỉnh. Bấy giờ, cánh én nhà, ông làm cánh én đôi, kẹt giữa là chỗ để cất giấu tài liệu, thuốc men. Trong vách hầm tránh pháo, ông làm thêm hầm bí mật để giấu cán bộ, phòng khi giặc xét nhà. Đồng thời để qua mắt địch, vợ chồng ông nghĩ cách mở lò nấu rượu bán. Một số khách đến mua rượu, xách hèm chính là giao liên của ta.

Để nắm tình hình giặc hàng ngày ông đẩy xe đạp đi bán cà rem. Râu tóc để dài, áo quần rách rưới, nón lá đội đầu, ông len lỏi khắp mọi nẻo đường của thị xã Mỹ Tho. Cực khổ thế nào, ông cũng chịu. Chỉ có điều khổ tâm là những khi bất ngờ chạm mặt người không tốt hoặc kẻ phản động thì ông phải tự tung tin là mình đã chiêu hồi để qua mặt chúng. Có khi ông còn phải đút lót tiền cho cảnh sát để qua truông.

Ít lâu sau, ông nhận thêm nhiệm vụ đưa đón một số cán bộ chủ chốt đi lại trong nội thành. Vậy là ông bỏ xe cà rem, chuyển sang đạp xe ba gác. Những chuyến xe ba gác đã giúp ông đưa đón cán bộ an toàn và thu thập được nhiều tin tức về kẻ địch.

Công việc cam go và đầy khổ tâm ấy đã được ông thầm lặng hoàn thành suốt mấy năm trời, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

*

Về Sở Văn hóa thông tin Tiền Giang, nhạc sĩ Nguyễn Nhuận là Trưởng phòng văn hóa văn nghệ. Ông cùng với nhạc sĩ Văn Lưu mở ngay nhiều lớp dạy nhạc lý và trực tiếp giảng dạy cho một số thầy cô giáo ở các trường, các cán bộ làm công tác văn hóa thuộc các xã, huyện trong tỉnh, nhằm đẩy mạnh phong trào văn nghệ của tỉnh nhà.

Công tác tại Sở Văn hóa thông tin đến năm 1988, nhạc sĩ Nguyễn Nhuận đắc cử vào Ban chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang, thuộc chuyên ngành Âm nhạc. Từ đó, ông được chuyển hẳn sang văn phòng Hội, làm công tác quản lý chuyên môn. Ở cương vị Chủ tịch Hội VHNT Tiền Giang, ông có thêm thời gian, điều kiện đi thực tế và sáng tác. Những ca khúc: Mùa thu và niềm tin, Lỗi hẹn, Màu xanh đôi bờ, Thương em mùa lũ, Ấp Bắc quê ta, Chiều mưa Hà Nội. Chiều mưa rơi…, thường được ngân vang trên làn sóng phát thanh của trung ương và địa phương. Một số được ca sĩ chọn làm tiết mục dự thi trong những kỳ hội diễn văn nghệ, đạt những huy chương vàng, huy chương bạc cấp khu vực và quốc gia. Bản thân ông cũng được một số giải thưởng về sáng tác. Ca khúc Màu xanh đôi bờ và bài hát thiếu nhi: Việt Nam! Bầu trời này - mặt đất này được giải thưởng cấp quốc gia và 4 bài khác được giải cấp khu vực.

Từ những thành công và đóng góp trong lĩnh vực âm nhạc, năm 1982, ông được kết nạp vào Hội nhạc sĩ Việt Nam. Năm 1999, được nhận Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Tháng 12/2003, Hội VHNT Tiền Giang cho xuất bản tuyển tập 50 ca khúc Nguyễn Nhuận, ghi nhận thành quả 40 năm miệt mài lao động nghệ thuật của ông.

Trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Nhuận, giới âm nhạc đánh giá cao những ca khúc ông viết cho thiếu nhi.

Do bản tính hiền lành, vui vẻ, nhạc sĩ Nguyễn Nhuận luôn được trẻ con gần gũi, kính yêu. Ông cũng đặc biệt yêu mến trẻ con. Mối quan hệ ông cháu tốt đẹp này đã góp phần giúp nhạc sĩ giữ được lâu bền một tâm hồn trong sáng, hồn nhiên.

Trong số 50 ca khúc được ông tuyển chọn, nhạc thiếu nhi đã có 25 bài, kể như phân nửa sự nghiệp sáng tác của người nghệ sĩ.

Ngay trong thời kháng chiến, ông đã ý thức dùng âm nhạc để nói lên tình cảm, suy nghĩ của lớp trẻ về hoàn cảnh đất nước: Nhà em đánh Mỹ, Giữ mái trường em, Em yêu anh bộ đội, Hát mừng quê em giải phóng… Sau này, ca khúc thiếu nhi của ông càng có thêm cái nhìn trong sáng, tin yêu của trẻ con về cuộc sống mới tốt đẹp và những người thân thương: Vườn cây Bác Hồ, Mẹ đi cấy, Mẹ là cô giáo, Niềm vui của mẹ, Dưới mái trường, Chào năm học mới, Cô giáo với mùa xuân, Đẹp lắm quê em, Chim bồ câu trắng …Khi viết cho thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Nhuận luôn chú ý giáo dục các em ý thức dân tộc, niềm tự hào về truyền thống yêu nước của con người Việt Nam (Tổ Quốc em anh hùng, Em học bài lịch sử)… Giai điệu các bài hát luôn vui tươi, tự hào, lời nhạc hào hùng, tráng lệ: “Học bài lịch sử, em càng yêu mến non sông, đã thấm máu cha ông bao đời nay gìn giữ. Học bài lịch sử, em yêu biển rộng sông dài. Em càng yêu tương lai, qua từng trang sử mới. A! Chúng em yêu Bạch Đằng sóng vỗ. A! Chúng em yêu Hàm Tử, Chương Dương. Yêu Ấp Bắc anh hùng. Yêu Điện Biên bất khuất. Em mến yêu quê hương, em càng yêu lịch sử. Đứng trên đầu sóng dữ vẫn sáng ngời Việt Nam” (Em học bài lịch sử).Càng yêu quý thế hệ trẻ, ông càng mong ước các em sống mãi trong hòa bình và có một tương lai tốt đẹp (Ngày mai em lớn lên; Việt Nam! Bầu trời nầy, mặt đất nầy!).

Ông luôn tin tưởng và kỳ vọng vào lớp trẻ ngày mai. Bởi vậy, khi làn sóng Pop, Rock, Hip Hop… đang lan tràn, ông luôn tìm cách nhắc nhở các em tìm cách giữ gìn âm nhạc truyền thống: “Ta nghe nhạc nước ngoài là để biết cái tinh hoa, tình cảm của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc; biết phân biệt được nhạc nào là nhạc Tây, nhạc Tàu, nhạc Ấn Độ”. Ông còn dẫn lại lời của giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê, câu nói mà ông hằng tâm đắc: “Nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam và phương Đông có lịch sử mấy ngàn năm, có nhiều cái hay, cái đẹp. Phải làm sao cho lớp trẻ nước mình yêu thích, phát huy nhạc Pop, nhạc Rock như những người khách từ phương xa đến. Ta nên tiếp đón họ một cách lịch thiệp, nhưng không thể để họ ngồi chễm chệ trên bàn thờ để con cháu ta vái lạy”.Nguyễn Nhuận là một trong số hiếm nhạc sĩ ở Tiền Giang mang đầy tâm huyết, sáng tác nhiều và thành công nhất về nhạc thiếu nhi.

-------------
* Chữ in nghiêng là tên bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Nhuận.
Võ Phúc Châu
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 282
  • Khách viếng thăm: 276
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 26873
  • Tháng hiện tại: 1249550
  • Tổng lượt truy cập: 63478518