Truyền thuyết dân gian về cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân

Đăng lúc: Thứ năm - 02/08/2012 15:25
1. Truyền thuyết là những truyện dân gian có cái lõi lịch sử, màu sắc huyền ảo, nội dung kể về các nhân vật và sự kiện lịch sử. Truyền thuyết không phải là chính sử mà chỉ là dã sử. Nó thể hiện cách nhìn, cách đánh giá của nhân dân về lịch sử.

Khác chính sử, một số sự kiện trong truyền thuyết có thể do người dân bịa đặt, tưởng tượng ra. Nhưng điều đó chỉ nhằm củng cố thêm niềm tin, sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với những người có công trong lịch sử.

Tuy nhiên, không phải nhân vật, sự kiện lịch sử nào cũng được đi vào truyền thuyết. Muốn thành truyền thuyết, những nhân vật, sự kiện này phải gần gũi với nhân dân; phải được nuôi dưỡng bởi lòng biết ơn, sự tôn thờ và ngưỡng mộ của bao thế hệ; phải tồn tại qua nhiều chứng tích văn hóa…

Truyền thuyết được chia thành nhiều nhóm: truyền thuyết lịch sử, truyền thuyết phổ hệ, truyền thuyết thần tổ ngành nghề, truyền thuyết địa danh,... Trong đó, tiêu biểu nhất cho đặc điểm thể loại là nhóm truyền thuyết lịch sử.

Hầu hết truyền thuyết lịch sử ở Tiền Giang tập trung vào những cuộc khởi nghĩa buổi đầu chống Pháp của Trương Định, Thủ Khoa Huân, Tứ Kiệt, Phủ Cậu, Huỳnh Khắc Hơn, Âu Dương Lân,… Các truyện này không xuất hiện riêng lẻ mà kết thành nhóm, mảng truyện. Cốt lõi của truyện là hình tượng các anh hùng chống Pháp.

 2. Mảnh đất Chợ Gạo (Tiền Giang) rạng danh với cuộc khởi nghĩa của nhà giáo - nhà thơ Nguyễn Hữu Huân. Do đỗ Thủ khoa kỳ thi Hương năm 1852, Ông được gọi là Thủ Khoa Huân. Ông và những cộng sự trở thành hình tượng đẹp trong truyền thuyết dân gian.

2.1. Thủ Khoa Huân ba lần khởi binh đánh Pháp. Lai lịch, cuộc đời Ông từng được sử gia phong kiến ghi chép trong Đại Nam liệt truyện. Tuy nhiên, có những thời khắc, sự kiện mà chính sử không hề biết đến. Truyền thuyết kể rằng, khi nghe tin Thủ Khoa Huân bị giặc bắt, dân chúng Tân An và Mỹ Tho, không được ai huy động, đột nhiên kéo nhau băng đồng về chợ Mỹ Tho. Mỗi người đội trên đầu một tờ giấy bạch không có viết chữ, gọi là “trạng bạch”, đòi Pháp trả tự do cho Cụ. Tất nhiên, Pháp không chấp nhận đòi hỏi ấy. Truyền thuyết còn kể, sau khi an táng Thủ Khoa Huân, người dân Mỹ Tịnh An xây đền thờ đối mặt với đồn Cây Da của giặc, như muốn thể hiện thái độ bất khuất của mình. Bất ngờ, trận bão năm Thìn (1904) từ Gò Công kéo đến xô ngã cây Da. Người dân ở đây giải thích đó là “binh tướng của Trương Định hiệp cùng nghĩa quân của Thủ Khoa Huân theo ngọn bão mà đánh sập đồn Tây”.

Đặc biệt, thời khắc hy sinh dũng liệt của Thủ Khoa Huân đã được truyền thuyết tô đậm. Trước khi xử chém, bọn giặc bưng tới một mâm cơm đầy rượu thịt cho ông ăn. Ông lạnh lùng đá đổ mâm cơm. Kẻ được giao chém đầu ông vốn là người địa phương nhưng theo giặc. Lệnh chém ban ra, nhưng hắn lộ vẻ sợ hãi, chần chờ, không dám quơ đao. Ông nhìn hắn và nói:

- Nhà ngươi có bổn phận, cứ việc thi hành, đừng để liên lụy đến mình!

Nghe vậy, tên đao phủ mới dám ra tay. Vừa chém xong, hắn liền quỳ sụp xuống, lạy ông bốn lạy.

Xử án xong, bọn giặc để gia đình ông đem phần thân về, còn đầu thì bêu tại chỗ, ra lịnh sau ba ngày mới được đem về an táng.

Nhưng tới năm giờ chiều, một người con gái của ông mặc áo dài, đến chỗ hành quyết để thăm chừng đầu cha. Không ngờ, một tên Pháp đã lấy đầu ông, thảy trả cho cô. Cô vội vàng dùng hai tay nâng vạt áo dài, hứng đầu cha mình và đưa về nhà. Nhờ vậy, gia đình đã an táng được đầy đủ thân thể ông.

Chừng ấy tình tiết lạ, tuy còn ít ỏi, nhưng đã góp phần nào “chất thơ và mộng”’ cho đoạn cuối cuộc đời đầy bi tráng của vị anh hùng.

2.2. Kế tiếp hình tượng Thủ Khoa Huân là những cộng sự đắc lực của ông - những anh hùng quần chúng. Truyền thuyết kể về Sáu Hải, người có “bộ mặt rất dữ, mắt lớn, lông mày rậm, râu quai nón, thân hình to lớn lực lưỡng, lưng và tay đầy những sẹo”. Ông là dân vùng khác đến xin ngụ cư ở xóm Chợ Giữa, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Ông nói năng khiêm tốn, chăm chỉ làm ăn, nhưng lai lịch, hành động hơi kỳ bí. Giữa nhà, ông chỉ thờ hai chữ “Quan Lớn”, ngày ngày đốt nhang, vái lạy kính cẩn. Đặc biệt, ông có một báu vật bất ly thân: cái mõ gỗ lên nước đen bóng. Quanh năm, lúc nào ông cũng đeo cái mõ ấy bên vai. Thì ra, ông vốn là một tướng cướp hoàn lương. Được Thủ Khoa Huân cảm hóa, ông trở thành người lính mõ trung thành đến chết.

Trước khi nhắm mắt, Sáu Hải gọi vợ con đến bên giường, bảo đem cái mõ đặt vào khay để lên bàn thờ “Quan Lớn”, rồi dặn rằng:

- Ta vừa chợp mắt, thấy quan lớn Thủ Khoa Huân cho lính đem trát hỏa tốc về gọi, nên ta phải thu xếp đi ngay. Đó là cái mõ của quan lớn giao cho ta khi trước, để mỗi khi hữu sự thì sai ta đánh lên báo hiệu lệnh. Sau khi ta nhắm mắt, cứ mỗi lần cúng giỗ, chỉ cần đánh một hồi mõ, cũng đủ làm cho hồn ta dưới suối vàng mãn nguyện lắm.

Ông còn nghiêm nghị dặn các con:

- Ta cấm chúng bây không đứa nào được làm việc cho Tây! Nếu không nghe lời, ta sẽ thưa với quan lớn, xin phép về vặn họng cho chết!

2.3. Truyền thuyết còn kể về Lê Huy Nhạc – nhân vật bắt rắn thuộc loại kỳ tài, vang danh khắp vùng Đồng Tháp. Gốc gác của ông ở đâu, không ai biết. Ông đến và đi lúc nào, ít ai hay. Chỉ biết ông là khắc tinh của các loài rắn độc. Chỗ nào có rắn dữ hại người, chỗ đó có ông xuất hiện. Ông được mệnh danh là Ông thầy Rắn. Mọi người hình dung về ông trong tư thế oai phong, lẫm liệt: “người cao lớn, vạm vỡ chạy như bay, đuổi theo một con rắn khổng lồ (…) Người nọ và rắn quần nhau dữ dội. Rắn đuối sức dần. Người nọ chân đè mạnh lên khúc đuôi, một tay nắm chặt cổ rắn, còn tay kia mổ bụng giết rắn”.

Sau nhiều phen cứu người, Thầy Rắn bỗng đi đâu mất. Về sau, người ta mới biết ông trở về quê ở Chợ Gạo (Tiền Giang) rồi theo cụ Thủ Khoa Huân chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân thất bại. Ông Nhạc trở lại Đồng Tháp Mười ẩn náu và mất tại đó.

2.4. Truyền thuyết cũng kể về ông Đồ Phú Kiết. Ông vốn là nhà nho, người miền Trung, đến dạy học và cưới vợ tại chợ Thang Trông, thuộc làng Phú Kiết (nay thuộc Chợ Gạo, Tiền Giang). Lúc này, nghĩa quân Trương Định thất trận ở Đám lá tối trời, còn Thủ Khoa Huân và tri huyện Âu Dương Lân đang hồi khởi nghĩa.

Khi đem lính đến đóng tại đây để đàn áp, bắt bớ những người yêu nước, tên Việt gian Trần Bá Lộc kịp biết ông Đồ Phú Kiết là người hay chữ. Hắn mời ông ra giúp việc văn phòng và rất tin dùng. Ông Đồ nhận làm thư ký cho tên Việt gian chẳng qua để làm tay trong cho anh em nghĩa dõng, bí mật liên lạc với Thủ Khoa Huân ở Tịnh Hà và Huyện Lân ở Thang Trông. Chính ông đã giúp nhiều nghĩa quân đỡ khổ khi bị giam cầm. Thủ Khoa Huân và Âu Dương Lân nhiều phen thoát vòng vây của giặc, phần lớn cũng nhờ công thầm lặng của ông. Sau, ông về thăm quê, nhưng kỳ thực, ông đi góp sức chống Tây ở Hồ Tràm, Thị Vải (tỉnh Đồng Nai bây giờ). Và Ông đã tử trận nơi đây.

2.5. Tóm lại, nếu trong chính sử, Thủ Khoa Huân chỉ là một tên tuổi được triều Nguyễn ghi công thì trong truyền thuyết, Ông đã là hình tượng nghệ thuật đầy hấp dẫn: một thầy giáo - nhà thơ yêu nước; một lãnh tụ kiên trì kháng Pháp; một nhân cách cứng cỏi, kiên cường,… Con người ấy khiến đao phủ kinh hoàng, nhân dân kính yêu, che chở, con cháu tôn thờ, tưởng nhớ,…

So với Thủ Khoa Huân, các nhân vật cộng sự của Ông luôn được bao bọc trong màn sương huyền ảo: xuất thân không rõ, hành tung kỳ lạ, chiến tích khác thường,… Họ chính là những anh hùng quần chúng, lớn lên từ cuộc sống lam lũ của nhân dân. Chính sử không biết đến họ. Nhưng nhân dân đã tạc nên những tượng đài riêng về họ. Họ là đại diện cho mọi thành phần nhân dân, cùng tề tựu dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân - một thầy giáo - nhà thơ yêu nước.

ThS. Võ Phúc Châu
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 128
  • Khách viếng thăm: 126
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 17121
  • Tháng hiện tại: 259026
  • Tổng lượt truy cập: 67233517