“Sắm tết” và vẻ đẹp của sự chia phôi trong tình yêu

Đăng lúc: Thứ tư - 08/08/2012 11:04

SẮM TẾT

 
Biết sắm Tết gì đây
Cho người đang xa cách
Một trời hoa mở khép
Hoa nào cho đôi ta
Chợ gần vòng chợ xa
Bán mua toàn thiên hạ
Chợ mỗi ngày mỗi giá
Giá nào cho chia phôi
 
Biết sắm Tết gì đây
Cho người đang xa cách
Mua gì cho đỡ rét
Bán gì  cho vơi cô đơn
Chim chớp cánh sau vườn
Ngày dồn toa trên lịch
Biết sắm Tết gì đây
Cho người đang xa cách

 
Bài thơ: “Sắm Tết” của nhà thơ Hữu Thỉnh không hướng người đọc về vẻ đẹp của văn hóa Tết mà khắc họa nỗi băn khoăn, tâm trạng của một người đang yêu hướng về người yêu ở phuơng xa. Tết là dịp hội tụ, gặp gỡ của những người thân trong gia đình và là dịp để đi chợ mua sắm. Mở đầu bài thơ, nhà thơ khắc họa nỗi băn khoăn của người đi sắm tết bằng câu hỏi tu từ:

“Biết sắm Tết gì đây
Cho người đang xa cách…”


Nhân vật trữ tình trong bài thơ có thể là chàng trai hoặc cô gái nhưng vẫn giống nhau ở tâm trạng băn khoăn trong việc mua sắm Tết. Câu hỏi ttu từ thể hiện tâm trạng của người đi sắm Tết nhưng vẫn hướng về người yêu, vẫn hướng về cái riêng chỉ dành cho trái tim của đôi lứa.

“Một trời hoa khép mở
Hoa nào cho đôi ta"


Tâm trạng của nhà thơ không hướng về vẻ đẹp của hoa xuân mà chỉ hướng về đóa hoa dành cho hai người yêu nhau. Nhà thơ hướng cái nhìn và cảm hứng về chuyện bán mua của thiên hạ nhưng cuối cùng vẫn trở về với chính mình để tự chiêm nghiệm về “cái giá” của nỗi đau chia xa trong tình yêu:

“Chợ mỗi ngày mỗi giá
Giá nào cho chia phôi”


Câu hỏi tu từ gợi cho người đọc liên tưởng về nỗi đau của sự chia phôi trong tình yêu. Khi con người nhận ra “cái giá” của sự chia xa thì tình yêu cũng đã vuột khỏi tầm tay. Tâm trạng của chủ thể trữ tình trong bài thơ hướng về nỗi đau và cái giá mà con người phải trả khi tình yêu tan vỡ. Trong câu hỏi tu từ, nhà thơ tự hỏi và tự chiêm nghiệm về cái giá của sự chia phôi. Câu thơ thuần về lý trí nhưng lại phảng phất một chút chua chát về sự tan vỡ trong tình yêu.

 Chuyện bán mua giữa chợ Tết càng khơi gợi thêm nỗi trống vắng, cô đơn của người đang yêu:

"Mua gì cho đỡ rét
Bán gì vơi cô đơn”


Chuyện bán mua với những toan tính thuần lý trí đã được nhà thơ chọn làm nền cho diễn biến tâm trạng và tình cảm của người đang yêu. Sự tương phản giữa cảnh và tình càng làm nổi bật nỗi cô đơn, lạc lõng của người đi sắm Tết.

Hai câu thơ mở đầu bài thơ được điệp hai lần ở những khổ thơ sau, nhấn mạnh nỗi băn khoăn và tấm lòng của một người hướng về người yêu đang cách xa. Nỗi băn khoăn về tình yêu cách xa và cái nhìn hướng về người yêu cùng với sự chiêm nghiệm về nỗi cô đơn trong tình yêu đã tạo nên cái tứ độc đáo của bài thơ: “Sắm Tết”. Khổ cuối của bài thơ khắc họa cảm nhận của nhà thơ về sự chuyển dịch, biến đổi của thời gian. Ngày cuối năm, thời gian trôi nhanh, nhưng tâm trạng của nhà thơ vẫn không biến đổi, chỉ là nỗi băn khoăn hướng về việc sắm tết cho người yêu. Sắm Tết nhưng không sắm cho mình mà chỉ muốn sắm cho người yêu. Dư âm của bài thơ lắng đọng tâm hồn bạn đọc chính là vẻ đẹp của cái tình trong trái tim người đang yêu hướng về người yêu cách xa. Dù tình yêu có chia phôi hay tan vỡ thì dư vị của nó vẫn phảng phất trong trái tim người đang yêu làm nên vẻ đẹp của tình yêu.
 
(*)(Thơ Hữu Thỉnh-Trích từ tập: “Thương lượng với thời gian” NXB Hội Nhà Văn, 2005)
Võ Tấn Cường
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

Hữu Thỉnh, sắm tết

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 221
  • Khách viếng thăm: 220
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 57255
  • Tháng hiện tại: 2425680
  • Tổng lượt truy cập: 48799807