Sự giao thoa ngôn ngữ giữa các dân tộc ở Nam bộ

Đăng lúc: Thứ sáu - 24/08/2012 09:43
Nam bộ là một vùng đa văn hóa, là nơi cư trú xen kẽ của nhiều tộc người từ nhiều thế kỷ với một mối giao lưu văn hóa rộng rãi và lành mạnh.

Ngay từ cuối thế kỷ XVII, ở Nam bộ đã có nhiều cộng đồng dân tộc cùng sinh sống. Người Việt là dân tộc chủ chốt đã khai phá và đặt nền tảng quản lý hành chính, về phương diện quân sự cũng là lực lượng chủ chốt bảo vệ vùng đất Nam bộ.
Trong quá trình khai phá, không thể không tính đến sự có mặt của các dân tộc bản địa và những dân tộc di cư đến. Đó là các dân tộc Hoa, Khmer và Chăm.

Điều cần lưu ý đầu tiên là trong suốt tiến trình khai phá và phát triển của Nam bộ, các dân tộc đã cùng chung sống hòa bình và đáng kể hơn cả là sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã góp phần tạo cho vùng đất Nam bộ những nét văn hóa độc đáo. Ngay khi có nhiều tôn giáo lớn cùng hiện diện, giữa các dân tộc vẫn luôn giữ được tinh thần bao dung về mặt tín ngưỡng. Trên lĩnh vực ngôn ngữ, trong quá trình giao lưu, tiếng Việt đã dần dần trở thành tiếng nói chung bên cạnh hiện tượng song ngữ hay đa ngữ vẫn được coi là bình thường, còn hiện diện rải rác ở một số vùng cộng cư Việt - Khmer - Chăm, Việt - Hoa... Trong tiếng nói của người Việt đã có sự hiện diện của các tiếng dân tộc và ngược lại, chẳng hạn như các từ lì-xì, xính xái, xí mụi, thèo lèo, tài công, tằng khạo xuất phát từ tiếng Hoa; cà ràng, xà quầng, mình ên xuất phát từ tiếng Khmer... Trong sinh hoạt vật chất cũng vậy. Chiếc phảng, chiếc nóp, cà ràng của người Khmer đã được cải tiến trở thành thân thiết với người Việt đồng bằng. Chiếc áo bà ba của người Việt cũng thành quen thuộc với nhiều dân tộc. Ngôi nhà sàn là kiểu cư trú truyền thống của người Khmer nhưng người Việt, người Chăm cũng sử dụng. Nhiều món ăn vốn gốc từ một dân tộc, nhưng sau này đã được phổ biến rộng rãi. Đặc biệt, có vài trường hợp lễ hội của riêng một dân tộc cũng được các dân tộc anh em vui chung như Tết Nguyên đán, lễ đua ghe ngo...

Đặc biệt là về ngôn ngữ, do nơi đây từng diễn ra sự cộng cư, cộng canh, cộng tác giữa người Việt, người Khmer từ thế kỷ XVII đến nay nên phương ngữ Nam bộ có nhiều từ mượn tiếng Khmer. Cũng không ở đâu có nhiều từ mượn tiếng Hán theo giọng Quảng Đông, Triều Châu như ở đây. Bởi vì hơn ở đâu hết, trên nước Việt Nam, nhiều người Hoa vào đây từ cuối thế kỷ XVII trở đi để làm ăn sinh sống. Trong giao lưu, mua bán, người Việt đã tiếp nhận vào vốn từ ngữ của mình hàng trăm từ gốc Quảng Đông, Triều Châu. Người Hoa và văn hóa Hoa, trong sự giao hòa với người Việt và văn hóa Việt, là một mảng màu khá nổi trên vùng đất Nam bộ này.

* Những từ mượn có nguồn gốc Khmer

Những từ mượn có liên quan đến xã hội, phong tục người Khmer: cái xà-rông (sa-rông), cái cà-ràng, một loại bếp (âng kran), cái cần xé (canh chê), cái cù nèo (khveo), mắm bồ hóc (brô-hok), cà-ròn, bao bằng bàng (ca-rông), cà-om, một loại nồi đất (kơ-om), cái lọp để đánh cá (lop).

Những từ mượn có liên quan đến cảnh quan thiên nhiên: Cây thốt nốt (thnôt), bưng trong bưng biền (bâng), vàm (piam), cá linh (trây linh), cá chốt (trây cân-chôh), cá hô (trây hô), con cần đước (an-đơk), cây chùm ruột (căn tuôt), cây tầm vông (ping pông), trái cà na (kna).

Những từ mượn là địa danh gốc Khmer: Địa danh gốc Khmer còn được bảo tồn ở Nam bộ khá nhiều. Sau đây là một số dẫn chứng: Ba-thắc (tên cũ vùng đất ở miền sông Hậu và hữu ngạn sông Hậu), tiếng Khmer là prêk basak. Ô Môn (Srôk Ômô, nghĩa là xứ có nhiều cây ô môi).

* Những từ mượn có nguồn gốc Quảng Đông, Triều Châu

Nhiều nhất là tên những món ăn: bò pía (bảo bỉnh là loại bánh mỏng cuốn gói nhỏ với rau, tôm, thịt); dầu cháo quẩy (du chá quỹ); hủ tiếu (cốc điều); lục tàu xá (lục đậu sa, tức là chè đậu xanh); lẩu (lô); lạp xưởng (lạp trường); ngầu bín (ngưu bính là món dương vật bò nấu rục); tả pín lù (tạp bỉnh lô); thèo lèo (trà liệu).

Những từ thuộc về kinh doanh, giao tế như: chạp phô (tiệm bán tạp hóa); chánh hẩu (chính hiệu); tẩm quất (đản cốt); tứ chiếng (bốn hướng, dân tứ chiếng là dân bốn phương tụ lại).

Nhưng thú vị nhất có lẽ là sự hòa hợp ngôn ngữ giữa các dân tộc ở Nam bộ trên bình diện ca dao. Về phương diện này, mỗi dân tộc góp vào một tiếng nói của mình, làm cho ca dao Nam bộ đa dạng hơn, phong phú hơn và lạ hơn.

Gió đưa chú tửng từng tưng
Gặp chị bán gừng na nả nị ơi

Một câu ca dao với các từ láy “tửng từng tưng, na nả” ẩn chứa chỉ chú Tửng, cô Nả theo tiếng Quảng, tiếng Tiều. “Tửng” là âm tiếng Tiều của chữ “Đường”. Người Triều Châu tự xưng là Từng Náng (Đường nhân), lấy tên theo triều đại nhà Đường, một triều đại rực rỡ của Trung Quốc. Câu đầu của câu ca dao được hiểu là ngọn gió khởi lên sự vui vẻ từ lòng người chú Tiều (Từng Náng) khi gặp gỡ cô gái “Nị” là đại từ ngôi thứ hai theo âm Quảng Đông, “na” là chỉ phụ nữ tương tự như cuối câu tường thuật của tiếng Việt dùng từ: đấy, nhé... Câu ca dao nói lên hồn Việt, hồn Hoa hòa quyện vào nhau, chú, tửng, chị, nị... chứa chan tình cảm phơi phới thông qua từ láy “tửng từng tưng”, “na nả nị” quả là thần tình!

Nếu họ không gặp thì sao?
Trời mưa muỗi cắn máng cà
Chờ cho ến xại lên bờ khuôi huôi

Và hai câu ca dao thuần Việt:
- Chờ anh cho hết sức chờ
Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông
- Trời xanh đất đỏ kinh xanh
Đỉa bu muỗi cắn làm anh nhớ nàng

“Máng cà” đúng ra là “máng cả”. “Máng” là con muỗi. “Cả” là cắn. “Cả” trại âm “cà”, do âm luật lục bát. “Ến xại” là rau muống. “Khuôi huôi” là khai hoa - trổ bông. Câu ca nói lên sự nôn nao, khắc khoải nỗi chờ đợi. Trong cái không gian miệt đồng muỗi kêu như sáo, trong cái thời gian dằng dặc trôi trên miệt đồng rau muống nảy ngọn bò lên bờ... trổ bông tình yêu chứa chan niềm hy vọng.

Tóm lại, sắc thái ca dao Nam bộ vô cùng phong phú và đa dạng. Chính cái phong phú và đa dạng này đã làm cho ca dao Nam bộ mang nhiều vẻ của một vùng sông nước hữu tình. Và các yếu tố Hoa - Việt cùng tồn tại trong một câu ca dao lại là một mảng hết sức độc đáo của ca dao Nam bộ. Nó làm cho ca dao Nam bộ không chỉ mang dáng vẻ riêng về ca dao của một vùng đất, mà nó còn tạo cho ca dao ở đây có sự hấp dẫn, mới lạ và làm lay động lòng người.

Trần Phỏng Điều
(Theo anthdep.edu.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 410
  • Khách viếng thăm: 408
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 86750
  • Tháng hiện tại: 1835650
  • Tổng lượt truy cập: 48209777