Tiếp nhận và đồng cảm

Đăng lúc: Thứ tư - 22/08/2012 10:44
Do hạn chế của thời đại, khoa học nghiên cứu văn học truyền thống chỉ đề cập đến các tiền đề chủ quan, khách quan của người sáng tạo và văn bản mà hoàn toàn không phát hiện ra vai trò của người tiếp nhận - một trong ba yếu tố cơ hữu, tạo nên tác phẩm văn học. Điều này dẫn đến một hệ quả tất yếu là người nghiên cứu đã đồng nghĩa tác phẩm với văn bản văn học và không nhìn thấy đời sống đa dạng, phức tạp nhưng đầy thú vị của tác phẩm.

Từ sau những năm 40 của thế kỷ XX, với sự xuất hiện của mỹ học tiếp nhận hiện đại, người ta giật mình phát hiện ra vai trò quan trọng của người đọc “Tác phẩm văn học chỉ có thể tồn tại trong sự tác động tương hỗ luôn thay đổi giữa văn bản và người tiếp nhận” (Mukarovki). “Người đọc là người đồng sáng tạo nên họ cũng phải nỗ lực ngang bằng với nhà văn” (Roman Ingarden).

Với những phát hiện mang tính chất bản lề này thì văn bản (Cái mà khoa học nghiên cứu văn học truyền thống cho là tác phẩm) chỉ là cái xác không hồn bất động khi chưa có hoạt động cụ thể hóa của người đọc. Nó có cấu tạo như một “sinh thể” bình thường với đầy đủ các bộ phận, chỉ khác là nó không có một hơi thở, nhịp đập của trái tim và luôn nằm bất động. Chính hoạt động cụ thể hóa của người đọc sẽ thổi vào nó một linh hồn, làm cho nó có hơi thở nồng nàn, con tim đập rộn rã, có đời sống sinh động và phức tạp. Tất cả những điều ấy chỉ được tạo ra từ hoạt động tiếp nhận của người đọc và cũng chỉ được duy trì bằng chính hoạt động này mà thôi. Khi tác giả đặt dấu chấm hết cho sản phẩm sáng tạo của mình thì nó chỉ mới là văn bản văn học, nó chỉ có thể trở thành tác phẩm văn học khi có hoạt động tiếp nhận của người đọc. Sang đến những năm 60, 70 của thế kỷ XX, khoa học nghiên cứu văn học tập trung khai thác về vấn đề tiếp nhận và phát hiện ra nhiều nhân tố quan trọng, quyết định trực tiếp đến đời sống của tác phẩm, trong đó có vai trò của sự đồng cảm trong suốt quá trình cụ thể hóa văn học.

Hoạt động tiếp nhận là hoạt động của công chúng, nhà văn sau khi đã công bố tác phẩm thì họ hoàn toàn không còn khả năng chi phối hoạt động này. “Văn bản văn học như là lá thư bỏ vào cái chai nút kín, sau khi tác giả thả cái chai xuống nước thì anh ta hiểu rằng từ phút đó sự cắt nghĩa thông điệp của anh ta không còn tùy thuộc vào ý đồ của anh ta nữa, cũng như không phụ thuộc vào ý đồ của cá nhân người nhận nào đó. Văn bản từ đây như là khả năng mời gọi đối với một cộng đồng người đọc” (Umberto Eco).  Cộng đồng người đọc, được chia thành hai loại. Loại thứ nhất là công chúng giả định. Nó xuất hiện ngay khi ý tưởng sáng tác của nhà văn hình thành, thậm chí nó có trước cả các ý tưởng của nhà văn. V. Hugo đã từng nói: “Tôi luôn cảm thấy có một người nào đó đứng sau lưng tôi chăm chú đọc từng câu, từng chữ mà tôi mới viết ra”. Đa số các nhà văn trước khi cầm bút đã xác định rõ ràng công chúng của mình là ai. Tuy vậy, tất cả chỉ là giả định, mà từ giả định đến thực tiễn còn rất xa nhau và khác nhau. Loại công chúng thứ hai là công chúng hiện thực. Đây mới chính là “cộng đồng người đọc” mà Umberto Eco muốn nhấn mạnh. Nó là yếu tố quyết định đến đời sống văn học. Loại công chúng này lại được phân thành ba cấp: công chúng cấp một, là đại bộ phận người đọc bình dân; công chúng cấp hai là học sinh – sinh viên các trường cao đẳng, đại học có khả năng tự đánh giá và phát hiện tác phẩm ở một mức độ nhất định; công chúng cấp ba, là những người nghiên cứu và nghiên cứu chuyên sâu có vai trò phát hiện, định hướng cho sự phát triển của văn học nói chung, hoạt động sáng tạo và tiếp nhận nói riêng. Công chúng ở mỗi cấp độ khác nhau có tầm đón đợi khác nhau nhưng đều có vai trò rất quan trọng với tác phẩm và muốn quá trình tiếp nhận trở nên chính xác, hiệu quả thì không thể thiếu sự đồng cảm.

Tiếp nhận là hoạt động sáng tạo lại dựa trên cơ sở văn bản và các giá trị ổn định đã được công nhận. Nó phụ thuộc vào trình độ, năng lực, tư duy và khả năng thẩm mỹ của người đọc nhưng quan trọng nhất và quyết định trực tiếp đến kết quả cuối cùng vẫn là mức độ đồng cảm của người tiếp nhận với tác giả. Khi đánh giá về vai trò của sự đồng cảm trong tiếp nhận thơ, nhà thơ Thanh Thảo khẳng định: “Thơ đúng nghĩa là sự bộc lộ tận cùng của nhà thơ". “Chảy ra từ huyết quản, chỉ có thể là máu”, một nhà văn nổi tiếng đã viết như vậy. Điều đó cũng đúng với thơ. Nếu ai đó coi thơ là “trò chơi” thì nó là trò chơi bật máu, trò chơi mà nhà thơ phải cược vào đó cả đời mình, thậm chí tính mạng của mình. Có nhiều trường phái thơ, cũng có nhiều trường phái phê bình thơ, nhiều cách tiếp cận nhà thơ, cảm nhận thơ. Vẫn có thể qua nhạc điệu mà cảm nhận một bài thơ hay. Lại có thể phân tích bằng cách phân tích cấu trúc chữ hay lần tới những tầng nghĩa còn ẩn dấu mà phát hiện cái hay của một bài thơ. Nhưng dù thế nào, nếu người phê bình không có sự đồng cảm với nhà thơ, thì những điều mà nhà phê bình “phán” về bài thơ hay tác giả thơ đều “trượt” qua, không dính gì đến tác phẩm, thậm chí phản lại tác phẩm”. Người tiếp nhận có thể có tầm đón đợi phù hợp với tác phẩm vì họ có trình độ chuyên môn cao, khả năng thẩm mỹ và tư duy khoa học nhưng nếu họ không thiết lập được kênh đồng cảm thì tất cả những điều kể trên không còn ý nghĩa gì, không giúp ích gì cho quá trình tiếp nhận. Tất cả, sẽ trở nên khô cứng, lạnh lùng, máy móc và đôi khi là tự biện khi thiếu đi sự đồng cảm.

Một tác phẩm có giá trị cả về mặt nội dung lẫn nghệ thuật nhưng nếu không nhận được sự đồng cảm của người tiếp nhận thì tất cả sẽ trở về con số không, thậm chí bị coi là một sản phẩm độc hại, chống lại sự phát triển của tiến trình văn học. Không cần phải đưa ra dẫn chứng xa lạ, chỉ cần quay lưng lại, nhìn về phía sau mình, đã thấy một cách rõ ràng điều này. Những tác phẩm kinh điển, hiện rất gần gũi với mỗi chúng ta đã phải trải qua một quá trình đấu tranh để tự tìm kiếm chỗ đứng, tự khẳng định những giá trị của mình hết sức khó khăn và quyết liệt vì không nhận được sự đồng cảm của người tiếp nhận đương thời. Suốt một thời gian dài “Truyện Kiều” của Nguyễn Du bị coi là “dâm thư” đầu độc tâm hồn và hủy hoại nhân cách của người đọc. “Tây tiến” của Quang Dũng và “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan bị kết án ủy mị, vô lý tưởng, thui chột nghị lực và ý trí của thế hệ thanh niên. Tất cả những lệch lạc trong quá trình tiếp nhận ấy có nguyên nhân lịch sử, xã hội nhưng không thể phủ nhận một nguyên nhân quan trọng là giữa tác giả và người tiếp nhận lúc ấy không tạo ra được kênh đồng cảm. Thực tế chứng minh rằng, tất cả sẽ thay đổi, thay đổi đến bất ngờ khi thiết lập được mối quan hệ đồng cảm…

Đánh giá cao vai trò của đồng cảm trong tiếp nhận văn học nhưng cũng phải tỉnh táo nhìn nhận rằng: dù mức độ đồng cảm giữa người sáng tạo và người tiếp nhận có cao đến đâu thì cũng không bao giờ chúng ta có được sự tương giao tuyệt đối giữa tác phẩm và người đọc như lấy hai đồng xu chồng khít lên nhau vì: “Tác phẩm văn học như là khách thể mang tính chủ ý thì đời sống của tác phẩm văn học cũng phụ thuộc vào những hoạt động cụ thể hóa (đọc) văn bản có chủ ý của người đọc hướng tới nó... Mặt khác, thông qua sự cụ thể hoá như là một hoạt động của ý thức hướng về nó mà bộ xương được đắp thêm da thịt và tác phẩm hình thành” (Roman Ingarden)

Bản thân “tác phẩm văn học là vật có ý hướng” thì làm sao hạn định được cái ý hướng ấy sẽ đi tới đâu và dừng lại ở đâu? Sự đan quện giữa yếu tố thực và hư, giữa những khoảng trống, khoảng lặng, khoảng mờ và cả những đoạn còn bỏ ngỏ lửng lơ đều tồn tại trên cái phương tiện là ngôn ngữ. Nhưng nếu cố tình bám víu vào ngôn ngữ để mong tìm thấy cái giới hạn cuối cùng của tác phẩm văn học thì hoàn toàn thất bại bởi “ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể”, là phương tiện thẩm mĩ nhưng bản thân nó cũng tồn tại một cách độc lập tương đối. Đó là mới chỉ đề cập đến vai trò quan trọng nhất của đồng cảm trong tiếp nhận mà chưa kể đến các yếu tố khác như: trình độ, năng lực, thẩm mỹ… của người tiếp nhận.

Hoạt động sáng tạo của nhà văn thì có bắt đầu và kết thúc nhưng hoạt động tiếp nhận thì không có bắt đầu rõ ràng và đặc biệt không bao giờ kết thúc. Mỗi lần đọc khác nhau là mỗi lần đọc mới để khám phá và phát hiện những tầng vỉa mới nằm ẩn sâu trong lòng tác phẩm. Để khám phá tận cùng những tầng vỉa ấy thì đồng cảm trở thành công cụ hiệu quả và khôn lường nhất. Chỉ khi thực sự đồng cảm với nhà văn, với những tiền đề xã hội, chính trị và lịch sử của thời đại nhà văn sống, chúng ta mới không nhầm lẫn, không đi lệch ra ngoài quỹ đạo vì văn chương vốn khó thẩm định vô cùng. Trong công trình mang tên Văn tâm điêu long, nhà nghiên cứu văn học trung đại Trung Quốc – Lưu Hiệp, phải khẳng định rằng: “Con lân, con phượng, con hoẵng, con gà rừng khác hẳn nhau, châu ngọc và đá sỏi hoàn toàn khác nhau, dưới thanh thiên bạch nhật có đôi mắt sáng mà quan sát thì phải nói là khó bề nhầm lẫn; thế nhưng người nước Lỗ nhìn lân hóa hoẵng, người nước Sở lại coi gà rừng là phượng hoàng, người nước Ngụy lại cho rằng ngọc dạ quang là hòn đá kì lạ, người nước Tống thì xem hòn đá núi Yến là châu báu! Những vật có hình dáng cụ thể dễ nhận đến thế mà còn nhầm lẫn lung tung thì văn chương vốn khó thẩm định rõ ràng, ai dám bảo là dễ phân biệt”?

Như vậy, trong quá trình tiếp nhận văn học có thể coi trình độ, năng lực, thị hiếu thẩm mỹ như là tay, chân, mũi, còn đồng cảm là mắt là linh giác. Nó có vai trò là “kim chỉ nam” trong suốt quá trình này.

Khi nghiên cứu về lý thuyết tiếp nhận, nhà lí luận người Nga M. Khơrápchencô ví tác phẩm như một chiếc máy thu thanh có nhiều tần số âm thanh khác nhau, muốn nghe nó không phải cứ bật máy lên là nghe được một cách dễ dàng. Người đọc phải kiên nhẫn điều chỉnh để tìm đúng tần số thích hợp. Chỉ có một tần số thích hợp mới cho người đọc những âm thanh thanh khiết, trong trẻo, nếu ngược lại người đọc chỉ nhận được những tạp âm đáng ghét. Để tìm đúng tần số âm thanh, ở người đọc phải có sự tổng hòa nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là sự đồng cảm. Đồng cảm là nhịp cầu hữu hiệu nhất để người đọc đến với tâm thế sáng tạo của nhà văn, đến với tác phẩm của nhà văn.

Phát hiện và khám phá vai trò của tiếp nhận đồng cảm là một bước ngoặt quan trọng, một phương thức mới trong quá trình nghiên cứu của khoa học nghiên cứu văn học nói chung và tiếp nhận văn học nói riêng. Nó mở ra một lối đi riêng vào thế giới nghệ thuật để có thể khám phá một cách tự nhiên, hiệu quả, sáng tạo và đầy nhân văn những giá trị vĩnh hằng của tác phẩm văn học. Nó còn là “kim chỉ nam” cho quá trình khám phá của người tiếp nhận không bị “trượt” ra khỏi quỹ đạo của tác phẩm.

Nguyễn Thanh Tuấn
(Theo VNTG số 53)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 409
  • Khách viếng thăm: 404
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 73464
  • Tháng hiện tại: 1822364
  • Tổng lượt truy cập: 48196491