Họa sĩ Đặng Ái Việt đi tìm nét thời gian

Đăng lúc: Thứ hai - 04/06/2012 10:09
Họa sĩ Đặng Ái Việt đi tìm nét thời gian

Họa sĩ Đặng Ái Việt đi tìm nét thời gian

HS Đặng Ái Việt (SN 1948 tại Cai Lậy, Tiền Giang) – nguyên giảng viên Đại học Mỹ thuật TPHCM – là vợ của cố Anh hùng Lao động, NSND Phạm Khắc, Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM. Ký họa chân dung các bà mẹ Việt Nam anh hùng được bà ấp ủ từ trước những năm 2000. Nhưng phải đến năm 2003 sau khi nghỉ hưu, bà mới có điều kiện thực hiện.

Chiếc Chaly đời cũ với lỉnh kỉnh những bút, giá vẽ và hành trang cần thiết cho một chuyến đi dài được chất đầy lên đó. Gương mặt người đàn bà dường như ẩn giấu sự vội vã của thời gian. Họa sĩ Đặng Ái Việt đang chạy đua với thời gian, một cuộc chạy đua không mỏi mệt để kịp ghi lại chân dung của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…

1. Câu chuyện đầu tiên với nữ họa sĩ đã qua tuổi lục tuần này là câu chuyện về thời gian. Dù nét thời gian đang hằn lên cái vẻ ngoài khá vất vả, tất bật của bà, nhưng thời gian lại dường như bất lực trước sức sống đang tràn đầy trong nhiệt huyết của một tâm hồn nghệ sĩ. Tôi có cảm giác, bà đang hồi sinh, hồi sinh trong sự sáng tạo của chính mình. Nên, những mỏi mệt về tuổi tác và sức khỏe dường như bất lực trước bà.

Và trong suốt cuộc nói chuyện với bà, không phải là những hồi tưởng về quá khứ mà là những dự định về tương lai. Đó là một cuộc chạy đua mà người tham dự không hề mỏi mệt với thời gian. Ở cái tuổi 64, khi mọi công việc đã yên bề, các con đã trưởng thành, và khi người chồng mà bà nhất mực kính trọng và yêu thương đã qua đời, người ta thường chọn cách lánh vào đời bằng sự bình yên an hưởng của tuổi già thì họa sĩ Đặng Ái Việt lại dường như đi ngược lại hoàn toàn quy luật đó.

Đây là thời điểm bà bắt đầu thực hiện những khát vọng nghệ thuật mà mình đã ấp ủ suốt cuộc đời. Khi Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Khắc còn sống, bà đã chọn cách lánh mình, lặng lẽ đứng sau cái bóng của chồng, lo việc nội trợ gia đình, chăm chút cho mái ấm của bà được bình yên. Ngày đó, để khỏi quên nghề, bà thỉnh thoảng vẫn đi vẽ, tham gia các cuộc triển lãm chung với bạn bè. Bà đã nén mình lại trong những khát vọng của chính mình để có một ngày nào đó, bà được dành trọn vẹn cho nghệ thuật.

Chiếc hộp đựng tranh được gắn sau chiếc xe Chaly, người bạn đường gắn bó với bà suốt hai mươi năm qua, và đang tiếp tục cuộc hành trình đi tìm nét thời gian cùng bà. Chiếc hộp to quá khổ so với vóc dáng bé nhỏ của bà, trở thành vật bất ly thân trong hành trình xuyên Việt của người đàn bà vẽ. Sáu tháng rong ruổi trên các vùng quê, từ Sài Gòn ra Hà Nội, và 210 bức chân dung các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã được hoàn thiện.

Đặng Ái Việt bảo, bà có tham vọng làm một triển lãm đầu tiên của ngành Mỹ thuật về mẹ Việt Nam Anh hùng. Là một người từng đi qua chiến tranh, bà hiểu được nỗi đau, sự mất mát của các bà mẹ. Nên bà đã đi theo "hành trình nét thời gian" với một tâm nguyện, mình đang làm một việc nghĩa. Các mẹ bây giờ đều như những ngọn cây lay lắt trong bão gió, chỉ muộn một ngày nữa thôi, tâm nguyện ấy có thể sẽ không thành…

Không hiểu có một sức mạnh vô hình nào đó đã cho người đàn bà này cái ý chí và nghị lực, để vượt qua một hành trình dài dặc trên chiếc Chaly nhỏ bé của mình. Bà chỉ tiếc, mình đã không đi sớm hơn. Cái ý tưởng vẽ chân dung các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã ấp ủ trong bà từ rất lâu. Và trong quãng đời ẩn dật của mình, bà đã luyện vẽ chân dung rất nhiều. Họa sĩ Đặng Ái Việt tâm sự, bà muốn dựng lại tượng đài bất hủ về các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, một hình tượng chỉ có ở Việt Nam.

Khi đi qua vùng Quảng Nam, Quảng Trị đầy nắng gió, những vùng đất khi xưa là chảo lửa của chiến tranh, nơi biết bao người con đã nằm lại, nơi bao bà mẹ mỏi mòn chờ tin con, ngóng trông chồng trong vô vọng, họa sĩ Đặng Ái Việt giật mình bởi những con số biết nói. Nơi đó khi xưa có hàng ngàn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhưng giờ đây, trong chuyến hành trình muộn của bà, con số đó chỉ còn lại… vài trăm.

Bà bị sốc khi nghe được thông tin đó, và ân hận tại sao mình đã không về với các mẹ sớm hơn. Cuốn sổ ghi nhật ký hành trình của bà đã dày lên những kỷ niệm về chuyến đi. Kỷ niệm chất chồng kỷ niệm, nên khi ngồi với tôi, bà không biết bắt đầu từ câu chuyện nào, bởi đối với bà, thì mỗi một cuộc gặp, mỗi bức chân dung đều là một câu chuyện xúc động, một kỷ niệm không thể nào quên.

Trở về với các mẹ bà cảm thấy như được trở về với cội nguồn, với huyết mạch xa xưa của dân tộc. Bà được thấy mình bé nhỏ, được trở về với tuổi thơ của chính mình. Đặng Ái Việt nhớ, có lần, bà được nằm ngủ lại với mẹ trong một buổi trưa oi ả của miền Trung, cảm giác như được trở về với mẹ thân yêu. Bà đã ngủ một giấc ngon lành như đứa con xa lâu ngày tìm về với mẹ, một giấc ngủ bình yên, không giật mình, còn mẹ cũng coi bà như đứa con bé bỏng, âu yếm vỗ về.

Nên hành trình của Đặng Ái Việt không phải chỉ là sự ghi lại hình ảnh của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên các làng quê nghèo Việt Nam, mà những bức chân dung của chị chính là biểu tượng về sức mạnh của một tượng đài sừng sững trước thời gian, của nỗi đau, sự hy sinh. Tôi lật giở từng bức chân dung chị vẽ và không cầm được nước mắt. Nét già nua đã thể hiện trên từng gương mặt mẹ.

Thời gian có thể phủ nhòa lên tất cả, nhưng thời gian chưa bao giờ xóa nhòa được nỗi đau của mẹ. Đặng Ái Việt cảm nhận được nỗi đau ấy. Và bà đã vẽ bằng cả tâm hồn mình, một tâm hồn biết cảm nhận nỗi đau, sự cô đơn và những mất mát của các mẹ trong quá khứ, trong hiện tại.

Đặng Ái Việt nói, bà vẽ bằng nội lực bên trong, "hữu ư tâm sức hình ư diện (cái ở trong tâm nó bộc lộ ra ngoài). Nên tranh chân dung của Đặng Ái Việt không chỉ là sự thăng hoa của tài năng, mà là sự hội tụ những điều thiêng liêng nhất về mẹ.

Hà Linh
(Theo CAND& ANTG)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 390
  • Khách viếng thăm: 386
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 49375
  • Tháng hiện tại: 1798275
  • Tổng lượt truy cập: 48172402