Hào Hải ở phố Hạ Hồi

Đăng lúc: Thứ ba - 24/07/2012 14:57
Một ngày nào đó, Salon Des Beaux- Ats số 4 Hạ Hồi không còn mở nữa. Những ô cửa sổ trên tầng hai đầy nắng sẽ khép lại. Những bức họa tuyệt phẩm trên tường sẽ vĩnh viễn chìm vào sự lặng im, chìm vào nỗi nhớ hay sự quên lãng.

Một ngày nào đó, những thanh âm từ chiếc đàn dương cầm cổ, đằng sau bức tường đá của ngôi biệt thự kia lịm tắt. Lúc đó những người yêu nghệ thuật, có còn ai nhớ đến chủ nhân Nguyễn Hào Hải - một trong những lãng tử hào hoa cuối cùng của Hà thành một thuở.

Hai mươi năm trước, Nguyễn Hào Hải đã một lần làm vậy. Ông lặng lẽ đóng cửa Salon Des Beaux- Ats số 4 Hạ Hồi, khép lại một quá khứ lừng lẫy. Trước khi bước chân vào đây tôi được nghe kể về ngôi biệt thự.

Nơi đó có chủ nhân là một người yêu nghệ thuật, có học vấn uyên thâm về nghệ thuật, quý trọng những tài danh trong lĩnh vực nghệ thuật nên đã dành một trong những ngôi biệt thự của mình để lập salon mở rộng cửa đón những vị khách nổi tiếng trong giới nghệ thuật đến chơi, uống rượu và phiếm đàm.

Salon Des Beaux- Ats số 4 Hạ Hồi là nơi hội tụ của những thi nhân, danh nhân, tài tử, danh họa đất Việt nức tiếng thời bấy giờ. Văn Cao, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Hoàng Cầm, đạo diễn Phạm Văn Khoa, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, họa sĩ Mai Văn Hiến và bộ tứ trụ trong hội họa đương đại: Nguyễn Tư Nghiêm - Dương Bích Liên - Nguyễn Sáng - Bùi Xuân Phái.

Chủ nhân biệt thự là Nguyễn Hào Hải, xuất thân trong một gia đình trí thức ở Hà Nội, từng tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Tổng hợp và một người trẻ tuổi thuộc thế hệ hậu sinh so với những người bạn già tài danh kia. Một người trong những năm tháng bao cấp nghèo khó nhưng sẵn sàng bán đi những đồ sứ cổ từ thời Khang Hy, Càn Long để mua rượu Tây thết đãi bạn bè.

Mua toan, sơn dầu, cọ vẽ để phục vụ bạn mình sáng tác hội họa. Một chàng trai với vốn kiến thức phong phú về văn học, triết học, âm nhạc và hội họa, sự hiểu biết về văn hóa nghệ thuật. Quan trọng hơn cả ở chàng trai đó là tình yêu và sự đam mê, dâng hiến tận tụy cho nghệ thuật mà đặc biệt là hội họa, đủ để tụ tập quanh mình, tụ tập ở Salon Des Beaux- Ats số 4 Hạ Hồi những danh nhân đất Việt lúc bấy giờ.

Khi những người bạn vong niên ấy tuân theo quy luật sinh tử- lặng lẽ rời xa chủ nhân của số 4 Hạ Hồi, rời xa cuộc sống trên dương thế để trở về với cõi u tịch thì chủ nhân của Salon Des Beaux- Ats số 4 Hạ Hồi đã ngập chìm trong sự trống rỗng. Sự trống rỗng ấy đã nuốt chửng tâm hồn, ý nghĩ và cả đời sống của ông cả khi ông còn đang rất trẻ khi những người bạn thân thiết không bao giờ còn trở lại nơi đây nữa.

Một trong số những người bạn ấy là họa sỹ Dương Bích Liên, người đã chia sẻ cùng chủ nhân của ngôi biệt thự số 4 Hạ Hồi cả cuộc đời mình cho đến lúc lìa xa trần thế. Những nỗi đau trống vắng với Nguyễn Hào Hải lúc đó là sự mất mát không gì bù đắp được. Mất một người bạn lớn, như mất đi chính tâm hồn mình. Mất những người bạn nghĩa là mất đi cả cuộc sống mình, mất đi chính bản thân mình.

Mạn phép chủ nhân Nguyễn Hào Hải, tôi đồ rằng lúc ấy, sự cô đơn, những hình bóng ký ức bủa vây ông, giam cầm ông và làm cho ông trống rỗng đến khôn cùng. Ông không thể mở cửa salon khi biết rằng những người bạn thân quý nhất, những tri âm tri kỷ, những người đã từng làm nên một phần cuộc sống ý nghĩa của ông không bao giờ còn trở lại.

Tất thảy sẽ là vô nghĩa khi những linh hồn đã bay đi để lại xung quanh ông những khoảng trống vắng khôn cùng. Trống vắng đến nỗi ông đã buồn chán, đã phải đóng cửa Salon Des Beaux- Ats, và trong một lần ra nước ngoài, ông muốn ra đi mãi mãi để không trở về cái salon đó nữa. Nhưng rồi trong biển người xa lạ ấy, ông thấy mình rõ hơn bao giờ hết. Ở phương trời xa xôi ấy, ông nhận ra mình sẽ kiệt sức nếu không trở về mảnh đất của mình.

Trong tâm trạng khủng hoảng ấy, Nguyễn Hào Hải có lần đã gọi về cho người bạn trẻ tuổi là họa sỹ Hoàng Phượng Vĩ rằng: "Vĩ ơi, anh nhớ Hà Nội quá!". Ông đã nhớ Hà Nội quay quắt, nhớ bia cỏ Bà Triệu, nhớ con phố Hạ Hồi lặng lẽ, nhớ những ô cửa sổ đầy nắng trên tầng 2, nhớ căn phòng trên tường treo những tuyệt phẩm của tài danh bạn hữu, và nhớ cả tiếng dương cầm lãng đãng, thổn thức trong những hoàng hôn đầy sương và gió lạnh nơi số 4 Hạ Hồi.

Nguyễn Hào Hải quay trở về nơi ông sinh ra. Hà Nội sinh ra một Nguyễn Hào Hải hào hoa lãng tử, vì vậy ông phải trọn kiếp với Hà Nội như không thể khác. Bởi có lẽ nào ông lại quay lưng, lại ra đi khỏi cái nơi chốn mà như họa sĩ Mai Văn Hiến lúc sinh thời đã có câu nói nổi tiếng với bạn bè: "Có thể nhắc về Hà Nội với biết bao nhiêu điều. Và nhắc về Hà Nội không thể không nhắc về một Hạ Hồi - Hào Hải - hào hoa".

Tôi thật may mắn gặp Nguyễn Hào Hải khi Salon Des Beaux- Ats số 4 Hạ Hồi đã mở cửa. Và khi tôi may mắn bước vào đó, tất cả cái ký ức kiêu hãnh và u hoài ấy đã đánh thức tôi, bước vào tâm hồn tôi trong sự chiêm nghiệm của không gian và thời gian. Tôi có cảm tưởng như ở đây, ở trong salon này sự im lặng đã trở nên vĩnh cửu.

 Ông không phải là người sưu tập tranh nhưng những bức tranh đẹp nhất của Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng ông đều có, và hiện nay ông sở hữu rất nhiều bức tranh quý của những danh họa đã khuất. Và cho dù salon đã mở lại, chủ nhân đã trở về, căn phòng nơi ngôi biệt thự đã lại treo đầy những bức tranh đẹp, tiếng dương cầm thi thoảng đã lại thả ra những âm thanh buồn bảng lảng thì chủ nhân giờ đã lặng lẽ lùi vào đâu đó, rất sâu, rất xa của cái ký ức tuyệt - đẹp - tan - vỡ. Salon số 4 Hạ Hồi của Nguyễn Hào Hải đã mở lại sau 20 năm đóng cửa, sau 20 năm cái chết của người bạn cuối cùng là họa sỹ Dương Bích Liên.

Cuối cùng thì Nguyễn Hào Hải không thể và không cho phép bản thân có quyền khép lại những cánh cửa đã mở ở số 4 Hạ Hồi.

Nhiều lúc tôi đã tự nghiệm và cho rằng Nguyễn Hào Hải không là ai cả, ông không là một ai hết trong tất cả chừng ấy những thứ mà ông đang mang trên người, quần bò, áo phông, giày khủng bố, tóc buộc túm hay những chiếc xe máy độc đáo gửi từ nước ngoài về.

Tất cả chỉ là những - thứ - không - liên - quan, ngay cả cái công việc khó khăn, khô khan đến không - ai - hiểu - nổi như món triết học khó nhằn mà ông đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị được sử dụng làm tài liệu nghiên cứu ở Viện Triết học, hay Thư viện Quốc gia, hay đưa vào giảng dạy tại các trường đại học. Đến cả chức danh Phó Giáo sư - Tiến sỹ - nhà nghiên cứu triết học v.v. thì tất tần tật những thứ đó cũng như không thuộc về ông, không liên quan đến ông, đến cái người mặc quần bò, đi giày khủng bố và cưỡi những chiếc xe máy độc lạ vẫn xuất hiện sành điệu trên phố phường Hà Nội.

Tôi thấy Nguyễn Hào Hải thuộc về một cái gì đó không tồn tại mà vô cùng bền vững. Sự bền vững thuộc về một giá trị phi vật chất, như những bức tranh kia của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái vẫn treo trên tường nhà biệt thự số 4 Hạ Hồi. Thuộc về cái ngọn lửa ấm áp mà mãnh liệt trong một chiều hoàng hôn đông giá ông và họa sỹ Dương Bích Liên đốt những chiếc ghế cổ sưởi ấm cho người mẫu vẽ. Hay ngọn lửa hoang dã và đau đớn trong một buổi sáng mùa đông ông và họa sỹ Dương Bích Liên cùng đốt tranh, đốt luôn cả chính mình trong một khoảnh khắc tan vỡ nào đó.

Tôi thấy Nguyễn Hào Hải thuộc về những con phố Bà Triệu, Nguyễn Du, nơi ông dìu người bạn già liêu xiêu với chai rượu cạn đáy. Thuộc về những pho sách quý vẫn bọc gáy xếp lặng yên trên giá sách, thuộc về chiếc dương cầm cổ phủ bụi nơi góc nhà. 

Tôi có thể lý giải được vì sao Nguyễn Hào Hải chỉ kết thân và chơi được với những người bạn già, và trong đó phần lớn là những người nổi tiếng. Vốn tri thức của ông tích lũy được đủ để ông vượt qua những bạn trẻ đồng trang lứa, đủ để ông tìm đến với những người mà cuộc đời, sự từng trải và kiến thức họ mang đến cho Nguyễn Hào Hải thỏa mãn khát vọng tìm kiếm và tích lũy. Thành ra Nguyễn Hào Hải trở nên cô đơn khi những người bạn già bỏ ông mà đi, và bây giờ, ông lại là một chốn tĩnh lặng, là nơi để những người bạn trẻ mỏi đường, tìm đến.

Họa sỹ Dương Bích Liên, một người chọn lối sống cô độc ẩn mình lặng lẽ đã kết thân với Nguyễn Hào Hải như một tri âm tri kỷ. Càng tìm hiểu về Dương Bích Liên, tôi càng thấy người họa sỹ cô độc này thực trong tâm hồn yếu đuối và run rẩy xiết bao, một người sống trong sự đổ vỡ của chính mình.

Với Dương Bích Liên, Nguyễn Hào Hải có sự im lặng, có sự tôn trọng nhất mực dành cho những nghệ sỹ có đời sống bất trắc và thiếu yên ổn như Dương Bích Liên tìm đến. Nhiều nghệ sỹ, họa sỹ trẻ bây giờ họ thân quý ông, coi ông là tri âm tri kỷ bởi tìm đến với Nguyễn Hào Hải họ tìm thấy sự bình ổn trong tâm hồn mình. Họ tìm thấy sự cân bằng tĩnh tại mà trước đó họ lỡ đánh mất. Họ thấy mạnh mẽ hơn, đáng sống hơn khi đến đây và ngồi vào chiếc ghế ngày xưa những danh họa, thi nhân tên tuổi đã ngồi. Nguyễn Hào Hải là người ít nói, ông kiệm lời, không bộc lộ về mình, không thích nói về bản thân, không nhu cầu chia sẻ. Thế nhưng những người bạn tìm đến ông, tìm đến sự im lặng ấy như một sự chia sẻ sâu sắc.

Mỗi người có quyền chọn cho mình một cách sống, một cuộc sống, một niềm vui sống. Nguyễn Hào Hải chọn sự cô đơn, chọn sự ẩn mình, chọn sự lặng lẽ. Ông sống một mình bao nhiêu lâu ở Salon Des Beaux- Ats số 4 Hạ Hồi.

Một tuần, một tháng, một năm, ông trở về với gia đình trong một ngày nào đó, một khoảnh khắc nào đó. Còn lại ông một mình ở số 4 Hạ Hồi, một mình trong cõi u tịnh của ký ức.

Tôi chưa bao giờ thấy Nguyễn Hào Hải của một ngôi nhà đầy ắp tiếng trẻ con và tiếng nói quyền uy vang lên của một người đàn bà. Vì thế tôi không hình dung được thâm sâu trong cõi sống của ông. Nhưng tôi tin hai đứa trẻ con của ông, hai đứa bé xuất hiện trong bộ phim "Sắc thu vàng lặng lẽ" ông làm để tưởng nhớ người bạn thân thiết là họa sỹ Dương Bích Liên hẳn giờ đã lớn, và chúng may mắn xiết bao khi có một người cha đủ để cho chúng tự hào.

Tôi tin, ông đã dạy cho chúng những nốt nhạc đầu tiên trên những phím dương cầm, những nét vẽ đầu tiên trên bức toan trắng, và những ý nghĩ đầu tiên khi chúng bắt đầu cuộc sống của riêng mình.

Nguyễn Hào Hải vẫn một mình, lặng lẽ với "Maitre đã khuất". Nhưng tôi vẫn thấy Nguyễn Hào Hải đâu đó trên đường phố, trong những quán cà phê với những người bạn trẻ tuổi. Những bữa rượu mềm môi, những cuộc triển lãm tranh. Nhưng tôi lại thấy như ông không tồn tại trong cuộc sống này. Sự lặng lẽ đã làm cho ông như tan biến đi trong cuộc sống thực, nhưng cũng chính sự lặng lẽ ấy lại làm nên sự bình an, tĩnh tại và vững chãi như đá núi trong con người ông.

Chiều nay tôi ghé nhà ông, nhìn cây dương cầm cổ đơn lạnh nơi góc nhà, trên đó mấy phím đã mơ hồ làn bụi mỏng. Biết đã lâu ông không chơi đàn, đã lâu Salon Des Beaux- Ats số 4 Hạ Hồi không tràn ngập một thứ âm thanh kiêu sang và quyến rũ.

Tôi đề nghị ông đàn cho tôi nghe một bản nhạc. Nguyễn Hào Hải đã sẵn lòng chiều một người bạn trẻ tuổi mà ông không thân quen bằng những tuyệt khúc hay nhất trong một bản hợp khúc mà ông yêu thích.

Tôi gọi Nguyễn Hào Hải là một trong những kẻ hào hoa lãng tử còn sót lại ở đất Hà thành.

Như Bình
(Theo CAND)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 447
  • Khách viếng thăm: 444
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 29294
  • Tháng hiện tại: 1895073
  • Tổng lượt truy cập: 48269200