Miền đất học Tiền Giang trong nửa đầu thế kỷ XIX

Đăng lúc: Thứ hai - 29/12/2014 07:00
1. Hệ thống trường học
Dưới triều Minh Mạng (1820 - 1840), song song với việc hoàn chỉnh hệ thống hành chính, kinh tế, chính quyền phong kiến bắt đầu có sự quan tâm đối với giáo dục.

Ở Tiền Giang, các trường học ở tỉnh, phủ, huyện đều được thành lập, đóng vai trò tích cực trong việc giáo hóa nhân dân, nhất là thanh - thiếu niên đương thời. Theo Đại Nam nhất thống chí, đó là các trường học:

- Trường học tỉnh Định Tường ở thôn Bình Tạo (nay thuộc Phường 4, Phường 6, Tp. Mỹ Tho) được lập năm 1826.

- Trường học phủ Kiến An ở thôn Tân Hiệp (nay là huyện lỵ Châu Thành) được mở năm 1833, trường này kiêm lãnh luôn trường học huyện Kiến Hưng.

- Trường học huyện Kiến Hòa (thuộc phủ Kiến An) ở thôn Tân Hóa (nay thuộc xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo) được mở năm 1835.

- Trường học phủ Kiến Tường ở thôn Mỹ Trà (nay thuộc thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) được mở năm 1838, trường này kiêm lãnh luôn trường học huyện Kiến Phong.

- Trường học huyện Kiến Đăng (thuộc phủ Kiến Tường) ở thôn Mỹ Trang (nay thuộc thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy) được lập năm 1838.

Hệ thống tổ chức giáo dục của chính quyền phong kiến chỉ xuống tới cấp huyện mà thôi. Ở thôn ấp, việc học của con em nhân dân lao động do nhân dân tự lo liệu là chính. Có thể, lúc bấy giờ mỗi thôn, nhất là những thôn được lập khá sớm, dân đông, đều có trường của thôn mà vị hương sư là người đảm trách. Đồng thời, ở thôn ấp còn có loại trường do thầy đồ đứng ra lập hoặc nhiều gia đình hợp lại hay một gia đình khá giả mở trường rồi mời thầy về dạy cho con em mình. Các loại trường dân lập này được ra đời nhằm để thỏa mãn nhu cầu học hành rộng rãi cho mọi người, và không nhất thiết là con nhà giàu mới có khả năng cắp sách đến trường, những gia đình bình thường vẫn có thể cho con em mình theo đuổi sự học. Điều đó xuất phát từ truyền thống hiếu học của dân tộc ta. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Định Tường cho biết, người Tiền Giang thuở ấy rất ham học: “Hạng tuấn tú chuyên việc sách đèn”.

Đảm trách việc dạy học ở trường tỉnh, phủ, huyện đều là những trí thức khoa bảng, thậm chí có người đỗ đại khoa như tiến sĩ Phan Hiển Đạo (khoa năm 1856), số còn lại đều đỗ cử nhân, trong đó có những người đỗ cử nhân thủ khoa như Nguyễn Hoài Vĩnh (khoa năm 1840), Nguyễn Hữu Huân (khoa năm 1852), hoặc cử nhân á khoa như Nguyễn Thanh Trưng (khoa năm 1852)... Còn việc dạy học ở những trường dân lập đều do thầy đồ đảm nhiệm. Lực lượng thầy đồ gồm có nhiều nguồn: từ miền Trung vào mà nhân dân quen gọi là “thầy Quảng”, “thầy Huế”; người địa phương có học hành.

2. Khoa cử

Chính quyền phong kiến chúa Nguyễn, sau khi củng cố được quyền bính ở Gia Định (chỉ chung cho toàn Nam bộ) năm 1788, đã nảy sinh nhu cầu tổ chức thi cử để chọn người khoa bảng, phục vụ cho chế độ thống trị.

Trong khuôn khổ đó, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã tổ chức một số khoa thi và khảo hạch sĩ tử ở Gia Định. Học trò được miễn sưu dịch và binh dịch để tập trung vào việc học. Đó là các khoa thi và khảo hạch sau đây:

Khoa thi năm 1791 lấy trúng cách 12 người. Phép thi có hai kỳ: kỳ đệ nhất, thi kinh nghĩa, dùng kinh truyện mỗi thứ một đạo, thơ dùng sử, dùng cảnh, mỗi thứ một bài; kỳ đệ nhị, thi chiếu, chế, biểu, dùng sử, dùng cảnh, mỗi thứ ba đạo. Ở khoa thi này, người đỗ hạng ưu được bổ làm Nho học Huấn đạo Phủ lễ sinh, đỗ hạng thứ được gọi là Nhiêu học. Tất cả những người đỗ đạt đều được miễn thuế đinh, sưu dịch và binh dịch.

Khoa thi năm 1795 có hai trường: đệ nhất trường, thi kinh truyện nghĩa hai đạo, thơ sử và thơ cảnh mỗi thứ hai đề; đệ nhị trường, thi thơ phú về sử và thơ phú về cảnh. Những người trúng cách được xếp ba hạng là giáp, ất, bính; theo đó mà bổ quan chức và miễn binh đao nhiều hay ít. Khoa thi năm 1796, lấy trúng cách là 273 người, bao gồm 205 người đỗ đệ nhất trường, 54 đỗ đệ nhị trường, 14 người đỗ đệ tam trường.

Năm 1801, Nguyễn Phúc Ánh cho hoãn khoa thi, nhưng vẫn ra lệnh cho quan Đốc học khảo hạch sĩ tử. Trước khi lên ngôi vua mấy tháng, Nguyễn Phúc Ánh sai Lưu trấn thần Gia Định dùng phép Tam trường để khảo thí sĩ tử. Kỳ đệ nhất, thi kinh truyện, lấy đậu 92 người; kỳ đệ nhị, thi chiếu, chế, biểu, lấy đậu 46 người; kỳ đệ tam, thi thơ phú, lấy đậu 41 người.

Qua hai khóa thi này, Tiền Giang có 3 người đỗ hạng ưu là Ngô Tùng Châu, Phạm Đăng Hưng, Nguyễn Hoài Quỳnh. Đó là niềm tự hào của nền giáo dục Tiền Giang, bởi vì thuở ấy ở toàn Nam bộ, số người đỗ đạt như thế không nhiều.

Sau khi lên ngôi năm 1802, vua Gia Long (tức chúa Nguyễn Phúc Ánh) có ý định chấn hưng nền học thuật ở Nam bộ, trong đó có Tiền Giang, vốn chưa phát triển ngang bằng với Bắc bộ và Trung bộ. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ý định mở mang giáo dục nhằm đào tạo quan lại bằng con đường khoa cử của vua Gia Long chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Từ năm 1802 đến năm 1819, triều đình nhà Nguyễn chỉ tổ chức được hai khoa thi Hương cho Nam bộ. Khoa thi Hương đầu tiên ở Nam bộ; đồng thời là khoa thi Hương thứ hai trên toàn quốc được tổ chức vào năm Quý Dậu (1813), lấy 8 cử nhân, trong đó có 1 cử nhân là người Tiền Giang (Nguyễn Tấn Bá). Được biết, ở khoa thi này ngoại trừ hai trấn Phiên An (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) và trấn Định Tường (nay là Tiền Giang), thì các trấn khác như trấn Biên Hòa, trấn Vĩnh Thanh, trấn Hà Tiên không có ai đỗ cả. Tiếp đến là khoa Kỷ Mão (1819), khoa này trường Gia Định lấy 12 cử nhân, trong đó cử nhân hạng ba Đặng Văn Mô là người Tiền Giang. Và cũng như khoa trước, số cử nhân trúng tuyển chỉ bao gồm hai địa phương là trấn Phiên An và trấn Định Tường.

Về thi cử, kể từ khoa thi Hương đầu tiên được tổ chức ở Nam bộ năm 1813 đến khoa thi cuối cùng năm 1864, nhà Nguyễn đã tổ chức được tất cả là 20 khoa thi hương (19 khoa thi ở trường Gia Định, 1 khoa thi ở trường An Giang) với 270 người đậu cử nhân. Trong 20 khoa thi đó, ở khoa thi nào Tiền Giang cũng có thí sinh trúng tuyển, với 44 người đậu cử nhân, chỉ đứng sau Gia Định mà thôi.

Trong từng khoa thi, có những khoa, số thí sinh là người Tiền Giang đậu khá đông. Thí dụ như: khoa thi năm 1840 lấy 6 cử nhân thì Tiền Giang đã có 3 người đậu (chiếm tỉ lệ 50%), khoa thi năm 1858 lấy 10 cử nhân, trong đó Tiền Giang có 4 người đậu (đạt tỉ lệ 40%), khoa thi năm 1842 lấy 16 cử nhân, trong đó có 5 người quê quán ở Tiền Giang (đạt tỉ lệ 35%). Đặc biệt, trong những khoa thi ấy, có 6 khoa, thí sinh Tiền Giang chiếm được thứ hạng ở vị trí cao nhất, như khoa năm 1831, Lương Quốc Quang đậu á khoa, Huỳnh Mẫn Đạt đậu hạng 3; khoa năm 1840 Nguyễn Hoài Vĩnh đậu thủ khoa, Trần Văn Lập đậu hạng 3; khoa năm 1847 Phan Hiển Đạo đậu hạng 3; khoa năm 1852 Nguyễn Hữu Huân đậu thủ khoa, Nguyễn Thanh Trưng đậu á khoa, Nguyễn Hữu Tạo đậu hạng 3; khoa năm 1855 Nguyễn Tánh Thiện đậu thủ khoa, Đoàn Tấn Thiện đậu hạng 3. Như vậy, Tiền Giang có tới 4 thủ khoa, 3 á khoa cử nhân. Đây là điều không phải địa phương nào cũng đạt được. Còn về tiến sĩ thì có Phan Hiển Đạo đậu khoa thi Hội năm 1856 tại trường Thừa Thiên.

Tượng Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tại công viên Lạc Hồng - Mỹ Tho


Với số người đỗ đạt như thế, trong đó có những người đỗ cao, đã phản ảnh phần nào tình hình và chất lượng giáo dục đương thời ở Tiền Giang. Có thể nói rằng, Tiền Giang là một trong những trung tâm văn hóa - giáo dục ở toàn Nam bộ ngay từ rất sớm, ít nhất là từ đầu thế kỷ XIX trở đi.

Hầu hết những trí thức khoa bảng ở Tiền Giang đều tham gia chính quyền, góp phần đem tài năng của mình để phục vụ xã hội, và lẽ tất nhiên là cũng nhằm phục vụ chế độ thống trị. Trong số 45 vị cử nhân và 1 vị tiến sĩ thì có 9 người là Học quan, phục vụ trong ngành giáo dục ở Tiền Giang hay ở các nơi khác. Phần lớn số còn lại thì trở thành quan chức của chính quyền nhà Nguyễn. Và họ đều là những viên quan mẫn cán, nhân đức, hết lòng vì dân, vì nước; được nhân dân tín nhiệm, kính trọng. Đây là nét độc đáo của trí thức ở Tiền Giang. Chính họ đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương và đất nước nói chung.

3. Tác dụng của giáo dục

Chính nhờ giáo dục mà tại Tiền Giang, lúc bấy giờ, nạn cờ bạc, trộm cắp... khó có điều kiện để nảy sinh. Con người cư xử với nhau rất chan hòa, tương thân, tương ái, trọng nghĩa khinh tài và hiếu khách. Mọi tầng lớp nhân dân đều chăm lo làm ăn, lao động sản xuất. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Con trai chuyên nghề nông; con gái chăm việc canh cửi, có khi kiêm nghề buôn bán; hạng tuấn tú chuyên việc sách đèn; hạng khỏe mạnh học theo kỹ nghệ, khuôn dệt đúng phép, hàng lụa bắt bông hoa tinh xảo có tiếng, phong tục thuần mà rộng rãi ...”.

Bên cạnh đó, và đây là điều hết sức quan trọng, là giáo dục đã có ảnh hương to lớn, nếu không nói là quyết định, đến tinh thần yêu nước của sĩ phu và nhân dân Tiền Giang. Những vị khoa bảng nổi danh hoặc những trí thức không bằng cấp, khi thực dân Pháp xâm chiếm Tiền Giang và Nam bộ, đều đứng về trận tuyến của nhân dân, giương cao ngọn cờ dân tộc, lãnh đạo nhân dân nổi lên khởi nghĩa, chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của đất nước. Đó là những cử nhân Nguyễn Hữu Huân, Âu Dương Lân, Đỗ Trình Thoại, Phạm Hoằng Đạt, Trần Xuân Hòa, Huỳnh Mẫn Đạt... mà tên tuổi của họ vẫn ghi mãi trong trang sử vàng liệt oanh của dân tộc.

Nguyễn Phúc Nghiệp
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 63)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 79
  • Hôm nay: 41139
  • Tháng hiện tại: 351309
  • Tổng lượt truy cập: 67325800