Có thể khẳng định thành công lớn nhất của Nguyễn Tuân trên phương diện hình thức nghệ thuật thể loại tùy bút chính là ở nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Thành công ấy được tạo nên bởi ý thức lao động nghệ thuật nghiêm túc, công phu của nhà văn. Tiếp cận các tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Tuân, chúng ta nhận thấy mỗi trang viết của ông luôn có ý thức rất sâu về vai trò và hiệu quả nghệ thuật của câu văn. Vì vậy, việc sử dụng các biện pháp tu từ để làm đẹp cho câu văn theo một chuẩn mực thẩm mĩ là một trong những nét nổi bật trong phong cách ngôn ngữ tùy bút Nguyễn Tuân.
Khảo sát các biện pháp tu từ trong văn xuôi Nguyễn Tuân chúng ta thấy được tài năng, sự sáng tạo trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của nhà văn bậc thầy họ Nguyễn và góp phần khẳng định phong cách nghệ thuật của nhà văn. Trong khuôn khổ bài viết ngắn, chúng tôi chỉ có thể góp thêm một cách khám phá mới về sự “chệch chuẩn” trong câu văn Nguyễn Tuân qua tùy bút Người lái đò sông Đà bằng việc chỉ ra và phân tích các phương tiện tu từ cú pháp mà nhà văn đã sử dụng với mong muốn sẽ hiểu được phần nào những đặc điểm, sự sáng tạo về cấu trúc trong câu văn Nguyễn Tuân, góp phần trong việc phân tích, hiểu hơn về tác phẩm Người lái đò sông Đà.
Qua khảo sát tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, chúng tôi nhận thấy trong tác phẩm nhà văn đã sử dụng các biện pháp tu từ nổi bật sau:
Thứ nhất, sóng đôi cú pháp là biện pháp tu từ có gốc gác từ văn chương biền ngẫu thời trung đại. Trong phú, văn tế, câu đối, thơ, và cả trong văn xuôi, từng cặp câu, từng ngữ đoạn thường đối nhau chan chát về từ loại, thanh điệu, ý nghĩa. Trong những trang viết của mình, Nguyễn Tuân đã vận dụng thủ pháp sóng đôi một cách linh hoạt, làm cho câu văn hài hòa, đầy ấn tượng.
Ví dụ trong câu: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích thưở xưa”. Phép sóng đôi tạo cho câu văn thế cân đối, đều đặn, nhịp nhàng, làm hiện lên hình ảnh một dòng sông vừa huyền sử, vừa thơ mộng lại vừa trữ tình. Việc lặp lại cấu tạo một câu như vậy đã không làm mất đi sự năng động, linh hoạt trong cấu trúc của câu văn. Sử dụng phép sóng đôi làm câu văn Nguyễn Tuân vừa mang sắc thái đĩnh đạc, cổ kính, lại vừa rất mới mẻ, hiện đại. Có được hiệu quả này là do Nguyễn Tuân đã biết xử lí tinh tế, lựa chọn và sử dụng từ ngữ một cách mới mẻ cùng với phép so sánh tu từ sáng tạo.
Thứ hai, sóng đôi cú pháp thực ra cũng là một kiểu phép điệp: điệp cấu trúc. Nhưng sự lặp lại chỉ diễn ra ở từng cặp đối ứng, nên khả năng mở rộng, phức hóa câu dù sao vẫn bị hạn chế. Phép điệp của tu từ cú pháp là sự biến đổi về chất so với sóng đôi, phá vỡ giới hạn của nó, mở ra nhiều hướng phát triển phong phú cho câu. Bởi “Phép điệp trong câu có tác dụng kích thích tâm lí của người tiếp nhận: một yếu tố nào đó xuất hiện nhiều lần sẽ khiến người ta chú ý”. Về phía người viết, phép điệp có tác dụng tô đậm, khắc sâu một ấn tượng, một cảm xúc, một nhận xét, và trong nhiều trường hợp, nó tạo nên một nét nhấn trong âm điệu lời văn.
Ở Người lái đò sông Đà, phép điệp được Nguyễn Tuân sử dụng trong nhiều câu văn nhằm tô đậm hình ảnh miêu tả với một sắc thái mới, gây ấn tượng với người đọc. Ví dụ: “Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng trăm cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy”. Trong câu văn, phép điệp được sử dụng đã phát huy triệt để hiệu quả nghệ thuật. Hình ảnh nước, đá, sóng liên tiếp, trùng điệp, hòa lẫn vào nhau được gợi nên một cách đầy ấn tượng nhờ cách diễn đạt sáng tạo “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió”. Câu văn của Nguyễn Tuân như một bức tranh 3D sống động khiến cho người đọc có cảm giác như mình đang tận mắt chiêm ngưỡng cảnh tượng kì vĩ thiên nhiên, núi rừng Tây Bắc.
Hay ở câu: “Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi, lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”. Câu văn lặp lại “như là” ba lần với thủ pháp so sánh kép gợi cho người đọc một ấn tượng mạnh về tiếng thác nước. Với cách miêu tả của Nguyễn Tuân, người đọc cảm nhận được cái kì bí, man sơ của cảnh rừng thiêng nước độc.
Ở câu: “Làm cái nghề vận tải đường nước này thật là vất vả, người cứ dựng đứng lên mà luôn tay, luôn chân, luôn mắt, luôn gân và luôn tim nữa”. Cái khác biệt ở câu này không phải là sự lặp lại từ “luôn” mà là những yếu tố đi kèm với nó. “Luôn tay”, “luôn chân”, “luôn mắt” là những kết hợp quen thuộc, đến “luôn gân” đã có vẻ lạ lẫm, nhưng khi nghe ”luôn tim” thì ngư?i ??c kh?ng kh?i ng? ng?c, c?i l? ?? th?nh ngh?ch d? b?i l?i k?t h?p t? b?t th??ng. N?u d?ng ri?ng ra,?ời đọc không khỏi ngơ ngác, cái lạ đã thành nghịch dị bởi lối kết hợp từ bất thường. Nếu dùng riêng ra, “luôn tim” có vẻ vô nghĩa, nhưng đặt trong quan hệ với những “luôn tay”, “luôn chân”, “luôn mắt” thì nó bỗng phát ra một ý nghĩa phong phú và thú vị không ngờ.
Ở những câu văn như trên, yếu tố lặp tuy không đóng vai trò là những “tín hiệu thẩm mĩ”, nhưng nhờ vai trò liên kết của nó, vẻ đẹp trong hình ảnh của các câu vừa tỏa ra nhiều hướng, lấp lánh nhiều màu, lại vừa cùng chụm vào soi sáng ý nghĩa của một đối tượng. Trong sử dụng phép lặp, Nguyễn Tuân luôn song song kết hợp với phép so sánh tu từ mới lạ càng làm cho câu văn tăng sức độc đáo và giàu giá trị biểu đạt.
Thứ ba, tách câu (còn gọi là chiết cú) “là một biện pháp tu từ cú pháp nhằm tách các bộ phận của một câu có cấu trúc ngữ nghĩa - ngữ pháp thống nhất thành những phát ngôn biệt lập bằng một chỗ ngừng, hay một dấu chấm ngắt câu, với một dụng ý đặc biệt, hoặc do nhịp cảm xúc của giọng văn”. Xét trong nội bộ một câu, biện pháp tách câu “là sự cố ý vi phạm chuẩn mực cú pháp”. Những câu như thế không thể đứng độc lập. Tuy nhiên trong văn bản, nó lại tồn tại một cách hoàn toàn hợp lí. Thành phần thiếu khuyết trong câu tách biệt (chẳng hạn danh từ làm chủ ngữ) dường như đã được giải thích bằng sự có mặt của nó ở câu trước đó mà nó có quan hệ tất yếu về ngữ nghĩa.
Câu tách biệt thường có cấu tạo khá giống nhau. Nó có thể là một từ, một cụm danh từ, cụm tính từ hoặc cụm động từ được tách ra từ một câu. Văn chương Nguyễn Tuân không hề đơn điệu. Luôn phức hóa, nhưng khi cần, ông cũng biết đơn giản hóa đến tối đa. Trong Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân ưa sử dụng lối tách câu với một dụng ý tu từ rõ rệt. Có khi là để khẳng định, nhấn mạnh. Ví dụ: “Hùng vĩ của sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà còn đó là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông ở chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu”.
Cũng có khi, Nguyễn Tuân tách câu để miêu tả nhịp điệu diễn biến của sự việc, hay nhịp điệu cảm xúc vừa là để nhấn mạnh, bằng cách chen vào những câu liên tưởng như: “Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người”. Câu văn
“Mà tịnh không một bóng người” trở thành một ngữ trực thuộc trong đoạn văn trên để nhấn mạnh không gian tĩnh lặng nên thơ của khúc sông mà nhà văn miêu tả.
So với ngôn ngữ khoa học, việc dùng các kiểu câu tách ra là một sự vi phạm chuẩn mực. Để đạt hiệu quả tối đa trong miêu tả, Nguyễn Tuân sử dụng tách câu như một thủ pháp nghệ thuật cần thiết.
Thứ tư, giải ngữ còn gọi là phụ chú ngữ, là biện pháp tu từ cú pháp, trong đó, người ta “dùng một từ, một cụm từ hay một câu, một chuỗi câu xen vào câu chính để lí giải, nhấn mạnh hoặc bổ sung một giọng điệu khác với giọng điệu kể hay giọng trình bày các lập luận”. Giải ngữ được dùng khá phổ biến trong văn chính luận, trong văn xuôi nghệ thuật và thỉnh thoảng trong thơ.
Trong lời văn Nguyễn Tuân, có những giải ngữ chỉ nhằm giải thích thuần túy, giúp người đọc hiểu rõ về đối tượng . Ví dụ trong câu: “Tôi không muốn sau này làm phim truyện hoặc phim kí sự (tôi không muốn dùng mấy chữ phim tài liệu) màu về sông Đà, nếu muốn phản ánh lên cái dữ tợn và cái lớn của sông Đà của thác sông Đà, cũng phải đưa ống quay phim lên tàu bay”.
Có trường hợp, giải ngữ đảm trách chức năng của một định ngữ nghệ thuật. Ấy là khi qua giải ngữ, tác giả cấp cho ta những thông tin cụ thể, tỉ mỉ, chính xác về một khía cạnh nào đó của đối tượng: “Tôi sợ hãi mà nghĩ đến một anh dũng cảm dám ngồi vào một cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả thuyền cả mình cả máy quay xuống đáy cá hút sông Đà - từ đáy cái hút nhìn ngược lên vách thành hút mặt sông chênh nhau tới một cột nước cao tới vài sải”.
Giải ngữ vốn tồn tại trong câu văn Nguyễn Tuân như một nhánh phụ, ít quan trọng so với các thành phần khác, do vậy, dùng nó, thêm một dịp nhà văn được tự do phát triển câu văn theo sở thích của mình. Giải ngữ cũng góp phần làm toát lên cái giọng văn riêng, hết sức đặc biệt của Nguyễn Tuân.
Tóm lại, là một cây bút luôn có ý thức sáng tạo, đổi mới trên cả hai bình diện nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn chương, trên các trang viết của mình, Nguyễn Tuân đã thể hiện nhiều khổ công tìm tòi, sáng tạo. Mỗi câu văn của Nguyễn Tuân là cả một “lộ trình”. Đó là lộ trình hiện đại hóa của câu văn quốc ngữ, vừa phản ánh khá rõ nét những đặc điểm phong cách ngôn ngữ của một cá nhân. Nguyễn Tuân luôn luôn nỗ lực tránh những lối mòn, vượt những khuôn mẫu, dùng phép tắc chung theo cách riêng của mình để nói lên tiếng nói của chính mình. Với cách nói vừa chuẩn mực vừa “chệch chuẩn”, câu văn của Nguyễn Tuân vì thế luôn hấp dẫn với những hình ảnh mới lạ, độc đáo và nhiều khi cũng bắt buộc người đọc phải dừng lại một chút để suy ngẫm mới có thể hiểu hết được.
Ý kiến bạn đọc