Hẳn chúng ta sẽ không quên hai tiếng “đồng chí” của Chính Hữu vang lên đầy xúc động, là cách cắt nghĩa về tình đồng đội trong kháng chiến: Đồng đội ta/ Là hớp nước uống chung/ nắm cơm bẻ nửa. Là khi hết chiến chinh, trở về với đời thường, Nguyễn Duy cũng tạo nên một dấu mốc ngôn ngữ bằng thơ: Ta là dân/ vậy thì ta tồn tại. Bởi thế việc nhìn nhận lại sự vận động của ngôn ngữ thơ giai đoạn này là điều đáng được chú ý.
Thơ Việt Nam nói riêng (văn học Việt Nam nói chung) từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến 1975 đảm đương nhiệm vụ phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu. Thơ ca đã phản ánh khá toàn diện hai cuộc kháng chiến vĩ đại của rất tộc. Thơ trở thành lời kêu gọi, lời động viên khối đoàn kết dân tộc (Thơ là tiếng nói đồng ý và đồng tình, tiếng nói đồng chí - Tố Hữu) theo một khuynh hướng chủ đạo là khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn (cách mạng).
Về mặt đề tài, thơ ca giai đoạn này phản ánh những phong trào thi đua, những tấm gương anh dũng như: mẹ Suốt, chị Trần Thị Lý, Lê Anh Xuân, Lượm…
Về mặt ngôn ngữ, để đáp ứng được nhiệm vụ chính trị, thơ ca phải sử dụng những từ ngữ thông dụng, đang đươc các tầng lớp nhân dân tiếp cận như: “đồng chí”, “kháng chiến”, “du kích”, “mặt trận”… Đi kèm với nó là cú pháp thơ thông dụng, theo công thức A là B; A như B:
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
(Tố Hữu)
Trời xanh đây là của chúng ta
(Nguyễn Đình Thi)
Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta như vợ như chồng…
(Chế Lan Viên)
Sau ngày 30-04-1975, miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất. Tuy vẫn chưa ngớt tiếng súng, vẫn có những người lính phải ngã xuống ở chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, trên dải đất hình chữ S suốt từ đỉnh Lũng Cú hùng vĩ đến mũi Cà Mau xa xôi nhân dân ta đã bước vào thời kì xây dựng đất nước. Sau gần 30 năm sống trong một hoàn cảnh đặc biệt vừa xây dựng vừa chiến đấu, khi bước sang một thời kì lịch sử mới, giai đoạn không có tiếng súng nhưng cũng không hề bình lặng. Cuộc sống thời bình với bao khó khăn và thử thách sau chiến tranh, với bao nhiêu vùng khuất lấp trong đời sống xã hội, trong mỗi con người chính là những vấn đề cấp thiết mới. Ngoài một bộ phận các sáng tác với nguồn cảm hứng ca ngợi những chiến công lẫy lừng của dân tộc và khắc hoạ những tấm gương anh hùng, bản thân văn học đã có một sự chuyển biến mạnh mẽ.
Thơ ca ở thời kì này tuy không chiếm một số lượng lớn về tác giả tác phẩm (xét ở phương diện kết tinh và và những tên tuổi lớn), không có vị trí tiên phong như phóng sự, truyện ngắn, kịch, không đạt đến những đỉnh cao như tiểu thuyết (với Bảo Ninh, Lê Lựu, Nguyễn Khải…), như truyện ngắn (với Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp…) nhưng bù lại, sự thay đổi điểm nhìn, bút pháp của các cây bút đã trưởng thành trong giai đoạn trước như Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Hoàng Nhuận Cầm, Y Phương, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Đoàn Thị Lam Luyến… đã để lại những dấu ấn khó phai mờ. Với ưu thế đặc thù của thể loại như dễ nhớ, dễ thuộc, trực tiếp bộc lộ cảm xúc nội tâm, thơ ca đã tạo ra những cuộc bứt phá lớn trong bản thân địa hạt của mình và góp phần tạo nên một diện mạo chung cho văn học. Qua lịch sử thi ca hàng nghìn năm đã cho thấy một điều, bản thân ngôn ngữ thơ không chỉ đóng vài trò là chất liệu, kí hiệu biểu đạt mà còn là dấu hiệu để nhận diện tư duy thơ. Tất nhiên với điều kiện ngôn ngữ thơ phải được đặt trong tổng thể của nó là cấu trúc nghệ thuật. Thơ ca Việt Nam thời Trung đại, sử dụng văn tự Hán, thi luật và thi pháp cổ điển để tạo nên sự đăng đối và tăng sức gợi để truyền tải những tâm sự về thế sự. Trong một bài thơ ở thời điểm đó, ý tứ sâu xa của người viết thường nằm ở những nhãn tự (mắt chữ). Những nhãn tự này ẩn chứa ngụ ý giáo lí để người đọc ngẫm ngợi rèn rũa tâm tính. Điểm mạnh của thơ trung đại là tạo ra được ý nghĩa giáo dục rõ nét, khắc sâu trong tâm trí người đọc. Tuy nhiên, với thủ pháp ước lệ, tương trưng đã không thể hiện nhiều được cảm xúc, không phản ánh đầy đủ và sâu sắc tâm trạng của người nghệ sĩ.
Thơ hiện đại không quá lệ thuộc vào quy tắc thể loại, câu chữ có phần phóng túng hơn và ý tưởng chủ đạo của thi phẩm thường nằm ở tứ thơ và sự thể hiện của toàn thể cấu trúc. Tuy nhiên điều đó cũng không làm mất vị thế của ngôn ngữ thơ. Với thơ hiện đại, tính ước lệ đã không còn, thay vào đó là sự hình thành nên mã ngôn ngữ riêng của mỗi nhà thơ.
Việc đánh giá thơ giai đoạn từ 1975 đến nay đã vấp phải không ít khó khăn đặc biệt là ở những sáng tác của các tác giả trẻ (thơ trẻ) và thơ Tân hình thức. Tác giả Ngữ Nam cho rằng: cây bút thơ trẻ đang tự ám thị mình trong sự hãnh tiến tự thân mà không cần biết đến thái độ dửng dưng của độc giả” thậm chí trong một xu hướng mà tác giả gọi là: đang tịnh tiến đến “điểm chết”. Trong khi, nhiều ý kiến khác đang thể hiện rõ sự lạc quan. Vậy đâu là câu trả lời thuyết phục người đọc. Có lẽ chỉ khi chúng ta nhìn nhận một cách khái quát cả quá trình vận động và chờ đời sự thanh lọc, lắng đọng của thời gian mới có thể tìm ra đáp án cho vấn đề này.
Ý kiến bạn đọc