Làm giàu ở xứ sầu riêng Ngũ Hiệp

Đăng lúc: Thứ hai - 19/04/2010 09:55
Làm giàu ở xứ sầu riêng Ngũ Hiệp

Làm giàu ở xứ sầu riêng Ngũ Hiệp

Cù lao Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang bước vào vụ sầu riêng mới trong tâm trạng phấn khởi bởi giá khá cao. Hiện sầu riêng khổ qua xanh được thương lái mua tại vườn với giá 9.000 đồng/kg, sầu riêng cơm vàng hạt lép 26.000 đồng/kg… Đây là mức giá đảm bảo cho nhà vườn thắng đậm.

Đổi đời nhờ sầu riêng

Đến cù lao Ngũ Hiệp những ngày này đâu đâu cũng thấy sầu riêng bạt ngàn, “nhà nhà trồng sầu riêng- người người trồng sầu riêng”. Chị Nguyễn Thị Thúy, Phó chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp, mừng ra mặt: “Sầu riêng là thế mạnh của xứ cù lao này đó, nhiều gia đình vươn lên khá giả, xây nhà kiên cố, nuôi con ăn học… đều nhờ sầu riêng”. Để chứng minh thực tế, chị Thúy đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Chàng, chủ vườn sầu riêng rộng hơn 2 ha ở ấp Tân Sơn. Nhìn vườn cây sai trái, ước tính vụ này thu nhập không dưới 400 triệu đồng. Anh Chàng, cho biết hồi trước khi chưa trồng sầu riêng cuộc sống gia đình cứ mãi thiếu trước hụt sau. Trồng nhãn, nuôi cá… đều không hiệu quả. Thấy nhiều người trồng sầu riêng phất lên nên anh Chàng mạnh dạn lên vườn làm theo. Cần cù chịu khó, từ sáng sớm đến tối mịt bám miết ngoài vườn. Sau 5 năm chăm sóc, vườn sầu riêng của anh mang lại hiệu quả rõ rệt, thu nhập mỗi năm từ 300- 400 triệu đồng trở lên, cao gấp nhiều lần so với các loại cây khác. Cũng vươn lên từ cây sầu riêng, anh Lê Văn Lộc ở ấp Thủy Tây cho biết, chỉ 3 ha đất nhưng hàng năm mang về từ 400- 500 triệu đồng. Ở nông thôn mức thu nhập như thế chỉ vài năm là đã đổi đời. Dù vậy, anh Lộc vẫn chưa chịu dừng lại mà còn phát huy lợi thế của xứ cù lao sông nước hữu tình để lập “vườn du lịch sinh thái” dưới tán sầu riêng thu hút đông đảo khách thập phương về tham quan, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định.

Theo UBND xã Ngũ Hiệp, từ khi sầu riêng trở thành cây trồng chủ lực đã thúc đẩy kinh tế của xã phát triển mạnh. Khoảng mười năm trở lại đây bộ mặt nông thôn mỗi ngày mỗi mới theo tán lá sầu riêng. Nhà tường mọc lên theo từng vụ trái. Ông Thái Văn Tư, nông dân ấp Thủy Tây kể: Từ 1992 về trước, vùng đất cù lao trồng lúa năng suất chỉ khoảng 3 - 3,5 tấn/ha, những tháng gần tết bà con phải đi tứ xứ làm thuê. Từ khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất đến giờ không còn cảnh bỏ quê, tất cả đều bám vườn sầu riêng để hốt bạc.

Lão nông Nguyễn Hòa Thuần, người có thâm niên trồng sầu riêng mấy chục năm ở Ngũ Hiệp kể: Năm 1970, cả gia đình 10 người từ đất liền di cư về cù lao sinh sống. Hồi đó, chiến tranh loạn lạc, đâu ai nghĩ đến chuyện trồng cây ăn trái. Do đó khi thấy ông mang sầu riêng về trồng một số hộ thấy lắc đầu, bảo trồng sầu riêng biết chừng nào có trái? Bà con không biết nên mới hỏi vậy còn bản thân ông biết trồng sầu riêng, nên chẳng lo gì. 60 cây sầu riêng trong vườn lần lượt bén rễ và lớn lên qua từng năm tháng của đạn bơm, đến sau năm 1975 thì sầu riêng bắt đầu ra hoa kết trái. Thời ấy bán sầu riêng thu tiền về phát ham, có khi một cây sầu riêng mua được cả lượng vàng, trong khi trồng lúa chỉ được 15 - 17 giạ/công. Thấy ông Thuần trồng sầu riêng có hiệu quả nên nhiều người làm theo. Từ đó vườn sầu riêng phát triển liên tục, đời sống dân cù lao Ngũ Hiệp thay đổi từng ngày. Bản thân ông Thuần từ 0,4 ha sầu riêng ban đầu, nay đã có trong tay đến 5 ha.

Triển vọng tương lai

Theo UBND xã Ngũ Hiệp, cho biết đất Ngũ Hiệp rất phù hợp để phát triển cây sầu riêng, tuy nhiên để người dân giàu lên là nhờ chủ trương chuyển dịch đúng đã phát huy tác dụng. Hiện tại xứ cù lao đang chuyển mình theo mô hình nông thôn mới mà Trung ương phát động. Đối với nông nghiệp thì cây sầu riêng là đặc sản “số 1”, đáng mừng là người dân ngày càng ứng dụng khoa học kỹ thuật cho sầu riêng ra trái vụ nghịch hiệu quả, mạnh dạn chuyển đổi giống mới để tăng năng suất và chất lượng đưa thu nhập bình quân của vườn sầu riêng lên mức 100- 150 triệu đồng/ha/năm trở lên. Chị Nguyễn Thị Thúy, Phó chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp hồ hởi,  nông thôn bây giờ văn minh, nhà tường mới ngày thêm mới, xe gắn máy lăn khắp xóm ấp mà không dính bùn, trình độ học vấn tăng, con em vào đại học một ngày một nhiều... Bây giờ ngồi hỏi chuyện Tam nông thì các bác nông dân kể cả ngày không hết…

Ông Huỳnh Hữu Lộc, cán bộ địa chính xã Ngũ Hiệp nói: Nếu không có cây sầu riêng thì xứ cù lao này không thể nào đổi mới. Chỉ tính riêng từ  năm 1992 đến nay khi có chủ trương chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, trong đó phát huy thế mạnh cây sầu riêng thì bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt.  Bây giờ đi khắp xóm ấp hỏi chuyện làm ăn là được nghe bà con “cảm ơn sầu riêng”. Nếu như trước đây muốn ăn sầu riêng  phải đợi đến tháng 4, tháng 5 Âm lịch, nay nhờ ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật nên lúc nào cũng có sầu riêng. Đặc biệt, ngày Tết Nguyên đán đến cù lao Ngũ Hiệp cũng được thưởng thức sầu riêng đặc sản thơm lừng. Theo ông Trần Văn Năm, Chủ tịch Hội làm vườn xã Ngũ Hiệp cho biết: Hai năm nay, nông dân trồng sầu riêng trên cù lao này trúng mùa- trúng giá. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và đảm bảo lợi nhuận cao, Ngũ Hiệp đang khuyến cáo nhà vườn mạnh dạn chuyển đổi giống cũ sang trồng giống sầu riêng cơm vàng hạt lép, Ri- 6, Chín Hóa... Phòng NN- PTNT huyện Cai Lậy đang triển khai thực hiện mô hình trồng sầu riêng theo qui trình Viet GAP để hỗ trợ người dân ứng dụng. Trong xu thế cạnh tranh và hội nhập, Ngũ Hiệp không chạy theo số lượng mà đang chú trọng chất lượng. Bởi chỉ có con đường chất lượng mới đảm bảo tính ổn định lâu dài.

Toàn xã Ngũ Hiệp có 3.459 hộ đang sinh sống trên 1.471 ha với gần 16.000 nhân khẩu. Trong đó, có 3.135 hộ trồng sầu riêng, diện tích hơn 1.257 ha, sản lượng 38.000- 40.000 tấn/năm. Nếu như giai đoạn năm 1990 toàn xã có trên 50% hộ nghèo thì sau khi chuyển dịch kinh tế số hộ nghèo giảm rất nhanh. Mục tiêu của địa phương trong thời gian tới sẽ tiến lên xã văn hóa và xây dựng cù lao Ngũ Hiệp là một xã du lịch theo tiêu chí nông thôn mới. Hiện tại, chính quyền và người dân Ngũ Hiệp đang tất bậc chuẩn bị vườn tược, cây trái… để đón du khách thập phương về tham dự Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất ở Tiền Giang.

Phú Trọng
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 231
  • Khách viếng thăm: 229
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 16925
  • Tháng hiện tại: 2516311
  • Tổng lượt truy cập: 48890438