Hết đá Banh thì... chạy xe ôm

Đăng lúc: Thứ hai - 19/04/2010 10:09
Ông Ba Lành xem lại những bức ảnh thời tung hoành sân cỏ - Ảnh: Vân Trường

Ông Ba Lành xem lại những bức ảnh thời tung hoành sân cỏ - Ảnh: Vân Trường

Họ là những cựu danh thủ bóng đá một thời của ĐBSCL. Họ thuộc ba thế hệ khác nhau và nay phải vất vả mưu sinh kiếm sống. “Bỏ học sớm đi đá banh, đến khi hết thời không có nghề ngỗng gì phải chấp nhận chạy xe ôm thôi” - cựu danh thủ Ba Lành (Đỗ Văn Tiền) nói.

Trưa tháng 4, trời nắng như đổ lửa, ông Ba Lành kiên nhẫn ngồi trên xe máy cũ kỹ chờ khách ở góc đường Yersin - Lý Thường Kiệt (TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Không có khách, ông lấy trong túi nilông treo trên xe mấy bức ảnh trắng đen chụp ông lúc còn đá bóng ra xem. Ông bảo đây là tài sản quý giá đã giữ gìn gần 40 năm qua, trong đó có cả giấy thông hành được chính quyền chế độ cũ cấp đi Singapore và Malaysia đá bóng trong thành phần đội tuyển Thiếu Niên Miền Nam và Quan Thuế Sài Gòn năm 1963.

17 tuổi đá thủng lưới Phạm Văn Rạng

Năm 1961, khi đang học lớp 11 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, ông được tuyển vào đội Thanh Niên Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Năm đó đội của ông có dịp thi đấu giao hữu với đội Quan Thuế Sài Gòn của thủ môn lừng danh Phạm Văn Rạng tại sân Mỹ Tho.

Và cầu thủ ốm tong ốm teo mang áo số 9 Ba Lành đã làm được điều mà nhiều trung phong hàng đầu luôn mơ ước: sút tung lưới thủ môn Phạm Văn Rạng. Ông kể: “Trong một pha tạt bóng từ cánh phải, anh Rạng lao ra đón nhưng tôi lao vào nhanh hơn, bấm bóng qua đầu tung nóc lưới rất đẹp mắt. Trận này đội của tôi thắng 1-0, hạnh phúc không thể quên được”.

Phát hiện tài săn bàn của Ba Lành, một tuần sau thủ môn Rạng (vừa là HLV vừa là đội trưởng Quan Thuế Sài Gòn) đánh xe hơi xuống Mỹ Tho tìm tới nhà, nói thẳng: “Cậu về đá cho đội của tôi đi, tôi sẽ trả lương cao. Cậu muốn đi học trường nào tôi cũng đáp ứng hết”.

Thế là Ba Lành xếp quần áo lên xe. Năm 1963, cũng chính Ba Lành gây chấn động làng bóng đá miền Nam khi đá thủng lưới thủ môn nổi tiếng Đực Hai của đội Tổng Tham Mưu, giúp Quan Thuế Sài Gòn thắng 1-0. Ông Ba Lành nhớ như in: “Tôi đi bóng bên cánh phải, lừa qua một hậu vệ rồi ngoặt bóng lại tung chân trái sút như trái phá vào lưới. Anh Đực Hai đứng như chết trân vì bất ngờ”. Giải vô địch năm 1963, đội Quan Thuế Sài Gòn đoạt chức vô địch.

Trước đó, khoảng năm 1962 Ba Lành được tuyển vào đội Thiếu Niên Miền Nam đi dự giải quốc tế ở Malaysia cùng với đàn anh Phạm Huỳnh Tam Lang, nhưng ông xin ở lại để thi tú tài. Sang năm 1963 ông lại được tuyển. Giải này Ba Lành đã ghi bàn thắng duy nhất bằng đầu giúp đội Nam VN thắng Đại Hàn (Hàn Quốc) 1-0. Năm 1972 Ba Lành trở về Mỹ Tho tiếp tục chơi bóng cho đội Tòa Hành Chính Định Tường để không phải đi lính. Sau ngày đất nước thống nhất, ông đầu quân cho đội Công An Tiền Giang rồi làm trợ lý HLV cho đội tuyển Tiền Giang đến năm 1989.

Cuộc sống khó khăn, gia đình đơn chiếc, ông quyết định rời sân cỏ để mưu sinh bằng nghề chạy xe khách tuyến Tiền Giang - TP.HCM. Bốn năm nay ông chuyển sang chạy xe ôm khi tuổi đã gần 70, phụ tiền chợ giúp vợ ở nhà mở quán cà phê vỉa hè. Bất chợt mắt ông sáng lên: “Người em út của tôi là Đỗ Văn Minh đang là HLV trưởng CLB Tiền Giang ấy. Gia đình ai cũng chơi bóng đá hết, dù biết nghề này rất bạc bẽo”.


Cựu trung vệ Trương Dương Minh Mẫn kiếm sống bằng nghề bán quần áo - Ảnh: Vân Trường

Đá không nổi nữa thì chạy xe ôm

Phải hẹn rất nhiều lần tôi mới gặp được cựu hậu vệ biên trái Lâm Quốc Thái nổi tiếng của tuyển Tiền Giang. “Tôi đang chở khách đi Bến Tre... Tôi đang chở nước đi giao cho người ta rồi...”. Đó là công việc hằng ngày của anh Thái gần chục năm nay.

Nhưng anh Thái chỉ kể một ít chuyện trong cuộc đời quần đùi áo số của mình suốt 16 năm với điều kiện: “Tôi không đồng ý cho chụp ảnh đâu. Vợ con đã buồn cả chục năm nay rồi, tôi không muốn họ buồn thêm nữa. Nghề đá banh bạc bẽo vô cùng... Hơn 40 tuổi mà tôi chỉ mới bắt đầu cuộc sống từ con số 0”.

Vừa là đàn anh vừa là thầy của Thái nhiều năm, ông Ba Lành nói về học trò: “Mười năm nay ở Tiền Giang chưa có ai đá hậu vệ biên trái hay như Thái. Chưa thấy ai có khả năng đá banh có đầu óc, không phạm lỗi thô bạo, không bị phạt thẻ vàng như Thái cả. Nó giỏi mà hiền lắm”. Lâm Quốc Thái là một trong ba cầu thủ trụ cột của tuyển Tiền Giang thời còn làm mưa làm gió trên sân cỏ giải A1 và đội mạnh của VN những năm cuối thập niên 1980 cùng với cặp tiền đạo Đỗ Văn Minh và Lê Văn Tám. Cả ba từng được chọn vào đội dự tuyển VN năm 1993.

Quê ở Gò Công Tây, năm 20 tuổi Thái được tuyển vào đội trẻ Tiền Giang và đoạt hạng ba Giải bóng đá trẻ toàn quốc năm 1984. Năm 1985, đội Tiền Giang của Thái được thăng hạng A1 rồi lên hạng đội mạnh năm 1987. Nhưng năm 1994 bị rớt hạng, Thái xin lãnh đạo cho chuyển đến đội khác để có cơ hội thi đấu đỉnh cao.

Anh kể: “Lãnh đạo Sở TDTT hứa nếu tôi tiếp tục cống hiến vài năm nữa sẽ giữ lại làm nhân viên của sở. Nhưng không ngờ đến năm 1998 tôi nhận được quyết định cho nghỉ vì lớn tuổi. Nhắc chuyện hứa hẹn trước đây, lãnh đạo sở bảo tôi không có bằng cấp gì nên không nhận được, kể cả một chân làm bảo vệ. 16 năm trời cống hiến cho bóng đá tỉnh nhà, tôi rời sân bóng mà không biết đi đâu về đâu”.

Không bằng cấp, không nghề gì khác, gần chục năm nay anh Thái cùng vợ làm đủ nghề để kiếm sống. Chiếc xe Cup 78 cũ mèm mua được từ tiền lương dành dụm hồi còn đá bóng vừa là tài sản vừa là phương tiện để anh Thái chạy xe ôm, chở nước tinh khiết giao cho khách. “Tôi thất nghiệp, sống vất vả cũng vì không được học hành đàng hoàng. Giờ ráng làm để nuôi con gái học ĐH Bách khoa, mong sau này nó không khổ như cha mẹ” - anh Thái tâm sự.

Ghét tiêu cực, bỏ luôn bóng đá

Trong lúc trà dư tửu hậu bên sân bóng ở Trà Vinh, cựu HLV Lương Trung Minh khẳng định: “Tôi chưa từng gặp một cầu thủ nào vừa giỏi về chuyên môn, yêu nghề và liêm khiết như Mẫn hết. Em là niềm tự hào của làng bóng đá ĐBSCL khi được đá đỉnh cao lúc mới 16 tuổi. Tiếc là em giã từ sân cỏ quá sớm”. Người được ông Minh khen hết lời là Trương Dương Minh Mẫn, cựu trung vệ đội Cảng Sài Gòn, Cần Thơ và Vĩnh Long.

Mẫn sinh ra ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh nhưng khởi đầu sự nghiệp ở tỉnh Hậu Giang (nay là TP Cần Thơ). Năm 1987, Mẫn có mặt trong đội hình chính của đội Cần Thơ dự giải A2 toàn quốc khi mới 16 tuổi. Năm 1995, Cần Thơ lên hạng đội mạnh nhưng ngay sau đó bị rớt hạng. Mẫn trở về đá cho đội Vĩnh Long. Trung vệ cao to này được HLV Tam Lang phát hiện và mời về đầu quân cho Cảng Sài Gòn mùa bóng 1997-1998. Anh luôn có mặt trong đội hình xuất phát cùng những tên tuổi như: Hoài Thanh, Hồ Văn Lợi, Huỳnh Hồng Sơn...

Lối đá tỉnh táo, chắc chắn của Mẫn được người hâm mộ yêu thích, đồng đội tin tưởng. Giới phóng viên thể thao TP.HCM từng viết: “20 năm rồi Cảng mới có một trung vệ thép như thế”. Nhưng khi kết thúc mùa giải, Mẫn đã đến gặp HLV Tam Lang năn nỉ xin... về quê. Sau khi kể hết những chuyện “có vấn đề” trong đội bóng, Mẫn quả quyết: “Em xin thầy nghỉ để về quê làm ăn chứ không đá banh nữa. Em không chịu nổi chuyện tiêu cực xảy ra xung quanh mình. Em sợ đánh mất mình lắm”. Lúc này Mẫn mới 24 tuổi, đang rất nổi tiếng trong làng bóng đá đỉnh cao.

Rời TP.HCM, Mẫn về quê chạy xe ôm thì được động viên tiếp tục thi đấu cho đội Cần Thơ. Vì muốn trả ơn nơi đã cưu mang mình, Mẫn lại xỏ giày ra sân. Anh kể: “Hình như mùa bóng 1999-2000 đội Cần Thơ của tôi đá 15 trận liên tục từ vòng loại tới chung kết với Bình Dương mà không bị lọt lưới bàn nào cả. Tôi luôn đá hơn 100% khả năng của mình, để nếu lỡ có ai đó tiêu cực này nọ thì cũng không thực hiện được”.

Năm 2001 bị chấn thương gãy sống mũi, Mẫn quyết định chia tay sân cỏ. Hai vợ chồng đón xe xuống Cà Mau bán vải và quần áo “sida”. Dành dụm tiền mua được căn nhà nhỏ, nhưng chẳng bao lâu anh phải bán vì làm ăn thất bại. Hết vốn, Mẫn và vợ con trở về Cần Thơ, chạy xe ôm, bán quần áo “sida” lề đường, góc phố kiếm sống. Thu nhập không đủ lo cho gia đình, Mẫn xin làm bảo vệ cho siêu thị rồi vọt lên tận Đồng Nai làm công nhân sản xuất bình ăcquy. Độc hại, bệnh tật liên miên, Mẫn về TP.HCM nhờ bạn bè giới thiệu vào làm quản lý nhà hàng cho cựu trọng tài Bùi Như Đức một thời gian.

Hai năm nay Mẫn về quê vợ ở Hậu Giang tiếp tục nghề bán vải và quần áo bình dân ở bất cứ chỗ nào có thể, từ chợ huyện đến chợ xã. “Thu nhập của hai vợ chồng khoảng 60.000 đồng/ngày. Chắt chiu cũng đủ sống. Chiều tôi còn huấn luyện cho các đội bóng phong trào tại địa phương để đỡ nhớ. Tôi vẫn muốn trở lại với sân cỏ bằng nghề huấn luyện, hoặc quản lý sân bóng mini cũng tốt. Dĩ nhiên tôi muốn làm bóng đá sạch” - anh Mẫn nói ước mơ của mình.

Vân Trường
(Theo Tuổi Trẻ)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 257
  • Khách viếng thăm: 255
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 3347
  • Tháng hiện tại: 2285004
  • Tổng lượt truy cập: 48659131