Quê ông Danh ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông Danh tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 261 (Đồng Tháp). Sau hòa bình, ông và vợ quyết định chọn xã Mỹ Thành Bắc làm quê hương thứ hai của mình. Họ gần như khởi đầu bằng đôi bàn tay trắng trên 4 công đất nền bót cũ đã hoang hóa ở ấp 5, vì không có vốn sản xuất. Sáu đứa con lần lượt ra đời trong cảnh nhà thiếu trước hụt sau. Đối diện với những khó khăn của đời thường, nhưng lòng kiên trì và quyết tâm đã thôi thúc ông không ngừng phấn đấu. Vợ chồng ông cần cù phát hoang, tháo gỡ bom mìn, chọn cách trồng chuối, mì để lấy ngắn nuôi dài. Dần dần trên nền bót hoang hóa ngày nào đã hình thành mảnh vườn nho nhỏ tươi xanh ,không phụ mồ hôi người tần tảo. Nhưng khó khăn không chỉ dừng lại ở đó. Là một xã vùng sâu giáp ranh Đồng Tháp Mười, hầu như năm nào người dân xã Mỹ Thành Bắc đều phải gánh chịu cảnh lụt lội. Không ít lần, thành quả lao động của vợ chồng ông Danh đều đổ sông đổ biển. Thấy làm nông không khá, không đủ nuôi sống gia đình, ông bàn với vợ tăng thu nhập bằng cách chăn nuôi. Chịu khó học kinh nghiệm của những nông dân đi trước, ông cùng vợ đã xây dựng có hiệu quả mô hình VAC trên mảnh vườn nhỏ của mình. Lúc nào trong chuồng cũng có trên 10 con heo sinh sản. Xung quanh vườn ông trồng bưởi, dưới ao thả cá điêu hồng. Phân heo dùng vỗ béo đàn cá và bón cho cây trái thêm tươi tốt. Từ mô hình VAC khép kín này, mỗi năm gia đình ông Danh thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Đáng khâm phục hơn nữa ở ông Danh là tinh thần cầu tiến, tháo vát và linh động trong việc làm ăn. Thấy mô hình chăn nuôi nào kém hiệu quả, ông linh hoạt chuyển đổi. Ngoài mô hình chăn nuôi heo sinh sản được duy trì hàng chục năm nay, ông Danh còn "thử nghiệm" thêm các mô hình chăn nuôi mới như thỏ, dê, cút... Tiết kiệm trong chi tiêu, tích lũy vốn trong lao động, vợ chồng ông dần thoát khỏi khó khăn và vươn lên khá giả, có điều kiện lo cho các con học hành...
Gắn bó với Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Thành Bắc từ những ngày đầu mới thành lập, tính đến nay, ông Danh đã có hơn hai mươi năm đồng hành cùng phong trào của Hội Cựu chiến binh địa phương. Ông còn là gương sáng về sự gương mẫu, hăng hái trong các hoạt động chính trị - xã hội, tích cực phối hợp hoạt động với các ngành, đoàn thể. Đặc biệt, ông còn góp công cùng các đồng đội xây dựng Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Thành Bắc đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh nhiều năm liền.
Từ người lính trở về đời thường phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, ông Nguyễn Hoàng Danh đã vượt khó, thoát nghèo và vươn lên khá giả. Gia đình ông là gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương, ông là điển hình cựu chiến binh sản xuất giỏi nhiều năm liền và là chiến sĩ thi đua cơ sở.
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc