Để cho trái cây ngon và ngọt!

Đăng lúc: Thứ hai - 19/04/2010 09:53
Nhiều loại trái cây ĐBSCL rất ngon, nhưng không được chú trọng hình thức nên thường bị thua tại sân nhà

Nhiều loại trái cây ĐBSCL rất ngon, nhưng không được chú trọng hình thức nên thường bị thua tại sân nhà

Theo các chuyên gia thì lợi thế của vùng ĐBSCL là có nhiều loại trái cây nhiệt đới rất ngon mà thế giới không cạnh tranh được, chẳng hạn như bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn... Vậy mà cứ đến mùa thu hoạch rộ thì nông dân chưa vui vì tình trạng được mùa, mất giá!

* Trái cây rất ngon, nhưng...

Theo ông Đàm Văn Hưng, chủ một cơ sở chuyên xuất khẩu bưởi da xanh tại Bến Tre thì khác với trái cây Trung Quốc, nhiều loại trái cây của Thái Lan   hơn ta về mẫu mã và chất lượng . Ví dụ như măng cụt, do người trồng không xử lý được mủ bên trong ruột, trong khi măng cụt Thái thì không có hoặc rất ít mủ. Tương tự, bòn bon của mình trái không đều, bòn bon Thái thì trái đều hơn và chuỗi rất dài, cơm nhiều, hạt lại nhỏ. Do vậy mà ở vùng Chợ Lách, Bến Tre  hễ tới mùa đụng hàng Thái thì xoài, me, bòn bon, măng cụt... đều rớt giá. Chỉ có bưởi da xanh là "thách thức" với hàng Thái và Trung Quốc.

Nhưng theo ông Lưu Minh Tâm, một thương nhân kinh doanh trái cây tại chợ đầu mối Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, Tiền Giang), thì: "Trái cây Trung Quốc rẻ hơn còn có lý do là hàng trữ lạnh lâu ngày, chỉ cần mua để vài ba ngày là bị hư. Khi thương nhân của họ tới đây mua bưởi, thay vì mua trái chín vàng, họ lại chọn mua bưởi còn xanh lè rồi xử lý nhúng vào nước gì đó, dán nhãn hiệu, vô bao lưới rồi chở đi tiêu thụ. Nhưng tôi thấy cũng lạ là trái cây xứ mình rất ngon ,tại sao dân mình lại cứ thích đi mua trái cây ngoại. Như bưởi da xanh từ đây chở ra Hà Nội khoảng chừng 3 ngày thì chín tới, ăn rất ngon. Có khi bán chậm 4-5 ngày mới hết hàng mà trái bưởi vẫn bình thường. Thậm chí để càng lâu thì bưởi bớt the, ăn rất ngọt. Trong khi đó thì cam, quýt Trung Quốc nhìn bên ngoài rất bắt mắt, nhưng nếu để chừng 5-7 ngày thì sẽ... thúi luôn!"

Trái cây ngoại len lõi đến tận các chợ vùng nông thôn

Khi được hỏi vì sao trái cây ngoại vẫn có thể chen chân được ở xứ sở trái cây, TS Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng bộ môn Khoa học cây trồng ĐH Cần Thơ, nói đùa rằng tại dân mình... khoái của lạ! Nhưng theo ông thì những loại trái cây Trung Quốc có mặt tại VN chủ yếu được trồng ở vùng ôn đới, như táo, nho, cam, quýt (màu đỏ), loại này mình không có. Vấn đề quan trọng là trái cây của mình giá thành còn cao nên khó cạnh tranh, dù ngay ở sân nhà, trong khi hàng Trung Quốc thì quá rẻ. Bà con nông dân cũng cần hiểu rằng nếu trồng trên diện tích lớn thì tác động khoa học - kỹ thuật dễ hơn, năng suất cao hơn, mua vật tư rẻ hơn vì khối lượng lớn. Ngược lại, khi bán chỉ cần lời ít nhờ số lượng nhiều. Còn sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp, thì cần có lời nhiều hơn, nhiều trường hợp phải mua vật tư chịu tới mùa mới trả nên giá càng cao. Đến khi bán lại phải qua trung gian nên tiếp tục chịu thiệt.

* Điệp khúc trồng rồi đốn bỏ

Theo TS Lê Hữu Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, Tiền Giang, thì tình trạng giá nông sản cứ bấp bênh là do hệ thống phân phối của mình còn  dở. Đừng nói chuyện xuất khẩu, ngay ở thị trường nội địa, nhưng cũng thiếu sự liên kết giữa các vùng miền. Chính vì vậy mà vào mùa thu hoạch rộ, trong khi trái cây ở vùng này ế ẩm, nông dân khóc vì bán như cho, thì ở vùng khác lại không có. Cái dở nầy là do khâu vận chuyển và phân phối, mà vận chuyển và phân phối hiện nay hoàn toàn do thương nhân làm. Hậu quả là khi nhãn rớt giá thì nông dân đốn nhãn, trồng sầu riêng. Đến khi nhãn có giá thì lại đốn sầu riêng trồng nhãn. Cái vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại. Đây là nỗi khổ của nông dân và cũng là nổi khổ của cán bộ kỹ thuật gần dân. "Bởi vì về kỹ thuật thì mình biết, nhưng không thể làm gì được. Chẳng ai dám nói bà con nông dân nên trồng loại cây gì, vào thời điểm nào để... không bị rớt giá! Bởi vì tầm nhìn của mình chỉ qua khỏi huyện là hết rồi, không có thông tin về thị trường". Ông Hải than thở.

Trái cây vùng ĐBSCL nổi tiếng là rất ngon nhưng việc đóng gói bảo quản còn quá sơ sài

Để không lặp lại tình trạng được mùa mất giá, theo TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, thì nhất thiết phải quy hoạch và tổ chức lại sản xuất. Trước hết là phải tập hợp nông dân lại thông qua mô hình hợp tác xã. Bởi xu hướng tiêu dùng của thế giới bây giờ không chỉ là an toàn mà còn phải ngon và rẻ. Mà muốn có giá thành rẻ thì phải trồng theo quy mô và đúng quy trình kỹ thuật để có năng suất cao. Mặt khác, thông qua hợp tác xã thì đường đi của trái cây sẽ ngắn hơn, giá sẽ rẻ hơn vì bớt khâu trung gian. Đáng tiếc là hiện nay việc đầu tư, hỗ trợ cho các hợp tác xã còn quá thấp và chủ yếu là hỗ trợ bằng chính sách. Như xoài cát Hòa Lộc của Tiền Giang dù rất nổi tiếng, nhưng diện tích còn manh mún. Vú sữa Lò Rèn cũng vậy, dù có thương hiệu và được trồng theo mô hình Global GAP, nhưng sản lượng xuất khẩu chỉ tính từng tấn thì quá ít.

Tồn tại lớn nhất hiện nay, theo ông Châu là chưa có sự liên kết giữa nông dân với nông dân và cũng chưa có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, mặc dù chủ trương liên kết 4 nhà theo quyết định 180/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có gần 10 năm rồi.

* Nông dân phải liên kết lại

Để có lợi thế cạnh tranh xuất khẩu thì trước hết phải có sản lượng lớn và chất lượng ổn định. Muốn vậy thì phải trồng quy mô, đúng kỹ thuật, vì nhà khoa học không thể tập huấn cho từng nông dân riêng lẻ và doanh nghiệp cũng không thể đến từng hộ dân để mua sản phẩm được. Nếu cứ mạnh ai nấy trồng, tự phát, không có sự điều hành, phối hợp từ trên xuống thì khó thoát được tình trạng được mùa, rớt giá. Đây là vấn đề tồn tại lâu nay ai cũng biết, nhưng đến giờ vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra tháo gỡ bế tắc nầy. Theo TS Nguyễn Bảo Vệ thì: "Người nông dân không thể làm ra sản phẩm rồi tự mang đi chào bán. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu thì cứ loay hoay mua gom rồi bán lại, có gì bán nấy, mà không tổ chức được vùng nguyên liệu cho riêng mình. Cần phải có một nhạc trưởng chỉ huy".

Thực tế cho thấy người nông dân hoàn toàn có thể sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP hoặc Global GAP. Nhưng làm rồi không có thị trường tiêu thụ thì chi phí nông dân bỏ ra ai chịu? "Không thể cứ xuất khẩu theo kiểu "ăn xổi, ở thì" mà trong tay không có vùng nguyên liệu và cũng không có sự tiếp sức cho nông dân. Không thể để nông dân cứ tiếp tục sản xuất theo kiểu ai mua gì thì chạy theo trồng thứ ấy mà phải định hướng và sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Tiềm năng của mình rất lớn và nông dân có nhiều kinh nghiệm. Thật là vô lý nếu cứ để người nông dân phải chịu thua thiệt mãi?!" TS Vệ bức xúc.

Hoàng Phương
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 305
  • Khách viếng thăm: 303
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 12329
  • Tháng hiện tại: 2293986
  • Tổng lượt truy cập: 48668113