Khắc khoải tiếng giã bàng!

Đăng lúc: Thứ sáu - 29/10/2010 14:02
Khắc khoải tiếng giã bàng!

Khắc khoải tiếng giã bàng!

Cách đây 10 năm, khi nói đến địa danh huyện mới Tân Phước của tỉnh Tiền Giang, người ta thường nghĩ ngay đến những cánh rừng tràm, đồng bàng, năng, lát mênh mông, bát ngát. Những tưởng cánh đồng năng, lát, bàng đã nhường chỗ cho khóm, lúa, khoai mỡ và cây ăn trái, nhưng các sản phẩm từ bàng như nón, chiếu, giỏ đệm,... đã giúp người dân có thu nhập khá nên cây bàng hồi sinh.

Ai cũng tưởng cây bàng sẽ dần mất đi cùng với tiếng giã bàng đã ăn sâu vào tâm khảm người dân xứ này, nhưng đây đó trong Tân Phước vẫn còn không ít người dân lưu luyến, không nỡ bỏ cây bàng. Một đêm giữa tháng, trăng tròn, chúng tôi đi chợ Cổ Chi ở xã Tân Hội Đông (huyện Châu Thành), ngôi chợ có tuổi đời hơn nửa thế kỷ và cũng là nơi được xem như một trong 3 chợ bán nhiều bàng nhất của Tiền Giang.

Mới nửa đêm mà chợ đã nhộn nhịp. Khu vực bán cây bàng được xem là nhộn nhịp nhất, nằm phía dưới cầu Cổ Chi, cạnh dòng kênh Trương Văn Sanh, nơi thuận lợi để xuồng ghe neo đậu bốc hàng. Nét đặc trưng của chợ bàng là họp từ lúc nửa đêm nhưng tan rất sớm, đến 4 giờ sáng chợ tan. Bà con đi chợ cũng vội vã về nhà để ra đồng, tối về tranh thủ đan đệm, nón và giỏ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Chị Bùi Thị Thu ở ấp Tân Phú, xã Tân Hương vừa xách giỏ đến chợ là lựa bàng để mua. Chị cho biết mỗi lần đi chợ bàng, chị lựa mua 10 đôi bàng (mỗi đôi bàng gồm 3 "neo", mỗi "neo" bằng nắm tay) với giá từ 5.000 - 6.000 đồng/đôi về đan nón đệm gia công, trung bình 10 cái nón/ngày chị cũng kiếm được 15.000 đồng.

Còn bà Trần Thị Năm, xã Khánh Hậu (Long An) vừa neo xuồng là lên bờ để mua bàng về đan đệm. Theo bà Năm, khoảng 3-4 ngày là bà đan xong tấm đệm (tốn 3 đôi bàng) bán được 50.000 - 60.000 đồng, trừ tiền mua bàng, bà còn lời được 20.000 - 25.000 đồng. Anh Lê Hồng Vân, xã Tân Lý Tây (Châu Thành) là người làm nghề đan, thu mua nón gia công xuất khẩu đã 10 năm. Ở mỗi cữ chợ, anh tranh thủ đi sớm  thu mua vài chục đôi bàng về để đan nón, trung bình mỗi ngày gia đình anh đan và thu gom khoảng 300 cái nón. Có thể nói người dân nào ở xã Tân Hội Đông và một số xã lân cận trong huyện Tân Phước cũng đều biết nghề đan giỏ, chiếu, nón từ cây bàng. Bà con nào đi chợ cũng mua về vài "đôi" về đan giỏ, chiếu và nón.

Vào những năm 80 khi còn đi học, tôi đã được mẹ mua cho chiếc cặp đệm vào đầu mỗi năm học mới để đựng tập vở, nhưng chẳng biết làm từ cây bàng. Hôm đi chợ đêm, tình cờ tôi được nghe anh Mai Văn Định (ấp Tân Thới, xã Tân Hội Đông) kể lại chuyện của anh cũng như người dân trong xã gắn bó với cây bàng. Anh Định biết đi nhổ bàng và giã bàng từ lúc lên 10 tuổi. Sau khi nhổ bàng về, bà con thường dùng tấm gỗ và chày để giã cho mềm (sau đó phơi khô rồi mới đan nón). Cứ khoảng 3 giờ sáng là tiếng giã bàng lại vang lên rộn rã khắp cả vùng. Có lẽ vậy mà tiếng giã bàng "cùm, cum" ấy đã ăn sâu vào tâm khảm anh Định đến nỗi khi đi xa, cứ nghe âm thanh ấy là lòng dạ bồi hồi, nhớ quê nhà đến nao lòng cùng với câu thơ: "Gái nào đẹp bằng gái Kiến Vàng; tay xách neo bàng đầu dắt cây ghim"...

Trước kia giã bàng bằng sức người, còn bây giờ bà con sử dụng sức máy để ép bàng. Cây bàng tươi sau khi nhổ về được cho vào máy ép (gồm hai trục thép được kéo bằng máy dầu) ép dẹp ra, phơi khô, ép lại lần nữa rồi mang ra bán cho người đan giỏ, nón. Tại ấp Hưng Phú, xã Hưng Thạnh, gần 90% các hộ gia đình đều biết nghề đan nón, giỏ, đan đệm từ bàng.

Chị Dương Thị Kim Giang, một trong những người mua bàng tươi về phơi, bán lẻ cho bà con đan giỏ, đan nón khoe: mỗi lần chị mua từ 150-300 neo về chở đi ép, tót (tỉa), phơi khô và bán lại, trừ chi chí cũng thu được từ 60.000 - 70.000 đồng/100 neo. Bác Đỗ Thị Phước, 64 tuổi, ở cùng ấp biết nghề đương đệm từ nhỏ, hai mẹ con bác đương một ngày được 1,5 tấm, lời được 30.000 đồng/tấm. "Tuy thu nhập không cao, nhưng nghề này cũng đủ giúp cho gia đình "qua" cũng như bà con ở đây kiếm sống", bác Phước nói.

Hiện nay, các sản phẩm từ cây bàng vẫn hiện diện trên thị trường các tỉnh ĐBSCL và xuất sang Campuchia dưới dạng tiểu ngạch. Đó là chưa kể, mỗi năm có hơn triệu chiếc nón bàng hoặc nón trần pha bàng được xuất đi nhiều nước trên thế giới. Được biết, HTX đan nón Thống Nhất (thị trấn Tân Hiệp, Châu Thành) là cơ sở xuất khẩu nón bàng buông và giỏ bàng sang các nước Trung Đông.

Trước năm 1975, cây bàng hầu như có mặt ở khắp nơi trong vùng Tân Phước và những vùng giáp ranh của tỉnh Long An (trước đây thuộc vùng Đồng Tháp Mười). Chúng mọc thành rừng bàng, hoặc thành chòm hay len lỏi trong rừng tràm. Đến những năm 1980 - 1985, cây bàng dần dần nhường chỗ cho cây khóm, mía, tràm... Đến nay, toàn huyện Tân Phước chỉ còn gần 100 ha trồng bàng, nhiều nhất là ở xã Tân Hòa Đông với hàng chục hộ dân trồng bàng trên diện tích 25 ha.

Ông Ngô Tài Lắm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hòa Đông, cho biết: Từ khi sản phẩm thủ công từ cây bàng "lên ngôi" (nón bàng buông đã được xuất khẩu), cây bàng cũng lên giá nên một số người dân đã quay lại trồng bàng. Thu nhập từ cây bàng hiện nay có thể cao hơn so với trồng lúa ở vùng đất phèn này. Bàng là loại cây thích hợp với thổ nhưỡng của vùng đất phèn nên chi phí đầu tư cho cây bàng rất ít, không bị sâu bệnh nhiều.

Tại ấp Tân Long, xã Tân Hòa Đông, anh Lê Văn Hải là người đã gắn bó với cây bàng trên 10 năm. Đưa chúng tôi ra ruộng bàng 1,5 ha đang phát triển che kín mặt ruộng, anh kể: "Thời gian cấy bàng thích hợp nhất là vào khoảng tháng 11 âm lịch. Sau một năm chăm sóc, 1 ha bàng cho thu hoạch trung bình gần 10.000 neo (nếu chăm sóc tốt có thể đạt năng suất 15.000 neo). Với giá bán trung bình 5.000 đồng/neo, trừ các khoản chi phí, nông dân thu lãi trên 15 triệu đồng. Sau thu hoạch, nông dân tiếp tục làm cỏ, rải phân, khoảng 2-3 tháng sau thì phun thuốc, diệt sâu ống để bàng phát triển. Khi cây bàng đã che kín mặt ruộng thì không cần phải chăm sóc nữa".

Ông Võ Văn Bằng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước cho biết, vài năm trước đây, Liên minh HTX Tiền Giang có đến huyện để khảo sát và dự định phát triển vùng nguyên liệu cây bàng phục vụ xuất khẩu mặt hàng thủ công từ cây bàng, nhưng vì nhiều lý do khách quan lúc bấy giờ như giá cả, thu nhập,... nên đến giờ dự án này vẫn chưa thực hiện được. Hiện Tân Phước vẫn chưa có kế hoạch để phát triển cây bàng, nên chuyện trồng bàng của bà con trong huyện vẫn là tự phát. Ông Bằng day dứt: "Bà con chúng tôi vẫn mong cấp trên sớm thực hiện dự án này - bởi ở những vùng đất nhiễm phèn cao không thể trồng lúa được thì trồng bàng lại rất tốt, đặc điểm thổ nhưỡng của huyện Tân Phước rất phù hợp với cây bàng...".

Nguyễn Hữu
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 208
  • Khách viếng thăm: 203
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 42829
  • Tháng hiện tại: 2487719
  • Tổng lượt truy cập: 48861846