Hỗ trợ vốn cho thanh niên nông thôn ở huyện Cai Lậy: Vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế

Đăng lúc: Thứ ba - 23/03/2010 15:19
Mô hình chăn nuôi heo sinh sản từ nguồn vốn được Hội LHTN hỗ trợ của Trần Minh Hiếu ở ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hạnh

Mô hình chăn nuôi heo sinh sản từ nguồn vốn được Hội LHTN hỗ trợ của Trần Minh Hiếu ở ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hạnh

Đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) huyện Cai Lậy đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động trợ vốn để hội viên phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập. Tuy nhiên, nguồn vốn lãi suất thấp cho thanh niên nông thôn hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
* Đồng vốn - niềm tin

Thời gian qua, từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, thanh niên xã Thanh Hòa đã có thêm cơ hội để phát triển sản xuất - điển hình như Nguyễn Trường Hải ở ấp Thanh Hiệp. Năm 2005, được Hội LHTN xã bảo lãnh cho vay 3 triệu đồng, Hải đầu tư vào mô hình chăn nuôi bò. Cần cù và chí thú làm ăn, sau ba năm, Hải không chỉ hoàn vốn đúng hạn mà còn thu được lợi nhuận khá. Năm 2008, tiếp tục được vay 5 triệu đồng từ dự án chăn nuôi heo sinh sản, Hải đã có điều kiện hoàn thiện mô hình VAC trên 2,5 công đất ruộng trước đây canh tác không mấy hiệu quả. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn heo tăng nhanh số lượng và mô hình VAC của chàng trai trẻ này đang hứa hẹn mang lại thu nhập bền vững. Tuy nhiên, Hải cũng chia sẻ mong muốn: nếu được hỗ trợ số vốn lớn hơn, trong khả năng của mình anh sẽ "làm được điều gì đó nhiều hơn nữa" để tăng thu nhập kinh tế gia đình.

Cuối năm 2009, sau khi kết thúc dự án chăn nuôi bò, Hội LHTN xã Mỹ Hạnh Đông đã triển khai dự án chăn nuôi heo sinh sản cho 47 hội viên với số tiền 200 triệu đồng trong thời hạn 2 năm. Biết thanh niên địa phương gặp nhiều trở ngại về cơ hội nghề nghiệp và nguồn vốn để phát triển kinh tế, những năm qua, Hội LHTN xã chủ động trong việc tìm nguồn hỗ trợ thanh niên lập nghiệp. Nhiều bạn trẻ đã vượt qua khó khăn từ đồng vốn hỗ trợ của Hội. Được vay 4 triệu đồng từ dự án, Trần Minh Hiếu ở ấp Mỹ Hội cho biết, số vốn này đối với anh hết sức cần thiết và kịp thời, tuy nhiên, anh chỉ có khả năng mua thêm con giống chứ chưa thể sửa sang, mở rộng qui mô chuồng trại.

Cũng như nhiều thanh niên khác ở huyện Cai Lậy, những bạn trẻ như Hải, Hiếu đang mong ước làm giàu trên chính quê hương mình bằng khối óc và đôi tay cần cù lao động. Song thực tế, với nguồn hỗ trợ còn hạn chế từ các dự án của Hội LHTN địa phương, họ vẫn chưa đủ "lực" để phát triển kinh tế như mong muốn.

* Vốn vay cho thanh niên: vẫn còn bó hẹp !

Xác định hạn chế lớn nhất của thanh niên nông thôn là trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp thấp, thiếu vốn sản xuất, những năm qua, Hội LHTN huyện Cai Lậy đã có những hoạt động hỗ trợ tích cực cho lực lượng này. Trong hai năm 2008 - 2009, Hội LHTN các xã, thị trấn đã giải ngân 6 dự án vay cho thanh niên với số tiền trên 1,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở Hội còn sáng tạo nhiều hình thức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp thanh niên tiếp thu, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cổ vũ tuổi trẻ làm giàu chính đáng. Đã xuất hiện nhiều điển hình thanh niên lao động sản xuất giỏi, sáng tạo trong kinh doanh, trở thành những "đầu tàu" gương mẫu cho thanh niên địa phương phấn đấu, học tập.

Tuy nhiên, có một thực tế là công tác trợ vốn cho hội viên thanh niên tại huyện Cai Lậy hiện nay vẫn bị bó hẹp về nguồn vốn. Đa số những dự án đã triển khai, mỗi hội viên chỉ được vay trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng - số vốn khá "khiêm tốn" với khát vọng làm giàu của các bạn trẻ. Bên cạnh đó, số lượng hội viên được vay vốn phát triển sản xuất cũng không nhiều. Anh Trần Văn Độ - Chủ tịch Hội LHTN huyện Cai Lậy nhìn nhận: "Đối với những bạn trẻ trụ lại ở địa phương, nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế gia đình là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay do bị động về nguồn vốn, mỗi năm chỉ có khoảng 300 hội viên được trợ vốn từ các dự án - con số quá ít so với nhu cầu của các bạn. Đây là điều mà chúng tôi hết sức trăn trở".

Để tháo gỡ vấn đề này, bốn giải pháp mà Hội LHTN huyện Cai Lậy đặt trọng tâm trong thời gian tới là: phát huy nguồn vốn nội bộ thông qua mô hình góp vốn xoay vòng; triển khai xây dựng Quỹ hỗ trợ thanh niên; đẩy mạnh hơn nữa chính sách trợ vốn bằng những dự án vay có nguồn vốn lớn, dài hạn; tăng cường hơn nữa các mô hình đào tạo nghề phù hợp với từng địa phương, theo nguyện vọng của thanh niên. Tin tưởng rằng, qua sự hỗ trợ tích cực, thanh niên huyện Cai Lậy sẽ có thêm cơ hội nghề nghiệp và phát huy năng lực, trí tuệ trong phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Đây cũng là cách thu hút và gắn kết bền vững thanh niên với tổ chức Hội.

Quế Ngân
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 194
  • Khách viếng thăm: 192
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 35171
  • Tháng hiện tại: 2480061
  • Tổng lượt truy cập: 48854188