Nhọc nhằn nghề cào nghêu

Đăng lúc: Thứ sáu - 26/03/2010 12:16
Nhọc nhằn nghề cào nghêu

Nhọc nhằn nghề cào nghêu

Nhắc đến biển Tân Thành (xã Tân Thành, Gò Công, Tiền Giang), khách sành ăn sẽ liên tưởng đến mùi vị ngọt ngậy của những con nghêu vốn là đặc sản nơi đây. Ăn nghêu chứ có mấy ai biết để đổi lấy những con nghêu to ngọt kia, có những con người phải quanh năm suốt tháng đắm mình dưới biển lạnh căm căm và ăn ngủ trong cảnh gió lùa mưa tạt nơi đầu nguồn cuối bãi.
Vật lộn với sóng gió và nắng

Vào cao điểm của mùa thu hoạch, dễ có hàng ngàn người với lưỡi cào, gùi bọng vác mang sau lưng túa xuống những bãi nghêu trải dọc dài cả chục cây số. Đội quân cào thuê này đều là những nông dân, ngư dân tay trắng hoặc tranh thủ những lúc nông nhàn kiếm thêm thu nhập. Chị Sáu Bình, có thâm niên bám biển cào nghêu gần chục năm, tâm sự: "Nghề này cực lắm, từ lúc xuống biển cào đến khi nhận tiền công từ các chủ bãi, thương lái là cả một trời nước mắt".

Để bắt được nghêu, chị Sáu Bình và hàng trăm "đồng nghiệp" phải chạy đua theo con nước, phải sống cùng con nước và đắng cay vì con nước. Chị cho biết tùy thời điểm mà nước ròng (hạ thấp) vào ngày hoặc đêm. Lúc này đang mùa gió Nam nên mới 3h sáng, khi màn đêm dằng dặc bao trùm biển rộng thì đội quân cào nghêu thuê gồm nam-phụ-lão-ấu túa ra biển. Mặc những cơn gió quất rét buốt vào người, cả thảy họ lần lượt trầm mình giữa biển nước lạnh căm căm rồi bơi mạnh hai đùi vào lớp bùn để hớt những con nghêu be bé (chập nghêu giống) cho vào gùi.

Khoảng 5h sáng, thủy triều hạ dần để lộ những bãi nghêu vốn là những doi cát còn xâm xấp nước thì những người bắt nghêu dùng lưỡi cào hớt nhẹ lên lớp cát để nhặt nghêu. Lưỡi cào rà đến đâu, nghêu hiện ra đến đó, được họ nhặt cho vào gùi. Khi con nước bắt đầu lên cao, những người cào thuê lần lượt cân nghêu cho thương lái ngay tại biển.

Mùa gió bấc, công việc của những người cào nghêu thuê cực hơn. Từ khoảng 10h tối, họ đã phải tề tựu đông đủ tại điểm tập kết nào đó do chủ bãi quy định và sau đó lội ra khơi xa, nơi có chiếc ghe cào của chủ bãi, thương lái đợi sẵn. Sau khoảng 45 phút tiến thẳng ra khơi, ghe đã đưa đội quân cào thuê ra tới bãi nghêu. Để có thể xông trận, phải chờ khoảng 2 tiếng đồng hồ cho nước dần cạn.

Một anh có tên Mười, cho biết: "Nếu đi trễ, thuyền sẽ mắc cạn không thể ra tới bãi được". Trong thời gian chờ đợi, những người cào thuê tranh thủ thời gian bằng cách ngủ gà ngủ gật trên ghe. Đầu mũi ghe, thi thoảng người tài công lại cắm sào xuống biển để thăm dò độ sâu và khi đáy biển cách mặt nước khoảng một mét, anh này sẽ hô gỏn gọn: "Xuống biển" thì lập tức những người cào nghêu thuê sẽ ào xuống, chạy đua với con nước bằng cách cố cào cho thật nhiều nghêu trước khi thủy triều lên.

Mờ sáng xuống bãi và cật lực bới đào.

Và… những đắng cay

Trên bước đường mưu sinh của những người cào nghêu thuê luôn hiện diện bóng dáng của sự nhọc nhằn. "Việc bị vỏ sò, vỏ ốc, mảnh chai cắt tay chân là quá thường. Đời cào nghêu đã nghèo lại còn bị bóc lột thậm tệ, biết nhưng cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt bởi nếu nói ra, chủ bãi không thuê thì sẽ mất việc ngay", một chị  tên Hà, trăn trở: "Thường thì chủ bãi bắt tay với thương lái trong việc thu mua nghêu từ những người cào thuê. Khi nghêu vào mùa, thương lái sẽ thuê mình cào với giá 1.000-1.100đồng/kg. Lúc vét mùa (vét nghêu) thì họ thu vào với giá từ 1.800-2.000đ/kg. Bị bóc lột có nghĩa bị ăn chặn trọng lượng nghêu". Anh thanh niên tên Hải, bất bình: "Bình quân một gùi nghêu đầy nặng 20kg nhưng qua cân của thương lái chỉ còn 18-19 ký… Cũng có khi thương lái không tính cân mà quy  trọng lượng của nghêu theo nấc gùi. Ví như gùi đầy thì 20kg, thấp hơn 1 nấc còn 19kg, rồi 18, 17kg.

Nhưng đó vẫn chưa là đỉnh điểm của sự bóc lột. Sau khi cân nghêu xong, thay vì trả tiền, thương lái với lý do kẹt tiền nên chỉ đưa cho người cào thuê một miếng giấy sơ sài với nội dung ví dụ: "Chín Bình: 30kg x 1.800 = 54.000đ". Cầm giấy này, vài ngày sau người cào thuê mới được chủ trả tiền.

Chị Sáu Bình đắng cay: "Dân cào nghêu toàn nghèo kiết xác, làm được ngày nào thì ăn ngày đó, lắm khi bị mất giấy coi như mất tiền nên chừng nào cầm được tiền trên tay mới yên tâm. Mà muốn có được tiền chỉ có cách bán biên lai tay cho những người thu mua vốn là người nhà hoặc tay chân của thương lái. Với biên lai dưới 40.000 đồng thì bị trừ 500 đồng, 65.000 đồng trở xuống bị trừ 1.000 đồng, trên ngưỡng đó thì đi toi 1.500 đồng".

Một chị tên Loan, bộc bạch: "Cũng có vài chủ bãi tốt bụng nhưng số mình không gặp được họ chú ơi. Nếu bức xúc mà bỏ việc thì đói dài dài bởi phần lớn chủ bãi có liên kết với nhau, nghe tên mình đã dội, đâu dám thuê mướn gì".

Con nước dần cao, những người cào thuê lầm lũi tiến vào bờ để lục đục nấu ăn và nghỉ ngơi cho một ngày mưu sinh mới. Tôi theo Hải, Mười về nhà và không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh cả chục con người phải sống chen chúc trong căn chòi rách nát, tạm bợ chẳng có gì đáng giá ngoài những bộ quần áo cũ mèm và nồi niêu lỏng chỏng. Hải tâm sự: "Chịu cực một chút khỏi tốn tiền thuê nhà bởi nghề này đâu có nhiều tiền! Những khi vào mùa thì nghêu nhiều, bắt được tiền nhưng tháng chỉ được vài ngày thôi. Sau đó, nghêu vơi dần, thu nhập có là bao và khi cạn nghêu rồi, nhiều khi ngồi chơi xơi nước cả chục ngày".

Hành trình mưu sinh của những người cào nghêu thuê là thế, đầy cơ nhọc và đắng cay. Chẳng biết bao giờ người làm công được trả công xứng đáng?

Thành Dũng - Nguyễn Sỹ
(Theo CAND)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 67
  • Khách viếng thăm: 64
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 11091
  • Tháng hiện tại: 1462536
  • Tổng lượt truy cập: 45429769